woensdag 26 juni 2013

Trung Quốc và chính sách phát triển đô thị

Trung Quốc và chính sách phát triển đô thị
Trung Quốc là nước tiếp theo được nhật báo Le Monde phân tích để giải thích những hệ lụy của sự tăng trưởng kinh tế tại đây.
Trong bài « Bắc Kinh muốn làm dịu khao khát đầu cơ của ngân hàng », phóng viên tờ báo cho biết, trước tình hình xuất khẩu giảm, chính phủ Trung Quốc tìm cách thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Các khoản tín dụng ngân hàng sẽ được dành chủ yếu cho khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Dự trù, các doanh nghiệp này sẽ đóng góp cho 60% GDP, 50% nguồn thu thuế và 80% cơ hội việc làm.
Bắc Kinh cũng chú ý hơn đến yếu tố con người và quá trình đô thị hóa. Được biết, chính sách di cư sẽ được cải cách để người nông thôn lên thành thị làm việc có thể cho con mình học tập tại các trường nơi họ cư trú và được chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, nhiều nguồn thu của Nhà nước sẽ được rót vào các khoản phúc lợi xã hội hơn là rót vào đầu tư để giải phóng các khoản tiền tiết kiệm của người dân dự phòng cho giáo dục, y tế và hưu trí.
Trong bản dịch từ tờ New York Times, báo Le Figaro đăng lại bài « Trung Quốc : Đô thị hóa theo tiến triển bắt buộc ». Tác giả cho biết Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đô thị hóa để, trong vòng 12 năm tới, dời khoảng 250 triệu dân nông thôn lên các thành phố lớn mới xây.
Kế hoạch này như con dao hai lưỡi : Hoặc sẽ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng cho đất nước, hoặc ngược lại, sẽ là rào chắn cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Tình trạng đô thị hóa gây ra nhiều vấn đề lớn, như xây dựng trường học và bồi thường cho người nông dân bị lấy đất cho dự án. Một nghiên cứu của Viện Phát triển nông thôn Landesa (tại Seattle, Hoa Kỳ) cho biết : Nnăm 2011, 43% nông dân Trung Quốc bị chính phủ lấy, hoặc định lấy đất đai của họ, trong khi đó, con số này chỉ là 29% vào năm 2008. Hơn nữa, một số dự án còn được xây trên nền đất các làng cổ, các ngôi đền bị phá hay rạp hát nông thôn.
Tác giả bài báo mượn lời một giảng viên Đại học Khoa học chính trị và Luật của Trung Quốc kết luận : « Quá trình đô thị hóa là một phần của tương lai đất nước, nhưng người dân sống ở khu vực nông thôn còn lâu mới được hưởng những gì mà phát triển kinh tế mang lại. Người nông thôn phải xứng đáng được hưởng những gì mà người thành thị có ».
Đổ xô tìm vàng tại châu Phi
Một hệ quả khác của phát triển kinh tế tại Trung Quốc là khoảng cách giàu-nghèo tăng cao. Tỷ lệ người thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, khiến cuộc sống bấp bênh. Chính vì thế, người dân sống ở nông thôn sẵn sàng bỏ quê hương để lên thành thị và thậm chí ra nước ngoài đi ăn xin (ở Malaisia) hay đi tìm vàng tại nước Ghana xa xôi. Đặc phái viên báo Le Monde tại Thượng Lâm, tỉnh Quảng Tây phản ánh tình trạng này trong bài « Mặt trái của mối quan hệ kinh tế Trung - Phi ».
Những năm gần đây, hàng chục ngàn người Trung Quốc tới Ghana để khai thác vàng cho các công ty của Trung Quốc lập ra tại đây. Tưởng rằng sớm được đổi đời, người khai thác vàng không ngờ phải đối mặt với những khó khăn không lường trước được. Một bên là lực lượng an ninh của chính quyền Ghana truy tìm người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp do nhu cầu tuyển người ồ ạt. Một bên là nạn cướp phá mỏ khai thác vàng. Nhiều công nhân Trung Quốc bị giết hại tại Ghana, một số khác đành về nước để bảo toàn tính mạng.
Người thân của họ tại quê nhà biểu tình trước trụ sở tỉnh ủy để tố cáo : « Sứ quán Trung Quốc tại Ghana chẳng làm gì hết ». Thế nhưng, dù tình hình ở Ghana xấu đi, người khai thác vàng Thượng Lâm không dễ dàng bó tay, vì lương họ kiếm được ở đây cao ít nhất là gấp đôi tại Trung Quốc. Một số người đã nghĩ tới các mỏ vàng tại Cameroun hay Zimbabwe.
Trẻ em Trung Quốc tiếp tục « phát triển theo bề ngang »
Báo La Croix lại đề cập tới một khía cạnh khác của xã hội Trung Quốc : Bệnh béo phì ở trẻ em do đời sống xã hội tăng cao và nhất là do chính sách một con.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 6% dân số bị mắc bệnh này. Trong số đó, phần lớn là trẻ em thành thị. Ở Bắc Kinh, 17% trẻ em dưới 5 tuổi có thể sẽ bị béo phì. Trong khi đó, ở Thượng Hải, theo số liệu thống kê năm 2011, tỷ lệ này là 16,9%. Nhìn chung, khoảng 120 triệu người Trung Quốc dưới 18 tuổi bị quá cân.
Tác giả bài báo cho biết, các ông bố bà mẹ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm một phần tình trạng này. Chính sách một con khiến họ không dám từ chối bất kì vòi vĩnh nào của « ông hoàng nhỏ » của mình. Thậm chí, họ còn bắt con ăn nhiều hơn để yên tâm là chúng không thiếu thốn gì cả. Một số bậc phụ huynh ý thức được tình hình nên đăng ký cho con theo các khóa tăng cường thể dục thể thao. Song, để ăn mừng con trở về, họ lại chất đầy đồ trong tủ lạnh.
Cách sống hiện đại cũng làm thay đổi chế độ ăn uống của trẻ em. Trong vòng mười năm trở lại đây, tỷ lệ thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ăn fast-food ít nhất một lần một tuần đã tăng gần mười lần : Từ 1,9% lên 16%. Cùng thời điểm này, lượng tiêu thụ đồ uống soda hàng ngày cũng tăng từ 329 ml lên 528 ml. Ngoài ra, phải kể tới các yếu tố khác như khẩu phần thịt trong chế độ dinh dưỡng, số lượng lớn xe hơi hạn chế việc đi bộ hay đi xe đạp. Song song với bệnh béo phì, dĩ nhiên là bệnh tiểu đường cũng tăng : 1,9% trẻ Trung Quốc mắc bệnh này, cao gấp 4 lần so với Mỹ.
Malaysia và Singapore bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Quay lại tập tục đốt rừng và than bùn diễn ra hàng năm tại Indonesia, phóng viên báo Le Monde tại Hồng Kông cho biết rõ hơn tình hình hiện nay.
Từ ngày 20/06/2013, Singapore chìm đắm trong làn khói đen từ Indonesia bay sang. Tập tục đốt rừng và than bùn diễn ra hàng năm tại nước láng giềng vào mùa khô từ tháng 6 tới tháng 9. Song năm nay, gió đổi hướng khiến Singapore hứng chịu hết.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Indonesia đã nêu tên 8 doanh nghiệp của các nhà đầu tư Malaysia đang bị thẩm vấn về các ổ hỏa hoạn tại hai tỉnh Riau và Jambi. Nếu có đủ bằng chứng cáo buộc, chính phủ Indonesia sẽ đưa các công ty này ra tòa.
Nga : Nhà cầm quyền bịt miệng báo chí tự do tại Uran
Quay sang tình hình tại Nga, nhật báo Le Figaro chỉ trích việc vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Nga trong bài : « Nga : Nhà cầm quyền bịt miệng báo chí tự do tại Uran ».
Một nữ biên tập viên của trang Znak.com tại Ekaterinbourg, thành phố lớn thứ ba của đất nước, có nguy cơ bị kết án 20 năm tù do đã tố cáo những vụ việc xấu của nhiều vị lãnh đạo. Để trừng trị, từ tháng 9 vừa qua, nhà báo này bắt đầu bị dính vào một vụ điều tra 250 000 euros bị « mất ». Cảnh sát vào cuộc để tìm kiếm và tịch thu chứng cứ, hăm dọa người thân. Trước sức ép, nhà báo này đã phải nhượng lại tòa soạn của mình cho các nhà đầu tư châu Âu có liên hệ làm ăn trong vùng. Người chủ mới đã thành lập một tòa soạn khác, gần như là bản sao của trang báo điện tử, và giữ lại toàn bộ ban biên tập trước đây.
Nelson Madela suy yếu, người Nam Phi cam chịu
Quay sang Nam Phi, Le Figaro cho biết sức khỏe của cựu Tổng thống Nelson Mandela đang yếu dần, toàn bộ người Nam Phi đành chịu.
Tờ báo cho biết, cựu Tổng thống 94 tuổi, nhập viện trong tình trạng « nguy kịch », lần này khó có thể qua khỏi. Các nhà lãnh đạo vẫn giữ bí mật tình hình sức khỏe của ông. Song theo một kênh truyền hình Mỹ, tim của vị lãnh đạo đã một lần ngừng đập, sau đó đã được hô hấp nhân tạo. Ngoài ra, chỉ một nửa gan và thận của ông hoạt động và đã nhiều ngày nay, ông không mở mắt. Tất nhiên chính phủ đều phủ nhận các thông tin trên. Người Nam Phi hiểu rằng, sau lần nhập viện thứ 4 này, vị anh hùng của họ khó qua khỏi được.

http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20130625-hoi-ket-cua-phep-mau-kinh-te-tai-cac-nuoc-dang-troi-day

Geen opmerkingen:

Een reactie posten