zaterdag 24 oktober 2020

Báo WSJ: Bắc Kinh dọa giữ “con tin” Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa Washington + Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con tin”

 

Báo WSJ: Bắc Kinh dọa giữ “con tin” Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa Washington

Logo nhật báo tài chánh Mỹ Wall Street Journal.
Logo nhật báo tài chánh Mỹ Wall Street Journal. Getty Images North America/AFP
Thu Hằng
3 phút

Bắc Kinh cảnh báo Washington là có thể bắt giam công dân Mỹ ở Trung Quốc để đáp trả việc Hoa Kỳ bắt giữ nhiều nhà khoa học Trung Quốc. Theo báo Wall Street Journal ngày 17/10/2020, thông điệp này được Bắc Kinh gửi đến chính quyền Mỹ rất nhiều lần và thông qua nhiều kênh khác nhau, kể cả thông qua đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Thông điệp của Trung Quốc rất rõ: Washington phải ngừng ngay việc truy tố các nhà khoa học Trung Quốc, nếu không công dân Mỹ ở Trung Quốc cũng có nguy cơ rơi vào cảnh vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Lời cảnh báo được đưa ra ngay từ mùa hè, sau khi Hoa Kỳ bắt đầu hàng loạt vụ bắt giữ các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu tại các trường đại học Mỹ, cáo buộc họ không trung thực khi khai hồ sơ nhập cư và che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, tiếp theo là vụ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào tháng 07.

Những lời đe dọa này có thể biến thành hiện thực vì theo báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc vẫn vô cớ bắt công dân nước ngoài để phục vụ cho chiến lược ngoại giao của họ, một chiến lược bị Washington gọi là “ngoại giao con tin”.

Trường hợp hai công dân Canada bị Trung Quốc kết tội “làm gián điệp” là ví dụ điển hình và thực tế nhất. Vụ bắt giữ từ tháng 12/2018 hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor được cho là nhằm trả đũa việc Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ.

Hiện tại, cả sứ quán Trung Quốc tại Washington lẫn bộ Ngoại Giao Mỹ đều từ chối yêu cầu bình luận của Wall Street Journal. Bắc Kinh phản đối cụm từ “ngoại giao con tin” được các quan chức Mỹ, Canada và nhiều quốc gia khác sử dụng, với khẳng định Bắc Kinh chỉ áp dụng luật pháp, hành động và bảo vệ an ninh quốc gia.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201018-b%C3%A1o-wsj-b%E1%BA%AFc-kinh-d%E1%BB%8Da-gi%E1%BB%AF-con-tin-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BA%A3-%C4%91%C5%A9a-washington

Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con tin”

Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho hai "con tin" Canada Michael Spavor và Michael Kovrig ở bên ngoài tòa án Vancouver ngày 06/03/2019 nhân buổi ra tòa của lãnh đạo Hoa Vi Mạnh Vãn Chu.
Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho hai "con tin" Canada Michael Spavor và Michael Kovrig ở bên ngoài tòa án Vancouver ngày 06/03/2019 nhân buổi ra tòa của lãnh đạo Hoa Vi Mạnh Vãn Chu. REUTERS/Lindsey Wasson
Trọng Nghĩa
8 phút

Ngày 15/11/2019, ông Nobu Iwatani, một giáo sư Nhật Bản bị Trung Quốc bắt giữ gần ba tháng trước đó đã được trả tự do và hồi hương. Đây là trường hợp mới nhất được biết đến của một người nước ngoài qua làm việc tại Trung Quốc rồi bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp. Từ vụ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giam từ cuối năm ngoái, trong một động thái bị coi là để trả đũa vụ chính quyền Ottawa bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Chu, dư luận quốc tế đã quan ngại trước việc Trung Quốc ngày càng dùng đến thủ đoạn gây áp lực này.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 12/11 đã xem đấy là “một xu hướng mới đáng lo ngại”, một xu hướng mà nhật báo Pháp La Croix (ngày 16/09) gọi là “chính sách ngoại giao con tin” của Trung Quốc.

Trong bài phân tích trên tờ The Diplomat mang tựa đề “Tại sao Trung Quốc lại gia tăng việc bắt giữ người ngoại quốc? - Why Is China Detaining More Foreigners?”, đã thử tìm hiểu lý do mà đồng nghiệp của ông tại trường Đại Học Hokkaido lại bị Trung Quốc bắt giữ.

Nguyên do có thể là giáo sư Nobu Iwatani, chuyên về lịch sử Chiến Tranh Trung-Nhật lần thứ hai, đã có quá trình làm việc cho Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng, một học viện do cả bộ Quốc Phòng lẫn bộ Ngoại Giao Nhật Bản quản lý. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, hiện nay, giáo sư đó chỉ là một nhà nghiên cứu đại học, làm việc trong các học viện, chứ không còn là một nhân viên chính phủ.

Được mời qua Trung Quốc để bị bắt: Một cái bẫy?

Điều đáng nói là vị giáo sư này không phải là tự nhiên lại đến Trung Quốc. Ông đã được Viện Lịch Sử Hiện Đại thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc mời qua để thuyết trình. Vào cùng một thời điểm vào năm ngoái, vị giáo sư này đã từng đến đó làm việc, cũng theo lời mời của đối tác Trung Quốc.

Việc giáo sư bị giam giữ đã có tác động lớn đến giới học giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về Trung Quốc. Nhiều người đã hủy bỏ kế hoạch qua Trung Quốc hay đình chỉ các chương trình hợp tác. Dư luận báo chí Nhật Bản cũng bày tỏ thái độ bất bình, một nhân tố không thuận lợi chút nào cho mong muốn cải thiện bang giao Nhật-Trung, mà điểm nổi bật sẽ là chuyên công du Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa xuân tới đây.

Theo nhận xét của giáo sư Kawashima, ông Nobu Iwatani là giáo sư Nhật Bản đầu tiên bị giam giữ, nhưng không phải là người nước ngoài đầu tiên bị Bắc Kinh “bắt làm con tin”.

Ngay từ năm 2013, một nhà nghiên cứu gốc Hoa tại Nhật Bản đã bị giam giữ sáu tháng ròng rã tại Trung Quốc, trong lúc nhiều học giả gốc Hoa khác cũng bị cầm cố vài tuần. Bên cạnh đó, cũng có tin về 13 doanh nhân bị bắt giam.

Người nước ngoài tại Trung Quốc bị Luật An Ninh mới đe dọa

An toàn của người nước ngoài tại Trung Quốc đã đặc biệt bị đe dọa từ khi Trung Quốc ban hành Luật Chống Gián Điệp và Luật An Ninh Quốc Gia 2015, với việc chính quyền của ông Tập Cận Bình ngày càng siết chặt việc kiểm soát và giám sát nhắm vào du khách, trong đó có cả những người từ Đài Loan và Hồng Kông.

Giáo sư Kawashima nhắc lại rằng theo truyền thông Đài Loan, đã có đến 150 người Đài Loan bị “mất tích” ở Trung Quốc trong những năm gần đây, bên cạnh một số giáo sư đại học bị bắt giam vì lý do an ninh quốc gia. Một số người Mỹ, Canada và Úc cũng bị lâm vào tình trạng tương tự.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chế độ Bắc Kinh lại bắt giữ các nhà nghiên cứu nước ngoài?

Đối với giáo sư Kawashima, hiển nhiên là bất kỳ một quyết định bắt giam nào cũng có thể là một biện pháp trả đũa, vào lúc mà khá nhiều người Trung Quốc tại nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, bị tình nghi làm gián điệp và thu thập thông tin ở nước ngoài trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.

Ngoài ra, đó cũng có thể là một biện pháp đàn áp quyền tự do tư tưởng và ngôn luận đang được đẩy mạnh dưới thời Tập Cận Bình, không chỉ nhắm vào người dân trong nước, mà vào cả những người nước ngoài hiện diện ngắn hạn hay dài lâu ở Trung Quốc.

Bắt bớ người Đài Loan ở Hoa Lục để hù dọa chính quyền Đài Bắc

Như giáo sư Shin Kawashima đã nêu bật ở trên, người Đài Loan là nạn nhân đông đảo nhất trong những vụ bắt giữ người nước ngoài tại Trung Quốc vì lý do an ninh.

Trong một bài phân tích ngày 16/09 vừa qua, nhật báo Pháp La Croix đã nêu bật trường hợp gần đây của một người Đài Loan, từ Hồng Kông qua Thẩm Quyến đã đột nhiên bị mất tích. Phải một tháng sau thì chính quyền Bắc Kinh mới thông báo là người đó đã bị bắt với tội danh “phá hoại an ninh quốc gia” tại Trung Quốc. Nếu bị xét là có tội, người Đài Loan này có thể bị án tù rất nặng nề.

Đối với La Croix, rõ ràng là chính sách ngoại giao bắt con tin tiếp tục được Trung Quốc áp dụng, sau một loạt những vụ bắt giữ gây tranh cãi, từ vụ bắt giữ và biệt giam hai công dân Canada vào năm ngoái, cho đến vụ bắt giam một nhân viên người Hồng Kông làm việc cho lãnh sự quán Anh Quốc ở Hồng Kông vào tháng Tám.

Mục tiêu của các vụ bắt giữ người Đài Loan làm con tin, theo La Croix, là nhằm hù dọa dân chúng và chính quyền Đài Loan, trong bối cảnh hòn đảo 23 triệu dân này đang chuẩn bị bầu lại tổng thống vào đầu năm 2020, và trong lúc Bắc Kinh đang gia tăng áp lực trên chính quyền Đài Bắc từ ngày bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống vào năm 2016.

Danh sách “con tin” ngày càng dài thêm

Nhìn chung, các trường hợp như của vị giáo sư Nhật mới đây, hay của những người Đài Loan trước đó, đã bổ sung vào danh sách ngày càng dài thêm của những người ngoại quốc bị chế độ Bắc Kinh bắt giữ vì lý do an ninh quốc gia.

Trong một bản liệt kê tạm thời một số vụ “bắt con tin” điển hình, hãng tin Anh Reuters 27/08/2019, đã điểm lại một số trường hợp như của hai công dân Canada Michael Kovrig, and Michael Spavor bị bắt vào năm 2018 và sau đó bị cáo buộc là đã “xâm phạm bí mật Nhà Nước” Trung Quốc, hay của ông Peter Dahlin, một công dân Thụy Điển hoạt động trong lãnh vực bảo vệ dân quyền và nhân quyền, bị bắt năm 2016 với cáo buộc “có hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc”, bị ép lên đài truyền hình để “thú tội”, trước khi được thả ra và trục xuất về nước.

Theo Reuters, với một guồng máy tư pháp Trung Quốc thiếu minh bạch, lại chịu sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, những người bị buộc tội hầu như chắc chắn phải lãnh án. Bắc Kinh cũng thường xuyên phủ nhận những lời tố cáo của giới bảo vệ nhân quyền về các hành vi ngược đãi những người bị giam giữ, đặc biệt là trong các trường hợp nhạy cảm. Ngoài ra, các vụ liên quan đến đến bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia thường được xử lý một cách khắc nghiệt hơn các vụ án hình sự khác, với cả khả năng án tử hình, và người gốc Hoa cầm hộ chiếu ngoại quốc thường bị đối xử khắc nghiệt hơn so với người nước ngoài khác.

https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191121-trung-quo%CC%81c-da%CC%89y-ma%CC%A3nh-chi%CC%81nh-sa%CC%81ch-ngoa%CC%A3i-giao-%E2%80%9Ccon-tin%E2%80%9D

Geen opmerkingen:

Een reactie posten