vrijdag 15 april 2022

5 phim nhạc kịch đoạt Oscar vì âm nhạc đỉnh cao, cốt truyện lôi cuốn

 5 phim nhạc kịch đoạt Oscar vì âm nhạc đỉnh cao, cốt truyện lôi cuốn

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Thể loại nhạc kịch là một trong những thể loại phổ biến mà các nhà làm phim Hollywood thường hay khai thác.

Nhân vật Eliza Doolittle trong “My Fair Lady” là một trong những nhân vật kinh điển của cố minh tinh Audrey Hepburn. (Hình: themoviedb.org)

Tuy nhiên, trái với các thể loại khác như kinh dị, trinh thám, tình cảm hay hành động, các phim nhạc kịch thường kén người xem hơn, nhưng không vì vậy mà các tác phẩm này không được chú ý đến.

Thông qua hình ảnh nhảy múa, ca từ truyền cảm, âm nhạc vang lên mang nhiều ý nghĩa, dưới đây là năm phim nhạc kịch nổi tiếng từng đoạt giải Oscar.

My Fair Lady (1964)

“My Fair Lady” của đạo diễn George Cukor, dựa trên vở nhạc kịch của nhà soạn nhạc Geroge Bernard từng trình chiếu năm 1923, được xem là bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Hollywood trong thập niên 1960 và 1970.

Câu chuyện tình giữa vị giáo sư đại học danh giá Henry Higgins và cô gái bán hoa nghèo nàn Eliza Doolittle được ví như câu chuyện cổ tích ở ngoài đời thực, vượt qua mọi rào cản khác biệt giữa địa vị xã hội và giai cấp trong xã hội nước Anh.

Hai nhân vật là hiện thân của hai thế giới hoàn toàn đối ngược nhau. Nếu như Giáo Sư Henry là người có học vấn cao thuộc tầng lớp thượng lưu thì thiếu nữ Eliza Doolittle xuất thân bần hèn, ăn nói bình dân và không có học thức. Tuy nhiên, chính sự trái dấu đó đã giúp hai tâm hồn tìm ra sự đồng điệu thu hút nhau.

Màn “vịt hóa thiên nga” của Eliza Doolittle khi được vị giáo sư dạy dỗ, uốn nắn cô trở thành người quý tộc với cách ăn mặc kiểu cách, nói năng lễ độ, toát ra khí chất sang trọng chính là thông điệp về nghị lực, dám thay đổi của người phụ nữ để trở nên tốt hơn.

Đây là một trong những tác phẩm nhạc kịch nhận được 12 đề cử giải Oscar trong năm 1964 và xuất sắc giành tám giải thưởng quan trọng, trong đó có giải “Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất” và “Quay Phim Xuất Sắc Nhất.”

Hình ảnh cô nàng bảo mẫu Maria đầy nhiệt huyết, ân cần và chân thật trong “The Sound of Music” do minh tinh Julie Andrews thể hiện để lại nhiều ấn tượng với khán giả. (Hình: themoviedb.org)

The Sound of Music (1965)

Julie Andrews là một trong những cái tên thịnh hành ở dòng phim nhạc kịch trong thập niên 1960. Năm 1964, bà được nhiều người đón nhận khi hóa thân thành nhân vật bảo mẫu Mary Poppin trong phim “Mary Poppin” thì chỉ một năm sau, màn tái ngộ trong phim “The Sound of Music” khiến khán giả không khỏi phấn khích và yêu mến.

Trong phim, Julie Andrews vào vai vị nữ tu trẻ có tên Maria ở tu viện Nonnberg, Salzburg. Cô được gửi tới làm gia sư cho bảy người con của một vị thuyền trưởng Hải Quân góa vợ George Ludwwig von Trapp. Bằng trái tim nhân hậu, ân cần và sự nhiệt huyết, Maria dần cảm hóa những đứa trẻ ở độ tuổi ẩm ương, và. Đúng lúc này, cô phải đứng giữa sự lựa chọn, đó là từ bỏ đi tu hay đồng hành cùng với các đứa trẻ, xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Bộ phim đặc biệt kéo dài hơn ba tiếng, dựa trên phiên bản vở kịch Broadway trình chiếu năm 1959, do đạo diễn Robert Wise thực hiện và phần âm nhạc và lời được hai nhà soạn nhạc tài năng Richard Rodgers và Oscar Hammerstein II “xào nấu,” đem lại cho khán giả một bữa tiệc thính giác đầy vui nhộn, với các ca từ và giai điệu hạnh phúc.

“The Sound of Music” xuất sắc nhận giải Oscar ở hạng mục “Best Pictures” năm đó, cùng với tượng vàng thứ hai cho Julie Andrews. Đặc biệt, phim còn được chọn để bảo tồn trong Viện Lưu Trữ Quốc Gia Hoa Kỳ, được xem là tác phẩm nhạc kịch của mọi thời đại.

Bộ ba tài năng bao gồm Catherine Zeta-Jones (trái), Richard Gere (giữa) và Renée Zellweger xuất sắc diễn tả bộ mặt xã hội Chicago thời thập niên 1920 đầy cạm bẫy, gian dối. (Hình: themoviedb.org)

Chicago (2002)

Năm 2002, đạo diễn Rob Marshall thử sức ở lĩnh vực phim nhạc kịch khi bắt tay thực hiện “Chicago,” được làm lại từ bộ phim cùng tên từng trình chiếu vào năm 1927.

Bộ phim nhạc kịch và ca vũ với phần âm nhạc do nhà soạn nhạc John Kander đảm nhận và phần lời do nhà soạn nhạc Fred Ebb sáng tác, đưa khán giả quay về thời kỳ dòng nhạc Jazz thịnh hành ở thập niên 1920 và 1930, trong bối cảnh thành phố Chicago bị lũng đoạn vì tham nhũng, tranh giành quyền lực, rượu chè, trai gái hỗn loạn đội lớp hình ảnh xa hoa, hào nhoáng.

Nhân vật chính trong phim, Roxie Hall, là một cô đào mang dáng vẻ ngốc nghếch, “tóc vàng hoe” nhưng ẩn chứa bên trong là tham vọng đổi đời, vươn lên bằng bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí là giết người. Cô cùng với vũ nữ gian xảo Velma Kelly thuê lão Luật Sư Billy Flynn cáo già hám tiền bào chữa cho những hành động tàn ác, “đổi trắng thay đen” của mình.

Sức hút tạo nên cơn sốt cho “Chicago” chính là một cốt truyện với lớp lang tài tình, thông qua các hình ảnh vũ đạo đặc sắc, sống động và vui nhộn chính là tội ác đen tối, những lời giả dối bị che đậy sâu kín.

Bộ phim xuất sắc thắng giải “Best Pictures” năm 2002, là bộ phim nhạc kịch thứ 10 trong lịch sử Oscar giành giải cao quý này.

Đằng sau ánh hòa quang trên sân khấu là những nỗi đau và sự cô đơn mà người nghệ sĩ phải đối mặt trong “Dreamgirls.” (Hình: themoviedb.org)

Dreamgirls (2006)

Một thời tiếng tăm lừng lẫy của dòng nhạc R&B tại Mỹ trong thập niên 1960 và 1970 được tái hiện sinh động và chân thật qua bộ phim “Dreamgirls” của đạo diễn Bill Condon, phát hành năm 2006, do hãng DreamWorks Pictures và Paramount Pictures hợp tác sản xuất.

Bộ phim dựa trên vở nhạc kịch cùng tên từng được trình diễn trên sân khấu Broadway hồi năm 1981, theo chân hành trình của nhóm nhạc nữ R&B ở Detroit, Michigan, mang tên “The Dreams” từ lúc thuở mới hình thành cho đến khi lên đến đỉnh vinh quang nổi tiếng.

Với sự dẫn dắt của ông bầu dẻo miệng, tính toán và khôn ngoan Curtis, “The Dreams” từ một nhóm ba thiếu nữ da màu ít ai biết trở thành tên tuổi lớn, được hát trên sân khấu lớn với lượng người hâm mộ khổng lồ. Những tưởng sự nổi tiếng, danh vọng và quyền lực sẽ đem lại hạnh phúc cho cả ba, nhưng sự thật đằng sau ánh hào quang trên sân khấu là nỗi cô đơn, tủi hờn, lạc lõng, thậm chí là sự kỳ thị về màu da và giới tính, mà mỗi nghệ sĩ, đặc biệt là nữ nghệ sĩ da màu, phải đối mặt.

“Dreamgirls” nhận tám đề cử Oscar và chiến thắng ở hai hạng mục, trong đó có giải “Nữ Diễn Viên Phụ Xuất Sắc Nhất” dành cho nữ ca sĩ Jennifer Aniston, lần đầu bén duyên với điện ảnh, và giải “Nhạc Phim Hay Nhất.”

Tài tử gốc Ai Cập Rami Malek có màn hóa thân xuất sắc huyền thoại nhạc rock Freddie Mecury, thủ lĩnh nhóm Queen, trong “Bohemian Rhapsody.” (Hình: themoviedb.org)

Bohemian Rhapsody (2018)

“Bohemian Rhaposody” là bộ phim được nhiều người chú ý trong năm 2018 vì không chỉ là bộ phim nhạc kịch về đề tài nhạc rock mà còn kể về cuộc đời của huyền thoại Freddie Mercury, thủ lĩnh của nhóm nhạc Queen nổi tiếng ở Anh và trên toàn thế giới.

“Bohemian Rhapsody” cũng chính là tên bài hát nổi tiếng của Queen, được Freddie Mercury viết vào năm 1975, nằm trong album “A Night at the Opera” của Queen. Đặc biệt, đây là ca khúc được xem là bất hủ trong dòng nhạc rock đương đại khi Freddie đã kết hợp với nhiều thể loại khác nhau, từ nhạc đồng quê Anh với tiết tấu nhanh, liên kết với điệu nhạc dân gian Tây Ban Nha, cộng với phong cách nhạc kịch opera, và phần phối khí từ các dụng cụ trống, bass, cùng guitar đầy sức sống. Ca khúc trước đó từng bị các chủ hãng đĩa từ chối phát hành vì quá khác biệt, đồng thời lại dài đến tận hơn 6 phút, là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Xuyên suốt bộ phim khán giả sẽ hiểu rõ thêm về cuộc đời của Freddie Mecury từ khi còn là cậu bé trong gia đình gốc Zanzibar di dân đến thành phố Middlesex, Anh, trở thành sinh viên với niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt, đã tạo nên nhóm nhạc rock Queen huyền thoại.
Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi khi ông mất vì căn bệnh AIDS lúc 45 tuổi, nhưng gia tài âm nhạc và tầm ảnh hưởng của Freddie Mecury để lại cho nền âm nhạc thế giới là vô cùng to lớn.

Bộ phim của đạo diễn Bryan Singer giành được bốn tượng vàng Oscar năm 2018, trong đó có giải thưởng “Nam Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất” dành cho tài tử Rami Malek khi làm sống lại Freddie Mecury một lần nữa trong lòng công chúng. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhatanh@nguoi-viet.com

5 phim nhạc kịch đoạt Oscar vì âm nhạc đỉnh cao, cốt truyện lôi cuốn (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten