zaterdag 9 april 2022

Ukraina có thêm sát thủ phòng không: Starstreak, tên lửa hiện đại nhất của Anh

 

Ukraina có thêm sát thủ phòng không: Starstreak, tên lửa hiện đại nhất của Anh

Ảnh minh họa: Lính Anh vận hành hệ thống tên lửa phòng không Starstreak, được triển khai gần Luân Đôn (Anh Quốc) nhằm bảo vệ Thế Vận Hội Luân Đôn. Ảnh không ghi ngày công bố hôm 30/04/2012.
Ảnh minh họa: Lính Anh vận hành hệ thống tên lửa phòng không Starstreak, được triển khai gần Luân Đôn (Anh Quốc) nhằm bảo vệ Thế Vận Hội Luân Đôn. Ảnh không ghi ngày công bố hôm 30/04/2012. Reuters

Các loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) đang đóng một vai trò quan trọng bất ngờ trong cuộc chiến ở Ukraina, bắn hạ nhiều chiến đấu cơ hay trực thăng Nga từ hơn một tháng nay, và gây khó khăn nghiêm trọng cho các hoạt động của Không Quân Nga.

Kho vũ khí phòng không của các lực lượng võ trang Ukraina vừa được tăng cường với loại tên lửa Starstreak mới nhất do Anh cung cấp, mà hiệu quả đầu tiên vừa được Luân Đôn xác nhận với một trực thăng Nga bị bắn rơi ngày 01/04/2022 trên bầu trời Lugansk, miền Đông Ukraina.

Trong một bài phân tích ngày 06/04/2022 - What are MANPADS, the portable missiles bringing down Russian aircraft? - tuần báo Anh The Economist đã ghi nhận diễn biến mới này trong cuộc chiến tranh Ukraina do Nga khởi động, giải thích vì sao các loại tên lửa phòng không vác vai lại quan trọng đối với hệ thống phòng thủ Ukraina, và tên lửa mới của Anh mới có thể tạo ra sự khác biệt gì.

Vì sao phi cơ và trực thăng Nga dễ thành mồi ngon cho MANPADS

Các nhà phân tích quân sự đã rất bất ngờ khi thấy Nga thất bại trong việc tiêu diệt mạng lưới tên lửa đất đối không tầm xa S-300 (hướng dẫn bằng radar) của Ukraina ngay từ đầu cuộc chiến. Mặc dù một số dàn phóng đã bị phá hủy, nhưng nhiều chiếc S-300 vẫn tiếp tục hoạt động, buộc phi cơ Nga phải bay ở độ cao thấp để tránh bị radar phát hiện.

Trong bối cảnh trực thăng tấn công của Nga chủ yếu được trang bị bằng các loại tên lửa thông thường, không được hướng dẫn từ xa, hoạt động giống như loại máy bay tấn công mặt đất, vừa phải bay chậm, vừa phải lao về phía mục tiêu khi tấn công, những yếu tố có thể biến phi cơ Nga thành mồi ngon cho các loại tên lửa phòng không vác vai mà Quân Đội Ukraina được trang bị.

Cho đến gần đây, tên lửa phòng không vác vai mà Ukraina sử dụng bao gồm nhiều loại loại khác nhau, với hiệu quả khác nhau.

Tên lửa vác vai tầm nhiệt không phải lúc nào cũng hữu hiệu

Một cách tổng quát, tên lửa phòng không vác vai được gọi là “tầm nhiệt”, sử dụng tia hồng ngoại để bám theo nguồn nhiệt mà các động cơ động cơ máy bay phát ra. Đây chính là lý do tại sao chiến đấu cơ và trực thăng tấn công thường bắn ra các loại hỏa châu (pháo sáng), để đánh lạc hướng các tên lửa bằng các nguồn nhiệt sáng và mạnh hơn.

Quân Đội Ukraina hiện sở hữu các loại tên lửa phòng không vác vai cổ điển có từ thời Liên Xô như Strela (còn gọi là SA-7), mà Berlin gần đây đã lấy từ các kho dự trữ cũ của Đông Đức để chuyển giao cho Kiev. Khuyết điểm lớn nhất của loại tên lửa này là chỉ có thể bắn máy bay từ phía sau.

Stinger nguy hiểm nhưng cũng có khuyết điểm

Ukraina cũng sở hữu loại MANPADS hiện đại hơn như tên lửa Igla (tức là SA-18) của Nga, và nhất là Stinger của Mỹ, vừa được các nước Phương Tây ồ ạt chi viện. Đây là các loại vũ khí có thể bắn vào máy bay từ mọi hướng. Vấn đề đối với các loại tên lửa này là tốc độ bay còn hạn chế nên có thể không đủ nhanh để bắt kịp một chiếc máy bay đang bay đi trước lúc mục tiêu ra khỏi tầm hoạt động của tên lửa.

Tên lửa Stinger cũng có những hạn chế khác. Thiết bị tìm kiếm của loại tên lửa này cần được giữ mát, trong lúc pin của bộ phận làm mát chỉ cung cấp đủ năng lượng trong 45 giây. Do vậy, bộ phận tìm kiếm không được mở liên tục, mà chỉ được kích hoạt khi cần thiết. Phải mất từ ​​ba đến năm giây để bộ phận tìm kiếm hoạt động sau khi được bật, một khoảng thời gian quá “lâu” trong trường hợp khẩn cấp.

Chỉ sau khi đủ năng lực vận hành, Stinger mới xác định nguồn nhiệt từ động cơ của máy bay và để lao về hướng đó. Vấn đề là việc định hướng của tên lửa có thể bị hỏa châu hay các loại mồi nhử khác làm nhiễu, hoặc phi công có thể đột ngột đổi hướng bay để thoát khỏi tên lửa.

Một chiếc Stinger bay với tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh và mang theo một đầu đạn nặng một kg được thiết kế để phát nổ khi va chạm. Tính năng này không nhất thiết đủ để tiêu diệt một chiếc phi cơ, nhưng gần như chắc chắn đủ để buộc đối thủ phải bay trở về căn cứ.

Hiệu quả của Stinger trên chiến trường tuy nhiên đã gây tranh cãi. Loại tên lửa này từng được ca ngợi trong cuộc chiến tranh Afghanistan trước đây, góp phần giúp lực lượng mujahideen thành công trong việc chống lại không quân của Hồng Quân Liên Xô. Tỷ lệ hiệu quả đến 79% có thể là đã được phô trương nhằm thuyết phục những người ủng hộ Mỹ tiếp tục cung cấp loại vũ khí này. Trong thực tế thì tỷ lệ này có thể chỉ khoảng 20% mà thôi.

Hiệu năng gấp bội của tên lửa đời mới Starstreak

Ukraina đã nhận được những chiếc tên lửa Starstreak đầu tiên vào giữa tháng Ba 2022. Nếu hiệu quả của Stinger đã được chứng minh trong trận chiến, thì Starstreak chưa hề được dùng trên chiến trường thực thụ. Loại vũ khí này được phát triển vào những năm 1980, mặc dù phiên bản mới nhất, Starstreak II, chỉ ra mắt lần đầu tiên vào năm 2008.

Starstreak khác các tên lửa phòng không vác vai cổ điển ở chỗ đây không phải là loại vũ khí tầm nhiệt, mà là tên lửa được dẫn đường bằng tia laser. Khuyết điểm của loại tên lửa này là người bắn phải theo dõi mục tiêu, nhưng điều đó giúp cho Starstreak không bị các biện pháp gây nhiễu hay các biện pháp đối phó và né tránh khác của đối phương đánh lừa.

Công ty Thales sản xuất ra loại tên lửa Starstreak đã mệnh danh sản phẩm của mình là “tên lửa tốc độ cao” để thu hút sự chú ý đến tốc độ gấp 3 lần âm thanh, khiến cho nó rất khó tránh. Mặt khác, thay vì chỉ có một đầu đạn duy nhất như Stinger, Starstreak cùng lúc phóng ra ba phi tiễn, mỗi chiếc nặng 900 gam, tỏa ra và bay theo đội hình. Phi tiễn có thể xuyên thủng vỏ thép của máy bay trực thăng rồi mới phát nổ, gây tổn hại lớn hơn nhiều so với việc nổ trên bề mặt.

Bộ Quốc Phòng Anh "xác nhận" vụ trực thăng Nga bị Starstreak bắn rơi

Rất có thể là loại vũ khí cực kỳ hiện đại này quá phức tạp hoặc không phù hợp với mong đợi, vì quân nhân phải được huấn luyện kỹ mới sử dụng được. Tuy nhiên, các tin tức từ Ukraina mới đây cho biết là Starstreak đã hạ được một máy bay trực thăng Mi-28 của Nga.

Trong một video công bố hôm 01/04 được cho là ghi tại khu vực Lugansk, miền Đông Ukraina, người ta thấy chiếc trực thăng khi đang bay không quá cao, bất ngờ bị trúng tên lửa và bốc cháy ở phần đuôi trước khi bị gẫy gập, xoay vòng rồi rơi xuống nhanh chóng.

Theo nhật báo Anh The Times, một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Anh, khẳng định đó là một trực thăng Nga, bị trúng tên lửa phòng không Starstreak mà Anh viện trợ cho Ukraina. Bộ này cũng xác định là loại vũ khí này mới được triển khai ở Ukraina trong khuôn khổ viện trơ uân sự mà Luân Đôn dành cho Kiev.

Chính phủ Ukraina đã nhiều lần yêu cầu NATO áp đặt vùng cấm bay tại Ukraina, một đòi hỏi gần như chắc chắn sẽ không được đáp ứng. Thể nhưng, với tên lửa Starstreak, và nói chung là các loại MANPADS được chi viện, các lực lượng Ukraina có thể vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Nga mà không cần đến chiến đấu cơ mới hoặc sự can thiệp trực tiếp của các quốc gia khác trong NATO.

Ukraina có thêm sát thủ phòng không: Starstreak, tên lửa hiện đại nhất của Anh (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten