Liên Hiệp Châu Âu tố cáo Trung Quốc đe dọa hòa bình ở Biển Đông
Đăng ngày:
Không đầy một tuần sau khi thông qua bản phác thảo về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặt Trung Quốc trong tầm nhắm, Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm qua 24/04/2021 đã lên tiếng đả kích Bắc Kinh về việc đe dọa hòa bình ở Biển Đông, đề cập cụ thể đến vụ tàu Trung Quốc tràn ngập vùng Đá Ba Đầu trong thời gian gần đây.
Trong một bản thông cáo, phát ngôn viên Cơ Quan Hành Động Đối Ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (European External Action Service EEAS) tuyên bố: “Căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Bản thông cáo nhắc lại lập trường “phản đối mạnh mẽ” của Liên Hiệp Châu Âu đối với “các hành động đơn phương có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.
Liên Hiệp Châu Âu đồng thời kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, “đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp của công ước này”.
Điều đáng chú ý là Liên Hiệp Châu Âu đã nhấn mạnh đến bản “Phán Quyết Trọng Tài được đưa ra trong khuôn khổ UNCLOS ngày 12/07/2016”, tức là phán quyết quốc tế đã bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông cáo hiếm hoi của Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông được đưa ra một hôm sau khi Philippines lại lên tiếng phản đối việc Trung Quốc không chịu rút đội tàu mà Manila xác định là tàu dân quân biển đang đe dọa vùng rạn san hô Whitsun (tên Philippines là Julian Felipe Reef, tên Việt Nam Đá Ba Đầu) ở Trường Sa, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng bị Trung Quốc cho là của họ.
Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Châu Âu
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo, phái bộ Trung Quốc bên cạnh Liên Âu tiếp tục cho rằng Đá Ba Đầu là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và việc các tàu đánh cá của họ hoạt động ở đó để tránh bão là điều “hợp lý và hợp pháp”.
Bản tuyên bố cũng tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà họ tiếp tục cho rằng đã được hình thành trong “quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Bắc Kinh một lần nữa bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016.
Đối với Trung Quốc, “Biển Đông không nên trở thành công cụ để một số quốc gia kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, hay ít ra là biến thành đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc”.
Bắc Kinh ngày càng lo ngại trước khả năng châu Âu và các quốc gia khác đáp ứng lời kêu gọi của tổng thống Mỹ Joe Biden về một “cách tiếp cận có phối hợp” để đối phó với Trung Quốc, một điều bắt đầu trở thành hiện thực qua những biện pháp trừng phạt liên quan đến các hành động đàn áp của Bắc Kinh tại Hồng Kông và cách đối xử với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tuần Duyên Philippines mở tập trận tại Biển Đông
Trên hiện trường Biển Đông, theo hãng tin Pháp AFP, một quan chức Philippines vào hôm nay, 25/04/2021, đã tiết lộ rằng lực lượng Tuần Duyên của nước này đang tiến hành những cuộc tập trận ở vùng Biển Đông gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines chiếm đóng và bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc kiểm soát.
Theo quan chức này, cuộc tập trận nằm trong nỗ lực của Manila nhằm bảo đảm “quyền tài phán hàng hải” của Philippines trên vùng biển tranh chấp.
Liên Hiệp Châu Âu tố cáo Trung Quốc đe dọa hòa bình ở Biển Đông (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten