maandag 31 maart 2014

Biển Đông: Hồ sơ Manila cáo buộc Bắc Kinh dày 4000 trang

Chủ nhật 30 Tháng Ba 2014

Biển Đông: Hồ sơ Manila cáo buộc Bắc Kinh dày 4000 trang

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (T) tại cuộc họp báo ở Manila ngày 30/03/2014.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (T) tại cuộc họp báo ở Manila ngày 30/03/2014.
REUTERS/Romeo Ranoco

Trọng Nghĩa
Đúng như dự kiến, vào hôm nay, 30/03/2014, chính quyền Manila đã chính thức chuyển đến tòa án của Liên Hiệp Quốc bản luận chứng cáo buộc rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo yêu cầu của Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS, được giao trách nhiệm xem xét vụ kiện này, bên nguyên đơn là Philippines phải nộp tài liệu này chậm nhất là vào hôm nay.


Trong một cuộc họp báo tại Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận là Manila đã chính thức nộp hồ sơ cho tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc để yêu cầu phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo hãng tin Pháp AFP, tập hồ sơ mà Philippines đệ trình dày khoảng 4000 trang, nhưng nội dung cụ thể ra sao chưa được các quan chức trong chính quyền Manila tiết lộ.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines chỉ bình luận rằng vụ kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề « bảo vệ những gì thuộc về Philippines một cách hợp pháp, bảo đảm tương lai cho con em người Philippines » và « bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi quốc gia ».
Trung Quốc hiện đang tự nhận mình là chủ nhân của hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả những vùng ăn vào thềm lục địa của các láng giềng và rất xa bờ biển Trung Quốc. Yêu sách của Bắc Kinh đã đối lập với các tuyên bố chủ quyền của các láng giềng khác – Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đặc biệt chĩa mũi dùi vào các vùng biển đảo, bãi ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Sau sự cố Scarborough Shoal vào năm 2012, qua tháng Giêng năm 2013, Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trung Quốc từ chối tham gia vụ tranh tụng nhưng các thủ tục vẫn được khởi động.
Vào khi ấy, Philippines cho biết là sẽ yêu cầu Tòa án quốc tế tuyên bố là các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông – cụ thể hóa bằng tấm bản đồ « lưỡi bò » - không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
tags: Biển Đông - Châu Á - Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 - Philippines - Trung Quốc

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140330-bien-dong-ho-so-philippines-cao-buoc-trung-quoc-day-4000-trang

Chủ nhật 30 Tháng Ba 2014

Trường Sa : Tàu Philippines phá vòng vây Trung Quốc, đổ bộ lên Bãi Cỏ Mây

Tàu tuần duyên Trung Quốc đang tìm cách cắt đường tàu tiếp tế Philippines trên đường đến bãi Second Thomas Shoal (Trường Sa) ngày 29/03/2014. Ảnh của phóng viên Reuters trên tàu Philippines.
Tàu tuần duyên Trung Quốc đang tìm cách cắt đường tàu tiếp tế Philippines trên đường đến bãi Second Thomas Shoal (Trường Sa) ngày 29/03/2014. Ảnh của phóng viên Reuters trên tàu Philippines.
REUTERS/Erik De Castro

Trọng Nghĩa
Tại khu vực Bãi Second Thomas Shoal (tên Việt Nam : Bãi Cỏ Mây ; tên Philippines : Ayungin; tên Trung Quốc : Nhân Ái) hiện do Manila kiểm soát, nhưng đang bị tuần duyên Trung Quốc phong tỏa, vào hôm qua 29/03/2014, một chiếc tàu tiếp tế Philippines đã vượt qua được vòng vây của tuần duyên Trung Quốc để đổ bộ lên bãi. Ngoài ra, thất bại của tàu Trung Quốc trong việc ngăn chặn diễn ra dưới sự chứng kiến tận mắt của truyền thông quốc tế.

Sau thất bại hôm 09/03, khi hai tàu tiếp tế dân sự của mình - bị tuần duyên Trung Quốc phong tỏa bãi Second Thomas Shoal chặn đường - phải trở lui, vào hôm qua, Manila lại phái một con tàu khác đến tiếp tế cho đơn vị Thủy quân lục chiến của Philippines đồn trú tại đấy. Điểm khéo léo của Chính quyền Manila lần này là cho nhiều nhà báo quốc tế đi theo chiếc tàu tiếp liệu.
Theo tường trình của hãng tin Anh Reuters, hành trình của chiếc tàu Philippines - thuộc loại nhỏ - diễn ra suôn sẻ cho đến lúc bị một chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc phát hiện khi cách bãi Second Thomas Shoal khoảng một tiếng đồng hồ. Tàu Trung Quốc đã tăng tốc và đến kèm sát bên trái chiếc tàu Philippines, hụ còi cảnh cáo ít nhất ba lần.
Sau vài phút, tàu Trung Quốc chạy chậm lại, vào lúc một tầu tuần duyên lớn hơn xuất hiện, di chuyển nhanh để vượt lên cắt ngang đường đi của tàu Philippines.
Phia Trung Quốc đã dùng tiếng Anh gọi radio cho tàu Philippines, cảnh cáo rằng con tàu đã đi vào « lãnh thổ Trung Quốc ». Thuyền trưởng chiếc tàu dân sự Philippines đã trả lời rằng nhiệm vụ của ông là đến tiếp tế cho quân đội Philippines đồn trú trên bãi.
Thay vì dừng lại hoặc trở lui, chiếc tàu Philippines đã tăng tốc độ, lách chiếc tàu Trung Quốc ở phía trước và rốt cuộc đã chạy được vào vùng biển nông mà tàu tuần duyên Trung Quốc không thể tiếp cận.
Thế là sau đó chiếc tàu đã cặp được vào bãi Second Thomas Shoal, và đưa lương thực, nước uống lên trên chiếc tàu cũ mắc cạn trên bãi được dùng làm chỗ ở cho tám người lính Thủy quân lục chiến Philippines có nhiệm vụ canh giữ bãi này.
Tất cả các động thái ngăn chặn, hù dọa của Trung Quốc, cũng như phản ứng kiên quyết và khéo léo của chiếc tàu Philippines, đã diễn ra dưới sự chứng kiến của một phái đoàn nhà báo, kể cả nhà báo quốc tế, đi theo chuyến tàu.
Ngoài ra, còn có một phi cơ Hải quân Mỹ, một máy bay quân sự Philippines và một phi cơ Trung Quốc cũng bay trên không, theo dõi chiếc tàu Philippines vào những thời điểm khác nhau.
Theo ghi nhận của hãng Reuters, vụ săn đuổi hôm thứ Bảy là một biểu hiện cụ thể hiếm thấy về tình hình căng thẳng thường xuyên diễn ra trên vùng Biển Đông, một trong những điểm nóng của khu vực. Vụ này cũng là một lời cảnh tỉnh, cho thấy rõ thái độ vô cùng quyết đoán của Bắc Kinh trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền trên những khu vực rất xa bờ biển Trung Quốc.
Có thể nói là khi cho phóng viên quốc tế tháp tùng theo con tàu, chính quyền Manila đã thành công trên mặt trận truyền thông, nêu bật được thế ỷ mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh.
Dù đã tiếp tế thành công, nhưng chính quyền Manila vẫn xem xét khả năng chính thức phản đối Bắc Kinh về mưu toan ngăn chặn thứ hai này.
Về phần Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này vào tối hôm qua đã lên tiếng cho rằng hành động của Philippines không ảnh hưởng đến thực tế là bãi này thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và Bắc Kinh « sẽ không bao giờ chấp nhận việc Philippines chiếm giữ bãi Nhân Ái (tên Trung Quốc đặt cho Second Thomas Shoal) dưới bất kỳ hinh thức nào ».
tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Philippines - Tranh chấp - Trung Quốc - Trường Sa

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140330-truong-sa-tau-philippines-pha-vong-vay-trung-quoc-do-bo-len-bai-co-may

Geen opmerkingen:

Een reactie posten