dinsdag 20 oktober 2020

Bầu cử TT Mỹ : Tại sao bầu cử luôn diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tháng 11 ? + Chuyện "Con Lừa" Dân Chủ và "Con Voi" Cộng Hòa

 

Chuyện bên lề kỳ bầu cử TT Mỹ : Tại sao bầu cử luôn diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tháng 11 ?

Một cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ tại bang Ohio, thứ Ba 08/11/2016.
Một cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ tại bang Ohio, thứ Ba 08/11/2016. REUTERS/Aaron Josefczyk
Thùy Dương
9 phút

Thứ Ba 03/11/2020 là ngày chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Nhưng từ khi nào và tại sao bầu cử tổng thống Mỹ lại luôn diễn ra vào một ngày thứ Ba của tháng 11, trong khi tại nhiều nước, bầu cử tổng thống thường được tổ chức vào Chủ Nhật ? Báo Le Figaro gọi đó là một « di sản lịch sử » của Mỹ.

Kể từ năm 1848, bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày thứ Ba. Thế nhứng, từ trước đó, khi các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ họp vào mùa hè năm 1787, họ có quá ít thời gian để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh. Một số chủ đề, kể cả ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, vẫn để ngỏ. Các bang được tự do chọn ngày tổ chức bỏ phiếu trong khoảng thời gian 34 ngày trước ngày thứ Tư đầu tiên của tháng 12, khi các đại cử tri tập trung. Nhưng rất nhanh sau đó, cách « tự do chọn ngày » tổ chức bỏ phiếu như vậy đã tạo ra bầu không khí hỗn loạn và nhiều trò gian lận, chẳng hạn các nhóm nhà hoạt động di chuyển từ bang này sang bang khác để bỏ phiếu.

Đến năm 1845, Quốc Hội quyết định sắp xếp lại mọi việc và thông qua một ngày bỏ phiếu duy nhất trên toàn quốc. Thời điểm diễn ra bầu cử được Quốc Hội chọn là đầu tháng 11 vì 2 lý do đơn giản : vào đầu tháng 11 vụ mùa đã kết thúc và tuyết vẫn chưa rơi nên đường sá đi lại còn dễ dàng. Nhưng chọn ngày nào trong tuần cho phù hợp ? Thời đó, việc di chuyển bằng xe ngựa hoặc xe kéo 4 bánh vốn dĩ chậm chạp, các cử tri cần có nhiều thời gian mới đến được điểm bỏ phiếu. Hoa Kỳ khi đó là một xã hội nông nghiệp, các nông trại có thể nằm cách xa các thành phố. Cử tri có thể phải mất một ngày để đi, một ngày để bỏ phiếu và một ngày để quay trở về nhà.

Thứ Bảy vẫn là một ngày làm việc bình thường, còn Chủ Nhật là ngày đi lễ nhà thờ, nên không thể tổ chức bầu cử vào hai ngày cuối tuần. Nếu bỏ phiếu vào thứ Hai, cử tri phải lên đường từ Chủ Nhật, điều này cũng không phù hợp. Thứ Tư là ngày họp chợ. Thứ Ba có vẻ như là ngày phù hợp nhất : các cử tri lên đường vào Thứ Hai và có thể về nhà vào cuối tuần. Vào thời đó, ngày bầu cử là ngày lễ hội : thành phố tổ chức các cuộc diễu hành, các gia đình diện những bộ đồ thật đẹp và cùng nhau lên đường đến thành phố bỏ phiếu.

Nhưng tại sao bỏ phiếu phải diễn ra đúng vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 ? Vào ngày 01/11, người Công giáo và một số Giáo hội Luther cử hành lễ Các Thánh. Vào thời đó, ngày đầu tiên của tháng cũng là ngày làm kế toán của các thương nhân. Bằng cách chọn thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, cuộc bỏ phiếu luôn diễn trong khoảng 02-08/11.

Tuy nhiên, những gì phù hợp với xã hội thế kỷ 19 lại không phù hợp lắm với xã hội ngày nay. Thứ Ba là ngày làm việc bình thường của hầu hết người Mỹ. Một số bang và một số công ty cho người lao động nghỉ một ngày để đi bỏ phiếu. Một số khác thì tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ vài giờ trong ngày. Còn ở những nơi khác, cử tri phải tự lo liệu thu xếp, lúc đông người nhất đến bỏ phiếu là buổi sáng sớm trước giờ làm việc hoặc cuối ngày sau khi tan sở. Hiệp hội Why Tuesday (Tại sao lại là Thứ Ba) đã đấu tranh từ nhiều năm nay để đòi chính quyền cho dời cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đến cuối tuần hoặc quy định ngày bỏ phiếu là ngày nghỉ lễ.

Theo hiệp hội Why Tuesday, quy định về ngày bỏ phiếu như hiện nay khiến tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2014, sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, 69% người không đi bỏ phiếu cho biết họ quá bận bịu hoặc do những ràng buộc trường lớp, công sở. Các cuộc bầu cử năm đó ghi nhận tỷ lệ người không đi bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1942 : chỉ có 36,7% công dân trong độ tuổi bỏ phiếu đi bầu cử. Nhiều dự luật về việc tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối tuần đã được trình lên Quốc Hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự luật nào được thông qua.

Trong khi chờ đợi một cuộc cải cách, phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện và bầu cử sớm là hai giải pháp dành cho các cử tri không thể đến điểm bỏ phiếu vào thứ Ba. Năm nay, do đại dịch Covid-19, Absentee voting, phương thức « bỏ phiếu khiếm diện » được thực hiện trên hầu hết cả nước và có thể được đông đảo cử tri hoan nghênh. Theo nhật báo New York Times, ít nhất 3/4 số cử tri Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện, có nghĩa là năm nay một phần lớn người Mỹ có thể không bỏ phiếu vào ngày thứ Ba.

Tại sao lừa và voi là biểu tượng của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ?

Về biểu tượngcủa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, voi là biểu tượng chính thức của đảng Cộng Hòa, còn hình ảnh chú lừa cho dù không được sử dụng nhiều như voi, nhưng vẫn xuất hiện thường xuyên trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân Chủ. Do đâu mà hai loài vật này lại được chọn làm linh vật cho hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ ? Ý nghĩa biểu tượng của lừa và voi là gì ?  

Hình ảnh con lừa lần đầu tiên được sử dụng bởi ứng viên tổng thống năm 1828 Andrew Jackson. Trong chiến dịch vận động tranh cử, các đối thủ đảng Cộng Hòa của Jackson đã nói trại họ của ông thành « Jackass »vì tư tưởng dân túy và khẩu hiệu của ông : « Hãy để nhân dân tự lo ». « Jackass » mang ý nghĩa xúc phạm là đồ ngốc ngếch, ngu ngốc, nhưng « jackass » cũng có thể được hiểu là « con lừa ». Jackson quyết định biến cuộc tấn công này thành lợi thế của riêng mình trên các áp phích vận động tranh cử. Trong khi đảng Cộng Hòa so sánh ông với một chú lừa cứng đầu, bướng bỉnh và ngu ngốc, thì trong các bài phát biểu, Jackson tự mô tả mình là người kiên trì, trung thành và có thể gánh vác trọng trách. Hình ảnh khiêm tốn và giản dị này đã cho phép ông chiến thắng nhà quý tộc Adams và trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ.  

Tuy nhiên, chính họa sĩ biếm họa Thomas Nast mới là người biến chú lừa thành biểu tượng của đảng Dân Chủ. Vào ngày 15/01/1870, ông cho đăng trên tạp chí chính trị nổi tiếng Harper's Weekly bức vẽ « A live Jackass Kicking a Dead Lion » (Lừa sống đá sư tử chết). Họa sĩ Nast cũng vẽ Edwin Stanton, cố bộ trưởng Chiến Tranh dưới thời tổng thống Lincoln, trong lốt một con sư tử đã chết, bị một con lừa - đại diện cho đảng Dân Chủ miền Bắc phản đối nội chiến - đá hậu một cú.

Còn con voi xuất hiện lần đầu tiên như biểu tượng của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 1860, trên The Rail Splitter, một tờ báo ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng Hòa Abraham Lincoln. Hình ảnh con voi còn xuất hiện vào năm 1864 trên một tờ báo khác bảo vệ chiến dịch của Lincoln, « Father Abraham ». Nhưng con voi thực sự gắn với đảng Cộng Hòa vào năm 1874 trong một thiết kế khác của Thomas Nast. Trong bức vẽ « Nỗi hoảng sợ của nhiệm kỳ thứ ba », họa sĩ Nast minh họa đảng Dân Chủ bằng một con lừa đội lốt sư tử, hù dọa tất cả động vật, trừ con voi mang dòng chữ « lá phiếu của đảng Cộng Hòa ».

Trong khi đảng Cộng Hòa coi voi như một biểu tượng chính thức kể từ những năm đó, thì đảng Dân Chủ dường như ít sử dụng hình ảnh con lừa hơn. Tuy nhiên, mỗi bên vẫn gắn với linh vật của mình. Theo một số trang web của đảng Dân Chủ, đảng này cho rằng con lừa là biểu tượng của tính nhún nhường, khiêm tốn, tinh khôn và cảm thông, còn đảng Cộng Hòa gắn con lừa với tính bướng bỉnh và lố bịch. Ngược lại, nếu người của đảng Cộng Hòa cho rằng voi là loài vật đàng hoàng, mạnh mẽ và thông minh, thì người của đảng Dân Chủ lại coi chúng là bất tài và kiêu ngạo.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201020-chuy%E1%BB%87n-b%C3%AAn-l%E1%BB%81-k%E1%BB%B3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-tt-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1i-sao-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-lu%C3%B4n-di%E1%BB%85n-ra-v%C3%A0o-ng%C3%A0y-th%E1%BB%A9-ba-%C4%91%E1%BA%A7u-th%C3%A1ng-11

Geen opmerkingen:

Een reactie posten