maandag 28 februari 2022

Nga đánh Ukraine: Việt Nam có đứng lên trước ‘tiền lệ nguy hiểm’ về xâm phạm lãnh thổ? + Việt Nam kêu gọi kiềm chế ở Ukraine, còn báo Đảng bênh Nga

 

Nga đánh Ukraine: Việt Nam có đứng lên trước ‘tiền lệ nguy hiểm’ về xâm phạm lãnh thổ?

Một người đàn ông đọc báo Tuổi Trẻ với bản tin xung đột ở Ukraine trên trang nhất hôm 25/2 tại một cửa hảng ở Hà Nội. Chính quyền Hà Nội chưa đưa ra quan điểm sau khi Nga phát động cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine hôm 24/2.

“Chiến dịch quân sự” của Nga ở Đông Ukraine mà Mỹ và phương Tây gọi là hành động “xâm lược” được xem là một tiền lệ xấu để Trung Quốc làm theo trong khi Việt Nam “ở thế khó” và không thể “lên án Nga”

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở miền đông Ukraine hôm 24/2 là hành động “xâm lược” thì Trung Quốc, nước đang bị phương Tây chỉ trích về ý đồ bành trướng lãnh thổ ở châu Á, phủ nhận việc này và tránh lên án Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, Hoa Xuân Oánh, hôm 24/2 nói rằng “đây có lẽ là sự khác biệt giữa Trung Quốc và phương Tây” vì Trung Quốc không “vội vàng đi đến kết luận” rằng đó là một cuộc xâm lược. Một người phát ngôn khác của BNG Trung Quốc, Uông Văn Bân, hôm 25/2 giữ nguyên quan điểm này và nói rằng Trung Quốc “hiểu những lo ngại chính đáng của Nga về các vấn đề an ninh.”

Việt Nam, một đối tác thân thiết của Nga, chưa có phản ứng gì sau khi Nga tấn công Ukraine. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Phản ứng về diễn biến tình hình ở Ukraine ngay trước khi diễn ra cuộc tấn công của Nga, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/2 đưa ra một tuyên bố của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng dưới hình thức trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài.

Bà Hằng cho biết “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quan tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hoà bình các bất đồng” theo luật pháp quốc tế.

“Việt Nam không thể gọi đó là xâm lược,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak nhận định. “Tôi nghĩ là đến giờ này chính phủ Việt Nam không gọi đó là xâm lược thì họ sẽ không nói. Việt Nam không có khả năng lên án nước Nga.”

Nga là nước có mối quan hệ ở tầm cao nhất với Việt Nam, tức đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài Nga, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ có quan hệ ở tầm mức này với Việt Nam.

“Các lãnh đạo Việt Nam đang ở một tình thế rất khó khi Nga là một đồng minh lâu năm của họ,” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC, với chuyên sâu về Đông Nam Á, nhận định. “(Nga) là nhà cung cấp lớn nhất các loại vũ khí hiện cho quá trình hiện đại hoá quân sự của Việt Nam và (Hà Nội) luôn có mối quan hệ thân thiện với Moscow.”

Nga là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh với Mỹ. Hiện tại, trọng tâm trong quá trình hiện đại hoá quân sự của Việt Nam cũng là các thiết bị quân sự từ Nga, nước đã bán cho Việt Nam các loại tàu ngầm, tàu chiến, máy bay chiến đấu phản lực chống hạm và tên lửa đất đối không tiên tiến.

“Nhưng cái mà Moscow đang làm hiện nay đặt ra một mối đe doạ rất lớn cho Việt Nam,” GS Abuza, người chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực pháp quyền, an ninh hàng hải và tiến trình hoà bình, nói. “Nó tạo ra một tiền lệ pháp lý nguy hiểm. Những gì mà ông Vladimir (Putin) đã làm về cơ bản cho thấy rằng một số quốc gia có chủ quyền ít hơn. Và những gì ông ấy đã làm nói lên rằng chúng ta có quyền can thiệp vào một quốc gia để thay đổi lãnh đạo của họ, để khiến họ dễ uốn nắn hơn, để họ trở nên ngoan ngoãn hơn.”

Ông Putin nói rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh tiến hành điều mà ông gọi là một chiến dịch đặc biệt chống lại Ukraine. Phát biểu trên truyền hình sau khi công nhận độc lập ở Donetsk và Luhansk, ông Putin nói Ukraine là vùng đất cổ của nước Nga và là một phần không thể tách rời trong lịch sử nước Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy so sánh cuộc xâm lược của Nga nhắm vào đất nước ông với các chiến dịch quân sự của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 24/2 nói Nga đã “chọn con đường xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền và độc lập.” Các nhà lãnh đạo khối Liên minh châu Âu gọi đây là một cuộc tấn công “vô cớ” trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẩn nài ông Putin “đừng cho phép bắt đầu ở châu Âu điều có thể là cuộc chiến tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ.”

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp thế giới để lên án việc xâm chiếm lãnh thổ của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/2 tuyên bố áp thêm các chế tài đối với Nga và nói rằng ông Putin “đã chọn cuộc chiến tranh này”. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào các ngân hàng, giới tài phiệt và các lĩnh vực công nghệ cao của Nga.

‘Tiền lệ nguy hiểm’

Dù truyền thông chính thống của Việt Nam tỏ ra ủng hộ Nga nhưng nhiều người dân trong nước và cả người Việt ở nước ngoài không tán thành với việc Nga tấn công Ukraine.

TS Hợp, người từng sống và làm việc gần 20 năm ở Đông Âu – trong đó có Nga – và hiện đang sống ở Việt Nam, cho biết nhiều người dân trong nước “thất vọng” về việc Nga đánh Ukraine dù rằng có những người ủng hộ việc này. Những người dân Việt Nam sống ở Kharkiv của Ukraine nói với VOA rằng họ phải sơ tán và lo lắng cho tương lai trong khi “căm ghét” ông Putin và gọi ông là “kẻ xâm lược.”

Trong khi Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác đang giữ im lặng trước hành động xâm chiếm Ukraine của Nga để tránh một cuộc xung đột mà họ lo ngại có thể gây tổn hại kinh tế cho họ thì Trung Quốc tỏ rõ quan điểm đứng về phía Nga khi không lên án việc này. Trước khi Thế vận hội Olympic mùa đông diễn ra ở Bắc Kinh, ông Putin đã gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại đây và hai bên đã tăng cường hợp tác chiến lược. Trong khi Nga nhất trí coi Đài Loan là một phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc thì Trung Quốc cùng với Nga phản đối việc mở rộng thêm NATO, khối liên minh quân sự mà Ukraine muốn gia nhập.

“Trung Quốc có thể có một số lo ngại về hậu quả kinh tế lâu dài của cuộc chiến tranh nhưng họ đứng về phía Nga và điều này sẽ tạo ra một tiền đề rất nguy hiểm cho Việt Nam,” GS Abuza nói và cho rằng Việt Nam công nhận lãnh thổ của Ukraine nhưng nếu để Nga xâm chiếm được Ukraine thì điều này sẽ biện minh cho các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc đối với Đài Loan, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng nói tại một diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010, khi có cả Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Hillary Clinton tham dự, rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, đó là một thực tế.”

Mặc dù ông Putin nói không có ý định xâm chiếm Ukraine nhưng vị tổng thống Nga muốn có một chính phủ “chư hầu” như Belarus, theo GS Abuza. Vị giáo sư của Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ còn cho rằng ông Putin đang làm sống lại quan niệm cũ của Liên Xô về “chủ quyền hạn chế” – tức các cường quốc có chủ quyền và các quốc gia yếu hơn thì có ít chủ quyền hơn – và nếu họ không tuân theo các yêu cầu của các cường quốc thì họ sẽ tự rơi vào sự can thiệp quân sự và chính trị.

Singapore có lẽ là nước đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á về tình hình Ukraine khi ngoại trưởng nước này hôm 23/2 nói rằng Singapore vô cùng lo ngại về quyết định công nhận độc lập của hai khu vực tách khỏi Ukraine. Trước đó Bộ Ngoại giao Indonesia nói chung chung rằng nước này lên án bất kỳ hành động nào cho thấy sự vi phạm lãnh thổ và chủ quyền quốc gia một cách rõ ràng.

GS Abuza, tác giả nhiều cuốn sách về Đông Nam Á trong đó có 1 cuốn về chính trị Việt Nam, cho rằng nếu Hà Nội và các quốc gia Đông Nam Á khác không đứng lên và bảo vệ nguyên tắc cốt lõi của luật phát quốc tế và chủ quyền bất khả xâm phạm của các quốc gia thì “họ không có ai khác ngoài tự trách mình khi chủ quyền của họ bị đe doạ.”

Tương tự với ý kiến này, TS Hợp cũng cho rằng Việt Nam nên có thái độ rõ ràng với Nga để qua đó cho thấy thái độ của họ với Bắc Kinh, bởi theo vị tiến sỹ của viện nghiên cứu có trụ sở ở Singapore, khủng hoảng ở Ukraine sẽ cho Trung Quốc cơ hội “doạ nạt” các nước Đông Nam Á và cả Bắc Á, tạo ra rủi ro an ninh cao hơn cho khu vực.

Việt Nam hiện đang tìm cách đa dạng hoá nguồn cung vũ khí để giảm phụ thuộc vào Nga, như mua tên lửa của Israel và nhiều khả năng sắp tới là của Ấn Độ trong khi đã đạt được thoả thuận chuyển giao thiết bị công nghệ quốc phòng của Nhật Bản. Việt Nam cũng có giao thương với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác nhiều hơn với Nga. Đó là lý do vì sao GS Abuza cho rằng Việt Nam có thể “đứng lên vì các nguyên tắc cơ bản cho trật tự quốc tế” bởi nếu không, theo ông, nó sẽ làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương. Còn theo TS Hợp, Nga không phải là một nước cộng sản nữa và quan hệ giữa Việt Nam và Nga không còn dựa trên ý thức hệ để ngăn cản Việt Nam đưa ra quan điểm rõ ràng với Nga về vụ tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

    Nga đánh Ukraine: Việt Nam có đứng lên trước ‘tiền lệ nguy hiểm’ về xâm phạm lãnh thổ? (voatiengviet.com)


    Việt Nam kêu gọi kiềm chế ở Ukraine, còn báo Đảng bênh Nga

    Xe bọc thép của quân đội Nga trên đường phố thị trấn Armyansk, Crimea, hôm 24/2, sau khi Tổng thống Putin ra lệnh mở chiến dịch quân sự ở Ukraine

    Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi các bên xung đột ở Ukraine kiềm chế trong lúc một tờ báo Đảng hàng đầu đổ lỗi cho phương Tây và biện hộ cho hành động Nga tấn công Ukraine là ‘không thể không làm sau khi bị NATO khước từ mọi yêu sách’.

    Giao tranh đã nổ ra ở Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 ra lệnh tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với mục đích ‘bảo vệ người dân trước các tội ác của chính quyền Ukraine’ và ‘phi quân sự hóa nước này’.

    Hành động này của Nga đã bị Mỹ và các nước đồng minh phương Tây gọi là ‘xâm lược’ và lên án mạnh mẽ. Riêng Trung Quốc không hề chỉ trích Nga và cũng không gọi hành động của Nga là ‘xâm lược’.

    Về phần mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nước này đang ‘quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine’.

    “Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới,” bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, nói hôm 23/2 trước khi Nga bắt đầu thực hiện “chiến dịch quân sự” tại miền Đông Ukraine.

    Bà Hằng cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng ‘đã thường xuyên liên lạc để nắm tình hình người Việt ở đây’ và ‘sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết’.

    Khác với các nước phương Tây đã khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Ukraine và sơ tán nhân viên ngoại giao, Hà Nội cho đến nay vẫn cho rằng chưa cần thiết sơ tán công dân của mình ra khỏi Ukraine.

    Theo thông tin bà Hằng nói với báo chí thì hiện nay ở hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk có ‘khoảng 100 kiều dân Việt Nam sinh sống’ và ‘tình hình tương đối ổn định. Theo một số người Việt sống ở miền đông Ukraine nói với VOA thì cuộc sống của họ ‘vẫn diễn ra bình thường’.

    Ông Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ Việt Nam ở Ukraine, được trang mạng Zing dẫn lời bày tỏ tin tưởng rằng ‘sẽ không có chiến tranh lớn’ sau khi ông Putin công nhận độc lập hai nhà nước cộng hòa tự xưng Luhansk và Donetsk.

    ‘Lỗi ở NATO’

    Một ngày trước khi ông Putin đưa quân vào Ukraine, hôm 22/2, báo Quân đội Nhân dân, một trong những tờ báo ‘thành trì’ bảo vệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cho đăng một bài xã luận đổ lỗi cho phương Tây về tình hình hiện nay ở Ukraine.

    Dưới nhan đề ‘Khi cánh cửa đối thoại khép lại’, bài xã luận của tác giả Ngọc Hưng không hề nhắc đến chữ ‘xâm lược’ như cách gọi của phương Tây mà cho rằng Nga ‘đang bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống ở miền đông Ukraine’.

    “Nếu xem tổng thể quá trình dẫn tới hành động này của Nga sẽ thấy Moscow thực sự đã bị dồn vào thế không thể không hành động khi các đề nghị bảo đảm an ninh mà Moscow đưa ra bị Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phớt lờ, khép lại cánh cửa đối thoại,” bài xã luận viết.

    Theo đó, bài báo lập luận Moscow buộc phải hành động sau khi ‘không gian an ninh của mình ngày càng bị thu hẹp’ theo đà mở rộng của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đến áp sát biên giới Nga.

    Tác giả Ngọc Hưng cho rằng phía Nga đã nói rất rõ quan ngại của mình với NATO, thậm chí còn vạch ra lằn ranh đỏ về các đảm bảo an ninh mà họ muốn Mỹ và phương Tây đáp ứng, trong đó cấm vĩnh viễn không cho Kiev gia nhập NATO. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách này.

    Vì thái độ của Mỹ và NATO như vậy nên, bài xã luận viết, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Nga ‘toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo đảm an ninh của mình’.

    “Với bước đi mới của Nga, có thể hiểu Nga đã chủ động hành động để bảo đảm an ninh của chính mình khi cánh cửa đối thoại với Mỹ và NATO gần như đã khép lại sau nhiều nỗ lực của các bên,” bài xã luận viết.

    Bài báo khen ngợi Nga ‘giữ đúng cam kết, giữ danh dự khi không tấn công quân sự vào Ukraine cho dù đã triển khai quân đội tới Donbass với nhiệm vụ mà Moscow gọi là gìn giữ hòa bình bởi xung đột vũ trang đã diễn ra ở khu vực này những ngày gần đây’. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi bài báo này được đăng, Nga đã nổ súng vào Ukraine.

    Tác giả bài báo cũng cho rằng ông Putin đã chơi nước cờ cao tay khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai để qua đó, ‘đẩy Mỹ NATO và cả Ukraine vào thế bị động’. Bài báo này đánh giá phương Tây sẽ gặp khó khăn trong việc chọn giữa ‘đối thoại hay đối đầu với một cường quốc hạt nhân như Nga’.

    Việt Nam kêu gọi kiềm chế ở Ukraine, còn báo Đảng bênh Nga (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten