Nhạc JAZZ và những tâm hồn HÁT
Đăng ngày:
Câu nói mà khán giả ghi nhớ hơn cả trong phim “LaLaLand” của đạo diễn Damien Chazelle - điện ảnh Hollywood - có lẽ là lời thoại của nhân vật chính Sebastian : “Người ta nói nhạc jazz đã chết yểu”. Phải thế không, khi mà bộ phim đã trở thành một quả bom bùng nổ ở tất cả các giải thưởng Điện Ảnh danh giá nhất trên thế giới, bao gồm 6 giải Oscar, 7 giải Quả cầu vàng và 6 giải Bafta trong năm 2017.Thế giới cần những kẻ điên
Và gần đây nhất, hẳn cũng không ai ngạc nhiên khi bộ phim hoạt hình “Soul” của Peter Docter, một bộ phim về nghệ sĩ nhạc Jazz của Hollywood, cũng đã giành giải Quả cầu vàng lần thứ 78 cho danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất và Nhạc phim hay nhất. Jazz có vẻ là dòng nhạc đầy sức sống mạnh mẽ mà ở đó, không chỉ là những âm hưởng của âm nhạc, đó còn là cái tinh thần Jazzy không bao giờ mất đi.
Câu thoại của Sebastian được nói ra chỉ là cái cớ cho những nhà làm phim phản biện nó. Và họ đã làm được.
Đó là một Sebastian sống chết với Jazz. Anh bỏ qua rất nhiều sự lựa chọn với các ban nhạc khác nhau chỉ vì không chấp nhận sự lai tạp trong nhạc Jazz. Anh có một cuộc sống khó khăn nhưng lại chung sống với nó như một điều đương nhiên. Sebastian được thuê chơi piano trong một nhà hàng sang trọng, khi được yêu cầu chơi vài bản nhạc Giáng sinh đơn giản thì anh lại ngẫu hứng nổi lên những khúc nhạc jazz dù biết kết quả sẽ chẳng tốt đẹp gì.
Đó là một Mia đam mê nghiệp diễn và viết kịch. Những thất bại với vở kịch đầu tiên ở Hollywood đã khiến cô có phần ngã lòng nhưng chính sau đó, Sebastian đã khích lệ cô trở lại L.A, thành phố của những vì sao lấp lánh, của những người biết nuôi dưỡng và cố gắng vươn tới giấc mơ. Mia đã kể về người cô của mình trong một buổi thử vai. Một người phụ nữ kiên quyết nhảy xuống dòng sông Seine lúc trời băng giá và thề rằng bà sẽ làm lại điều đó dù phải nằm nhà đến hai tháng vì bị cảm. Tại sao? Tại vì muốn đạt được ước mơ, bạn phải Điên một chút, phải theo đuổi nó bằng những cảm xúc không thể diễn tả, bằng cả niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng hay bao dung và yêu thương. Thế giới cần những kẻ Điên để tạo màu sắc cho cuộc sống này. Sẽ không bao giờ chỉ là Đen và Trắng, sẽ có vô vàn những sắc màu khác giống như những nghệ sĩ nhạc Jazz với mỗi phần solo của mình khi họ tạo nên màu sắc riêng cho một bản nhạc theo cách không giống ai.
Sự hoàn hảo không trọn vẹn
Cái năng lượng tích cực hừng hực lửa đam mê và tình yêu của cả Sebastian và Mia xuyên suốt “Lalaland” khiến cái kết của phim dường như làm cho người xem bị sốc và gãy cảm xúc khi cuối cùng hai người họ đã không đến với nhau. Không có một Happy ending đúng nghĩa như mọi bộ phim “cổ tích” khác, nhưng rồi người ta hiểu ra rằng đây chính là điều khác biệt tạo nên “Lalaland”.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo với một nghệ sĩ nhạc jazz khi Sebastian cuối cùng đã có một quán bar riêng, được chơi thể loại nhạc mà anh đam mê.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo với Mia, một nữ diễn viên tham vọng, khi cô đã trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng và có người chồng yêu thương biết chia sẻ với mình.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo cho đôi bạn tri kỉ khi cuối phim, Sebastian ngồi bên cây piano còn Mia tay trong tay với chồng nhưng họ vẫn dành cho nhau một nụ cười thật nhẹ nhàng.
Có những ý kiến cho rằng, phải chăng, các tác giả bộ phim đang muốn nói đến một sự thật khá phũ phàng, rằng đam mê mới là thứ theo ta tới tận cùng, còn tình yêu chỉ có thể đến một chặng đường nào đó mà thôi.
Sebastian và Mia đã có thể có một cái kết khác, trong tâm tưởng, bằng sự tưởng tượng của cả hai, là họ sẽ ở bên nhau, cùng nhau phát triển nghề nghiệp và có những đứa con xinh đẹp. Nhưng cuộc đời có thể hoàn hảo một cách không trọn vẹn. Quan trọng nhất là ta đã sống một phần đời không có gì phải ân hận, đã sống với đam mê, đã đạt được nó. Và vào một thời điểm nào đó trong đời, nhìn lại, ta vẫn có thể mỉm cười hài lòng vì đã cùng trải qua điều đó với nhau.
Bài học về cuộc sống
Ước mơ dường như được tiếp nối từ “Lalaland” tới “Soul”, từ đôi trai tài gái sắc cho tới một nghệ sỹ nhạc Jazz có vẻ thật bình thường với một linh hồn trên cõi của các linh hồn, Joe Gardner và linh hồn số 22. Ta nuôi dưỡng ước mơ không chỉ có nghĩa là đeo đuổi thực hiện nó bằng mọi giá mà còn là tình yêu với cuộc sống hiện tại. Biết trân quý những gì bạn đang có bao nhiêu, đối xử tốt với cuộc sống của bạn bao nhiêu thì bạn càng nhanh chóng chạm tới ước mơ bấy nhiêu, giống như Sebastian và Mia cùng năng lượng tích cực của mình. Ngày cũng có ngày nắng ngày mưa, đời cũng có lúc vui lúc buồn nhưng những cái Vui và Buồn ấy chính là cái làm nên màu sắc của bạn, làm nên “chất Jazzy” trong bạn.
Ở “Soul”, ta thấy hai nhân vật hoàn toàn trái ngược nhau. Một thầy giáo dạy nhạc kiêm nghệ sỹ piano Jazz, Joe, luôn thấy ngán ngẩm với cuộc sống nhàm chán của mình và luôn mong muốn thay đổi hiện tại. Một linh hồn mang số 22 luôn cảm thấy an toàn ở cõi của các linh hồn và không hề muốn đầu thai xuống trái đất. Hai kẻ như Âm và Dương, một muốn thay đổi, một không, gặp nhau như là định mệnh, để rồi, họ trở thành những bài học cho nhau.
Joe chính là bài học cho số 22 hiểu thêm về trái đất, nơi mà linh hồn này cho rằng vô cùng đơn điệu nhàm chán. Hàng trăm năm qua, số 22 được gặp và được học từ rất nhiều con người vĩ đại của Trái đất. Nhưng những gì Linh hồn này cảm nhận chỉ là một mớ lí luận, nghiên cứu khô khan cứng nhắc. Rồi số 22 gặp Joe, vô tình rớt xuống thế giới loài người, để rồi từ đây, 22 lại trở thành bài học cho Joe. Hóa ra, cuộc sống mới thú vị làm sao. Thú vị từ miếng bánh pizza cắn dở, từ những điệu nhảy lệch nhịp, từ cái chạm tay ở hàng rào ga tàu điện ngầm, từ những cái lá bay ngang trong không trung, hay đơn giản chỉ là từ những điệu solo đầy ngẫu hứng của cô bé học trò thổi trombone. Và cảm hứng đẹp đẽ cũng có thể đến từ bất kì đâu nếu bạn có một Tâm hồn để cảm nhận nó.
Hiện tại là một món quà
Điều sáng tạo đáng kể của “Soul” là cõi Linh hồn trong phim không chỉ là cõi của những người đã chết. Ở đó còn có vùng đất của những linh hồn lạc lối. Rõ ràng, con người đó vẫn đang sống nhưng bị ám ảnh bởi một công việc giống nhau nên cuối cùng, họ bị chìm vào trong đó, bị mất cảm giác. Họ như những cái máy, không còn thời gian để cảm nhận, sống ở một nơi nhưng linh hồn lại lạc lối đâu đó thật xa xăm, không khác nào đã chết. Cảm giác ấy rõ ràng chính là cảm giác của phần lớn con người hiện đại chúng ta hiện nay. Mỗi sáng thức dậy, liệu có bao giờ bạn tự hỏi ngày hôm nay sẽ ra sao? Hay là chúng ta sẽ như một cái máy, luôn lặp lại một ngày bằng sự vô cảm vì tất cả Ngày của chúng ta đều trôi qua giống nhau? Bạn có thể thay đổi, có thể không, nhưng hãy mang cảm xúc vào trong cuộc sống của mình, hãy thổi Hồn vào trong đó vì bạn là người có một Tâm Hồn. Ngày hôm nay có thể giống ngày mai, có thể đã giống ngày hôm qua, nhưng nếu bạn yêu nó, nó sẽ mang đến cho bạn những ý nghĩa khác nhau.
Nhiều người đã nhận định, cảm giác của nhân vật Joe Gardner được xây dựng rất gần với cảm giác của nhiều nghệ sĩ nhạc Jazz thật sự. Đêm đầu tiên, sau khi Joe được biểu diễn với một nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng trong thành phố, anh đã vô cùng hưng phấn và sung sướng. Anh bước ra khỏi quán bar, trong lòng hứng khởi rộn rã và hỏi bà “Ngày mai chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?”. Bà đã trả lời anh “Chúng ta quay lại đây và diễn thôi”. Joe rõ ràng đã cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Anh đã tưởng anh sẽ được làm điều gì lớn lao hơn nữa… nhưng anh không hiểu điều lớn lao nhiều khi lại bắt đầu từ những thứ vô cùng nhỏ bé, đó là Yêu từng giây phút anh đang có, yêu từng nốt nhạc anh thăng hoa và yêu từng niềm vui mà anh mang lại cho mọi người. Đó là một con cá yêu dòng nước mà nó đang sống, là Hiện tại, và hiện tại là một món quà.
Nếu Jazz là một dòng nhạc tuyệt vời mà với nó, các nghệ sĩ biểu diễn được thoải mái ngẫu hứng thì “Jazzy hóa cuộc sống của bạn” có nghĩa là hãy biết yêu những gì bạn đang có, hãy theo đuổi đam mê một cách hạnh phúc và dù cuối cùng con đường có đưa bạn tới đâu đi nữa thì bạn cũng sẽ là một người hạnh phúc. Hãy để tâm hồn bạn Hát lên, hãy tô màu cho thế giới bởi thế giới cần những người Điên biết Yêu.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten