Nhật Bản cần Việt Nam và Asean
Cập nhật: 17:25 GMT - thứ
năm, 27 tháng 3, 2014
Vì sao Nhật Bản, vốn từng tuyên bố tạm ngưng trợ cho
Việt Nam vào năm 1991, lại ngày càng xem trọng mối quan hệ song phương với Việt
Nam như hiện nay, với các chuyến thăm cao cấp hai bên tăng đều thời gian
qua?
Kinh tế Nhật Bản cần những cơ hội thương mại và đầu tư sau giai đoạn khó khăn
và tăng trưởng trì trệ.Hậu quả của tăng trưởng trì trệ đã làm cho vị trí của Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới giảm sút và bị Trung Quốc soán ngôi vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hàng hóa Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Vì vậy, để kinh tế tăng trưởng trở lại Nhật Bản cần điều chỉnh mạnh dư cung trong công nghiệp nội địa truyền thống, khai thác thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường châu Á để bổ sung cho những ngành công nghiệp nội địa bị thu hẹp.
Trong bối cảnh này, tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á với nòng cốt là khối các nước ASEAN mà Việt Nam là một trong những nước đầu tàu, diễn ra theo chiều hướng tích cực: ASEAN+1; ASEAN+3; ASEAN+6; Hội nhập kinh tế ASEAN 2015, hứa hẹn những cơ hội hấp dẫn về thương mại và đầu tư cho Nhật Bản.
Vị trí của Việt Nam
Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, mà với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công tương đối rẻ, cùng với việc Nhật Bản có tiềm lực lớn về vốn và công nghệ là những yếu tố hai bên có thể tranh thủ bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi.Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đâu tư FDI vào Việt Nam, tính đến tháng 6/2013, cao nhất với 32,6 tỷ USD, vượt xa đối tác thứ hai là Đài Loan, với hơn 26 tỷ USD.
Về thương mại, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cùng Trung Quốc và Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều luôn chiếm từ 10 - 15% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới, và luôn vận động theo xu hướng đi lên với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 20%, dường như không có năm nào đi xuống trừ năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một mặt các nước khối ASEAN, trong đó có Việt Nam có vị trí quan trọng sống còn đối với Nhật Bản.
Mặt khác, sự gia tăng về quy mô và sự chuyển biến trong phương thức tham gia hợp tác tại khu vực này của Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực nói chung.
Sự nổi lên của Trung Quốc và sự gia tăng ảnh hưởng của nước này trong vùng.
Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực đang là một thách thức không nhỏ đối với Nhật Bản, thúc đẩy Nhật tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các nước trong khu vực Đông Á, bao gồm cả các nước khối ASEAN.
Do Trung Quốc từng bước đẩy mạnh hợp tác Đông Á nên Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tích cực hơn trong các hoạt động hợp tác vùng và không thể bỏ qua những tuyên bố giành vị thế tối cao của Trung Quốc ở Đông Á.
Việt Nam là một nước không có mâu thuẫn về lãnh thổ với Nhật Bản và sẵn sàng chia sẻ quan điểm và ủng hộ Nhật Bản trong nhiều vấn đề gồm cả tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc.
"Nhật Bản luôn theo đuổi mục tiêu chính trị trở thành quốc gia có vai trò chính trị trong các vấn đề quốc tế tương xứng với địa vị kinh tế của mình"
Nhật Bản và Asean
Kể từ khi học thuyết Fukuda ra đời năm 1977 đến nay, Nhật Bản luôn theo đuổi mục tiêu chính trị trở thành quốc gia có vai trò chính trị trong các vấn đề quốc tế tương xứng với địa vị kinh tế của mình.Để làm được điều đó, Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước, đặc biệt là các nước châu Á - những nước đã từng chịu sự thống trị của đế quốc Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Thời điểm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, được đánh giá là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Nhật Bản – ASEAN với nhiều động thái bày tỏ vai trò của họ đối với khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đã đưa ra một chính sách Đông Nam Á mới trong chuyến viếng thăm đến Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN lần thứ hai, tổ chức tại Manila (Philippine), nhấn mạnh đến ba điểm cốt lõi cả về kinh tế lẫn chính trị:
"Thứ nhất, Nhật Bản là một quốc gia luôn tôn trọng hoà bình, không chấp nhận vai trò của một cường quốc quân sự và sẽ làm tất cả mọi thứ để đóng góp vào nền hoà bình và sự thịnh vượng của Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
"Thứ hai, Nhật Bản là một người bạn thật sự và tin cậy của các nước Đông Nam Á, sẽ làm hết sức mình để củng cố mối quan hệ này trong nhiều lĩnh vực, không chỉ chính trị và kinh tế mà cả xã hội và văn hoá.
Chính học thuyết Fukuda đã gia tăng vai trò chính trị của Nhật Bản trong khu vực, đồng thời cải thiện một cách đáng kể mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN.
Viện trợ, đầu tư và thương mại của Nhật Bản được phần lớn các quốc gia ASEAN hoan nghênh và đón nhận.
ASEAN không chỉ nhận viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản mà còn đón nhận dòng đầu tư tư nhân tăng theo cấp số nhân từ Nhật,
Kết quả là thương mại giữa các nước ASEAN với Nhật Bản và các vùng khác đã tăng lên nhanh chóng, và trong bối cảnh này, Nhật Bản trở thành nước cấp viện ODA lớn nhất của Việt Nam.
Ngay cả khi tổng ngân sách ODA của Nhật Bản bị cắt giảm vì những lý do kinh tế trong nước, thảm họa thiên nhiên…thì ODA dành cho Việt Nam vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn tăng lên.
Ngày nay, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã xuất hiện những điểm chung về lợi ích chính trị là duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Á và coi an ninh quốc gia là một bộ phận không tách rời khỏi an ninh khu vực.
Như vậy, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có nhu cầu hợp tác về an ninh và đều thấy sự cần thiết phải đổi mới tư duy trong việc nhìn nhận và đánh giá các quan hệ quốc tế, ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh khu vực Đông Á và Biển Đông có nguy cơ bất ổn do các chính sách cứng rắn của Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Huy Bùi, thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế, Đại học Staffordshire, Anh Quốc.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten