Human Rights Watch : Tư pháp Bắc Triều Tiên đối xử với tù nhân « tệ hơn súc vật »
Đăng ngày:
Tổ chức Giám sát Nhân quyền, Human Rights Watch, trong một báo cáo công bố ngày 19/10/2020 cho rằng tư pháp Bắc Triều Tiên đối xử với các tù nhân còn « tệ hơn cả súc vật ».
Bị tra tấn, đánh đập với những hình phạt hà khắc hay bị làm nhục, bị xâm hại tình dục để ép cung là những hình thức được sử dụng thường xuyên tại các trại giam ở Bắc Triều Tiên. Đây là những lời tố cáo của nhiều nhân chứng với Human Rights Watch được AFP trích dẫn.
Những người này khẳng định thời gian bị tam giam trước khi đưa ra xét xử là « cực kỳ khó khăn ». Một cựu sĩ quan cảnh sát thừa nhận : « Quy định đưa ra là tù nhân không phải bị đánh đập nhưng chúng tôi cần lời thú tội trong suốt cuộc điều tra ».
Trong báo cáo này, HRW yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt « nạn tra tấn triền miên và thô bạo cũng như là cách đối xử tồi tệ và vô nhân đạo trong các trại giam ». Tổ chức này cũng hối thúc Hàn Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước thành viên khác « gây áp lực với chính phủ Bắc Triều Tiên ».
Hàn Quốc mở lại các tuyến du lịch thăm làng Bàn Môn Điếm
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay 19/10/2020 cho biết sẽ mở lại các chuyến thăm làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngay từ đầu tháng 11/2020, sau một năm bị gián đoạn vì dịch cúm lợn châu Phi (PPA).
Theo thông báo của chính phủ Hàn Quốc được Yonhap trích dẫn, các chuyến tham quan vùng An ninh chung (JSA) và nhiều điểm khác tại vùng phi quân sự (DMZ) sẽ được khởi động ngay từ 04/11 và « theo từng nhóm nhỏ để bảo đảm an toàn cho du khách do tình hình dịch cúm lợn và dịch virus corona chủng mới. »
Tuy nhiên, Seoul xác nhận là đã không tham vấn hay thông báo cho phía Bình Nhưỡng biết về việc mở lại chương trình du lịch này. Phát ngôn viên bộ Thống Nhất, Yoh Sang-key trong buổi họp báo đã lạc quan cho rằng « các đội lính biên phòng ở hai phía canh gác không vũ khí ở Bàn Môn Điếm » nên chính phủ « tin rằng việc mở lại các chuyến tham quan sẽ không gây ra các vấn đề an ninh ».
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201019-human-rights-watch-t%C6%B0-ph%C3%A1p-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-t%C3%B9-nh%C3%A2n
Một ủy ban LHQ tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền
Đăng ngày:
Ngày 14/11/2019, Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền trên quy mô rộng lớn.
Ủy ban còn yêu cầu quốc gia này giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc trong thời gian trước đây. Đại diện Bình Nhưỡng đã cực lực phản đối.
Với sự ủng hộ của 60 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hoa Kỳ, văn kiện do Liên Hiệp Châu Âu đề nghị đã được đồng thuận thông qua. Theo nghị quyết này thì 10,9 triệu người ở Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, trong khi hành vi vi phạm nhân quyền diễn ra ở quy mô lớn, với những vụ tra tấn, giam giữ trong các trại, những hành vi từng bị một ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đồng hóa với tội ác chống nhân loại.
Văn kiện cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên giải quyết trong thời hạn ngắn nhất vấn đề người nước ngoài bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc, cung cấp thông tin cho gia đình họ, đồng thời cho những người này hồi hương ngay.
Hồ sơ này liên quan đến các công dân Nhật Bản. Phó đại diện thường trực của Nhật tại Liên Hiệp Quốc, Yasuhisa Kawamura, đã tuyên bố trước ủy ban là những người Nhật bị bắt cóc đã chờ đợi hơn 40 năm để được giải cứu và được hồi hương.
Đại diện Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song đã tố cáo một nghị quyết dối trá tệ hại trước khi dập cửa bỏ đi.
Nỗi đau của các gia đình Nhật có thân nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc
Tại Nhật Bản thì ngày thứ Sáu hôm nay cũng là ngày đồng nghĩa với đau buồn và tức giận, vì đúng ngày này cách đây 42 năm, hôm 15/11/1977, một thiếu nữ Nhật Megumi Yokota bị bắt cóc. Cô đã bị ép làm việc cho tình báo Bắc Triều Tiên, dậy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho những điệp viên được phái sang dọ thám ở Nhật. Trong các thập niên 70 và 80, có nhiều người Nhật đã bị bắt cóc như Megumi. Gia đình họ vẫn không có tin tức gì cả.
Thông tín viên RFI tại Nhật Bản Bruno Duval đã gặp được gia đình cô Megumi :
Takuya YOKOTA chỉ mới 9 tuổi khi người chị bị bắt cóc. Ông thuật lại : Megumi bị bắt lúc 13 tuổi. Một buổi tối sau khi đi học về, người ta đã bắt cóc Megumi, vứt vào một khoang trong hầm tàu và chở đến Bắc Triều Tiên. Megumi là mặt trời của gia đình chúng tôi. Bình Nhưỡng đã cướp đi mặt trời này của chúng tôi 42 năm rồi. Không thể chấp nhận được. Cha mẹ chúng tôi đã già yếu, sức khỏe không tốt, nếu họ chết mà không gặp được con gái thì thật là thảm kịch. Đối với tất cả những người bị bắt cóc có cha mẹ già đi thì quả thật là vấn đề trở nên khẩn cấp.
Cảnh sát Nhật đã liệt kê 881 vụ mất tích đáng ngờ giữa 1977 và 1983, có thể là do bị bắt cóc như trường hợp Megumi.
Đến giờ chỉ mới có 5 người là được thả ra, như ông Kaoru Hasuike, bị bắt cóc năm 1978, một buổi tối mùa hè khi ở trên bãi biển. Kaoru đã phải làm việc suốt 24 năm cho tình báo Bắc Triều Tiên. Ông nói :
Trong suốt những năm đó ở Bắc Triều Tiên, không lúc nào tôi cảm thấy được tự do. Rất khủng khiếp. Tôi luôn bị theo dõi, canh chừng. Ví dụ, khi tôi ra ngoài, chỉ đi đến cửa hàng ở đầu phố, là có 2 người đi theo tôi ngay cho đến khi tôi về đến nhà.
Kaoru Hasuike được trả tự do năm 2002. Kể từ lúc ấy, Bình Nhưỡng đã không trả tự do cho một người Nhật nào khác.
https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191115-mot-uy-ban-lhq-btt-vi-pham-nhan-quyen
Geen opmerkingen:
Een reactie posten