maandag 16 november 2020

Malaysia, Philippines, Việt Nam đặt kì vọng vào Biden giữa căng thẳng với TQ

 

Malaysia, Philippines, Việt Nam đặt kì vọng vào Biden giữa căng thẳng với TQ

14/11/2020

Tư liệu - Một người mua báo sau khi Joe Biden được dự báo là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ở Manila, Philippines, ngày 9 tháng 11, 2020.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các nước Đông Nam Á có tranh chấp với nước Trung Quốc hùng mạnh hơn ở Biển Đông bằng cách đứng về phía họ mà không gây ra xung đột vũ trang, theo các nhà phân tích.

Các nhà phân tích này đang nhìn vào hồ sơ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mà trong đó ông Biden từng phục vụ trong vai trò phó tổng thống để tìm ra những manh mối cho biết ông Biden có thể làm gì trong khu vực này.

Ông Obama theo đuổi chính sách mà chính quyền của ông mô tả là “xoay trục sang Châu Á” từ năm 2011 trong khi khu vực này trở nên thiết yếu hơn đối với các lợi ích kinh tế của Mỹ. Ông đã cố gắng tăng cường các thỏa thuận quân sự với năm nước đồng minh hiệp ước ở Châu Á-Thái Bình Dương, cổ xúy thỏa thuận thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump từ bỏ vào năm 2017, và khởi động một chương trình thanh niên nhằm xây dựng quan hệ giữa người dân với người dân.

Dựa trên hồ sơ đó, các học giả cho rằng có thể kì vọng ông Biden sẽ tập trung nhiều hơn vào ngoại giao, thay vì những hành động quân sự mà Tổng thống Donald Trump ưa dùng, bao gồm cho tàu hải quân đi qua vùng biển tranh chấp và bán vũ khí cho các đối thủ trong khu vực của Trung Quốc.

Đối sách của ông Trump đã gây bất an cho một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á, những người đang tìm kiếm quan hệ ổn định với cả hai siêu cường. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo - trong khi phụ thuộc vào nước láng giềng cộng sản này để được hỗ trợ về kinh tế.

Một số nhà phân tích cho rằng dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ có thể sẽ tham gia sâu hơn với Đông Nam Á, mang lại thương mại cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và ảnh hưởng về an ninh chống lại Trung Quốc. Alan Chong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết những quốc gia đó, thông qua khối đàm phán của họ là Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể kì vọng rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ ủng hộ họ trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển với Trung Quốc.

Trung Quốc và ASEAN đã nỗ lực đạt được một bộ quy tắc như vậy, nhằm ngăn ngừa rủi ro, kể từ năm 2002. Trung Quốc đã trì hoãn trong nhiều năm cho đến khi hồi sinh ý tưởng này vào năm 2017.

Các quan chức Mỹ “không cần phải trực tiếp can dự và kích hoạt những điều nhạy cảm của Trung Quốc,” ông Chong nói. “Họ có thể chỉ lặng lẽ ủng hộ ASEAN đàm phán bộ quy tắc ứng xử. Tất nhiên, những trù tính của ASEAN sẽ luôn phù hợp với Washington,” ông nói.

Washington coi nhiều nước Đông Nam Á là đồng minh có thể giúp kiềm chế Trung Quốc khi cần thiết. Trung Quốc viện dẫn những cứ liệu lịch sử để củng cố yêu sách của họ đối với khoảng 90% vùng biển đang tranh chấp. Các nước khác nói rằng yêu sách của Trung Quốc chồng lấn các vùng đặc quyền kinh tế trên biển của họ.

Các nhà lãnh đạo khắp Đông Nam Á “về cơ bản chào đón tất cả mọi người” miễn là các cường quốc khác tránh được bóng ma xung đột, Huang Kwei-bo, phó trưởng khoa sự vụ quốc tế tại Đại học Chính trị Quốc gia ở Đài Bắc, nói.

Trong thập niên qua Trung Quốc đã khiến Việt Nam phẫn nộ bằng cách đưa một giàn khoan dầu và các tàu khảo sát vào vùng biển của họ, làm Malaysia lo lắng bằng các hoạt động hải cảnh của họ và gây hấn với Philippines khi chiếm một bãi cạn có nhiều hoạt động đánh bắt nằm trong khu vực tranh chấp. Trung Quốc là nước có lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất Châu Á.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có những phát biểu công khai chúc mừng ông Biden hôm Chủ nhật, theo sau là Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah, vào ngày hôm sau.

Ông Duterte, mặc dù có quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh từ năm 2016, nói trên truyền thông ở nước ông rằng ông hi vọng cải thiện mối quan hệ với Mỹ dưới thời ông Biden dựa trên “cam kết chung về dân chủ, tự do và pháp trị.” Ngôn ngữ đó thường được sử dụng để tạo ra sự tương phản với sự cai trị độc đoán của Trung Quốc.

Ông Biden chưa nói chuyện với bất kì nhà lãnh đạo Trung Quốc hoặc Đông Nam Á nào kể từ cuối tuần trước, khi ông và người cùng tranh cử, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, được dự báo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 trước ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.

Khi ông Biden nói chuyện hôm thứ Tư với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga - một đồng minh trung thành của Mỹ dưới thời ông Trump trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc - hai người đã thảo luận về “cam kết chung nhằm củng cố liên minh Mỹ-Nhật như nền tảng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thịnh vượng và an toàn,” website cập nhật diễn biến về giai đoạn chuyển quyền Biden-Harris cho biết.

Trung Quốc tạm thời vẫn tỏ ra lạc quan. Ông Trump đã thách thức các nhà lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề thương mại, công nghệ và lãnh sự cũng như chủ quyền hàng hải.

“Việc Biden vào Nhà Trắng được kì vọng sẽ tạo cơ hội cho những bước đột phá trong việc nối lại liên lạc cấp cao và xây dựng lại niềm tin chiến lược tương hỗ giữa hai nước lớn,” trang tin Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, các học giả nói việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên Việt Nam, Philippines và Malaysia ở Biển Đông rộng 3,5 triệu km vuông trong bốn năm qua sẽ buộc ông Biden tiếp tục một số biện pháp đối phó của ông Trump, chẳng hạn như các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ, gọi tắt là FONOP.

“Tôi thực sự nhìn thấy sự leo thang ở Biển Đông như một thực tế đã định trước mà chúng ta phải ứng phó, bởi vì Mỹ không thể không thực hiện các hoạt động FONOP ở Biển Đông, và Trung Quốc sẽ phản ứng, và điều này có nghĩa là các điểm xích mích vẫn tiếp tục tồn tại bất kể ai là tổng thống,” Yun Sun, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói.

Eduardo Araral, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công của Đại học Quốc gia Singapore, dự đoán ông Biden sẽ cố gắng tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc một phần để chứng tỏ rằng Đảng Dân chủ của ông có thể đủ cứng rắn để ngăn cản những ứng cử viên Đảng Cộng hòa của Trump tranh cử chống lại ông vào năm 2024.

“Họ có thể sẽ rời xa đối thoại vì tôi nghĩ rằng người Mỹ đã biết đối thoại sẽ không mang lại lợi thế cho họ trong mối quan hệ với Trung Quốc.“ ông nói. “Cần phải tỏ ra cứng rắn trong cuộc đối thoại đó.”


https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-philippines-vietnam-dat-ki-vong-vao-biden-giua-cang-thang-voi-trung-quoc/5660188.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten