woensdag 14 oktober 2020

Trí thức Trung Quốc đả kích Tập Cận Bình

 

Trí thức Trung Quốc đả kích Tập Cận Bình

Chủ tịch Tập Cận Bình lên đọc diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 22/05/2020.
Chủ tịch Tập Cận Bình lên đọc diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 22/05/2020. AP - Ng Han Guan
Tú Anh
10 phút

Chính sách đàn áp của Trung Quốc tại Hồng Kông và nguy cơ chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, nhiệm vụ của chính phủ mới tại Pháp trong hai năm còn lại của tổng thống Macron là hai hồ sơ được bình luận rộng rãi trên các báo Pháp. Le Monde đặc biệt đề cập đến lời phê phán chế độ Tập Cận Bình của hai nhà trí thức Trung Quốc, một người vừa bị bắt, một người từ Paris.

Nội các mới khẳng định chiều hướng thiên hữu trong hai năm còn lại trước khi bầu tổng thống Pháp là tựa trên trang nhất của Le Monde. Thời sự châu Á của nhật báo độc lập là Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), nhà trí thức dám thách thức Tập Cận Bình cho đến khi bị bắt. Le Monde tường thuật vì sao vị giáo sư Luật đại học Thanh Hoa khả kính này lại bị chủ tịch Trung Quốc xem là chiếc gai trong mắt  cần phải nhổ.

 Ai là "Hạt nhân thối tha" ?

Trừng phạt bằng biện pháp cấm giảng dạy dường như chưa đủ, ngày 06/07 vừa qua, 20 công an đến tận nhà riêng bắt dẫn đi. Một trong các "tội" của giáo sư Hứa Chương Nhuận là viết bài kêu gọi đảng Cộng Sản phục hồi danh dự phong trào dân chủ Thiên An Môn. Nguyện vọng này bị xem là chống lại quan điểm chính thống : sử dụng quân đội đập tan một phong trào phản cách mạng là cần thiết. Lời kêu gọi này đã làm cho  "trường hợp" Hứa Chương Nhuận thêm nghiêm trọng .

Tháng 04/2019, hàng trăm người, gồm 300 giáo sư đại học tại chức hay đã về hưu, cùng với sinh viên đại học Thanh Hoa tổ chức một buổi lễ ủng hộ giáo sư Hứa Chương Nhuận và đồng ký một bản kiến nghị đòi cho ông được quay lại giảng dậy.

Những người tham dự đều tuyên bố: chúng tôi là Hứa Chương Nhuận

Thế rồi, đến tháng 04/2020, trong bối cảnh đại dịch, Hứa Chương Nhuận, đang bị quản thúc, ra thêm một bài viết dài trên mạng với tiêu đề "Báo động siêu vi: giận nhiều hơn sợ". Ông đả kích đảng Cộng Sản một cách hăng say và chua cay: Dịch  siêu vi corona làm hiện rõ hạt nhân thối tha của chế độ. Biết trước chế độ không để yên, ông kết luận bài viết : Tôi sẽ lãnh thêm trừng phạt mới và đây có thể là bài cuối cùng của tôi.

Và Le Monde nhận định: đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp tròn 100 năm tuổi nhưng hơn bao giờ hết chưa đến lúc để bao dung với những tiếng nói phản biện.

Hồng Kông châm ngòi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung ?

Trang ý kiến, Le Monde dành cho một nhà trí thức Trung Quốc khác là nhà xã hội học Trương Luân (Lun Zhang), đại học Cergy/ Pontoise, Harvard, chủ biên trang mạng Chinese-futur.org, phân tích về tương lai Hồng Kông. Đạo luật an ninh của Trung Quốc bị tác giả gọi là "bản án tử hình cho mô hình có một không hai ở bán đảo Hồng Kông" mở đường cho một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Trương Luân dẫn chứng. Trước hết, trên trường quốc tế, Trung Quốc triển khai ảnh hưởng trong các định chế quốc tế bằng cách dựa vào các "Nhà nước du côn" và những  chính trị gia thân Bắc Kinh được Bắc Kinh tài trợ. Thái độ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong vụ Covid-19 là một thí dụ điển hình. Trước tình hình này phải làm gì ? Châu Âu hơn ai hết, đã nếm qua kinh nghiệm 1930, liệu có  can đảm và thông minh bảo vệ những giá trị của mình được kiến tạo và quảng bá khắp địa cầu hay không ? Châu Âu đã từng biết tương lai sẽ ra sao nếu có một chế độ tham lam hung bạo muốn lấn chiếm lãnh thổ và quyền quản lý nhân danh vinh quang dân tộc mà không bị các nền dân chủ cản trở và chống cự .

Giáo sư Trương Luân kêu gọi Tây phương, đây là lúc châu Âu phải chú tâm hỗ trợ dân Hồng Kông bởi vì duy trì hòa bình, dân chủ, tự do, đòi hỏi sự quan tâm của Tây phương hơn bao giờ hết. Châu Âu không thể nhắm mắt làm ngơ, như đã từng làm ngơ , trước tình thế tương tự trong thập niên 1930, để rồi trước sau gì cũng lãnh hậu quả do thái độ bất động. Châu Âu "phải hăng hái hành động, không để cho trật tự thế giới thời hậu Covid  bị ghi dấu bằng chiến thắng dễ dàng của một chế độ tân toàn trị, chế độ Trung Quốc.

Cùng chủ đề, Libération và Le Figaro thương xót cho Hồng Kông trong gọng kềm Trung Quốc. Nhật báo cánh tả nhấn mạnh đến đạo luật an ninh quốc gia cho phép chính quyền diễn dịch sao cũng được. Le Figaro, chi tiết hơn, mô tả trường hợp sinh viên Hoàng Chí Phong: các tác phẩm của anh ở thư viện bị rút khỏi kệ sách dành cho công chúng, chín tựa sách bị đưa vào danh sách cần "kiểm kê" xem có vi phạm luật chống ly khai hay không ?

Truyền hình Nhà nước Hoa lục "hoan hô" quyết định của Cơ quan dịch vụ văn hóa và giải trí Hồng Kông. Tuy nhiên, đâu phải chỉ có tác phẩm mang tính chính trị bị kiểm duyệt, một số sách giáo khoa cho học sinh cũng bị xem là "thuốc độc". Nhật báo thiên hữu liệt kê một loạt mục tiêu của chiến dịch tiêu diệt tự do tại Hồng Kông. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hù dọa những người mà bà gọi là phần tử cực đoan. Cảnh sát Hồng Kông được thêm thẩm quyền kiểm tra, kiểm duyệt rộng rãi.

Bị động trước phong trào phản kháng, Tập Cận Bình phải dùng đến cây dùi cui để trấn áp bán đảo ngỗ nghịch.

Ngoại trưởng Mỹ không loại trừ khả năng đáp trả các biện pháp đàn áp tự do, các tập đoàn công nghệ thông tin Hoa Kỳ như Google, Facebook, Twitter quyết định không họp tác với chính quyền Hồng Kông.

 Cũng như nhận định của chuyên gia Trương Luân trên Le Monde, nhật báo Le Figaro dự báo một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ và ý thức hệ sẽ xảy ra ở Đông Á .

Thời sự quốc tế khác:  Nổ bí ẩn tại Iran, quan hệ Mỹ-Mêhicô, siêu vi tự do đi lại

Nổ tại một cơ sở hạt nhân của Iran, dường như Israel là thủ phạm. Đó là nhận định của Le Monde dựa theo tuyên bố của một chuyên gia tình báo ở Trung Đông với New York Times và của một cựu bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Avigdor Lieberman. Theo nguồn tin này thì có bàn tay của tình báo Mossad trong vụ tấn công bí ẩn làm cháy một phần cơ sở hạt nhân Natanz vào ngày 02/07.

Về chuyến công du của tổng thống Mêhicô Andrés Manuel López Obrador (AMLO) tại Mỹ và gặp đồng nhiệm Donald Trump để ký hiệp định thuơng mại Bắc Mỹ, báo chí Pháp không hưởng ứng cho lắm. Libération, thiên tả và Le Figaro thiên hữu cùng một nhận định : AMLO mất nhiều hơn được. Thế mà, sau nhiều tháng dùng dằng, có lúc bảo là không có hộ chiếu, ông chọn Hoa Kỳ của Donald Trump thăm viếng đầu tiên. Quyết định như thế phản ảnh thế yếu của Obrador. Ở điểm này, Le Fiagaro lý giải : Trump và Obrador thật ra là hai kẻ thù ngoài mặt thôi. Bên trong, họ hợp ý nhau lắm. Obrador tự cho là theo phe tả xã hội, chống giới đại chủ nhân và tư bản chủ nghĩa, ít ra là trên lý thuyết. Trump là doanh nhân, đắc cử với lá phiếu bài ngoại, chống di dân. Trên thực tế, cả hai người có nhiều điểm giống nhau trong đường lối cầm quyền : ý thức hệ tùy nghi, chống tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp, xem thường đối trọng chính trị và cùng lập trường bảo hộ mậu dịch. Chuyện sinh tử của Mêhicô là tạo không khí "hòa bình "với Mỹ để được đầu tư dồi dào hầu đối phó với hệ quả của đại dịch Covid đang làm kinh tế quốc gia suy thoái.

Cũng siêu vi, cũng kinh tế, La Croix đưa hai tựa lớn: Siêu vi vẫn lây lan. Bị khống chế ở châu Âu, Covid 19 hoành hành ở các châu lục khác. Les Echos chú ý một  số diễn biến tâm lý trong giới tài chính Mỹ : Wall Street chuẩn bị thời hậu Donald Trump vì thời thế có vẻ thuận lợi cho Joe Biden.

Về thương mại, Les Echos cho biết  thêm xe hơi động cơ điện Trung Quốc đổ bộ vào châu Âu. Aiways, một trong ba hãng tiên phong quảng cáo: cùng kích thước, xe Trung Quốc rẻ hơn Audi và Mercedes. Rẻ, có nghĩa là khoảng 30.000 euro. Tại Pháp, dịch corona không làm cho giới chủ nhân xí nghiệp bi quan : theo thăm dò ý kiến, đa số doanh nhân cho rằng Covid-19 là cơ hội để châu Âu cải tiến khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Tại Pháp, tân chính phủ tiến về hướng phục hưng kinh tế. Đó là nhận định của Les Echos. Trong cuộc họp đầu tiên với tân nội các, tổng thống Macron một lần nữa cam kết "thay đổi sâu rộng" phương pháp điều hành Nhà nước. Trong khi bộ trưởng Kinh Tế Tài Chính  Bruno Lemaire  khẳng định không thể phục hưng nền công nghiệp nếu không giảm thuế sản xuất, chính phủ mới không quên trấn an, xoa dịu các cơn sóng ngầm xã hội : Thủ tướng Jean Castex thông báo chi 7,5 tỷ euro cải thiện lương bổng nhân viên bệnh viện. La Croix nhắc nhở: đừng quên mô hình bệnh viện chữa trị miễn phí của chúng ta.

Tú tài kỷ lục : 91,5%.

BAC 2020 : thành công lịch sử nhưng không phải là chuyện bất ngờ, theo Liberation và Le Figaro.

91,5% trong số  740.000 học sinh lớp 12 (Terminale) đậu Tú tài. Trong bối cảnh học đường bị phong tỏa vì đại dịch, thi cử bị hủy bỏ thay thế bằng điểm khảo sát định kỳ trong hai quý đầu năm và nỗ lực cá nhân ớ quý ba, ban giáo sư và hội đồng giám khảo đã  tỏ ra bao dung. Tỷ lệ này còn tăng thêm khi có kết quả thí sinh thiếu điểm thi vấn đáp (đỗ vớt).

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200708-tr%C3%AD-th%E1%BB%A9c-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten