Covid-19: Giới nghiên cứu chú ý đến giả thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm
Đăng ngày:
Vào lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn cầu, lây nhiễm cho hơn 51 triệu người tính đến ngày 10/11/2020, cướp đi sinh mạng của hơn 1,2 triệu người khác, giới nghiên cứu vẫn tranh cãi về nguồn gốc “tự nhiên” hay “nhân tạo” của tác nhân gây dịch là virus SARS-CoV-2, xuất hiện cách nay gần một năm ở Trung Quốc.
Trên trang thông tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS ngày 27/10 vừa qua, nhà nghiên cứu virus Étienne Decroly thuộc Đại Học Aix-Marseille đã điểm lại một số giả thuyết về nguồn gốc con virus SARS-CoV-2 và nhấn mạnh rằng không thể bác bỏ khả năng virus này do người tạo ra và vì một sự cố nào đó đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.
Cùng với 4 nhà nghiên cứu Pháp khác, ông Decroly là đồng tác giả một công trình nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Médecine/Sciences ngày 10/08, tìm hiểu sâu thêm về nguồn gốc con virus đang được gọi nôm na là virus corona.
Bài nghiên cứu tập thể đó đề cập trở lại một cách nghiêm túc giả thuyết từng được gợi lên trước đó, cho rằng virus là một vật thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, và do một sự cố, đã thoát ra bên ngoài để trở thành tác nhân gây bệnh dịch chết người.
Một giả thuyết “cấm kỵ” vì bị lợi dụng vào mục tiêu phi khoa học
Giáo sư Jacques van Helden, chuyên về tin sinh học – bio informatique tại Đại Học Aix-Marseille, đã nêu bật khó khăn mà các nhà nghiên cứu gặp phải khi đề cập đến giả thuyết này: “Quả là không dễ dàng chút nào để được lắng nghe. Nhiều người vẫn rất dè dặt khi nêu lên giả thuyết này, vì những lý do không đơn thuần là khoa học”.
Nếu tại Mỹ, nơi tổng thống Donald Trump luôn luôn buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh đang tàn phá hành tinh, cuộc tranh luận về nguồn gốc con virus đã bị giới làm chính trị lợi dụng, thì tại Pháp, theo giáo sư Van Helden, giả thuyết về nguồn gốc nhân tạo của con virus đã trở thành độc quyền của những kẻ “lập dị”.
Hiện nay, phần lớn các báo cáo khoa học được công bố đều đồng ý rằng virus corona có nguồn gốc tự nhiên, nhưng đối với vị giáo sư Pháp: “Trên bình diện khoa học, các yếu tố mà giới nghiên cứu đang có không đủ để loại trừ hẳn giả thuyết về một loại virus thoát ra từ phòng thí nghiệm”.
Đã từng có tiền lệ về việc virus thoát khỏi phòng thí nghiệm
Theo nhật báo Pháp Le Parisien ngày 08/11 vừa qua, lịch sử y học trong vài chục năm gần đây đã ghi nhận nhiều vụ virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm để gây hại trong dân chúng.
Một trong những trường hợp được biết đến nhiều nhất liên quan đến virus bệnh sốt xuất huyết được đặt tên là virus Marburg (MARV), vì được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1967 ở thành phố Đức Marburg, rồi sau đó được thấy ở Frankfurt và ở Beograd, Cộng Hòa Serbia. Loại virus này bắt nguồn từ các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên loại khỉ xanh châu Phi nhập từ Uganda.
Một ví dụ khác là đại dịch cúm năm 1977, hiện được cho là bắt nguồn từ một chủng virus được thu thập từ những năm 1950, nhưng đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.
Trả lời báo Le Parisien, nhà nghiên cứu virus học Etienne Decroly, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, một trong năm tác giả công trình trên chuyên san Médecine/Sciences, cho biết thêm: “Một số vụ vô tình phát tán virus SARS-CoV từ phòng thí nghiệm đã được ghi nhận trong thời gian gần đây, may mắn thay là chúng không làm phát sinh bất kỳ dịch bệnh lớn nào”.
Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể chế tạo virus
Năm 1981, khi bệnh AIDS/SIDA xuất hiện, trên thế giới đã rộ lên những tin đồn về việc con virus này đã được con người tạo ra. Những những tin đồn đoán đó đã bị gạt bỏ dễ dàng, vì khoa học lúc đó chưa đủ khả năng. Bối cảnh ngày nay hoàn toàn khác.
Theo giáo sư Van Helden, “bây giờ chúng ta có thể tái tạo lại virus bằng cách sử dụng các công cụ của sinh học phân tử… Các loại virus có thể tiến hóa trong phòng thí nghiệm, bằng cách chọn ra các chủng có khả năng phát triển ở các loài khác nhau. Theo chuyên gia này, chính khả năng con virus SARS-CoV-2 là kết quả của kiểu chọn lọc cấp tốc đó là hướng đã được các nhà nghiên cứu Mỹ chú ý theo dõi.
Hai nhà nghiên cứu Dan và Karl Sirotkin đã giải thích trên tạp chí khoa học Bioessay rằng khả năng lây nhiễm từ động vật sang người của con virus corona cỏ thể là đã không được “cố ý chế tạo ra”, nhưng nó rất có thể đã được chọn lọc “sau một số lần thử nghiêm truyền từ động vật này qua động vật khác trong phòng thí nghiệm, hay trong quá trình nuôi cấy tế bào”.
Theo hai chuyên gia này, trái với cách biến đổi sử dụng các enzyme được gọi là “kéo” hoặc “keo”, kiểu chọn lọc bằng cách chuyển từ loài này sang loài khác trong phòng thí nghiệm không để lại dấu vết.
Giả thuyết nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2 không thỏa đáng
Một trong những yếu tố đáng chú ý trong công trình của các nhà nghiên cứu Pháp đó là họ cho rằng giả thuyết được nhiều người chấp nhận hiện nay về nguồn gốc tự nhiên của con virus corona vẫn còn nhiều điều chưa thỏa đáng.
Theo ông Alexandre Hassanin, nhà động vật học tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Quốc Gia Pháp, ngày nay dù biết rằng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một loại virus nơi loài dơi, nhưng giới khoa học vẫn chưa xác định được con vật chủ làm trung gian để truyền virus từ dơi sang người.
Cho đến gần đây, tê tê thường được cho là con vật trung gian đó, nhưng rốt cuộc giả thuyết này đã bị gạt sang một bên, vì chủng virus mà con tê tê mang theo khác xa với loại virus tìm thấy nơi người. Theo ông Hassanin, khác biệt giữa virus nơi con tê tê và nơi người “tương đương với vài thập kỷ tiến hóa theo các hướng khác nhau”.
Bài báo trên tạp chí danh tiếng Nature Medicine thường được trích dẫn để khẳng định nguồn gốc tự nhiên của virus dịch Covid-19, cũng đã gợi đến điểm thiếu sót kể trên, đồng thời kêu gọi giới nghiên cứu tìm thêm các mẫu từ động vật hoang dã để tìm ra mắt xích còn thiếu.
Tuy nhiên, theo giáo sư Van Helden, bài báo nói trên chỉ đưa ra hai giả thuyết cực đoan - nguồn gốc tự nhiên hoặc kết quả của một hoạt động cố tình chế tạo ra con virus - trong khi có nhiều cách khác có thể giải thích sự xuất hiện của virus nơi người, đặc biệt là “việc cho virus di chuyển từ loài này sang loài khác trong phòng thí nghiệm”.
Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Le Parisien, nhà virus học Etienne Decroly đã nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của việc tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc của con virus corona.
Cần quan tâm đến giả thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm
Theo ông Etienne Decroly, giả thuyết chủ đạo hiện nay vẫn là virus SARS-CoV-2 là một loại virus tự nhiên bắt nguồn từ virus dơi. Nhưng giả thuyết về một loại virus có thể đã vô tình thoát ra từ phòng thí nghiệm là một trong số những giả thuyết khác và cho đến nay vẫn chưa thể bị loại trừ. Trong giả thuyết này, SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một loại virus dơi được các nhà khoa học tách riêng ra trong quá trình thu thập mẫu. Nó có thể đã được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trên tế bào hoặc động vật để tìm hiểu phương thức vượt qua hàng rào chủng loại của con virus này.
Theo ông Decroly, phòng thí nghiệm về virus học ở Vũ Hán, thành phố nơi dịch bệnh bùng phát, có các kỹ thuật để làm việc này. Công việc đó có thể không phải nhằm mục tiêu chế tạo một loại vũ khí sinh học, mà là nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của loại virus này.
Khi được hỏi là liệu giả thuyết về virus thoát khỏi phòng thí nghiệm có thêm củi lửa cho thuyết âm mưu hay không, ông Delcroly cho rằng không thể đánh đồng việc tìm hiểu nguồn gốc của virus với thuyết âm mưu. Việc tìm hiểu nguồn gốc là một quá trình khoa học bình thường. Ngay cả khi có một sự cố xảy ra, đó cũng không phải là một âm mưu. Không nên phụ thuộc vào các cân nhắc chính trị, mà phải xem xét vấn đề dưới ánh sáng của các dữ liệu khoa học mà chúng ta có được.
Về phương pháp tiến hành, nhà virus học Pháp nhắc lại rằng cần phải thu thập nhiều mẫu virus hơn từ các loài gia súc và động vật hoang dã. Việc phát hiện ra virus nơi động vật khác giống với SARS-CoV-2 hơn virus hiện thấy nơi loài dơi sẽ cho phép xác lập nguồn gốc tự nhiên của virus corona. Nhưng đến nay, mắt xích còn thiếu này vẫn chưa được tìm ra.
Bên cạnh đó, các phân tích tin-sinh học sâu hơn có thể tiết lộ dấu vết của các thao tác thay đổi gen, nhưng cho đến nay chưa có phân tích nào cung cấp bằng chứng dứt khoát về khả năng này.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201110-covid-19-gi%E1%BB%9Bi-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-ch%C3%BA-%C3%BD-%C4%91%E1%BA%BFn-gi%E1%BA%A3-thuy%E1%BA%BFt-virus-tho%C3%A1t-kh%E1%BB%8Fi-ph%C3%B2ng-th%C3%AD-nghi%E1%BB%87m
Geen opmerkingen:
Een reactie posten