dinsdag 20 oktober 2020

Quan hệ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Những bức tường thành khó vượt qua + "khúc xương... mắc nghẹn" Tân Cương

 

Quan hệ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Những bức tường thành khó vượt qua

Phần âm thanh 09:03
Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Istanbul ngày 01/10/2020, phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Istanbul ngày 01/10/2020, phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. AP - Emrah Gurel
Thanh Hà
22 phút

Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ đe dọa tham vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhưng đó không phải là trở ngại duy nhất. Bắc Kinh giành sân lấn đất vào những vùng vốn Ankara coi là sân sau của mình. Đôi bên có nhiều mâu thuẫn về địa chính trị và công luận của hai phía đều không mấy có thiện cảm về mối đối tác Trung –Thổ.  Tiếp tục cuộc phỏng vấn chuyên gia Tolga Bilener, phần hai tạp chí Kinh tế tập trung phân tích những trở lực trong mối hợp tác giữa « một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới ».

Trong tạp chí của RFI ngày 13/10/2020 Tolga Bilener, tác giả bài nghiên cứu « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » đăng trên mạng của IFRI, Viện Quan Hệ Quốc Pháp số ra tháng 10/2020, đã trình bày về tầm mức quan trọng gắn kết kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc nhưng đồng thời nhận định đây cũng là một mối giao thương bất tương xứng.

Trung Quốc hiện là một trong ba đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và vì những động lực khác nhau, đôi bên đều có tham vọng mở rộng thêm nữa mối quan hệ đó. Tuy nhiên, nhiều ví dụ cụ thể cho thấy còn quá nhiều những giới hạn để có thể nói đến một trục « Ankara-Bắc Kinh ».

Thứ nhất chính quyền hai nước tuy đã đầu tư nhiều vào các chương trình du lịch thế nhưng người Trung Quốc tới nay vẫn không mặn mà với các dự án tham quan Thổ Nhĩ Kỳ và số ít sang được đến Thổ thì vấp phải sự chống đối của không ít người dân xứ này. Đây là hậu quả trực tiếp từ các biện pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo như ghi nhận của Tolga Bilener. Ở chiều ngược lại, dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tẩy chay một đất nước đàn áp người Hồi giáo, muốn gột tẩy những nét đặc thù văn hóa của thiểu số Duy Ngô Nhĩ. 

Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí Trung Quốc

Thí dụ thứ nhì minh họa cho khó khăn trong quan hệ kinh tế Thổ-Trung là các kế hoạch mua bán vũ khí Trung Quốc : Đối thoại giữa các giới chức quân sự hai nước đã được thiết lập từ đầu thập niên 1990. Năm 1997, Ankara đặt mua 97 tên lửa đạn đạo tầm ngắn B-611 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trang bị vũ khí cho một thành viên NATO.

Thực ra hợp đồng mua bán vũ khí với Trung Quốc nhanh chóng đụng phải những giới hạn. « Mùa hè năm 2013 trong bối cảnh căng thẳng với các đối tác phương Tây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chọn mua hệ thống phòng không của Trung Quốc HQ-9, trị giá 3,8 tỷ đô la ». Hai lý do dẫn tới sự lựa chọn này đó là giá cả phải chăng so với tên lửa của Âu, Mỹ và tập đoàn Trung Quốc CPMIEC bằng lòng chuyển giao công nghệ cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều mà đến nay các nhà sản xuất phương Tây luôn luôn từ chối Ankara.

Viễn cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí của Trung Quốc là một gáo nước lạnh đối với toàn Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Sau hai năm đàm phán, cuối cùng Ankara từ bỏ kế hoạch mua tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo. Chuyên gia giảng dậy tại đại học Galatasaray, Istanbul, Tolga Bilener không ngần ngại cho rằng chính quyền Erdogan đã dùng lá bài Trung Quốc để gây áp lực với phần còn lại trong NATO.

Dự án trang bị tên lửa Trung Quốc này tuy bất thành nhưng là điểm khởi đầu thể hiện quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng các mối quan hệ.đối tác ra bên « ngoài khu vực các nước phương Tây ». Bằng chứng rõ rệt nhất là năm 2017 Ankara đặt mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga và lần này chính quyền Erdogan « phớt lờ những áp lực và cảnh cáo của các đồng minh trong gia đình NATO ».

Trung Quốc mở mặt trận công nghệ số

Về phần mình, Trung Quốc đã nhanh chóng khép lại chương mua bán vũ khí để chiêu dụ Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực công nghệ mới khác với tầm chiến lược quan trọng không kém :

Tolga Bilener : « Điểm đáng chú ý ở đây là một thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hợp tác với Bắc Kinh. Chỉ riêng về mặt phát triển công nghệ số chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ dựa và Trung Quốc để thiết lập toàn bộ mạng internet 5G. Ngoài ra đôi bên đang phát triển nhiều dự án xây dựng những thành phố thông minh tức là sử dụng các công nghệ kết nối và phương tiện truyền thông nhằm cải thiện các dịch vụ trong thành phố… Thêm vào đó, như đã đề cập đến với RFI lần trước, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí địa lý rất thuận lợi về mặt chiến lược. Bắc Kinh  thấy rõ đây là một mắt xích quan trong của Con Đường Tơ Lụa Mới ».

Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » tác giả đi sâu thêm vào chi tiết : « Tháng 1/2019 tập đoàn viễn thông Turkcell đạt thỏa thuận với Hoa Vi về cơ sở hạ tầng xây dựng mạng internet 5G trên toàn lãnh thổ từ nay đến 2021 (…) dự án này nằm trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới (…) Ngoài ra ngay từ 2009 Hoa Vi đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại Istanbul, đây là trung tâm lớn nhất ở ngoài Hoa lục ».

Về phần các dự án xây dựng những « thành phố thông minh » Ankara xem đây là đòn bẩy cho quan hệ kinh tế song phương trong giai đoạn 2020-2023. Với dự án này Thổ Nhĩ Kỳ mua những trang thiết bị điện tử để theo dõi từ xa, thiết bị kết nối, biến những thành phố Thổ Nhĩ Kỳ thành những « nơi an toàn ». Sau cùng, trong một lĩnh vực còn khá mới là các hoạt động mua bán trên mạng, nhà phân phối Alibaba đã thâu tóm 75 % đối tác Trendyol để kiểm soát luôn thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở ngại khó vượt qua :  Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ

Tuy nhiên trong mối quan hệ « đối tác chiến lược » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vẫn âm ỉ một ngòi nổ : đó là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Tôn giáo và ngôn ngữ là hai sợi chỉ đỏ kết nối cộng đồng thiểu số này sống tại vùng tự trị Tân Cương với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đầu thế kỷ XX đã có một số người Duy Ngô Nhĩ sinh sống trên đất Thổ và theo nhà nghiên cứu Bilender, Bắc Kinh  luôn « để mắt đến hoạt động của vài chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ »

Dù không đông lắm nhưng, những người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại này lại « rất năng động về mặt chính trị và gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ » Do vậy : « yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn hiện diện trong phương trình của mối bang giao Trung Quốc –Thổ Nhĩ Kỳ ». Thông tin về những hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ngày càng nhiều : từ các vụ cưỡng bức lao động đến các trại « huấn nghệ » giam giữ cả triệu người vô tội vạ và gần đây nhất là nghiên cứu về chính sách triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ khiến hồ sơ vốn đã rất nhậy cảm này càng thêm « nóng bỏng ».

Nhìn rộng ra hơn yếu tố địa chính trị càng lúc càng chi phối quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Tolga Bilener trước hết tập trung vào « cái gai Duy Ngô Nhĩ » đang đâm thẳng vào cả hai phía Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ  

Tolga Bilener : « Đầu tiên hết là yếu tố đối nội. Phải công nhận về mặt chính trị, chính sách của Trung Quốc về người Duy Ngô Nhĩ là một trở lực đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Không nhất thiết phải đi quá sâu về lịch sử, chỉ cần nhìn lại thời điểm từ thế kỷ 19, đã có một mối liên hệ giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ.  Yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn luôn hiện diện trong đối thoại Ankara –Bắc Kinh. Thế nhưng đối với Trung Quốc đây là một vấn đề thuộc về ‘an ninh quốc gia’ và Bắc Kinh luôn rất khó chịu khi Ankara đề cập đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó những cáo buộc lên án Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số này là một vấn đề mà Ankara không thể làm ngơ, bởi nó động chạm trực tiếp đến bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên chính quyển Erdogan luôn trong thế làm xiếc đi dây, vì họ thừa biết rằng đây là một chủ đề nhậy cảm đối với Bắc Kinh và muốn tránh để vấn đề Duy Ngô Nhĩ phương hại đến quan hệ kinh tế song phương. Nói cách khác hai vế ngoại giao và kinh tế ở đây song hành với nhau. Chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh như một lớp sóng ngầm.

Vì những lý do tôn giáo, vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa, công luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan tâm đến số phận của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tựu chung đây là một chủ đề rất nhậy cảm đối với cả hai bên. Theo một cuộc thăm dò, công luận Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Không hiểu liệu những nỗ lực của ngoại giao Trung Quốc có cho phép đảo ngược tình huống trong những năm sắp tới hay không ».

Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đàn áp người Tân Cương, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng để ý đến số phận người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và đòi đưa quan sát viên đến vùng tự trị tây bắc Trung Quốc này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể im lặng trên hồ sơ này để tránh làm phật lòng đối tác thương mại lớn của mình là Bắc Kinh.

Tác giả Tolga Bilener ghi nhận là đã xa rồi cái thời kỳ mà ông Recep Tayyp Erdogan ở cương vị thủ tướng, năm 2009 mạnh mẽ lên án Bắc Kinh « tiến hành gần như một cuộc diệt chủng » nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trong tay chính quyền cũng rất kín đáo trên hồ sơ này.

Tranh giành ảnh hưởng khu vực

Bên cạnh cái gai nhức nhối nhất đối với cả hai bên là chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương, còn có nhiều xung khắc về quyền lợi cả về ngoại giao, chiến lược, kinh tế giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông, Trung Á và cả châu Phi như giải thích của nhà nghiên cứu Bilener : 

Tolga Bilener : « Nhìn rộng ra hơn, ở tầm mức khu vực, quyền lợi của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đôi khi mâu thuẫn với nhau. Thí dụ như trên hồ sơ Syria, quan điểm của Ankara và Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược nhau. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cạnh tranh về kinh tế đối với khu vực Trung Á và kể cả tại châu Phi. Từ gần một chục năm nay Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, đặc là tại các nước Phi châu Hồi giáo. Sau cùng ở cấp quốc tế, đừng quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, của Ủy Hội Châu Âu và Ankara có tham vọng ra nhập Liên Hiệp Châu Âu. Khi mà Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nguyện vọng xích lại gần với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thì nước này chỉ được công nhận với tư cách là quan sát viên. Thành thử chúng ta thấy rõ những giới hạn trên con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau ».

Một thăm dò dư luận được Bắc Kinh công bố hồi năm 2012 cho thấy chỉ có 17 % những người được hỏi có cái nhìn « tốt » về Thổ Nhĩ Kỳ và lời giải thích kèm theo là Ankara quá thân với Mỹ, đồng thời công luận Trung Quốc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một phần « trong vấn đề Tân Cương ».

Trong chiều ngược lại, theo báo cáo của viện thăm dò Mỹ Pew hồi năm 2019 chỉ có có 37 % những người được hỏi có « thiện cảm » với Trung Quốc, 44 % xem đây là một « mối thù nghịch » với lý do chính là chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh và hàng « made in China » thường đồng nghĩa với hàng rẻ tiền kém chất lượng. Cuối cùng một thăm dò khác do chính Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cho thấy chỉ có 11,8 % các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ xem Trung Quốc là « bạn » và 48,7 % nhìn ông khổng lồ châu Á này như một « một đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ ».

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201020-quan-h%E1%BB%87-kinh-t%E1%BA%BF-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-trung-qu%E1%BB%91c-nh%E1%BB%AFng-b%E1%BB%A9c-t%C6%B0%E1%BB%9Dng-th%C3%A0nh-kh%C3%B3-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qua

Geen opmerkingen:

Een reactie posten