donderdag 1 april 2021

Miến Điện : Mỹ rút một phần nhân viên ngoại giao, lên án tình trạng bạo lực kinh hoàng + Một hãng vật liệu in tiền của Đức ngừng giao hàng cho Miến Điện

 

Miến Điện : Mỹ rút một phần nhân viên ngoại giao, lên án tình trạng bạo lực kinh hoàng

Người biểu tình cầm cờ đi xe máy phản đối đảo chính, tại Mandalay, Miến Điện, ngày
Người biểu tình cầm cờ đi xe máy phản đối đảo chính, tại Mandalay, Miến Điện, ngày AP

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp kín ngày 31/03/2021 theo yêu cầu của Anh về tình hình tại Miến Điện. Những vụ trấn áp đẫm máu, khiến ít nhất hơn 520 người biểu tình Miến Điện thiệt mạng, kể từ khi xẩy ra đảo chính, đã buộc Hoa Kỳ rút một phần nhân viên ngoại giao ra khỏi quốc gia Đông Nam Á này.

Theo tin nhắn trên mạng Twitter, được AFP trích dẫn, của ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An sẽ họp bàn về quyết định « cắt những nguồn tài chính của tập đoàn quân sự và đưa những nhân vật chịu trách nhiệm về những vụ sát hại tàn bạo ra Tòa Án Hình sự Quốc tế ».

Hoa Kỳ cũng hưởng ứng biện pháp cắt nguồn tài chính khi kêu gọi doanh nghiệp quốc tế ngừng hợp tác với tập đoàn quân sự. Trả lời báo giới ngày 30/03, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đánh giá việc tập đoàn quân sự dùng bạo lực chống người biểu tình là « đáng trách »« tình trạng bạo lực ngày càng đáng lo ngại, thậm chí là kinh hoàng » khi sát hại cả trẻ em dưới 5 tuổi.

Để phản đối hành động của tập đoàn quân sự, đồng thời bảo vệ công dân Mỹ, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho nhiều nhân viên ngoại giao « không trọng yếu » và gia đình họ về nước. Đại sứ quán Mỹ tại Miến Điện vẫn mở cửa nhưng chỉ bảo đảm một số dịch vụ lãnh sự.

Quân đội Miến Điện ngang nhiên trấn áp dân nhờ được Nga, Trung Quốc hậu thuẫn ở HĐBA 

Hiện tại, chỉ có Mỹ và Anh, hai nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt một số tướng lĩnh Miến Điện tham gia trấn áp người biểu tình. Tập đoàn quân sự Miến Điện lợi dụng được những bất đồng trong Hội Đồng Bảo Anh, do Nga và Trung Quốc luôn phủ quyết các biện pháp trừng phạt, để tiếp tục ngang nhiên trấn áp người biểu tình.

Đã có thêm 8 người chết vì bị cảnh sát bắn trong ngày 30/03, theo Hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị (AAPP), nâng số người thiệt mạng lên thành hơn 520 người trong vòng 2 tháng, từ ngày 01/02. Người dân đã đốt nến tổ chức đêm tưởng nhớ những người thiệt mạng. Phong trào biểu tình vẫn tiếp tục từ sáng sớm 31/03, dù số người tham gia ít hơn vì sợ bị lực lượng an ninh bắn trả. Theo ghi nhận của AFP, người biểu tình tuần hành trên xe máy tại Mandalay với những biểu ngữ : « Hãy cứu lấy Miến Điện »« Hãy ngừng tội ác chống nhân loại ». Hàng chục nghìn công chức và nhân viên trong lĩnh vực tư nhân vẫn tiếp tục đình công phản đối chế độ quân sự.

Tình hình đang thay đổi tại Miến Điện vì có khoảng 20 lực lượng nổi dậy vũ trang của các tộc người thiểu số đã bắt đầu hỗ trợ người biểu tình, trong số đó có nhiều lực lượng từng ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội trong những năm gần đây. Họ tấn công vào nhiều đồn cảnh sát tại bang Kachin (phía bắc Miến Điện), vùng Bago (phía đông bắc Rangoon)… Lực lượng Liên minh Quốc gia Karen (KNU) khẳng định « ủng hộ vững chắc phong trào nhân dân chống cuộc đảo chính ».

Miến Điện : Mỹ rút một phần nhân viên ngoại giao, lên án tình trạng bạo lực kinh hoàng (rfi.fr)

Một hãng vật liệu in tiền của Đức ngừng giao hàng cho Miến Điện

Tập đoàn Đức hôm 31/03 đã quyết định ngừng cung cấp vật liệu in tiền cho chính quyền Miến Điện. Ảnh minh họa: đồng tiền Kyat của Miến Điện.
Tập đoàn Đức hôm 31/03 đã quyết định ngừng cung cấp vật liệu in tiền cho chính quyền Miến Điện. Ảnh minh họa: đồng tiền Kyat của Miến Điện. AFP - THET AUNG

Hưởng ứng các biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào Miến Điện, tập đoàn Đức Giesecke + Devrient (G+D) ngày 31/03/2021 đã thông báo đình chỉ ngay lập tức các giao dịch với quốc gia Đông Nam Á này vì những hành động “bạo lực đang diễn ra giữa quân đội và thường dân”.

Là một trong những công ty hàng đầu thế giới về vật liệu dùng trong lãnh vực in giấy bạc, lại chịu trách nhiệm khâu in tiền cho Miến Điện, việc G+D dừng giao hàng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chế độ quân sự Miến Điện. Theo nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, vật liệu do công ty Đức cung cấp rất cần thiết cho việc phát hành tiền tệ ở Miến Điện và tập đoàn quân sự có nguy cơ bị thiếu thanh khoản.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut phân tích:

“Chỉ, giấy, màu sắc, vật liệu làm sạch: Từ thập niên 70, hãng Giesecke+Devrient tại thành phố Munich đã cung cấp vật liệu cho ngân hàng trung ương Miến Điện để sản xuất tiền giấy của mình. Công ty ở vùng Bayern là một đại gia trong lĩnh vực này và in từ 80 đến 100 loại tiền tệ khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có cả đồng Euro.

Tập đoàn Đức hôm 31/03 đã quyết định đình chỉ cung cấp vật liệu cho chính quyền Miến Điện vì các cuộc đàn áp cuộc biểu tình của tập đoàn quân sự cầm quyền. Trước đó, hãng Đức đã giảm bớt giao dịch với khách hàng của mình, nhưng vẫn lãnh chỉ trích từ một tổ chức lấy tên là "Đoàn kết của nước Đức với nền dân chủ Miến Điện", đòi G+D phải ngừng giao hàng hoàn toàn.

Giesecke+Devrient tuyên bố rằng họ đã đưa ra quyết định này vào ngày hôm qua sau khi thảo luận với Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chức năng của Đức. Tập đoàn không nêu rõ quy mô và giá trị của các hợp đồng với Miến Điện.

Vật liệu do công ty Đức cung cấp rất cần thiết cho việc phát hành tiền tệ ở Miến Điện. Do đó, việc từ Giesecke+Devrient ngừng giao hàng có thể dẫn đến việc quốc gia Đông Nam Á bị thiếu tiền mặt.

Hôm 30/03, Đức cũng khuyến nghị công dân của mình rời Miến Điện càng sớm càng tốt vào lúc mà vẫn có các chuyến bay thương mại.

Một hãng vật liệu in tiền của Đức ngừng giao hàng cho Miến Điện (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten