vrijdag 20 november 2020

Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh về Covid-19 và kế hoạch tái thiết

 

Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh về Covid-19 và kế hoạch tái thiết

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (P) và đồng nhiệm Ba Lan  Mateusz Morawiecki trong một cuộc họp báo ở Lublin, Ba Lan, ngày 11/09/2020.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (P) và đồng nhiệm Ba Lan Mateusz Morawiecki trong một cuộc họp báo ở Lublin, Ba Lan, ngày 11/09/2020. AP Photo/Czarek Sokolowski
Thu Hằng
4 phút

Tình hình xử lý đại dịch Covid-19 và Kế hoạch tái thiết châu Âu là hai chủ đề nghị sự tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 19/11/2020 thông qua hình thức cầu truyền hình.

Trong cuộc họp ngày 16/11, Ba Lan và Hungary phản đối một điều khoản về việc triển khai Kế hoạch « Next Generation EU » gồm 750 tỉ euro gắn với điều kiện Nhà nước pháp quyền, trong khi châu Âu rất cần phải thông qua kế hoạch này để trước mắt khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet giải thích về những bất đồng của Ba Lan và Hungary :

« Không chỉ có Ba Lan và Hungary tiếp tục cản trở ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu mà Slovenia cũng gia nhập với hai nước này vào thứ Tư 18/11, trong khi trước đây Slovenia vẫn ủng hộ thông qua kế hoạch tái thiết.

Thủ tướng Slovenia Janez Janša đã gửi thư tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel để chỉ trích cơ chế Nhà nước pháp quyền. Cơ chế này quy định ngân sách châu Âu chỉ được tháo khoán với điều kiện tôn trọng độc lập của Tư pháp hoặc tự do giáo dục, tự do báo chí. Và chính cơ chế này đã khiến Hungary và Ba Lan phủ quyết kế hoạch tái thiết.

Theo thủ tướng Slovenia, cơ chế này không thẳng thắn vì nó tùy thuộc vào sự đánh giá mang tính chính trị và chỉ có cơ quan tư pháp mới có thể đánh giá Nhà nước pháp quyền là gì.

Sự ủng hộ của Slovenia dường như củng cố thêm tâm lý của Ba Lan và Hungary cho rằng cơ chế này được hình thành nhằm chống lại họ. Nhưng cùng lúc, thủ tướng Hungary Viktor Orbán dường như cũng hé lộ một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Ông nói đến việc cần tạo ra khả năng viện đến tư pháp để chống lại việc đình chỉ giải ngân và lập ra những tiêu chí khách quan đánh giá về việc vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. »

Châu Âu là vùng dịch lớn nhất thế giới

Khu vực 52 nước châu Âu đang phải đối phó với làn sóng dịch thứ hai và bị tác động nặng nhất thế giới, vượt ngưỡng 15 triệu ca nhiễm Covid-19 từ hôm 17/11, trên hơn 55 triệu ca ghi nhận trên thế giới, theo thống kê của AFP.

Số ca nhiễm mới tại châu Âu đã giảm xuống, lần đầu tiên kể từ hơn ba tháng qua, nhưng số ca tử vong vẫn cao, theo thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới ngày 18/11.

Tại Pháp, số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục giảm, nhưng vẫn ở mức cao : 28.383 ca nhiễm mới và 427 người chết tại bệnh viện. Tuy nhiên, áp lực tại các khoa hồi sức bắt đầu giảm, hiện có 4.759 bệnh nhân được điều trị hồi sức. Theo số liệu tối 18/11, trong vòng 24 giờ, có thêm 2.435 bệnh nhân mới nhập viện, nâng tổng số ca điều trị Covid-19 lên thành 32.811.

Tại Đức, tỉ lệ nhiễm Covid-19 vẫn còn « rất cao », theo cơ quan y tế Đức. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế mới được áp dụng từ đầu tháng 11 bắt đầu có « hiệu quả », cho thấy một số dấu hiệu « lạc quan » về diễn biến dịch.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201119-lien-hiep-chau-au-thuong-dinh-covid-tai-thiet

Geen opmerkingen:

Een reactie posten