Đối sách phương Tây của TT Nga Putin: Làm hòa với Mỹ làm căng với châu Âu
Đăng ngày:
Diễn biến gần đây trong quan hệ đối ngoại của nước Nga và phương Tây phản ảnh tình trạng căng thẳng toàn diện giữa Matxcơva và tất cả các thủ đô phương Tây. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lãnh đạo Nga Vladimir Putin có nhiều dấu hiệu cho thấy là dù có vẻ bất cần phương Tây nói chung, nhưng ông vẫn hy vọng hòa dịu được với Mỹ.
Quan hệ của Vladimir Putin với các lãnh đạo Mỹ rất đặc biệt, vì cá nhân ông, trong cương vị lãnh đạo nước Nga, đã phải đối phó với năm đời tổng thống Mỹ, thoạt đầu là Bill Clinton, George W. Bush, rồi sau đó là Barack Obama, Donald Trump, và hiện nay là Joe Biden, một nhân vật không xa lạ gì với chủ nhân điện Kremlin.
Putin biết rất rõ chủ nhân mới của Nhà Trắng, vì dưới thời Obama, ông Biden chính là kiến trúc sư chính yếu của chủ trương “reset” – tức là khởi động lại – quan hệ Mỹ-Nga, một nỗ lực không thành công nhằm khôi phục quan hệ song phương trên một nền tảng hòa thuận hơn.
Và với Biden ở cương vị lãnh đạo nước Mỹ, quan hệ với Nga đã trở lại căng thẳng sau một thời gian tương đối lắng dịu dưới thời Donald Trump: Nào là trừng phạt nhằm vào Matxcơva, vụ trục xuất hàng chục nhà ngoại giao của cả hai nước và triệu hồi đại sứ ở Washington và Matxcơva, nào là các hồ sơ gai góc từ tấn công mạng nhắm vào nước Mỹ, cho đến việc Nga dồn quân đến vùng biên giới Ukraina, chưa kể đến việc Matxcơva bị tố cáo đối xử tàn nhẫn với nhà đối lập Navalny.
Cho dù vậy, theo giới phân tích, quan hệ hòa dịu hơn với Washington vẫn là một quan tâm của một tổng thống Nga, và ông Putin được cho là không từ bỏ hy vọng đàm phán một cách bình đẳng với Hoa Kỳ.
Đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, được Joe Biden đưa ra vào ngày 13 tháng 4 trong cuộc điện đàm lần thứ hai với Vladimir Putin, đã được điện Kremlin đón nhận thuận lợi. Ngay cả thông báo hai ngày sau đó về một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vẫn không khuấy động được bầu không khí “tin tưởng” ở Matxcơva.
Một hôm sau thông báo trừng phạt, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn thấy rằng “Tổng thống Putin đã nói về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ và giảm leo thang… (và) điều tích cực là quan điểm của hai nguyên thủ quốc gia trùng khớp với nhau”.
Đối với bà Tatiana Stanovaya, nhà phân tích chính trị thuộc viện nghiên cứu và tham vấn R. Politik, nếu so với thời Donald Trump với một chính sách ngoại giao thất thường, ở Matxcơva hiện có “cảm giác rằng mọi sự sẽ đơn giản hơn với Biden, một người truyền thống hơn, có một giàn cộng sự viên là chuyên gia, một người mà điện Kremlin có thể hiểu được”.
Theo ông Cyrille Bret, giáo sư quan hệ quốc tế tại học viện chính trị Sciences-Po Paris, sở dĩ Nga tiếp tục hướng về Washington, đó là vì tổng thống Putin luôn mong muốn được ngồi trở lại vào bàn của các cường quốc thế giới. Một trong những ưu tư hiện nay của Matxcơva là “quan hệ của Nga với Trung Quốc không cân bằng chút nào và Matxcơva lo ngại bị đẩy xuống các đội hạng hai trên bình diện địa chính trị”.
Trong bối cảnh hiện nay hai bên không có điểm thống nhất trên các vấn đề lớn như Ukraina, Vladimir Putin hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Joe Biden trên một số chủ đề cụ thể hơn như kiểm soát vũ khí hoặc khí hậu.
Trong thế tay đôi đó, vị trí của Châu Âu ra sao? Trên vấn đề này, chuyên gia Tatiana Stanovaya khẳng định: “Trong mắt Putin, Châu Âu không hề tồn tại”.
Dĩ nhiên vẫn có Đức, nước có quan hệ kinh tế và chính trị khá chặt chẽ với Nga, nhưng hậu thuẫn của thủ tướng Angela Merkel đối với nhà đối lập Alexeï Navalny có thể giáng một đòn mạnh vào mối quan hệ tốt đẹp này.
Đối sách phương Tây của TT Nga Putin: Làm hòa với Mỹ làm căng với châu Âu (rfi.fr)
Nga: Đến lượt TT Putin vạch “lằn ranh đỏ” đối với phương Tây
Đăng ngày:
Vào thời điểm quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đang rất căng thẳng trên vấn đề Ukraina và sức khỏe của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đang bị cầm tù, vào hôm nay, 21/04/2021, tổng thống Vladimir Putin đã không ngần ngại cảnh báo phương Tây là không nên vượt qua các “lằn ranh đỏ” của nước ông, đồng thời đe dọa rằng Matxcơva sẽ đáp trả nhanh chóng và gay gắt bất kỳ hành động khiêu khích nào.
Trong bài diễn văn liên bang thường niên đọc trước hai viện Quốc Hội Nga, tổng thống Putin khẳng định rằng nước ông “muốn có những mối quan hệ tốt đẹp ... và thực sự không muốn cắt cầu” với phương Tây.
Tuy nhiên, ông đã nói ngay rằng: “Nếu ai đó lầm tưởng thiện ý của chúng ta với một thái độ thờ ơ hoặc yếu đuối và có ý định đốt cháy hoặc thậm chí cho nổ tung những cây cầu đó, họ nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ không cân xứng, nhanh chóng và dữ dội."
Tổng thống Nga cho biết thêm là Matxcơva sẽ xác định vị trí những lằn ranh đỏ tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Lời cảnh cáo nhắm vào phương Tây được ông đưa ra vào đỉnh điểm của bài phát biểu dài 78 phút tập trung trên những vấn đề đối nội của Nga, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với hệ quả là hàng loạt khó khăn về kinh tế.
Trong những tuần lễ gần đây, Nga đã gia tăng đối đầu với các nước phương Tây, vốn tố cáo Matxcơva điều động hàng chục nghìn quân lính đến vùng gần sát Ukraina.
Tuần trước, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc tấn công tin học và can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, trong lúc Cộng Hòa Séc thì lên án Matxcơva về vai trò trong các vụ nổ tại một kho vũ khí năm 2014. Cả hai nước đều đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Về phần mình, Matxcơva đã phủ nhận các cáo buộc và đã đáp trả bằng những hành động ăn miếng trả miếng.
Trong diễn văn, ông Putin đã phớt lờ trường hợp của Navalny, chính trị gia đối lập bị bỏ tù, trong bối cảnh những người ủng hộ nhà đối lập đã bắt đầu một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước, ngay trong lúc tổng thống Nga phát biểu.
Navalny, nhà đối lập hàng đầu của Nga, đang bị ốm nặng trong tù sau quyết định tuyệt thực để phản đối điều mà ông gọi là điều trị y tế không đầy đủ cho chứng đau chân và lưng. Nhóm cộng sự của ông đã kêu gọi mọi người trên khắp đất nước rộng lớn xuống đường vào hôm nay.
Chính phủ đã nói rằng các cuộc tụ tập theo kế hoạch là bất hợp pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ Navalny trước đây đã bị giải tán thẳng tay, với hàng nghìn vụ bắt giữ.
Nga: Đến lượt TT Putin vạch “lằn ranh đỏ” đối với phương Tây (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten