Thiện Lê/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Lịch sử thế giới có nhiều con người cừ khôi hay có những cống hiến không thể thay thế được cho nhân loại. Chính vì vậy, những người đó là cảm hứng cho nhiều tác phẩm trên màn ảnh.
Giới điện ảnh có rất nhiều phim tài liệu về những người có thật đó. Tuy vậy, không phải ai cũng xem phim tài liệu được, nên Hollywood quyết định làm phim về những người có thật để khán giả biết được họ tài giỏi ra sao.
Amadeus
Có thể nói tác phẩm “Amadeus” của năm 1985 là một trong những phim nói về một nhạc sĩ có thật hay nhất của mọi thời đại.
Bộ phim này nói về cuộc đời của nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart, nhưng được kể qua cái nhìn của nhạc sĩ người Ý Antonio Salieri.
Ông Salieri coi Mozart như một đối thủ trong âm nhạc, sau đó trở nên thù ghét Mozart vì cách sống lập dị và tài năng âm nhạc không ai sánh bằng được. Ông bị chìm trong sự thù ghét đó và tìm cách làm hại Mozart, khiến cả hai nhân vật phải chịu hậu quả.
Tuy không chính xác về phần lịch sử, nhưng đạo diễn Milos Forman đã thể hiện được tính cách của nhạc sĩ Mozart rất đúng. Qua diễn xuất của tài tử Tom Hulce, khán giả có thể thấy Mozart là một người có tính cách như trẻ con, lại vừa lập dị, nhưng không thể phủ nhận thiên khiếu âm nhạc của ông.
Tài tử F. Murray Abraham trong vai Antonio Salieri thì không thể chê được với từng cử chỉ và giọng nói làm khán giả bị cuốn theo vào kế hoạch của ông. Nhờ vậy, ông đoạt giải Oscar vai chính hay nhất.
Ngoài giải Oscar vai chính ra, “Amadeus” thắng tổng cộng tám giải Oscar, trong đó có phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và âm thanh hay nhất.
A Beautiful Mind
Tác phẩm “A Beautiful Mind” của năm 2001 nói về cuộc đời giáo sư toán học người Mỹ, John Forbes Nash Jr. và dựa theo sách tiểu sử cùng tên.
Ông Nash là một thiên tài, có nhiều cống hiến cho toán học. Trong phim, ông có một phát hiện lớn từ lúc còn trẻ và được thế giới công nhận. Tuy vậy, ông là một người lập dị, ngạo mạn và phải chịu nhiều đau khổ vì bị hoang tưởng.
Trong suốt bộ phim, ông Nash phải giải mã các thông điệp của Liên Xô và được giao nhiều nhiệm vụ bí mật từ chính phủ Hoa Kỳ. Khán giả sẽ đi theo ông khi làm các nhiệm vụ đó, và gặp nhiều tình tiết gay cấn.
Diễn xuất thần sầu của tài tử Russell Crowe trong vai Josh Nash không thể chê được vì cho khán giả thấy được một người bị rối loạn tâm lý, gần như không ai giúp được. Nhờ vậy, ông được đề cử nhận Oscar vai chính hay nhất của năm 2001.
Qua cái nhìn của đạo diễn Ron Howard, “A Beautiful Mind” đoạt bốn giải Oscar, trong đó có phim hay nhất.
Malcolm X
Tác phẩm “Malcolm X” của năm 1992 nói về nhà hoạt động Malcolm X đấu tranh cho quyền công dân của người gốc Phi Châu trong thập niên 1960.
Được dựa theo sách tiểu sử do chính Malcolm X viết, bộ phim này thể hiện tính cách và quan điểm của ông rất đúng. Diễn xuất của tài tử Denzel Washington trong vai Malcolm X làm khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh trong suốt bộ phim dài hơn ba tiếng đồng hồ này.
Đây là một nhân vật có thật gây nhiều tranh cãi và diễn xuất của ông Washington hoàn toàn thể hiện được điều đó. Tuy không thể hoàn toàn đồng ý với nhà hoạt động Malcolm X trong những cách đấu tranh của ông, nhưng khán giả có thể hiểu được tại sao ông lại có những suy nghĩ như vậy qua bộ phim này.
Ngoài ra, đây là một tác phẩm đầy ý nghĩa người gốc Phi Châu, cũng như đạo diễn Spike Lee với tài tử Washington, và khán giả có thể hiểu được điều đó.
Tài tử thắng giải Oscar của năm 1992 là Al Pacino trong “Scent of a Woman,” nhưng diễn xuất của tài tử Washington cũng hoàn toàn xứng đáng nhận giải không kém.
Schindler’s List
“Schindler’s List” công chiếu năm 1993, nói về câu chuyện có thật của doanh gia người Đức, Oskar Schindler. Ông đến thành phố Krakow của Ba Lan để mở nhà máy, và trước đó đã gia nhập đảng Đức Quốc Xã để kiếm được nhiều tiền hơn.
Ông mở nhà máy và tuyển dụng nhiều công nhân gốc Do Thái, nhưng không ngờ sau đó Đức bắt đầu tàn sát người Do Thái. Doanh gia này muốn bảo vệ công nhân vì họ làm việc rất tốt, nhưng ông không ngờ mình sẽ thành vị cứu tinh cho hàng ngàn người Do Thái. Ông phải đối đầu với nhiều áp lực từ quân đội Đức, trong đó có sĩ quan Amon Goeth, người giám sát trại tập trung giam người Do Thái ở Ba Lan.
Vì việc làm tuy vì lợi nhuận, nhưng vẫn cao thượng, doanh gia Schindler đến giờ vẫn được nhiều thế hệ của người Do Thái mang ơn.
Với sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg và tài tử Liam Neeson đóng vai doanh gia Schindler, “Schindler’s List” là một trong những phim Đức Quốc Xã thành công nhất trong lịch sử.
Không chỉ vậy, sự lựa chọn quay bằng màu trắng đen lại làm cho bộ phim này thêm u sầu và đau khổ hơn.
The Social Network
Công chiếu năm 2010, “The Social Network” nói về tỷ phú Mark Zuckerberg trong những ngày còn đi học ở Harvard và quá trình tạo ra mạng xã hội Facebook.
Với bối cảnh vào năm 2003, sinh viên Zuckerberg quyết định tạo ra một hệ thống mạng mới và từ đó tạo ra được mạng xã hội Facebook mà ai cũng dùng.
Đến năm 2009, ông là một trong những tỷ phú trẻ nhất của thế giới, nhưng sự thành công đó dẫn đến nhiều khó khăn trong về luật pháp, cũng như trong cuộc đời.
Bộ phim này nói về sự cô đơn của ông Zuckerberg trong lúc còn đi học. Ông bị bạn gái bỏ rơi và đó là điều khiến ông muốn tạo ra “FaceMash,” phiên bản thử nghiệm của Facebook. Khi đã thành công, ông vẫn cảm thấy cô đơn như trước.
Tài tử Jesse Eisenberg thể hiện xuất sắc được sự cô đơn của Mark Zuckerberg, và được đề cử Oscar vai chính hay nhất.
Ray
Đối với thể loại nhạc soul, không ai không biết đến tên tuổi của danh ca và nhạc sĩ Ray Charles. Chính vì vậy, không có gì có thể vinh danh ông như tác phẩm “Ray” của năm 2004.
Bộ phim này được công chiếu vào Tháng Mười, 2004, chỉ bốn tháng sau khi nhạc sĩ Ray Charles qua đời.
Trong phim này, nhạc sĩ Charles phải chứng kiến em trai của mình bị chết đuối khi còn nhỏ. Đến 9 tuổi, ông bị mù vì cườm mắt. Tuy vậy, mẹ ông luôn hỗ trợ và khuyên nhủ con trai không nên tự hành hạ bản thân nữa.
Ông bắt đầu thành công khi đi trình diễn nhạc jazz ở Seattle, khi vừa phải đối chọi với sự nghiện ngập ma túy, và còn ngoại tình khi đi trình diễn.
Tuy nhiên, vợ ông luôn hỗ trợ và giúp vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời. Nhờ vậy, ông mang nhiều thay đổi đến cho thể loại nhạc soul và trở thành một tên tuổi không thể quên được.
Tài tử Jamie Foxx diễn xuất rất thần sầu trong “Ray,” thể hiện một người mù và những cảm xúc của họ rất xuất sắc. Ông phải đeo kính đen cho người mù 14 tiếng trong một ngày để đóng vai Ray Charles.
Vừa là ca sĩ, tài tử Foxx biết chơi đàn dương cầm, nên tự chơi đàn trong những cảnh. Tuy vậy, ông phải hát nhép vì cho rằng mình không thể nào giả được giọng hát của danh ca Ray Charles được.
Nhờ diễn xuất trong “Ray,” tài tử Foxx đoạt giải Oscar vai chính hay nhất của năm 2004.
Walk The Line
Phim “Walk The Line” của năm 2005 nói về danh ca nhạc country, Johnny Cash, do tài tử Joaquin Phoenix đóng.
Không như các phim về những nhân vật có thật ngoài đời khác, tài tử Phoenix không đóng vai Johnny Cash, mà hoàn toàn hóa thân thành nhân vật. Từ cách ăn nói đến từng cử chỉ, ông đều làm khán giả nhớ đến danh ca Cash.
Để chuẩn bị cho vai diễn, ông mất đến sáu tháng trời để tập đánh guitar và tập hát. Điều đó được thể hiện rất rõ trong phim vì khán giả tưởng như họ đang xem Johnny Cash thật trên sân khấu.
Trong những cảnh trình diễn, tài tử Phoenix tự hát hết các ca khúc. Không chỉ vậy, ông còn thể hiện được tâm lý của danh ca Cash trong những năm u tối. Ông tính toán từng cảnh để làm cách nào chinh phục được khán giả.
Vì vậy, đạo diễn James Mangold từng nói quay tài tử Phoenix sau lưng hay quay trước mặt không hề ảnh hưởng đến diễn xuất của ông.
Ngoài ra, sự ăn khớp với minh tinh Reese Witherspoon lại càng làm cho “Walk the Line” hay hơn.
Minh tinh Witherspoon được giải Oscar vai nữ chính hay nhất, và tài tử Phoenix được đề cử Oscar vai nam chính hay nhất của năm 2006. Điều đó khiến nhiều khán giả thắc mắc tại sao ông không đoạt giải năm đó.
Tuy vậy, ông đoạt giải Golden Globe vai chính trong phim về âm nhạc của năm 2006. (Thiện Lê) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/phim-anh-va-am-nhac/7-phim-ve-nhung-nhan-vat-co-that-tai-gioi-ngoai-doi/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten