vrijdag 28 maart 2014

Bí mật sẽ mãi mãi bao trùm chuyến bay MH370 ?

Thứ năm 27 Tháng Ba 2014
Bí mật sẽ mãi mãi bao trùm chuyến bay MH370 ?
Phông tưởng niệm nạn nhân chuyến bay MH370 trước Lido Hotel, Bắc Kinh, Trung Quốc
Phông tưởng niệm nạn nhân chuyến bay MH370 trước Lido Hotel, Bắc Kinh, Trung Quốc
REUTERS
Tú Anh
Dù dò tìm được hai « hộp đen » của chiếc Boeing 777 của MalaysiaAirlines chìm sâu dưới đáy biển Ấn Độ Dương, giới chuyên gia không hy vọng có một ngày nào đó sẽ vén được màn bí mật bao trùm chuyến bay định mệnh MH370, bị mất tích vào đêm 07/03/2014 trên đường Kuala Lumpur-Bắc Kinh.
Nhiệm vụ gần như bất khả là tìm chiếc hộp đen trong một vùng biển bao la rộng 2.500 cây số vuông cách thành phố Perth, bờ tây của Úc 2500 km. Ngay công cuộc tìm vớt mảnh vụn của chiếc Boeing mất tích trong khu vực sát Nam cực cũng không phải dễ dàng : Vùng vĩ tuyến từ 40 đến 50 được giới hải hành đặt tên là « tiếng gầm của sư tử » không phải là không có lý do. Theo nhà hải dương học Úc Erik van Sebille, những thủy thủ kinh nghiệm nhất cũng không muốn đi ngang « sa mạc đại dương » này chỉ có gió mạnh, sóng to, băng sơn và ánh sáng mờ mờ.
Với lực lượng máy bay, tàu thủy hùng hậu của các quốc gia tham gia tìm kiếm, chắc chắn một số mảnh vụn mà vệ tinh quan sát thấy sẽ được vớt lên. Nhưng còn hai hộp đen chìm sâu dước đáy biển ? Tìm được vị trí đúng là còn khó hơn là mò kim đáy biển vì ở khu vực này, đáy biển có địa hình trắc trở, sâu từ 5 đến 6000 thước với nhiều núi lửa cao đến 3000 mét.
Hoa Kỳ đã đưa vào vùng một máy thăm dò truy tìm nặng 35 kg, do một tàu thủy kéo bằng dây cáp. Chiếc máy này có khả năng phát hiện được tín hiệu của hộp đen chìm 6.000 thước dưới đáy biển.
Nhưng chiếc hộp đen chỉ có khả năng gửi tín hiệu xa 2 km và chỉ đủ năng lượng phát đi trong một tháng . Mà máy bay đã mất tích từ gần ba tuần nay.
Trong trường hợp trước đây, vào năm 2009, chiếc Airbus AF447 của hãng hàng không Pháp AirFrance bị rơi ở Đại Tây Dương, phải mất 23 tháng mới vớt được xác máy bay và chỉ tìm được một trong hai hộp đen, nhưng lại bị hỏng.
Nhưng dù có tìm thấy thì hai hộp đen của chuyến bay MH370 cũng không thể trả lời được những câu hỏi then chốt :Tại sao máy bay đột ngột chuyển hướng thay vì bay đến Bắc Kinh ? Tại sao các hệ thống liên lạc vô tuyến bị cắt đứt. Vì sao máy bay tiếp tục bay thêm 6, 7 giờ nữa để rồi rơi xuống Ấn Độ dương và vì sao lại chọn Ấn Độ Dương ? Và nhất là tại sao quân đội Malaysia, qua ra-đa thấy máy bay đổi hướng, nhưng lại cho là máy bay rơi ở Biển Đông, phải chờ đến khi Mỹ nhập cuộc, mới nhìn nhận sự thật này sau ba ngày tìm kiếm vô vọng tại Biển Đông ?
Chúng ta hãy trở lại đêm mùng 7 rạng ngày 8/3/2014 :
Từ phi trường quốc tế Kuala Lumpur, chuyến bay MH370 với 239 hành khách và phi hành đoàn rời phi đạo vào lúc 0 giờ 41 phút, bay ngang lãnh thổ Malaysia về hướng Biển Đông và theo dự kiến sẽ đáp xuống phi trường Bắc Kinh vào lúc 6 giờ 30 sáng. Thời tiết tốt, điều kiện phi hành lý tưởng. Phi công chính, Zahari Ahmad Shah, với kinh nghiệm 18.365 giờ bay, biết rõ Boeing 777, 53 tuổi, ly thân, có ba con. Trong căn nhà sang trọng ở ngoại ô Kuala Lumpur, Zahari Ahmad Shah trang bị một chiếc máy luyện bay, đối phó với mọi tình huống, mà có lẽ ít phi công chuyên nghiệp nào bỏ tiền ra để trang bị cho mình tại nhà riêng.
Phi công phụ Fariq Abdul Hamid, chỉ mới 27 tuổi, nhưng là một phi công giỏi, tốt nghiệp hạng cao tại Hoa Kỳ, nghiêm túc, được cấp trên chấm điểm tốt và được lòng đồng nghiệp.
25 phút sau khi cất cánh, MH370 bay đến bờ biển Kota Brahu, xoay nhẹ về hướng tây bắc, chuẩn bị vào biển Đông Nam Á. Lúc 1 giờ 07 phút, qua hệ thống truyền đạt vị trí Acars, nối liền các máy điện toán của phòng lái đến các máy điện toán của công ty Malaysia Airlines và tập đoàn chế tạo động cơ Rolls-Roys.
Nhưng một phút sau đó, đúng 1 giờ 08 phút, chuyện bất thường đầu tiên đã xảy ra : Hệ thống liên lạc Acars bị cắt đứt. Vài phút sau đó, đài kiểm soát không lưu thông báo với phi công MH370 là sắp chuyển nhiệm vụ cho đồng nghiệp Việt Nam ở phi trường Tân Sơn Nhứt, vì MH370 sắp vào không phận của Việt Nam. Câu trả lời của phi công phụ Fariq Abdul Hamid là « All right, good night ». Sau lời chúc « ngủ ngon » này, mọi liên lạc giữa chuyến bay đêm và phần còn lại của thế giới hoàn toàn bị gián đoạn.
Vào lúc 1 giờ 22, trên lý thuyết thì MH370 bay ngang đài rađa Igari Point, trên biển Đông Nam Á, nhưng các nhân viên kiểm soát không lưu của Việt Nam không thấy vết của phi cơ đâu cả trên màn ảnh ra-đa. Ngược lại, kiểm soát viên Việt Nam phát hiện hệ thống « transpondeur - bộ phát đáp » có chức năng báo cáo tọa độ của máy bay và độ cao, không hoạt động từ lúc 1giờ21. Vấn đề là hệ thống « transpondeur » chỉ bị cắt đứt là do cố ý và chỉ có một bàn tay chuyên nghiệp mới biết cách.
Gần như cùng lúc đó, chậm hơn đôi chút, một đài ra-đa của quân đội Malaysia ghi được một tín hiệu có máy bay lạ xâm nhập không phận vào thời điểm mà lẽ ra không có phi cơ dân dụng nào bay ngang. Bốn quân nhân Malaysia có nhiệm vụ báo động không hiểu vì lý do gì không báo cáo lên cấp trên. Lúc đó là 1 giờ 38 phút, thời điểm chiếc máy bay « mất tích »trên màn ảnh ra-đa kiểm soát không lưu.
Nếu quân đội Malaysia tuân thủ đúng nguyên tắc đưa chiến đấu cơ cất cánh và chận bắt « máy bay lạ » thì có lẽ MH370 không thể bay về Ấn Độ Dương cho đến hết nhiên liệu.
7 giờ sáng ngày 08/03/2014 tại phi trường Bắc Kinh :
Trên bảng thông báo các chuyến bay « đến », chỉ có một từ « trễ » lẻ loi ghi bên cạnh MH370, mặc dù trên nguyên tắc, máy bay từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh đã phải đáp lúc 6 giờ30. Thân nhân hành khách chuyến bay MH370, sau nửa giờ chờ đợi người thân mới được nhân viên của hãng hàng không Malaysia Airlines báo tin qua điện thoại như sau : Chúng tối lấy làm tiếc là đã mất dấu chuyến bay MH370. Lúc đó là 7 giờ sáng.
Tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm của Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực Biển Đông theo dữ kiện của Kuala Lumpur cung cấp không mang lại kết quả, không kể những cuộc báo động lầm phát hiện vết dầu hay mảnh vỡ máy bay từ phía quan sát viên Việt Nam và vệ tinh Trung Quốc.
Một kỹ sư dầu mỏ tên Mike McKay, làm việc trên giàn khoan Songa Merkur ngoài khơi Việt Nam, còn gửi e-mail đến đài kiểm soát không lưu ở Sàigòn khẳng định là ông thấy có một chiếc máy bay bị bốc cháy và rơi xuống biển vào thời điểm MH370 mất tích. Tàu cấp cứu được gửi đến, nhưng không thấy gì cả.
Trong eo biển Malacca, giữa Indonesia và Malaysia, người ta vớt được một tử thi, nhưng đó là xác của một ngư dân.
Tiếp theo đó, cơ quan điều tra để ý đến hai hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp, nhưng giới chuyên gia chống khủng bố nghiêng về giả thuyết « di dân nhập cư » bất hợp pháp, tìm đường sang Châu Âu qua ngõ Bắc Kinh. Giả thuyết này chính xác.
Ngày này sang ngày khác, thân nhân hành khách trên chuyến bay mất tích, đa số là người Trung Quốc, bắt đầu sang Kuala Lumpur.
Trong số hành khách kém may mắn này, có 24 họa sĩ Trung Quốc về nước, sau khi tham dự xong tuần lễ giao lưu nghệ thuật với đồng nghiệp Malaysia.
Mỗi ngày, chính phủ Malaysia và công ty hàng không quốc gia cho thông tin nhỏ giọt và thường là sai lầm. Ngày 11/03, Trung Quốc thông báo huy động 10 vệ tinh tập trung quan sát khu vực. Ngày hôm sau, cũng Trung Quốc, thông báo tìm thấy nhiều mảnh vỡ tại biển « Nam Hải », nhưng cũng chỉ là báo động lầm.
Một doanh nhân Mỹ tên Luck Barrington, ở Colorado, đưa ra sáng kiến kêu gọi cộng đồng mạng internet trên toàn thế giới đóng góp ý kiến, sáng kiến, cho phép định được tọa độ cuối cùng của chiếc máy bay MH370. Vì nếu không biết rõ tọa độ thì không thể tìm kiếm.
Tuy nhiên, Washington không thể chờ lâu hơn: 4 ngày đã trôi qua .Trên chuyến bay có ba công dân Mỹ. Boeing còn là hãng máy bay của Mỹ, Boeing 777 là loại an toàn nhất, thông dụng nhất, uy tín nhất. Sau nhiều ngày do dự, cuối cùng chính quyền Malaysia phải mời các chuyên gia Pháp và Mỹ trong đó có Scott Dunham, một kỹ sư 56 tuổi, chuyên gia hàng đầu thế giới về ra-đa.
Những điều kỹ sư Scott Dunham khám phá làm toát mồ hôi lạnh : lúc 1 giờ30, sau khi các phương tiện liên lạc của chiếc Boeing bị cắt, chiếc máy bay bất thần quẹo trái về hướng tây nam. Trước tiên, máy bay lên thật cao 13.700 mét tức là hơn cả độ cao tối đa được cho phép, sau đó đâm xuống 7000 mét. Các máy radio phát tín hiệu chưa bị cắt tiếp tục gửi sóng. Cho đến 8 giờ 11 phút sáng hôm sau, các máy phát sóng không bị cắt, vẫn tiếp tục gửi tín hiệu chứng tỏ máy bay…. đang bay, nhưng đó là tín hiệu cuối cùng.
Khi máy bay chuyển hướng và độ cao một cách đột ngột như vậy, hành khách sẽ bị nôn mửa và ngất xỉu khó có thể ý thức được một tai họa đang đến gần. Theo các nhà điều tra thì chắc chắn MH370 đã hết xăng và rơi đâu đó trong vùng Ấn Độ Dương.
Vấn đề là sau khi quay lại Malaysia thì máy bay đi về đâu ? Hai giả thuyết được đưa ra : Một là bay lên hướng bắc, vượt qua vùng rừng núi Thái Lan lên tận Kazakhstan ,Trung Á. Giả thuyết này phù hợp với những nhà phân tích nghi ngờ chiến máy bay bị không tặc hoặc chính phi công là không tặc, cướp máy bay để chuẩn bị một vụ tấn công theo kiểu 11 tháng 9 năm 2001.
Tuy nhiên giả thuyết này đã nhanh chóng bị loại vì dọc lộ trình này có rất nhiều ra-đa quân sự.
Chỉ còn lộ trình thứ hai là bay sâu vào Ấn Độ Dương. Một nguồn tin quân sự do AFP trích dẫn ngày 14/03 cho biết « người lái phải là một phi công kinh nghiệm biết rõ đường đi nước bước tránh né ra-đa quân sự »..
Giả thuyết thứ hai chỉ được Malaysia công nhận vào ngày 15/03 tức 8 ngày sau khi máy bay mất tích. Từ đó, mọi nỗ lực tìm kiếm mới chuyển hướng và Úc bắt đầu nhập cuộc.
Đến lúc này, tức một tuần sau khi máy bay mất tích, cảnh sát Malaysia được FBI trợ lực, mới lục soát nhà của hai viên phi công.
Nhà của viên phi công trưởng Zahari Ahmad Shah trống trơn. Chỉ có hai chi tiết làm cảnh sát chú ý là phi công này là thành viên của phong trào đối lập, ủng hộ cự Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim, khắc tinh của đương kim Thủ tướng Najib Razak và mới bị kết án 5 năm tù bốn ngày trước vụ máy bay mất tích. Một tấm ảnh chụp phi công Zahari Ahmad Shah mặc áo Tee-shirt có hàng chữ « Dân chủ đã chết - Democracy is Dead ».
Chân dung của phi công phụ Fariq Abdul Hamid cũng có một vào điểm làm cảnh sát điều tra chú ý. Tháng 12/2011, chàng phi công lúc đó 25 tuổi, cho phép hai nữ hành khách Nam Phi xinh đẹp vào buồng lái chụp ảnh lưu niệm trên chuyến bay Phukhet-Kuala Lumpur. Đây là chuyện cấm, nhưng không phải là tội. Fariq lại mới làm lễ đính hôn với một nữ phi công xinh đẹp của công ty Air Asia thì khó giải thích một cách hợp lý là tại sao anh đi tìm cái chết ?
Giả thuyết Al Qaida ?
Nếu cho là MH370 bị không tặc thì có lẽ phải điều tra ở một hướng khác. Lời khai của Saajid Badat, một tay khủng bố Hồi giáo mang quốc tịch Anh hôm thứ Ba 11/03 tại tòa án NewYork đáng được chú ý. Trong vụ xử con rể của Ben Laden, Saajid Badat khai là có cung cấp cho « một tổ khủng bố người Malaysia » một chiếc giày gài chất nổ, trong đó có một « phi công hàng không dân dụng ».
Saajid Badat, 34 tuổi, năm 2005 bị kết án 13 năm tù vì tội âm mưu phá nổ trên không cùng lúc hai chuyến bay từ Châu Âu sang Mỹ bằng « bom giày » nhân dịp Giáng Sinh 2001. Âm mưu này được tay khủng bố Richard Reid thực hiện nhưng bất thành, bị hành khách trên chuyến bay quật ngã. Còn Saajid Badat thì từ bỏ ý định vào giờ chót cho nên tội được giảm nhẹ và đã được tự do trước thời hạn.
Saajid Badat cho biết được học trong một trại huấn luyện ở Afghanistan cách chế tạo bom giày. Chất nổ dấu trong đế giày dùng để phá cửa buồng lái khóa chốt bên trong theo quy định an ninh tăng cường trên máy bay sau vụ khủng bố 11/09/2001 ở Mỹ.
Mục tiêu của âm mưu cướp máy bay là để tấn công tự sát vào một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới : tháp đôi Petronas ở thủ đô Malaysia cũng tương tự như tòa tháp đôi Trung tâm thương mại của World Trade Center.
Saajid Badat khai rằng tuân theo lệnh của Khaled Cheikh Mohamad, đầu não vụ khủng bố 11/09/2001.
Soi sáng màn bí mật của chuyến bay MH370 ?
Một tuần sau khi chuyến bay MH370 mất tích, 25 nước tham gia công cuộc tìm kiếm. Trong 48 giờ qua, nhiều thông tin phù hợp do vệ tinh cung cấp xác nhận có hàng trăm mảnh vỡ trôi dạt trong vùng nam Ấn Độ Dương cách bờ biển tây của Úc khoảng 2500 cây số.
Tuy nhiên, do thời tiết xấu, chưa một tàu thủy nào đến tận nơi vớt mảnh vỡ để xem có thật là xác máy bay MH370 hay không.Thế nhưng, giới quan sát cho rằng rất khó mà có thể biết hết sự thật.
Antoine Hayem cựu phi công Pháp, huấn luyện viên và chuyên gia về an toàn phi hành phân tích : Cho đến bây giờ, các nhà điều tra biết rõ như sau : Máy bay không liên lạc, hệ thống báo cáo tọa độ và độ cao bị cắt, máy bay thay đổi độ cao, hướng bay, lộ trình một cách đột ngột, không có tín hiệu động cơ bị hỏng, hệ tống liên lạc Acars, nối liền bộ máy điện toán của phòng lái với đất liền vẫn hoạt động bình thường.
Có thật sự là không một ra-đa nào phát hiện MH370 ? Tại sao chính phủ Malaysia thông tin nhỏ giọt và tiền hậu bất nhất ? Vì sao để các nỗ lực quốc tế tìm kiếm tại Biển Đông suốt bốn ngày liền, trong khi có tin là máy bay đã quay đầu về Malaysia và một giàn ra-đa quân sự phát hiện nhưng không báo cáo ? Nếu chiến đấu cơ Malaysia cất cánh để tìm hiểu và can thiệp thì liệu MH370 có tiếp tục bay vào Ấn Độ dương ? Hay là thật sự quân đội Malaysia không thấy gì cả ? .
Theo Antoine Hayem thì khó mà tưởng tượng quân đội các nước trong vùng không thấy chiếc máy bay dân dụng vừa to vừa bay chậm nhất là chiếc máy bay này đang bị truy tìm. Điều đó chứng tỏ khả năng phòng không của các nước liên hệ rất tồi và không thể chối cãi được. Trong trường hợp này thì đương nhiên họ phải im lặng và chỉ báo cáo cho chính phủ.
Báo chí truyền thông nói chung sẽ không bao giờ biết được sự thật. Địa hình trắc trở của Ấn Độ Dương sẽ góp phần làm cho màn bí mật dày thêm.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140327-bi-mat-se-mai-mai-bao-trum-chuyen-bay-mh370

Geen opmerkingen:

Een reactie posten