Căng thẳng Ukraine: Mỹ đưa thêm quân tới Ba Lan, Đức và Romania
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ điều thêm quân tới châu Âu trong tuần này trong bối cảnh quan ngại về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Lầu Năm Góc cho biết.
Khoảng 2.000 quân sẽ được gửi từ Fort Bragg, Bắc Carolina, đến Ba Lan và Đức, và 1.000 quân khác đã ở Đức sẽ đến Romania.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak thì trong số 2 nghìn quân nhân Hoa Kỳ gửi thêm tới Ba Lan và Đức, chừng 1.700 sẽ sang Ba Lan.
Các báo Ba Lan hôm 03/02 cho hay vị trí 'tiền tuyến' xa nhất về phía Đông, gần biên giới Belarus của quân đội Nato, gồm cả lính Mỹ, là Orzysz, thuộc tỉnh biên giới Podlaskie.
Các căn cứ thiết giáp, tên lửa trên đất Ba Lan có quân đội Mỹ đóng đa số nằm gần phía biên giới với Đức.
Riêng tại Đức, quân đội Mỹ hiện có trên 35 nghìn quân đồn trú.
Moscow phủ nhận kế hoạch xâm lược nhưng đã triển khai khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine và gọi việc điều quân của Mỹ là "phá hoại".
Căng thẳng diễn ra 8 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine và hậu thuẫn một cuộc nổi dậy đẫm máu ở khu vực Donbas, miền đông.
Moscow cáo buộc chính phủ Ukraine không thực hiện thỏa thuận Minsk - thỏa thuận quốc tế nhằm khôi phục hòa bình ở phía đông, nơi phiến quân do Nga hậu thuẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và ít nhất 14.000 người đã thiệt mạng kể từ năm 2014.
Quân đội Mỹ đang được điều động sẽ không tham chiến ở Ukraine nhưng sẽ đảm bảo khả năng phòng thủ của các đồng minh Mỹ.
Việc điều thêm quân này sẽ bổ trợ thêm cho 8.500 quân mà Lầu Năm Góc từng báo động rằng họ đã chuẩn bị và sẵn sàng đưa tới châu Âu nếu cần.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, John Kirby, nói với cánh nhà báo: "Điều quan trọng là chúng tôi phải gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới ông Putin và nói thẳng với thế giới rằng NATO quan trọng với Mỹ và quan trọng đối với các đồng minh của chúng tôi".
Nhưng khi trả lời những câu hỏi mang tính cáo buộc về kế hoạch xâm lược của ông Putin, ông nói: "Chúng tôi vẫn không tin ông ấy đã quyết định tiếp tục xâm lược Ukraine."
Ông cũng cho biết việc một đề xuất của Hoa Kỳ "bị rò rỉ cho một hãng tin châu Âu" là có thật. Ông dường như đang đề cập đến một bài viết trên tờ El País của Tây Ban Nha, với nội dung Mỹ đề nghị đàm phán với Nga về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và các biện pháp xây dựng lòng tin để đổi lấy việc giảm căng thẳng về Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko mô tả việc triển khai của Mỹ là một bước đi "phá hoại", làm gia tăng căng thẳng và giảm khả năng đạt được một giải pháp chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm thảo luận về Ukraine với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư.
Ông Johnson nói với ông Putin "tất cả các nền dân chủ châu Âu có quyền khao khát trở thành thành viên của NATO", một tuyên bố của văn phòng Thủ tướng cho biết. Tuy nhiên, Nga phản đối Ukraine gia nhập liên minh an ninh này.
Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố (bằng tiếng Nga) rằng Ông Putin đã chú ý đến "sự phá hoại ngầm dài hạn" thỏa thuận hòa bình Minsk của Ukraine và sự miễn cưỡng của Nato trong việc phản ứng một cách phù hợp với những quan ngại chính đáng của Nga "
Tổng thống Nga cáo buộc Mỹ đang cố lôi kéo đất nước của ông vào cuộc chiến ở Ukraine.
Ông cho rằng mục tiêu của Mỹ là lấy cớ đối đầu để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Thông điệp gửi tới Putin
Đây là những đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhưng họ không mong đợi sẽ giao chiến với lính Nga. Vì nếu họ là nhóm lính được triển khai ra chiến trận thì quy mô sẽ lớn hơn nhiều. Xét cho cùng, Moscow không được coi là mối đe dọa trực tiếp đến Ba Lan và Romania.
Vì vậy, giá trị lớn hơn của việc điều quân này mang tính biểu tượng: để trấn an các đồng minh Nato ở Đông Âu, những bên đang lo lắng rằng quân đội Nga tập kết xung quanh Ukraine có thể tràn qua biên giới của nước họ, và những bên đã yêu cầu quân tiếp viện. Và để gửi một thông điệp tới Vladimir Putin rằng Nato quan trọng đối với Hoa Kỳ. Vì vậy, bất kỳ động thái nào mà Putin thực hiện đối với các đồng minh Nato sẽ kích hoạt các cam kết Điều 5 để bảo vệ họ.
Joe Biden đang cố thể hiện rằng những quyết tâm này mà không làm giảm đi cơ hội đi đến một giải pháp ngoại giao. Ông không gửi đi quá nhiều quân, và đáng chú ý là không có quân đội nào được đưa đến các nước Baltic ngay cạnh vùng của Nga.
Nhưng những đợt triển khai này là dấu hiệu cụ thể nhất cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay còn vượt ra ngoài Ukraine, nó liên quan đến cơ sở hạ tầng an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh ở Châu Âu.
Kình địch giữa Nga và Mỹ, quốc gia vẫn sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có từ thời Chiến tranh Lạnh (1947-89). Ukraine khi đó là một phần quan trọng của Liên Xô cộng sản, chỉ đứng sau Nga.
Ông Putin nói rằng Mỹ đã lờ đi những lo ngại của Moscow khi hồi đáp các yêu cầu của Nga về những đảm bảo an ninh có tính ràng buộc về mặt pháp lý, bao gồm cả việc ngăn cản NATO bành trướng hơn nữa về phía đông.
Romania, quốc gia đang có một số binh sĩ mới được triển khai của Mỹ, là nơi có trạm phòng thủ tên lửa đất đối đất Aegis do Mỹ xây dựng, được Nga coi là mối đe dọa an ninh kể từ khi nơi này được mở vào năm 2016.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten