zaterdag 29 juni 2013

Cuộc chiến kinh doanh khốc liệt tại 'vùng đất hứa' Myanmar

Thứ bảy, 29/6/2013 05:46 GMT+7

Cuộc chiến kinh doanh khốc liệt tại 'vùng đất hứa' Myanmar

Cú 'sảy chân' mới đây của đại diện Việt Nam - Viettel trên đường đua khai phá thị trường viễn thông Myanmar chỉ là một ví dụ nhỏ cho cuộc chiến kinh doanh đang ngày càng trở nên khốc liệt tại 'mảnh đất vàng' của Đông Nam Á này.
Bắt đầu được thế giới chú ý sau quyết định lịch sử về cải tổ kinh tế và mở cửa năm 2011 của Tổng thông Thein Sein, Myanmar nhanh chóng đầy ắp những nhà đầu tư đến từ khắp thế giới, những người đang tìm kiếm một miền đất hứa mới tại châu Á. Một trong những mảnh đất được đánh giá màu mỡ nhất được họ nhanh chóng tìm thấy và tranh giành là hạ tầng và dịch vụ viễn thông. 
Theo số liệu của Chính phủ Myanmar, chỉ hơn 9% người dân nước này được tiếp cận điện thoại di động, một phần vì giá SIM điện thoại quá cao và hạ tầng cho viễn thông tồi tàn. Myanmar đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 75-80% năm 2015 - 2016.
Thuở sơ khai, giá mỗi chiếc sim dùng mạng GSM tại đất nước này lên tới 4,5 triệu kyat (5.140 USD). Giá này hiện chỉ còn 200.000 kyat, nhưng vẫn còn quá đắt đỏ với người dân. Trong khi đó, Công ty Viễn thông – Bưu điện Myanmar gần như là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên cả nước. Trong khi đó, sân chơi Internet chỉ thuộc về Yatanarpon Teleport – liên doanh giữa một công ty tư nhân Myanmar và Chính phủ.
myanmar-tel-crop-1372418228_500x0.jpg
Viễn thông là mảnh đất béo bở với các công ty nhắm vào Myanmar. Ảnh: AFP
Để dịch vụ viễn thông hợp túi tiền hơn với người dân cả ở nông thôn và thành thị, đồng thời giúp họ có nhiều sự lựa chọn, ngày 15/1/2013, Myanmar chính thức phát thông báo mời thầu hai giấy phép kinh doanh cho các công ty nước ngoài. Giấy phép này có thời hạn 15 năm với phạm vi kinh doanh trên cả nước.
Sau hạn chót nộp Thư bày tỏ quan tâm (EOI), đầu tháng 2, Myanmar thông báo có tới 91 tổ chức gửi thư đến. Theo giới phân tích, đây là giải thưởng quá lớn với các công ty viễn thông trên thế giới. Hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho biết: “Viễn thông không còn nhiều cơ hội phát triển. Rất nhiều nhà mạng đang cảm thấy công cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt. Vì thế, Myanmar là thị trường quá hấp dẫn với họ”.
Các công ty này sau đó được gửi tài liệu chuẩn bị cho vòng sơ loại, gồm quy trình chọn lựa ứng viên và thông tin về giấy phép. Đầu tháng 4, Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) thông báo họ nhận lại được 22 hồ sơ đăng ký vòng sơ loại.
Ngày 11/4, Myanmar công bố danh sách rút gọn 12 ứng cử viên được quyền tham gia đấu thầu, trong đó có Tập đoàn Viễn thông quân đội của Việt Nam - Viettel. Hạn chót nộp hồ sơ là 3/6 và hai hãng trúng thầu sẽ được công bố trước ngày 27/6.
Trong các công ty lọt vào danh sách, nổi bật nhất là liên minh hai nhà mạng lớn nhất thế giới - Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc). Tỷ phú đầu tư George Soros cũng không bỏ qua cơ hội béo bở khi hợp tác với hãng di động Digicel (Jamaica) và công ty bất động sản Yoma Strategic của người giàu nhất Myanmar - Serge Pun.
Một trong những hãng viễn thông lớn nhất Singapore - SingTel thậm chí còn liên minh với hai công ty bản địa là M-Tel và ngân hàng KBZ của Myanmar. Các ứng cử viên khác cũng là những cái tên rất đáng gờm. Bharti Airtel là nhà mạng lớn thứ ba Ấn Độ với hơn 260 triệu thuê bao tại hơn 150 quốc gia. CP Group của tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á - Dhanin Chearavanont (Thái Lan) cũng tham chiến khi hợp tác với Tập đoàn viễn thông hàng đầu Thái Lan - True Corp và Thana Telecom.
Tuy nhiên, cuối tháng 5, Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc) rút lui vì tính toán lợi nhuận không đủ. Họ cũng lo ngại dự luật sửa đổi luật viễn thông tại đây chưa có hiệu lực trước khi Myanmar chọn được hai công ty thắng thầu ngày 27/6.
Vài tuần trước khi kết quả được công bố, các hãng tham gia đấu thầu liên tục tổ chức những chiến dịch marketing rầm rộ trên khắp Myanmar. Nổi bật nhất là tại trung tâm kinh tế Yangon. SingTel dán sẵn logo lên các trạm điện thoại công cộng và dựng biển quảng cáo khổng lồ trên khắp thành phố. Digicel, dưới sự hỗ trợ của tỷ phú George Soros, thậm chí còn lên kế hoạch mở đại tiệc tối ngày 27/6 và bắt đầu thuê nhân viên. Liên minh này cho biết sẽ đầu tư tới 9 tỷ USD vào đây nếu trúng thầu.
Ngày 27/6, bất chấp yêu cầu hoãn công bố kết quả của Hạ viện, TOTSC vẫn quyết định trao hai giấy phép cho Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar. Công ty trúng thầu sẽ phải đảm bảo cung cấp dịch vụ thoại trên 75% tỉnh thành Myanmar trong vòng 5 năm và dịch vụ truyền dữ liệu tại một nửa đất nước.
Telenor là một trong những nhà mạng lớn nhất thế giới, hoạt động trên 30 quốc gia ở Bắc Âu, Nam Âu và châu Á. Họ sở hữu tới 43% cổ phần VimpelCom, nhà mạng lớn thứ 6 thế giới, nổi tiếng với thương hiệu Beeline tại Nga. Ooredoo, tên cũ là Qatar Telecom, là nhà cung cấp viễn thông độc quyền và là một trong những công ty đại chúng lớn nhất Qatar.
Chia sẻ trên Reuters, Jeremy Sell - Giám đốc chiến lược của Ooredoo cho biết đã lên kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD trong 15 năm tại Myanmar. Hãng này tự tin sẽ hoàn vốn sau 4 năm. Telenor chưa có tiết lộ cụ thể về những con số này.
Bộ Truyền thông Myanmar cho biết nếu một trong hai nhà thầu trên không đáp ứng được các yêu cầu hoạt động sau này, ứng cử viên dự bị sẽ là liên minh Orange (Pháp) - Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Orange là thương hiệu viễn thông số một của France Telecom. Marubeni là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản.
Chia sẻ với VnExpress.net ngay sau khi kết quả được công bố, đại diện Viettel cảm thấy "tiếc" trước kết quả này mặc dù đã xác định từ đầu rằng đây là một cuộc chiến hết sức cam go, với những đối thủ rất mạnh về cả công nghệ lẫn tiềm lực tài chính. Chung cảm giác "tiếc nuối" cho đại diện Việt Nam, nhưng theo quan điểm của các chuyên gia, kết quả này phản ánh khá sát với thực tế thị trường Myanmar hiện nay, nơi mà mức độ cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt và doanh nghiệp muốn thành công, phải có đủ tiềm lực cũng như khả năng quản trị theo chuẩn quốc tế.
Ngoài viễn thông, Myanmar cũng đang lên kế hoạch mời thầu cung cấp dịch vụ Internet và xây dựng hệ thống cáp quang trên toàn quốc. Các phiên đấu thầu khai thác dầu khí của nước này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Myanmar được cho là có 311 - 651 tỷ m3 khí đốt và trữ lượng dầu thô khoảng 50 triệu thùng.
Nhiều mỏ dầu khí của Myanmar hiện được điều hành bởi các hãng hàng đầu thế giới như Total, Petronas hay Chevron. Theo thông tin của Bộ Năng lượng Myanmar, trong năm nay, có tới 59 công ty nước ngoài đạt tiêu chuẩn đấu thầu khai thác dầu khí trên bờ của họ.
Thùy Linh (tổng hợp)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten