Tiến sĩ Tedros: Từ "tiêu chảy nước" ở Ethiopia đến Covid-19 tại Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) Tedros Adhanom Ghebreyesus bị công kích "bán mình cho Trung Quốc". Chỉ trích như vậy có quá đáng hay không? Quá khứ thời làm bộ trưởng Y Tế và Ngoại trưởng Ethiopia để lại nhiều dấu tích đáng phải suy ngẫm. Không phải ngẫu nhiên mà "tiến sĩ Tedros" bị rơi vào tâm bão phản kháng kêu gọi từ chức.
"Trong Tổ Chức Y Tế Thế Giới, không có điều gì là bí mật khi nói đến sinh mạng con người". Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định như trên trong cuộc họp báo ngày 20/04/2020 tại Genève.
Vị tổng giám đốc da màu, tóc hoa râm, đeo kính trắng gọng đen, từ ngày đó đã trở thành nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Nguyên bộ trưởng Y Tế, Ngoại trưởng Ethiopia, bị tổng thống Mỹ Donald Trump và công luận Tây phương cũng như nhiều nơi tại Châu Á - Thái Bình Dương lên án là vừa thiếu khả năng, vừa thiên vị Trung Quốc, không làm tròn bổn phận quản lý dịch bệnh Corona chủng mới, trì hoãn tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế.
Trong bài phân tích "Tại OMS, Tiến sĩ Tedros và Ông gây tranh cãi", nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ cố gắng tìm hiểu vì sao, một tổ chức quốc tế như WHO/OMS, (được 77% dân Mỹ tin tưởng), theo một kết quả thăm dò, lại có thể chậm trễ trong nhiệm vụ của mình. Thay vì hướng dẫn các nước thành viên chống dịch, ban lãnh đạo OMS tập trung ca tụng Trung Quốc và làm mọi cách giảm nhẹ quy mô dịch bệnh, kể cả theo ý Trung Quốc đặt tên Covid-19 để xóa gốc siêu vi phát xuất.
Theo Le Temps, trước cổng trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève và trên mạng xã hội, những kỷ niệm không mấy vinh dự Hashtag #NOTedros4WHO tái xuất hiện. Cách nay ba năm, trước khi được đắc cử tổng giám đốc OMS, vào tháng 05/2017, tiến sĩ Tedros gặp một làn sóng chống đối. Chính những người Ethiopia tổ chức biểu tình truớc cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Genève. Khi đó, ông Tedros bị tố cáo có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Ethiopia, cốt lõi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Tigray, một trong bốn liên minh cầm quyền với bàn tay sắt liên tục từ năm 1991.
Trong thời gian 2005-2012, tiến sĩ Tedros là bộ trưởng Y tế. Năm năm trước đó, ông được học hàm tiến sĩ qua luận án y tế cộng đồng trình tại Luân Đôn về miễn dịch học và bệnh nhiễm trùng. Được bổ nhiệm vào chức vụ với bằng cấp tương xứng là chuyện bình thường. Befeqadu Harlu, một nhà hoạt động đối lập nhìn nhận là nghe nhiều người nói "Tedros làm việc tốt". Trong thời gian tiến sĩ Tedros làm bộ trưởng Y Tế Ethiopia thì Befeqadu Harlu ngồi tù 560 ngày. Nhà đối lập cho rằng : Khó mà biết ông ta được bổ nhiệm làm bộ trưởng vì năng lực hay vì ông ta là đảng viên (Cộng Sản).
Trong lý lịch, tổng giám đốc OMS ghi là trong 7 năm nắm bộ Y Tế, ông đã thành lập 3.500 trung tâm y tế, 16.000 bệnh xá, giảm đến 2/3 tỉ lệ tử vong ở trẻ em và 90% trường hợp lây nhiễm SIDA/AIDS. Số nhân viên y tế cũng tăng gấp 7 lần. Một kết quả ngoạn mục !
Mảng tối: Bệnh tiêu chảy nước
Vấn đề là tại một nước nghèo đông dân hạng nhì châu Phi, chỉ đứng sau Nigeria, Ethiopia lại mập mờ trong chính sách chống một bệnh truyền nhiễm thường tái diễn tại xứ nghèo. Không phải một lần mà đến ba lần dưới thời Tedros. Nhân chứng là nhà báo Đức Ludger Schadomsky, phụ trách đài phát thanh quốc tế Đức Deutsche Welle, ông kể lại : Cho dù có bằng chứng lâm sàng xác định là bệnh dịch tả nhưng chính quyền y tế Ethiopia, trong các cuộc phỏng vấn, luôn khẳng định là bệnh tiêu chảy nước. Thủ thuật đặt tên nghe khá quen quen !
Liên hệ Tedros-Bắc Kinh ?
Những người đối lập cũng lên án tiến sĩ Tedros về mối quan hệ ưu đãi với Bắc Kinh khi làm Ngoại trưởng từ năm 2012 đến 2016. Đó là lý do giải thích vì sao Tổ Chức Y Tế Thế Giới có lập trường thiên vị Trung Quốc trong vụ khủng hoảng đại dịch Corona chủng mới. (Theo yêu cầu của Bắc Kinh, dịch viêm phổi thứ hai dù phát xuất từ Trung Quốc, 7 năm sau đợt dịch viêm phổi cấp tính cũng từ Trung Quốc vào năm 2003, được gọi là Covid-19 thay vì SARS-CoV-2. Đài Loan cùng với 23 triệu dân cũng là nạn nhân của áp lực chính trị của Trung Quốc không cho OMS cung cấp thông tin).
Dưới thời Ngoại trưởng Tedros, Trung Quốc đã là một đối tác tầm cỡ của Ethiopia. Bắc Kinh đài thọ chi phí cho toàn bộ trụ sở tổ chức Liên Hiệp Châu Phi tại Addis-Abeba, xây đường xe lửa 2,5 tỷ đô la từ Addis-Abeba đến xứ láng giềng Djibouti, giúp Trung Quốc xâm nhập vào châu Phi từ Hồng Hải, với dự án "một vành đai, một con đường".
Đối đầu với làn sóng chống đối, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng được nhiều lãnh đạo châu Phi và châu Âu lên tiếng ủng hộ. Nhưng kiến nghị trên mạng chỉ thu được 126.000 chữ ký (ngày 23/04), quá ít so với kiến nghị của 985.000 người muốn ông từ chức. Trong số các nhân vật của Ethiopia ủng hộ tiến sĩ Tedros, bộ trưởng Y tế Lia Tadesse khẳng định với báo chí : "Tôi có thể xác nhận là Tedros là một người có lương tâm, tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo, làm việc cật lực..."
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị tấn công từ mọi phía. Trong hai năm 2014-2015, khi xảy ra dịch Ebolah ở Tây Phi, tổng giám đốc Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan) người Hồng Kông, đã chờ đến 5 tháng mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế trên khắp thế giới. Từ khi tiến sĩ Tedros lên thay, OMS được cải tố sâu rộng, thành lập thêm cơ cấu Chương trình khẩn cấp y tế do bác sĩ Michael Ryan lãnh đạo. OMS cũng tăng cường một lãnh đạo nghiên cứu khoa học, vác-xin : nữ bác sĩ Ấn Độ Soumya Swaminathan.
Năm 2017, khi vận động phiếu, tiến sĩ Tedros cam kết : Ưu tư số một của tôi là xây dựng Tổ Chức Y Tế Thế Giới thành một tổ chức có hiệu năng và minh bạch và độc lập. Làm sáng tỏ cội nguồn đại dịch Covid-19 là cơ hội để tiến sĩ Tedros phục hồi uy tín và danh dự. Công việc này không dễ vì mấy ai dám đương cự Trung Quốc, trừ các nhà dân chủ. Mặc khác, như Befeqadu Harlu, nhà đối lập trải qua 560 ngày tù, kết luận bi quan : "Với quá khứ hợp tác với chế độ bạo ngược và che giấu dịch tả, Tedros không phải là người đáng tin cậy".
www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200511-tiến-sĩ-tedros-từ-tiêu-chảy-nước-ở-ethiopia-đến-covid-19-tại-tổ-chức-y-tế-thế-giới
Covid-19: WHO mất uy tín lâu dài vì “theo đuôi” Trung Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc cho đến ngày nay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS không hề lên tiếng chỉ trích bất kỳ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp Les Echos ngày 08/04/2020, sự thiếu vắng phản ứng nói trên của WHO giải thích phần lớn sự chậm trễ trong việc xử lý đại dịch Covid-19.
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông François Godement, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Viện Montaigne (Pháp) cho rằng thái độ phục tùng Bắc Kinh của lãnh đạo WHO đã làm cho hình ảnh của định chế này sứt mẻ lâu dài.
Tổng thống Mỹ (ngày 07/04/2020) đã chỉ trích WHO về cách xử lý kém cỏi hồ sơ virus corona. Những chỉ trích này có cơ sở hay không?
François Godement: Từ nhiều tuần lễ nay, cách xử lý của WHO quả là đã bị chỉ trích nhiều lời chỉ trích, chứ không đợi đến lượt ông Donald Trump.
Ngày nay, khi người ta nhìn lại diễn tiến tình hình từ tháng 11/2019, nhiều điểm then chốt đã cho thấy rõ là WHO đã phản ứng chậm trễ ở chỗ nào.
Đài Loan đã hoài công cảnh báo WHO vào cuối tháng 12 về một dạng mới của virus corona xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều ngày trước khi chính quyền Bắc Kinh gợi lên chuyện này.
Thế nhưng WHO vẫn không hề có phản ứng, mà phải đợi đến ngày 12/02/2020 mới cử một phái bộ đến xem xét tại chỗ. Trong lúc đó thì ngay ngày 24/01, vị tổng giám đốc đã công nhận, sau Trung Quốc, là virus corona có thể lây từ người sang người. Tất cả những điều này đã làm chậm trễ việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Và cuối cùng thì WHO phải đợi đến ngày 11/03 mới tuyên bố việc virus lây lan là đại dịch toàn cầu. Có lẽ đây là điểm WHO có thể ít bị chỉ trích, vì theo nguyên tắc của mình, định chế này chỉ có thể thông báo một sự kiện khi sự kiện đó thật sự xẩy ra: trước đó thì WHO đã gợi lên nguy cơ cao về đại dịch.
WHO như vậy đã bị mất tư cách?
François Godemen: Phải nhớ là về mặt kỹ thuật, WHO là một cỗ máy hùng mạnh, với một chính sách phòng ngừa và hoạt động trên hiện trường nhờ việc phân cấp quyền hành cho các văn phòng khu vực.
Nhưng về mặt chính trị, và người ta đã thấy rõ điều này với dịch Covid-19, hình ảnh của tổ chức ngày nay đã bị sứt mẻ lâu dài.
WHO chủ yếu bị phê phán về những lập luận quá thiên về Trung Quốc. Vì sao có tình trạng đó?
François Godemen: Đúng vậy. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã và cũng đang không phản bác bất kỳ phát biểu chính thức nào của Trung Quốc. Ngay cả khi có những lời chứng bác bỏ các tuyên bố đó. WHO không hề có thông báo gì về nguồn gốc thật sự của dịch bệnh, tất cả đều chỉ tập trung trên việc xử lý khủng hoảng.
Tình trạng đó cũng có thể xuất phát từ việc Trung Quốc đã không hoàn toàn mở cửa cho chuyên gia của WHO vào xem xét.
Về phần mình thì tổ chức có trụ sở ở Genève này luôn luôn tránh công khai chỉ trích những quốc gia thành viên mà họ tùy thuộc. Đối bác sĩ Tedros, được bầu lên nhờ Trung Quốc vào năm 2017, việc không chỉ trích Bắc Kinh cho phép ông hy vọng được Trung Quốc hợp tác trên nhiều hồ sơ khác.
Vấn đề Đài Loan, mà Trung Quốc đã làm cho bị loại ra khỏi WHO, phải chăng đó là thêm một bằng chứng cho thấy vấn đề cũng mang tính chất chính trị?
François Godemen: Một phần lớn mối quan tâm của Trung Quốc đối với các định chế của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ động cơ muốn cản đường Đài Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh của họ.
Gần đây thì Bắc Kinh đã thành công trong việc cấm những người mang hộ chiếu Đài Loan vào các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và Genève. Điều này đủ để cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể đi đến đâu. Đó chính là chính sách ngoại giao tẩy chay mà Bắc Kinh thực hiện trong một chiến dịch trường kỳ.
(Nguồn: Les Echos)
www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200409-covid-19-who-mất-uy-tín-lâu-dài-vì-theo-đuôi-trung-quốc
Virus corona: Trung Quốc và tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm trên toàn thế giới, gần 15.000 người chết. The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về đại dịch này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rốt cuộc cũng đã phải gọi nạn dịch virus corona chủng mới từ Vũ Hán, Trung Quốc nhanh chóng lan tràn trên toàn thế giới là « đại dịch ».
Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có gần 15.000 người chết. Câu hỏi đặt ra là tại sao WHO lại mất nhiều thời gian đến thế để hiểu được vấn đề mà nhiều viên chức ngành y tế và trong các chính phủ đã nhận ra từ rất lâu trước đó?
Hai tác giả Bradley A. Thayer, giáo sư đại học Texas-San Antonio và Hàn Liên Triều (Lianchao Han), phó chủ tịch tổ chức Lực lượng Công dân, trên tờ The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về cách xử lý tệ hại trong đại dịch làm cho người chết như rạ này.
Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.
Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.
Khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một bước quan trọng để ngăn chận con virus Vũ Hán vượt qua biên giới Hoa Kỳ, với việc cấm du hành vào ngày 31 tháng Giêng, Tedros nói rằng cấm đoán đi du lịch các nơi và những hạn chế khác là không cần thiết cho việc chấm dứt nạn dịch. Rằng điều này có thể « làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, mà không có mấy lợi ích cho sức khỏe cộng đồng ». Ông ta cảnh báo, sự can thiệp vào vận chuyển và thương mại có thể gây hại cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng, và khuyên các nước khác không nên theo gương Hoa Kỳ.
Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc.
Chẳng hạn, từ khi phát hiện ra ca đầu tiên vào tháng 11 cho đến khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, và ngay cả đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn gian trá về nguồn gốc và sự lây lan của con virus. Những ai cố gắng tìm hiểu sự thật đều bị bắt hoặc mất tích, những báo cáo và bài viết của họ trên mạng bị xóa sạch. Trung Quốc thông tin không đầy đủ và dối gạt thế giới, còn Tedros cũng tham gia nỗ lực này qua việc công khai ca ngợi « sự minh bạch » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống nạn dịch lây lan.
Khi Tập Cận Bình ra lệnh cho các quan chức y tế Trung Quốc gia tăng phát triển thuốc bằng cách sử dụng « đông y cổ truyền trên cơ sở thảo dược Trung Quốc phối hợp với tây y », tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới mang tên « Hỏi đáp về virus corona (Covid-19) » đã có sự thay đổi khéo léo.
Cư dân mạng Trung Quốc nhận ra có sự khác biệt giữa bản tiếng Hoa và bản tiếng Anh về danh sách những biện pháp không hiệu quả để chống con virus Vũ Hán. Phiên bản Anh ngữ liệt kê bốn loại hành vi : hút thuốc, mang nhiều lớp khẩu trang, dùng thuốc kháng sinh và thảo dược truyền thống. Nhưng trong bản tiếng Hoa không nêu ra việc sử dụng đông dược!
Gần đây Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chi 20 triệu đô la để giúp Tổ chức Y tế Thế giới chống lại dịch virus corona, và ông Tedros đã cảm ơn Tập Cận Bình. Nhưng hai tác giả bài viết ghi nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và quê hương của ông Tedros là Ethiopia. Đất nước này nay được mệnh danh là « Tiểu Trung Quốc » của Đông Phi, vì đã trở thành đầu tàu lan tỏa ảnh hưởng Trung Quốc, và là mũi nhọn của Sáng kiến Vành đai & Con đường tại châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Ethiopia.
Tedros được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, mặc dù ông xuất thân từ ngành sinh học chứ không phải là bác sĩ, không hề có kinh nghiệm quản lý y tế toàn cầu. Nguyên là bộ trưởng y tế và ngoại trưởng Ethiopia, Tedros là thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Đảng chính trị này lên nắm quyền sau những biến động năm 1991 và bị cho vào cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu.
Sau khi trở thành người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros bị chỉ trích vì các nỗ lực để bổ nhiệm nhà độc tài Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO, bất chấp những vi phạm nhân quyền của tổng thống Zimbabwe và sự xuống dốc của hệ thống y tế nước này (bản thân ông Mugabe cũng phải sang Singapore chữa bệnh).
The Hill kết luận, đại dịch virus Vũ Hán đã chứng tỏ ông Tedros không phù hợp với chức vụ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi vì dưới sự lãnh đạo của ông, thế giới có thể đã mất đi cơ hội chặn đứng nạn dịch hoặc giảm bớt sự hoành hành của nó.
Giờ đây con số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên trên khắp thế giới và chẳng biết đến bao giờ mới dừng lại, nhiều quốc gia đã phải tự phong tỏa, nhiều người vô tội đã mất mạng vì thảm họa virus Vũ Hán. Với tư cách tổng giám đốc WHO, ông Tedros phải chịu trách nhiệm về sự quản lý tồi tệ của mình.
Về phía Trung Quốc thì ra sức tung hỏa mù để « viết lại lịch sử » về đại dịch virus Vũ Hán. Sau khi lan truyền giả thiết con virus này đến từ…Mỹ hay từ Nhật Bản, đến lượt nước Ý đang tang tóc bị tờ báo hung hăng nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc là Global Times đổ tội. Hôm 22/03/2020 tờ này viết: « Tại Ý có thể đã xuất hiện chứng viêm phổi không thể giải thích được vào đầu tháng 11 và 12/2019, rất đáng nghi là triệu chứng của Covid-19 ».
Chuyên gia Valérie Niquet bình luận trên Twitter: « Ý đã mở đường bay trực tiếp tới Vũ Hán, và cho phép công dân Trung Quốc đến Ý sinh sống và làm việc trong các nhà xưởng. Hiện nay có hơn 300.000 người Trung Quốc sống tại Ý, theo Fortune Magazine, và hơn 90% trong số đó làm trong ngành may mặc. Đó là lý do khiến tình hình miền bắc Ý trở nên tồi tệ nhất.
Và nay thì Trung Quốc bắt đầu đổ cho Ý là nơi có ca đầu tiên từ tháng 11. Vâng, có lẽ thế, trường hợp đầu tiên có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua việc làm ăn và thăm thân nhân giữa cộng đồng người Hoa đông đảo này với quê quán của họ ở Trung Quốc ».
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200323-virus-corona-trung-quốc-và-tổng-giám-đốc-who-phải-chịu-trách-nhiệm-về-đại-dịch
Geen opmerkingen:
Een reactie posten