Việt Nam : Quyên góp hỗ trợ miền trung bị thiên tai
Đăng ngày:
Chín cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã tàn phá miền Trung Việt Nam chỉ trong hai tháng, từ giữa tháng 09 đến giữa tháng 11/2020 (từ bão số 5-Noul đến bão số 13-Vamco). Thiệt hại do các cơn bão gây ra ước tính lên tới 29.300 tỉ đồng (tương đương với 1,3 tỉ đô la), theo bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 được Ngân Hàng Thế Giới công bố ngày 13/11.
Chín tỉnh miền trung, từ Nghệ An đến Bình Định, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là những đợt mưa lớn từ 06 đến 22/10 gây sạt lở đất nghiêm trọng và đại hồng thủy. « Tại một số địa điểm, nước lũ vượt quá mức cao nhất lịch sử trước đó được ghi nhận vào năm 1979 hoặc 1999 », theo báo cáo của Liên đoàn Hội Chữ Thập Đỏ và Lưỡi Liềm Đỏ (FICR).
Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích, khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, vẫn theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới. Bão số 13 (bão Vamco) quét qua nhiều tỉnh miền Trung trong hai ngày 15 và 16/11 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm tốc mái hơn 1.500 ngôi nhà, khiến nhiều cây xanh gãy đổ, bờ biển tan hoang, bờ, kè sạt lở.
Nạn nhân của thời tiết dị thường
Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nước chưa kịp thoát, người dân chưa kịp gia cố nhà cửa từ cơn bão trước, đã phải đón trận bão mới chỉ cách nhau 2 đến 3 ngày. Nhiều khu dân cư trở thành ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Giao thông bị cắt, người dân bị cô lập nhiều ngày trước khi được cứu hộ và nhận được nhu yếu phẩm.
Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nằm trong khu vực bị lũ lụt kéo dài. Sau hơn một tháng, đến giữa tháng 11/2020, tình hình vẫn còn rất khó khăn cho bà con Vân Kiều ở bản Sắt, nằm trong một thung lũng hẻo lánh. Nước lũ lên ngập đến tận sàn và mái hầu hết các ngôi nhà sàn trong bản trong gần 3 tuần, thay vì chỉ vài ngày như những năm trước.
Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Hoàng Minh Hà, bí thư đảng ủy xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết thêm khó khăn :
« Vừa rồi xã Trường Sơn cũng chịu ảnh hưởng vì đợt mưa, lũ lụt trong tháng 10 và chịu thiệt hại rất nặng nề. Trên toàn địa bàn xã có đến 7 đơn vị, bản là có nguy cơ sạt lở, có hai đơn vị nằm ở vùng rốn lũ, gọi là lũ nhưng là lụt lội. Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng di dời bà con đến các điểm an toàn.
Trong đợt mưa lũ từ ngày 17-19/10, tại bản Sắt đã có nguy cơ sạt lở rất cao. Đặc biệt năm nay, do diễn biến mưa lũ bất thường, nước đã dâng lên và không thoát được trong suốt gần 20 ngày. Tại bản Sắt đã xuất hiện một vết nứt dài khoảng 700 mét, có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến đời sống của bà con bản Sắt. Ở đó có 34 hộ và chúng tôi cũng đã kịp thời di dời bà con qua địa bàn an toàn và dựng tạm nhà lán để bà con sinh sống.
Bà con gặp nhiều khó khăn ở nhà lán trong diễn biến mưa lũ phức tạp và mùa đông giá rét đến gần. Vì vậy, chúng tôi luôn bám sát bà con trong thời gian bố trí khu tái định cư mới. Chúng tôi bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường để tránh tình trạng dịch bệnh cục bộ xảy ra ».
Hậu quả của mưa lũ và sạt lở vẫn hằn lại ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tạm thời các điểm sạt lở đã được khắc phục, các tuyến đường đã được nối lại để có thể giúp người dân, đặc biệt là bà con bản Sắt. Ông Hoàng Minh Hà cho biết tiếp :
« Hiện tại bà con 34 hộ với 152 khẩu đang ở trong 23 lán tạm thời, lán bạt. Hiện giờ, chúng tôi cũng đang gấp rút lên các phương án để khảo sát vị trí an toàn để tái định cư bà con. Chúng tôi đang vướng mắc một số thủ tục pháp lý, đang tiến hành thủ tục báo cáo cơ quan cấp trên để giải quyết và cũng có đề nghị cấp trên bố trí kinh phí để tái định cư, ổn định nơi sống cho bà con trong thời gian tới. Vừa rồi tỉnh hỗ trợ trước mắt 1 tỉ đồng để chúng tôi làm thủ tục thành lập các phương án khu tạm cư và sửa lại đường đi cho bà con, để đảm bảo phương tiện thông suốt.
Sáng 19/11, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng đã lên, bàn phương án về địa điểm và có mức hỗ trợ cho bà con để qua tái định cư. Còn huyện xây trường và nhà văn hóa. Hiện chúng tôi cũng mới xây dựng phương án thôi, chứ để làm được hay không thì chúng tôi cũng đang chờ nguồn kinh phí. Nhưng trước mắt, chúng tôi phải ổn định được 34 hộ đó qua điểm an toàn, còn điểm cũ thì chịu. Điểm cũ có nguy cơ sạt lở rất cao, và giờ chưa ai kết luận được là trong điều kiện khô ráo thì có sạt lở hay không, nên chúng tôi không để bà con trở lại khu vực cũ sinh sống ».
Tinh thần « tương thân tương ái », « Lá lành đùm lá rách »
Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai ứng cứu người dân những vùng bị thiên tai. Các nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân, nhanh chóng vận động quyên góp, không quản khó khăn đến tận nơi để hỗ trợ đúng người đúng hoàn cảnh, như ví dụ của nhiều nghệ sĩ, các đoàn từ thiện từ các chùa, các hiệp hội… Ngày 24/10, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu « không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm » đang làm công tác cứu trợ cho người dân miền Trung.
Ở nước ngoài như tại Pháp, Đức hay Hungary, nhiều bà con Việt kiều và sinh viên kêu gọi chung tay giúp người dân miền Trung. Số tiền quyên góp được của họ không lớn như những mạnh thường quân có ảnh hưởng, nhưng được đưa đến đúng chỗ, đúng tay người khó khăn nhờ những mối liên hệ tại quê nhà. Chị Lê Thị Hoa, nhà hàng Sen Việt, quận 3 Paris, là một người như vậy, thường xuyên tham gia làm thiện nguyện :
« Khi miền Trung, đợt vừa rồi bị lũ lụt quá nặng, qua thông tin đài báo thì thật sự là ai cũng cảm thấy đau xót cho đồng bào của mình. Mình cũng muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, đang gặp hoạn nạn.
Nhân việc này, tôi cũng nghĩ ra là qua các kênh Facebook hoặc các nhóm, tôi đã kêu gọi mọi người, trong đó có bạn bè cũng như người thân, nếu ai muốn cùng đồng hành thì đóng góp cùng tôi để chuyển về giúp đỡ đồng bào ở miền Trung. Đó là việc từ tâm của mình, chứ không có lý do gì cả.
Số tiền đó, tôi chuyển về cho một hội bạn của tôi đi vào tận nơi để quyên góp cho một xã ở Hà Tĩnh. Các bạn ở nhà quyên góp thì sẽ mua sang hiện vật. Còn tiền tôi chuyển về, tôi nhờ các bạn làm riêng phong bì để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn hơn ở vùng đó để mua sách vở. Mọi người đã chuyển tình cảm của tôi cũng như là bạn bè tôi đến đúng tay người nhận. Chúng tôi trực tiếp làm, chứ không qua tổ chức nào cả ».
Charly HO, một nhiếp ảnh gia Pháp, gốc Cam Bốt và Việt Nam, có cách quyên góp rất riêng, kết hợp với hai hiệp hội Asia New Generation Vietnam và Securité pour Tous (An Toàn Cho Tất Cả Mọi người). Anh giải thích với RFI Tiếng Việt :
« Mọi chuyện bắt đầu với Roland Beaumont, chủ tịch hội Asia New Generation, khi anh nói với tôi về những khó khăn liên quan đến lũ lụt ở Việt Nam. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, một nghệ sĩ, tôi thấy cần huy động được tối đa cộng đồng để giúp đỡ những gia đình bị nạn ở miền Trung Việt Nam, vì có rất nhiều gia đình không có điều kiện và bị mất hết trong đợt thiên tai.
Chúng tôi đưa ra ý tưởng tổ chức những buổi chụp ảnh tại Lyon. Sau đợt phong tỏa, người dân ở thành phố này có thể tham gia gây quỹ, với 5 euro và đổi lại là một bức ảnh chân dung do tôi chụp. Thực ra, chúng tôi muốn khởi động dự án từ đầu tháng 11 nhưng rồi phải tạm hoãn vì đợt phong tỏa thứ hai (do dịch Covid-19 tại Pháp). Tuy nhiên, trên trang Facebook « Ensemble et maintenant », chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi quyên góp cho người dân miền Trung. Dù dự án chụp hình bị dời lại sau đợt phong tỏa, mọi người vẫn có thể góp 5 euro và giữ lại biên lai, sau đó, họ mang biên lai đến buổi chụp hình và tôi sẽ chụp chân dung miễn phí.
Hiện tại, chiến dịch « 1 bức chân dung 5 euro » vì Việt Nam và Cam Bốt, đã được ấn định ngày ở Lyon. Sau đó, cùng với anh Sun-lay Tan, thuộc hiệp hội Sécurité Pour Tous (An toàn cho tất cả mọi người), chúng tôi sẽ tổ chức đợt chụp chân dung tại Paris và vùng phụ cận, cụ thể là tại quận 13 Paris và Bussy-Saint-George.
Như vậy hiện tại đang có ba sự kiện đã được lên chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có ngày chính xác cho sự kiện ở Paris và vùng phụ cận, vì Pháp vẫn trong thời gian phong tỏa. Chúng tôi chờ thêm để xem có thể làm được vào lúc nào. Lý tưởng nhất đối với chúng tôi là làm sớm nhất có thể. Nhưng nếu vì phong tỏa, người dân ngại di chuyển do sợ bị phạt, thì việc này sẽ phức tạp và sẽ không thành công ».
« Tích tiểu thành đại », những khoản tiền được quyền góp từ khắp nơi sẽ giúp người dân vùng thiên tai giảm bớt được gánh nặng, có kế sinh nhai để có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, như trường hợp của bản Sắt, theo giải thích của bí thư đảng ủy xã Trường Sơn, ông Hoàng Minh Hà :
« Về trước mắt, giờ chúng tôi cũng đang kêu gọi các nguồn kinh phí để sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý, chúng tôi sẽ xây dựng lại một khu tái định cư trong bản Sắt qua một điểm mới, đối diện bản cũ và phải xây dựng lại hai điểm học tập : một điểm là trường mầm non và điểm trường học và xây dựng lại nhà văn hóa của bản. Xây dựng thế nào đó, hỗ trợ cho bà con xây dựng được 34 nhà để 34 hộ bà con trong bản Sắt ổn định sinh sống, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Điều này là rất cần thiết.
Chúng tôi cũng lo nhất là mùa đông giá rét sắp về, sợ nhất là dịch bệnh, đặc biệt là trẻ em và người già rất dễ nhiễm các bệnh về phổi và hô hấp. Ở các lán rất thấp, không thể làm cao hơn được, do đó độ ẩm trong lán rất cao, nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh này rất lớn ».
Liên Hiệp Quốc và « Kế hoạch ứng phó với lũ lụt tại Việt Nam năm 2020 »
Ở quy mô lớn hơn, sau khi chính phủ Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ và cứu trợ khẩn cấp của quốc tế, nhiều tổ chức quốc tế và đại sứ quán một số nước đã hỗ trợ tài chính và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 10,18 triệu đô la. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc đứng ra lập « Kế hoạch ứng phó với lũ lụt tại Việt Nam năm 2020 » kêu gọi 40 triệu đô la để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam ngày 04/11/2020, trích phát biểu của ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc : « Liên Hiệp Quốc, các đối tác cứu trợ nhân đạo và Hội Chữ Thập Đỏ
đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Họ cần được hỗ trợ để được cứu sống ngay lập tức, cũng như những hỗ trợ phục hồi để giúp họ xây dựng lại cuộc sống và sinh kế ».
Số tiền 40 triệu đô la sẽ được chia cho những lĩnh vực : bảo vệ (1,5 triệu đô la), y tế (1,5 triệu), dinh dưỡng (3 triệu), giáo dục (5 triệu), nước sạch-vệ sinh-dịch tễ (WASH, 9 triệu), lương thực, nông nghiệp, sinh kế (9,5 triệu), nhà cửa (10,5 triệu).
Thời gian cũng rất cấp bách để khắc phục hậu quả vì từ giờ đến cuối năm 2020, miền Trung Việt Nam sẽ còn có thể bị thêm 2 đến 3 cơn bão khác.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201123-tap-chi-viet-nam-quyen-gop-giup-nguoi-dan-vung-thien-tai
Geen opmerkingen:
Een reactie posten