Trung Quốc trước liên minh cứng rắn ủng hộ Đài Loan
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Diễn biến căng thẳng ở eo biển Đài Loan gây lo ngại Trung Quốc có thể chuẩn bị tấn công Đài Loan ; Cuba tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản, giới lãnh đạo được trẻ hóa nhưng tiếp tục đường lối của đảng ; Giải đáp về chứng đông máu do vac-xin AstraZeneca và Jansen gây ra ; Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) kêu gọi ngừng buôn bán động vật hoang dã. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Washington và Đài Bắc vừa trải qua một tuần lễ với nhiều sự kiện quan trọng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan với Bắc Kinh gia tăng. Ngày 11/04/2021, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ quan ngại về “những hành động ngày càng hung hăng của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan”. Một ngày sau, Bắc Kinh điều số chiến đấu cơ kỉ lục, 25 chiếc, xâm nhập thị uy trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Tại Đài Bắc, phái đoàn ngoại giao đầu tiên, “không chính thức”, của chính phủ Mỹ đã khẳng định “chính quyền Biden sẽ là một người bạn đáng tin cậy” của Đài Loan khi hội kiến tổng thống Thái Anh Văn ngày 15/04. Về mặt ngoại giao, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng ngày 16/04. Hoa Kỳ khuyến khích đồng minh truyền thống ở châu Á cứng rắn hơn trước một Trung Quốc ngày càng bành trướng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có eo biển Đài Loan.
Trả lời đài RFI ngày 16/04, nhà nghiên cứu Guibourg Delamotte, giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại Khoa Nghiên cứu Nhật Bản, trường Inalco, phân tích :
“Năm 1969, Tokyo từng xác định Đài Loan đóng vai trò quan trọng cho chính an ninh của Nhật Bản. Giờ Tokyo chỉ tái xác nhận điều đó và, tôi nghĩ là họ sẽ thực hiện không khó khăn gì, nhưng với những hệ quả ra sao ? Có nghĩa là liệu Nhật Bản sẵn sàng can thiệp cùng với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, nếu như Đài Loan bị tấn công không ? Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng, một kiểu “thay đổi cuộc chơi”, một điều gì đó rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ buộc phải hành động với Hoa Kỳ. Kiểu gì Nhật Bản cũng sẽ phải gác sang một bên thái độ thận trọng của họ”.
Liệu Bắc Kinh sẽ biến lời cảnh báo “Trung Quốc sẽ được thống nhất” của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 01/2019 thành hiện thực ? Trên đài RFI ngày 13/04, bà Cleo Paskal, nhà nghiên cứu về Ấn Độ-Thái Bình Dương, viện Chatham House, phân tích :
“Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan vào thời điểm nào ? Nhìn vào cách hoạt động của Bắc Kinh, họ sẽ cố làm căng thẳng bùng nổ ở nhiều nơi khác nhau. Chẳng hạn nếu Nga tiến vào Ukraina, nếu các tình hình trầm trọng ở Miến Điện và nếu có những vấn đề khác với Iran hoặc với Bắc Triều Tiên, thì Washington, Paris và Luân Đôn sẽ chú tâm đến những mối căng thẳng đó. Liệu điều này sẽ để ngỏ cánh cửa cho Bắc Kinh tung một cuộc tấn công mạng vào Đài Loan ?”
Đài Bắc tăng đầu tư trang bị thiết bị quốc phòng. “Khái niệm phòng thủ chung” mới cũng được triển khai, gồm “ba bước trong kịch bản bị xâm lược : tự vệ, chiến đấu quyết liệt ở vùng duyên hải và hủy diệt kẻ thù trên bãi biển đổ bộ”, theo ông Lâm Chính Vinh (Chen Wei Lin), giám đốc Viện Nghiên Quốc phòng và An ninh Đài Loan (INDSR), khi trả lời Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) hồi tháng Tư.
Nguy cơ leo thang căng thẳng sẽ không tránh được, nhưng nếu dẫn đến xung đột thì có lẽ sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Còn theo hai nhà nghiên cứu Pháp Bruno Tertrais và Antoine Bondaz của FRS, được trang Le Monde trích ngày 15/04, “Bắc Kinh sẽ không có khả năng cùng lúc tham gia một cuộc chiến lớn và bị cô lập về mặt chính trị và kinh tế với phần còn lại của thế giới”.
Đại Hội Đảng Cộng Sản Cuba : Trẻ hóa giới lãnh đạo nhưng tiếp tục đường lối
Trong khi phương Tây dồn chú ý về Nga với căng thẳng miền đông Ukraina và Trung Quốc với hàng loạt hồ sơ, Đại Hội Đảng Cộng Sản Cuba lần thứ 8, diễn ra từ 16-19/04, có lẽ ít được chú ý hơn. Đội ngũ lãnh đạo được trẻ hóa vì bí thư thứ nhất Raul Castro sẽ nhường lại ghế cho chủ tịch Cuba hiện nay, Miguel Diaz-Canel. Đội ngũ lãnh đạo trẻ cam kết sẽ tiếp tục đường lối (“Somos continuidad”) của đảng.
Tuy nhiên, việc thay thế hệ đứng đầu đảng Cộng Sản và Nhà nước lại đặt ra vấn đề về tính chính đáng, như phân tích của giáo sư khoa học chính trị Arturo Lopez-Lévy với thông tín viên RFI Domitille Piron tại La Habana :
“Tính chính đáng của một thế hệ không căn cứ vào lòng trung thành với quá khứ lịch sử, mà vào khả năng đáp ứng những vấn đề và những trông đợi của người dân”.
Đại Hội Đảng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Cuba, cùng với phong trào phản kháng ngày càng gia tăng trong giới trẻ và giới nghệ sĩ. Đối với giáo sư Arturo Lopez-Lévy, trường đại học Holy Name, Đại Hội lần này cho thấy một nghịch lý :
“Chính quyền nói muốn tập trung vào giới trẻ và những tài liệu của Đại Hội Đảng nói rất nhiều về thanh niên. Nhưng việc hứa là tiếp tục đường lối chính trị lại đi ngược với việc muốn đối thoại và tiếp cận giới trẻ. Đối với thanh niên, phải đưa ra những lời hứa thay đổi. Họ không thể nói như hiện nay rằng “chúng ta đang gặp khó khăn, và thành thật mà nói, 5 hay 10 năm nữa cũng sẽ khó khăn như vậy, thậm chí còn tệ hơn”. Người ta không thể nói với thanh niên theo cách này, phải hứa cho họ một tương lai và sau đó là phải giữ lời hứa”.
Đấu tranh chống “lật đổ về chính trị-tư tưởng” trên mạng internet cũng là một chủ đề nghị sự của Đại Hội Đảng. Mạng xã hội trở thành một nơi phản biện, bày tỏ tự do ngôn luận cho những thanh niên vỡ mộng, ngày càng muốn bỏ ra nước ngoài. Julio Luson, một Youtuber, trước đây chỉ chú ý đến công nghệ, giờ đã ý thức hơn về chính trị, giải thích với thông tín viên Domitille Piron :
“Có rất nhiều chuyện xảy ra trong năm nay (2021) về mặt chính trị và ở cấp chính phủ. Với cuộc khủng hoảng tác động đến mình, và dù bạn có muốn hay không trong một đất nước như Cuba, đến một lúc nào đó, bạn cũng phải nói về chính trị. Cách đây một năm, tôi chẳng biết gì về chính trị cả, tôi chẳng quan tâm đến chút nào, nhưng tôi đã bắt đầu cập nhật thông tin, đọc và xem những ý kiến khác nhau, những bình luận chính trị để bắt đầu suy ngẫm thực sự”.
Chính sự tự do tư tưởng và ngôn luận trên mạng internet khiến Đảng Cộng Sản Cuba lo ngại, song song với việc phải đối phó với sự chán chường của người dân trước cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19.
Giải mã chứng đông máu do hai vac-xin AstraZeneca và Jansen gây ra
Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ không triển hạn các hợp đồng mua vac-xin AstraZeneca trong năm 2022, theo bộ trưởng Công Nghiệp Pháp Agnès Pannier-Runacher được AFP trích dẫn ngày 16/04. Không chỉ có vac-xin AstraZeneca gây chứng đông máu, vac-xin Jansen của tập đoàn Johnson & Johnson cũng đang gặp sự cố tương tự.
Theo lưu ý về vac-xin AstraZeneca của Cơ quan Dược Phẩm châu Âu (EMA) ngày 07/04, được AFP trích dẫn, đó không phải là chứng đông máu thông thường, như viêm tĩnh mạch. Thứ nhất là nơi bị đông máu tập trung vào “tĩnh mạch não” và trong một số trường hợp là ở bụng. Tương tự, các cơ quan dịch tễ Mỹ FDA và CDC cũng ghi nhận chứng đông máu ở tĩnh mạch não, được cho là do vac-xin Jansen của Johnson & Johnson gây ra.
Ngoài bất thường về nơi bị đông máu, các cục máu đông còn kéo theo việc giảm mức độ tiểu cầu trong máu - các tế bào giúp máu đông lại. Điều này có nghĩa là chúng có thể gây xuất huyết. Vì thế, việc điều trị kiểu đông máu đặc biệt này khác với phương pháp điều trị hiện hành.
Dù chưa chắc chắn về nguyên nhân gây đông máu, nhưng có nhiều khả năng là do công nghệ bào chế hai loại vac-xin này, được dựa trên “vecto virus”, tức là sử dụng virus cảm cúm vô hại - adenovirus - đưa vào cơ thể người để chống Covid-19 : AstraZeneca sử dụng adenovirus từ loài tinh tinh, còn Johnson & Johnson dùng một adenovirus từ người. Việc cả hai loại vac-xin được bào chế theo công nghệ này khiến giới khoa học nghi ngờ hiệu ứng phụ đều liên quan đến “vecto adenovirus”.
Hiện tại vac-xin Sputnik V của Nga cũng đang được theo dõi, vì vac-xin này sử dụng hai loại adenovirus. Ngày 14/04, Viện Gamaleia, cơ quan bào chế Sputnik V, khẳng định vac-xin của Nga không gây chứng đông máu hiếm có như trường hợp của AstraZeneca và Jansen, vì “các loại vac-xin dựa trên công nghệ vector virus sử dụng những adenovirus khác nhau nên không thể so sánh với nhau”. Serbia sẽ là nước thứ hai (sau Belarus) ngoài lãnh thổ Nga, sản xuất vac-xin Sputnik V.
WHO kêu gọi ngừng buôn bán động vật hoang dã
Đã 16 tháng trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng nguồn gốc thực sự thì vẫn là một ẩn số, ngoài một điều chắc chắn là chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc), nơi buôn bán nhiều động vật hoang dã, là điểm khởi phát virus corona ra khắp thế giới. Chính điều này đã khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), ngày 13/04, kêu gọi ngừng buôn bán động vật hoang dã để tránh những đại dịch khác trong tương lai.
Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tường trình từ Geneve :
“70%, đó là tỉ lệ bệnh truyền nhiễm đến từ động vật. Đó là những ca nhiễm khuẩn đường ruột salmonella, virus Sida, cũng như bệnh cúm, xuất phát ban đầu từ loài chim. Sự tiếp xúc giữa con người và thú vật, kể cả thú vật hoang dã, là một yếu tố quyết định cho sự xuất hiện các loại bệnh mà động vật truyền sang con người, ví dụ bệnh Covid-19.
Vì vậy, cấm bán động vật hoang dã, như những con vật chúng ta thấy ở chợ hải sản Vũ Hán, có thể giúp ngăn ngừa những dịch bệnh mới xuất hiện. Trung Quốc từng cấm buôn bán động vật hoang dã sau cuộc khủng hoảng dịch SRAS vào năm 2002, trước khi cho phép trở lại, rồi lại cấm khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới gửi những khuyến cáo này đến tất cả các nước, kể cả ở châu Phi, nơi tình trạng tiêu thụ và sơ chế thịt rừng có thể góp phần vào việc lây nhiễm virus Ebola”.
Liên Hiệp Châu Âu : Thủ phạm phá hoại rừng thứ hai trên thế giới
Nghịch lý là châu Âu tích cực kêu gọi bảo vệ rừng, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, nhưng lại là thủ phạm gây phá rừng nhiệt đới lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, đứng trước cả Ấn Độ và Hoa Kỳ. Đây là kết quả của một nghiên cứu được Tổ Chức Quốc Tế về Bảo Tồn Thiên Nhiên (WWF) công bố ngày 14/04, vào lúc Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị trình một dự thảo luật về chống nạn phá rừng.
Theo nghiên cứu của WWF, từ năm 2004 đến 2017, lượng hàng nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu làm mất 3,5 triệu ha rừng nhiệt đới, tương đương với 5 triệu sân bóng đá và chiếm 16% tổng diện tích rừng bị phá vì thương mại quốc tế (dầu cọ, đậu nành, thịt bò...). Trong số diện tích 3,5 triệu ha bị phá kể trên, 80% thuộc về trách nhiệm của 8 nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo thứ tự là Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ và Ba Lan.
Khối lượng hàng nhập khẩu này cũng gây ra 1.807 triệu tấn khí thải CO2, tương đương với 40% lượng khí thải chung của Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc trước liên minh cứng rắn ủng hộ Đài Loan - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Đài Loan: “Thay đổi nguyên trạng” là “sai lầm nghiêm trọng”
Đăng ngày:
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 11/04/2021 cho biết Hoa Kỳ lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan và cảnh báo sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng” nếu bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương bằng vũ lực.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ NBC, ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Những gì chúng ta đã thấy và thực sự quan tâm là các hành động ngày càng hung hăng của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng ở vùng eo biển”.
Bắc Kinh hôm thứ Năm 08/04 đã đổ lỗi cho Washington là bên gây ra căng thẳng sau vụ một tàu chiến Mỹ áp sát Đài Loan.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có phản ứng quân sự để đáp trả một hành động của Trung Quốc ở Đài Loan hay không, ông Blinken từ chối bình luận về một giả thuyết.
“Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng ta - tức là nước Mỹ - có một cam kết nghiêm túc để giúp Đài Loan tự vệ… một cam kết nghiêm túc đối với hòa bình và an ninh ở Tây Thái Bình Dương."
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ rất tôn trọng lời hứa và “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng cho bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng đó bằng vũ lực”.
Trong vài tháng qua, Đài Loan đã phàn nàn về các phi vụ thường xuyên của Không Quân Trung Quốc gần hòn đảo.
Nhà Trắng hôm 09/04 cho biết là Washington đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự ngày càng nhiều của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, xem đó là các hành động có khả năng gây bất ổn.
Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Mỹ đã ban hành bản hướng dẫn mới cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ các quan chức Đài Loan một cách tự do hơn. Đây được cho là động thái góp phần làm cho quan hệ Washington-Đài Bắc thêm sâu sắc, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Đài Loan: “Thay đổi nguyên trạng” là “sai lầm nghiêm trọng” (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten