dinsdag 27 april 2021

Nữ đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao đoạt giải Oscar, Bắc Kinh hoàn toàn im lặng + Trung Quốc : Nghệ sĩ bị buộc nhìn đời qua lăng kính màu đỏ, phim hợp tác phải « ái quốc »

 

Nữ đạo diễn gốc Hoa đoạt giải Oscar, Bắc Kinh hoàn toàn im lặng

Phim Nomadland của nữ đạo diễn Chloe Zhao ra về với 3 giải Oscar : Phim hay nhất, đạo diễn và nữ diễn viên xuất sắc nhất của năm 2021.
Phim Nomadland của nữ đạo diễn Chloe Zhao ra về với 3 giải Oscar : Phim hay nhất, đạo diễn và nữ diễn viên xuất sắc nhất của năm 2021. REUTERS - POOL

Hôm qua, 25/04/2021, bộ phim Nomadland của nữ đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao đã được trao giải thưởng điện ảnh Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Zhao là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên nhận được phần thưởng cao quý này. Tuy nhiên, truyền thông chính thức Trung Quốc hôm nay hoàn toàn không nhắc đến bộ phim và đạo diễn. 

Đạo diễn Chloé Zhao phải trả giá vì những lời lẽ chỉ trích trực diện nhắm vào chế độ cộng sản Trung Quốc. Thông tín viên Zhifan Liu tường trình từ Bắc Kinh :

« Sáng thứ Hai hôm nay, trong lúc truyền thông toàn thế giới thông báo về thành tích lịch sử của Chloé Zhao, tức Triệu Đình, giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất, cùng với hai giải khác cho bộ phim hay nhất, và nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Frances McDormand, tham gia bộ phim Nomadland, thì báo chí Trung Quốc hoàn toàn im lặng về chủ đề này. Không một dòng nào nói đến nữ đạo diễn, ra đời tại Bắc Kinh cách nay 39 năm.

Thế mà, hồi tháng 3/2021, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã từng phấn khởi với việc đạo diễn Chloé Triệu Đình được trao giải Golden Globes. Nhà đạo diện này thậm chí còn được nhật báo dân tộc chủ nghĩa, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc ca ngợi như « niềm tự hào của Trung Quốc ». Vào lúc đó, các thông điệp chúc mừng tràn ngập trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, sáng hôm nay, tên tuổi của người đoạt giải Oscar đã hoàn toàn vắng mặt trên các mạng Weibo, thường được ví như mạng Twitter của Trung Quốc.

Vào thời điểm đạo diễn Chloé Triệu Đình được trao giải Golden Globes, dân mạng Trung Quốc đã tìm được và công bố trở lại một cuộc phỏng vấn mà nữ đạo diễn gốc Hoa trả lời Filmmaker, năm 2013, khi cô lên tiếng chỉ trích những lời lẽ dối trá phổ biến tại đất nước nơi cô sinh ra. Trong một cuộc trả lời khác, hồi tháng Ba, dành cho trang mạng Úc News.com.au, nữ đạo diễn tuyên bố, kể từ giờ cô coi Hoa Kỳ là quê hương mình. Đối với nhiều dân mạng Trung Quốc, các lời lẽ nói trên khiến Chloé Triệu Đình bị coi là kẻ phản quốc.  

Nomadland cũng bị trừng phạt. Bộ phim có kế hoạch ra rạp dự kiến tuần trước, tuy nhiên, kể từ sau giành giải thưởng Golden Globes, tên của phim đã biến mất trên mạng internet, và việc quảng cáo cho phim cũng bị đình chỉ ».

Nữ đạo diễn gốc Hoa đoạt giải Oscar, Bắc Kinh hoàn toàn im lặng (rfi.fr)

Trung Quốc : Nghệ sĩ bị buộc nhìn đời qua lăng kính màu đỏ, phim hợp tác phải « ái quốc »

Nữ đạo diễn Triệu Đình (Chloé Zhao), bên trái, trong lễ trao giải Bonnie của một liên hoan phim độc lập ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu chụp ngày 03/03/2018.
Nữ đạo diễn Triệu Đình (Chloé Zhao), bên trái, trong lễ trao giải Bonnie của một liên hoan phim độc lập ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu chụp ngày 03/03/2018. Chris Pizzello/Invision/AP - Chris Pizzello

Tại Trung Quốc kể từ 2018, điện ảnh trực tiếp chịu sự chỉ đạo từ bộ phận tuyên truyền của Đảng. Nếu hợp tác với quốc tế, Bắc Kinh đưa vào « điều khoản ái quốc ». Không một cảnh nào được « đi ngược lại chính sách đối ngoại của Bắc Kinh » những người tham gia không được phản đối chính sách « một nước Trung Hoa », không được có « tiếp xúc với các lực lượng và cá nhân chống Trung Quốc ».

Trang nhất báo chí Pháp hôm nay được dành cho những mối quan tâm khác nhau. Le Monde nói về « Cơn sốt đầu cơ của tài chính thế giới », Le Figaro nhận xét « Kế hoạch tái thúc đẩy : Mỹ tăng tốc, châu Âu chậm chân », Les Echos phân tích « Cái giá của việc cứu Air France ». Về chính trị, Libération đăng ảnh cựu thủ tướng Pháp, chạy tựa « Édouard Philippe, trung thành hay đối địch » với tổng thống Emmanuel Macron.Riêng La Croix quan tâm đến « Giáo hội Guyane trong vòng xoáy ».

Về châu Á, Le Monde chơi chữ « Tại Trung Quốc, điện ảnh và nghệ sĩ bị buộc phải nhìn đời bằng màu đỏ ». Một ví dụ mới nhất là bộ phim Nomadland của nữ đạo diễn Triệu Đình (Chloé Zhao) có nguy cơ không được trình chiếu tại Hoa lục vì những phát biểu của cô.

Nói xấu Đảng quang vinh thì phải trả giá

Hôm 01/03, Triệu Đình được trao giải Quả Cầu Vàng đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim Nomadland, một vinh dự mà chưa nữ đạo diễn nào giành được sau Barbra Streisand năm 1984, và đây là lần đầu tiên đối với một người châu Á. Ban đầu Trung Quốc rất hãnh diện vì một người Hoa được tặng giải thưởng danh giá của Hollywood, nhưng sau đó nhanh chóng đổi chiều.

Triệu Đình sinh năm 1982, năm 15 tuổi sang Anh học rồi qua Mỹ sinh sống, không phải lúc nào cũng tỏ ra ưu ái với cố quốc. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 trên Filmmaker Magazine, cô nhớ lại một đất nước hồi cô còn trong tuổi vị thành niên « dối trá ở khắp nơi ». Năm 2020, cô nói với tờ báo Úc News.com « Hoa Kỳ bây giờ là đất nước của tôi ». Kỳ lạ thay, trang web đã sửa lại câu này vài ngày trước lễ trao giải Golden Globe. Tự kiểm duyệt để tránh cơn sấm sét của Bắc Kinh chăng ?

Nhưng như vậy đã đủ để những người dân tộc chủ nghĩa kêu gọi tẩy chay bộ phim sẽ ra mắt tại Hoa lục ngày 23/04. Mọi quảng cáo nhanh chóng bị ngưng, và hashtag #nomadland biến mất khỏi các mạng xã hội. Phim trước đó của Triệu Đình The Rider (Kỵ sĩ) cũng không được chiếu, và Hoàn Cầu Thời Báo còn đặt câu hỏi về việc trình chiếu bộ phim sắp tới của Triệu Đình là Eternals, phim siêu anh hùng do hãng Marvel sản xuất với sự góp mặt của các ngôi sao Angelina Jolie, Salma Hayek. Nói xấu Trung Quốc thì phải trả giá, đặc biệt là trong năm kỷ niệm Đảng Cộng Sản Trung Quốc quang vinh 100 tuổi !

Đảng chỉ đạo trực tiếp phim trong nước, phim hợp tác phải có điều khoản « ái quốc »

Lần đầu tiên kể từ 1969, người Hồng Kông không được xem buổi lễ trao giải Oscar đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai 26/04. Kênh tiếng Anh Pearl chuyên đưa sự kiện này đã từ chối « vì lý do thương mại », mà theo South China Morning Post, là do áp lực của Bắc Kinh.

Ngoài việc Nomaland giành được 6 đề cử, còn có Do Not Split khiến Bắc Kinh chẳng vui chút nào. Bộ phim tài liệu do đạo diễn Na Uy Anders Hammer thực hiện nói về phong trào dân chủ đã làm rung chuyển Hồng Kông năm 2019. Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng đây là một phim « thiên vị » và cảnh báo Hollywood nếu « Oscar được dùng làm công cụ chính trị » sẽ bị « thiệt hại nặng nề » tại thị trường Hoa lục.

Trong khi đó theo Le Monde, cộng sản Trung Quốc luôn coi điện ảnh là công cụ tuyên truyền quan trọng, và luôn giám sát chặt chẽ. Tình hình nay càng tệ hại hơn : kể từ 2018, nghệ thuật thứ bảy không chỉ được đặt dưới sự quản lý của cơ quan phụ trách truyền thông mà còn trực tiếp chịu sự chỉ đạo từ bộ phận tuyên truyền của Đảng. Còn nếu hợp tác với quốc tế, Bắc Kinh cố đưa vào một « điều khoản ái quốc ».

« Yêu nước nồng nàn », ủng hộ đường lối của Đảng, phục vụ yêu sách chủ quyền

Trong một hợp đồng có thể đọc thấy quy định phải « tôn trọng lịch sử và nhiệt tình yêu nước của Trung Quốc ». Không có một phân cảnh nào được « đi ngược lại chính sách đối ngoại và lợi ích của Nhà nước Trung Quốc dù với bất cứ dạng nào ». Và các nhà sản xuất được yêu cầu phải kiểm tra xem những người tham gia bộ phim có « quan điểm chính trị đối nghịch hoặc không đồng ý với chính sách ‘một nước Trung Hoa’ hay không ». Cũng không được có « tiếp xúc với các lực lượng và cá nhân chống Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại ». Le Monde mỉa mai, không thấy hợp đồng ghi nếu lỡ dùng bữa tại New York hay Paris trong một nhà hàng Đài Loan có bị coi là chống Trung Quốc hay không.

Gọng kềm cũng siết lại xung quanh các nghệ sĩ. Hôm 05/02, Hội Kịch nghệ Trung Quốc công bố 10 khuyến cáo và 15 cấm đoán về thái độ, từ các ngôi sao điện ảnh cho đến diễn viên xiếc đều phải chấp hành. Họ phải « yêu nước nồng nàn, ủng hộ đường lối của Đảng », « dùng văn chương nghệ thuật để phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội ». Ngược lại, nghệ sĩ chính thức bị cấm « làm ảnh hưởng đến đoàn kết quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ». Một ủy ban gồm những người trong giới và đại diện Đoàn thanh niên cộng sản có thể quyết định cấm hành nghề vĩnh viễn hoặc áp đặt biện pháp « cải tạo » đối với những nghệ sĩ không chịu khép mình vào khuôn khổ.

Ông chủ nợ Trung Quốc cấm các chính phủ cho dân biết số nợ vay

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde tố cáo « Trung Quốc sử dụng việc cho vay nợ như công cụ bành trướng ». Các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức vừa chạm tay vào một kho tàng : từ darknet (mạng internet ngầm) và dữ liệu lưu trữ hành chính, họ tìm được khoảng 100 hợp đồng tín dụng giữa Trung Quốc và 24 nước có thu nhập thấp từ 2000 đến 2020, tổng trị giá 36,6 tỉ đô la.

Những tài liệu này quý như vàng vì lâu nay người ta không biết gì về các điều kiện cho vay của ông chủ nợ lớn nhất thế giới. Người thì cho rằng nợ của Trung Quốc là một cái bẫy để đạt được những nhượng bộ về địa chính trị tại các nước trên đà phá sản, người khác coi đây là khí oxy cho các nước nghèo. Nhưng bản báo cáo do bốn trung tâm nghiên cứu thực hiện mang tên « How China Lends » (Trung Quốc cho vay như thế nào) công bố vào cuối tháng Ba cho biết nợ nần của những nước nghèo với Trung Quốc đã tăng lên một cách nguy hiểm từ đầu cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch.

Ông chủ nợ Trung Quốc buộc nước đi vay phải chấp nhận các điều khoản mật, vượt xa đòi hỏi thông thường của các quốc gia khác hay các ngân hàng phát triển. Không chỉ điều kiện cho vay, mà cả số tiền vay cũng phải được giữ bí mật. Việc này đặt ra vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ phải giấu người dân đóng thuế về số nợ mà họ trước sau gì cũng phải trả, đồng thời gây phức tạp cho việc tái cơ cấu nợ.

Ngoại giao bẫy nợ : Công cụ bành trướng ảnh hưởng

Ngoài ra, ba phần tư số hợp đồng cho vay còn có điều khoản cấm không được tham gia việc tái cấu trúc nợ do Câu lạc bộ Paris chủ trì. Trong khi Câu lạc bộ này đã thiết lập cơ chế tạo công bằng đối với tất cả các chủ nợ, Trung Quốc đã phá hủy nguyên tắc trên để bắt buộc các con nợ phải ưu tiên trả cho mình.

Liệu Bắc Kinh có thay đổi khi hồi tháng 11/2020 đã tham gia khuôn khổ chung về tái cơ cấu nợ các nước nghèo do G20 đặt ra ? Các nhà nghiên cứu nghi ngờ sự thành thật của Bắc Kinh : nhiều chủ nợ Trung Quốc có thể tự cho là « tư nhân » để né thỏa thuận này.

Phân nửa các hợp đồng do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ký còn buộc nước đi vay phải hoàn trả trước thời hạn nếu tại nước mình xảy ra những hành động bất lợi cho một « định chế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ». Nếu quan hệ ngoại giao bị cắt đứt, sẽ bị coi như vỡ nợ. Và 90% hợp đồng buộc phải trả nợ trong trường hợp nước đi vay có thay đổi quan trọng về chính trị hay pháp luật. Le Monde kết luận, nếu hiện tượng « bẫy nợ » bị cho là có phần nào phóng đại, thì ngoại giao nợ nần rõ ràng là một thực tế.

Putin có chịu rời ghế vào năm 84 tuổi ?

Ở châu Âu, Le Figaro chú ý đến việc « Putin tổ chức duy trì quyền lực đến tận năm 2036 », còn theo Les Echos « Putin xác lập thêm quyền hành tại Nga ».

Tổng thống Nga vừa thông qua một luật cho phép ông được ra ứng cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, sau một phần tư thế kỷ nắm quyền và vụ đổi vai với Medvedev. Le Figaro đặt câu hỏi, liệu Putin có tiếp tục ngự trị tại điện Kremlin cho đến năm 2036, lúc đã 84 tuổi hay không ?

Người thì cho rằng Putin không dễ gì chịu rời ghế, người khác nêu ra ví dụ Kazakhstan, nơi tổng thống Noursoultan Nazarbaiev sau ba thập niên cai trị cho đến năm 2019, vẫn giữ chức chủ tịch đảng cầm quyền và Hội đồng An ninh Quốc gia. Tổng thống Nga nay nằm trong số hiếm hoi các nhà lãnh đạo hơn hai lần dỡ bỏ các trở ngại Hiến Pháp để tiếp tục trị vì, trong đó có Hugo Chavez của Venezuela, và Putin chưa bao giờ đề cập đến một người kế nhiệm.

Nga siết các mạng xã hội, kể cả của Trung Quốc

Les Echos lưu ý, « cải cách » này diễn ra cùng lúc với việc siết chặt thêm các mạng xã hội nước ngoài. Mạng Twitter rất được giới tinh hoa ưa chuộng, vừa được biết việc hạn chế lưu lượng sẽ kéo dài ít nhất đến 15/5. Việc bóp nghẹt băng thông chủ yếu liên quan đến điện thoại di động hơn là máy tính để bàn. Twitter còn bị phạt số tiền tương đương 100.000 euro vì không xóa những lời kêu gọi biểu tình của đối lập.

Từ sau các vụ xuống đường ủng hộ nhà ly khai Alexei Navalny, chính quyền Nga liên tục cảnh cáo các mạng xã hội của Mỹ như Twitter, Facebook, YouTube, nhưng cả…TikTok của Trung Quốc. Mạng xã hội được giới trẻ sử dụng nhiều vừa bị phạt 28.000 euro vì không xóa « những lời kêu gọi lớp trẻ vị thành niên biểu tình ».

Biệt thự « Bố già » đại hạ giá

Quay lại với điện ảnh, Le Figaro cho biết biệt thự của « Bố già » trong phim của Coppola đang được rao bán với giá chỉ còn phân nửa. Dinh thự rộng gần 5.000 m2 nằm gần Beverly Hills có ít nhất 18 phòng ngủ, 25 phòng tắm, một hồ bơi có kích thước gần như Olympic, phòng tắm hơi, sân tennis…Tất cả trên một diện tích 14.000m2 với các khu vườn xinh đẹp. Ngôi biệt thự này từng là nơi John Kennedy và Jackie hưởng tuần trăng mật, thậm chí còn là tổng hành dinh chiến dịch tranh cử của Kennedy ở bờ Tây, cách đây 5 năm được đề nghị bán giá 195 triệu đô la, nay hạ xuống « chỉ » còn 90 triệu đô la.

https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20210407-trung-quốc-nghệ-sĩ-lăng-kính-màu-đỏ-phim-hợp-tác-phải-ái-quốc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten