dinsdag 12 mei 2020

Covid-19: Paris lập cầu không vận đưa khẩu trang từ Việt Nam + Trung Quốc sang Pháp + Pháp sốt khẩu trang, nhiều siêu thị bị cháy hàng

Covid-19: Paris lập cầu không vận đưa khẩu trang từ Việt Nam sang Pháp


Khẩu trang được gia công tại một nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 06/02/2020.
Khẩu trang được gia công tại một nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 06/02/2020. AFP - NHAC NGUYEN
Kể từ hôm nay 11/05/2020, nước Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn hậu phong tỏa, việc đeo khẩu trang được khuyến khích khi người dân ra đường và bắt buộc khi dùng các phương tiện chuyên chở công cộng. Sau cầu không vận với Trung Quốc, Paris đã thiết lập cầu không vận trực tiếp với Việt Nam để đưa khẩu trang loại “đại chúng” về cung cấp cho người dân Pháp.
Theo kênh truyền thông RTL ngày 07/05 vừa qua, cầu không vận Việt Nam-Pháp đã được khẩn cấp thiết lập, với mục tiêu chuyển hàng trăm triệu khẩu trang về Pháp từ nay đến cuối tháng Năm.
Trái với trường hợp Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, lần này đơn đặt hàng của chính quyền Pháp đối với Việt Nam liên quan đến loại khẩu trang “đại chúng”, tức là khẩu trang bằng vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng. Các mặt hàng này sẽ được cung cấp cho các trường học, các đơn vị cảnh sát và các cơ quan công vụ, cũng như cho các hiệu thuốc để bán cho dân chúng.
Theo kế hoạch, trong tháng Năm, có khoảng 50 chuyến bay vận tải từ Việt Nam ​​qua Pháp hạ cánh tại sân bay Roissy-Charles de Gaulle, theo nhịp độ khoảng hai chuyến mỗi ngày. Phụ trách cầu không vận này là tập đoàn vận tải-hậu cần Pháp Bolloré Logistics, đã có sẵn chi nhánh tại Việt Nam.
Nhật báo Pháp Libération ngày 03/05 ghi nhận là khẩu trang nhập từ Việt Nam đã bắt đầu được chuyển đến Pháp từ cuối tháng Tư với máy bay của hãng Qatar Airways. Hàng ngàn kiện khẩu trang đã được đưa vào kho của hãng hàng không Ả Rập này trước khi được phân phối cho khách hàng.
Cầu không vận Việt Nam-Pháp là cầu không vận thứ hai mà Pháp thành lập với châu Á để nhập khẩu trang và vật tư y tế. Trước Việt Nam, một cầu không vận đầu tiên đã được Paris lập ra với Trung Quốc từ ngày 16/03 để nhập khẩu chủ yếu là khẩu trang y tế FFP2, khẩu trang phẫu thuật và trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế như găng tay, áo choàng
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200511-covid-19-paris-lập-cầu-không-vận-đưa-khẩu-trang-từ-việt-nam-sang-pháp 

Virus corona: Pháp lập cầu không vận, mua hàng trăm triệu khẩu trang Trung Quốc


Trước đại dịch virus corona, các bác sĩ, y tá Pháp cần 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, nhưng năng lực sản xuất chỉ có 8 triệu/tuần.
Trước đại dịch virus corona, các bác sĩ, y tá Pháp cần 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, nhưng năng lực sản xuất chỉ có 8 triệu/tuần. © REUTERS/Gonzalo Fuentes
Bắc Kinh đã ngỏ lời cảm ơn Pháp do trong hội nghị truyền hình của nhóm G7 Paris đã phản đối đề nghị của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nên dùng từ « virus Vũ Hán ». Trung Quốc đáp ứng đơn đặt hàng khẩu trang khổng lồ của Pháp, và cầu không vận bắt đầu hoạt động từ ngày 29/03/2020.
Cuối giờ chiều Chủ nhật 29/03/2020, chiếc phi cơ vận tải của Air France chở theo 100 tấn thiết bị y tế, trong đó có 5,5 triệu khẩu trang từ Thượng Hải đã hạ cánh xuống phi trường Roissy, ngoại ô Paris. Trước đó một hôm, chính phủ Pháp loan báo lập cầu không vận với Trung Quốc để đưa gấp mặt hàng mà các nhân viên y tế đang rất cần để có thể tự vệ trước đại dịch virus corona.
Theo bộ trưởng y tế Olivier Véran, Pháp đã đặt mua « hơn 1 tỉ khẩu trang » trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu từ Trung Quốc. Trước đó hai ngày, tờ Le Monde đưa ra con số khẩu trang mua của Trung Quốc là 600 triệu. Đối mặt với làn sóng bệnh nhân Covid-19 hiện nay, ngành y tế Pháp cần 40 triệu khẩu trang/tuần, nhưng Pháp chỉ có thể sản xuất 8 triệu chiếc/tuần.
Đối mặt với đại dịch, Paris mới nhận ra những khiếm khuyết về nguồn cung thiết bị y tế. Libération nêu ra vài ví dụ : hãng Air Liquide sản xuất bình oxy ở Auvergne, nhưng bị Anh mua lại và chuyển dịch sang Ba Lan. Một công ty ở Bretagne sản xuất khẩu trang nhưng không có đủ hợp đồng, đã đóng cửa năm 2018…
Từ gần hai tháng qua, các nhà máy khẩu trang ở Trung Quốc đã lần lượt mở cửa lại, và tăng tốc sản xuất. Ngày 29/2, Bắc Kinh cho biết có thể sản xuất mỗi ngày 110 triệu khẩu trang, gấp 12 lần so với trước. Ngoài 4.000 công ty trong lãnh vực này, còn được bổ sung thêm hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu trong ngành dệt may. Những tên tuổi lớn trong ngành xe hơi và điện tử cũng tham gia. Có thể kể Foxconn, nhà thầu của hãng Apple (sản lượng 2 triệu khẩu trang/ngày), và BYD chuyên về xe điện (5 triệu/ngày).
Cầu không vận hoạt động ra sao ?
Công ty Geodis phụ trách việc vận chuyển, Cơ quan Y tế công (SPF) nhận số khẩu trang được giao, còn đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh cố gắng kiểm tra chất lượng hàng, theo khả năng của mình.
Khó khăn đầu tiên là tìm được phi cơ vận tải trong lúc này. Một công ty Nga là Volga Dnepr đồng ý cho thuê hai chiếc Antonov-124, loại máy bay chở hàng lớn nhất thế giới. Kế tiếp là giấy phép hạ cánh tại Trung Quốc, được ký sau 4 ngày thay vì 7.
Sau chuyến hàng đầu tiên hôm Chủ nhật, thứ Hai 30/3 một phi cơ vận tải khác hạ cánh xuống sân bay Paris-Vatry (Marne) có khu vực dành riêng cho hàng hóa. Tiếp theo mỗi ngày sẽ có ít nhất một chuyến bằng máy bay Antonov-124, chở khoảng 100 tấn hàng với số lượng thiết bị y tế khác nhau, nhưng ít nhất khoảng 12 triệu khẩu trang mỗi chuyến. Những phi cơ vận tải này sẽ quay vòng trong nhiều tháng, tùy theo khả năng cung ứng của phía Trung Quốc.
Geodis đã thành lập đội đặc nhiệm gồm khoảng 20 người, gồm một số tại Paris, số còn lại ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Công ty còn phải liên lạc thường xuyên với 4 nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc để cập nhật số lượng hàng, nhằm tính toán phương tiện trung chuyển. Dùng container là nhanh nhất, nhưng lại lãng phí 30 đến 40% khối lượng hàng chở được, còn chất lên các palette phải mất thêm 6 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi, hàng sẽ được chuyển xuống dưới sự giám sát của cảnh sát.
Vấn đề hàng giả, hàng dỏm
Tuy vậy theo Le Figaro, một số nguyên liệu như dây thun đang khó tìm, và một số chuyến hàng có thể bị chậm trễ. Chưa kể vấn nạn hàng giả, hàng dỏm nhận ra trong những tuần lễ gần đây do thị trường đang rất nóng.
Tại Tây Ban Nha, 340.000 bộ xét nghiệm nhanh mua của công ty Trung Quốc Easy Biotechnology ở Thâm Quyến không sử dụng được vì độ nhạy chỉ có 30% so với yêu cầu là 80%. Sau khi 8.000 lần xét nghiệm cho ra kết quả không thuyết phục, Madrid đã gởi trả 58.000 bộ đầu tiên về nơi sản xuất. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha thú nhận, công ty này được phép bán sản phẩm nhưng lại chưa được chứng nhận chất lượng.
Còn ở Hà Lan, AFP cho biết chính quyền đã nhập khẩu từ Trung Quốc 1,3 triệu khẩu trang loại FFP2 và phân phối cho các bệnh viện. Đây là loại khẩu trang chận được những giọt bắn rất nhỏ, giúp bảo vệ các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên nhiều bác sĩ y tá nhanh chóng báo động cho bộ Y Tế vì nhiều khẩu trang Trung Quốc là hàng dỏm, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Những khẩu trang này không ôm sát khuôn mặt, và màng lọc của chúng không tốt - theo kênh truyền hình công NOS.
Kết quả là Hà Lan đã phải gởi trả về Trung Quốc 600.000 khẩu trang, tức phân nửa lượng hàng đặt. Phát ngôn viên của bệnh viện Catharina d’Eindhoven nhận xét : « Có những kẻ lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để thủ lợi, bán hàng xấu với giá cao ». Một thử nghiệm thứ hai cho thấy các khẩu trang không đạt chất lượng, bộ Y Tế Hà Lan quyết định không cho sử dụng toàn bộ số hàng còn lại.
Châu Âu viện trợ âm thầm, Bắc Kinh bán hàng nhưng khoe cứu trợ thế giới
Điện Elysée nhấn mạnh sự « có qua có lại » với Trung Quốc, bác bỏ mọi tuyên truyền là Bắc Kinh « cứu vớt » châu Âu. Paris nhắc lại vào cuối tháng Giêng, chính quyền Trung Quốc đã xin Ủy Ban Châu Âu giúp đỡ, và châu Âu đã gởi tặng 56 tấn thiết bị y tế, chủ yếu là các bộ đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và hóa chất khử trùng. Tuy nhiên châu Âu làm việc này một cách lặng lẽ để không làm mất mặt Bắc Kinh.
Ngược lại, khi vừa phục hồi Trung Quốc lại khua chuông gióng trống, để làm quên đi những sai lầm nghiêm trọng, những dối trá trong hai tháng đầu của cuộc khủng hoảng Vũ Hán. Những ngày gần đây, các chuyến hàng khẩu trang, găng, máy thở gởi sang Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Serbia và Pháp, được kèm theo chiến dịch tuyên truyền quy mô, tạo ấn tượng Trung Quốc đang đi « cứu » thế giới.
Một nguồn tin ở Elysée nói với Le Monde, trong đại dịch này thế mạnh địa chính trị đã chuyển sang phía Trung Quốc và một phần về phía Nga. Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh, tự cho là đã vượt qua khủng hoảng, đánh bại con virus và nay giúp đỡ toàn thế giới, với mục tiêu ngắn hạn là châu Âu. Trước mắt cần chấp nhận thực trạng là Pháp cần những khẩu trang này, nhưng về lâu về dài cần xem lại về sự lệ thuộc kinh tế.
Cũng theo Le Monde, gần đây đã có những cuộc điện đàm giữa tổng thống Emmanuel Macron với chủ tịch Tập Cận Bình, giữa hai ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Vương Nghị. Tờ báo tiết lộ thêm, Bắc Kinh qua đó đã cảm ơn Pháp - trong hội nghị truyền hình của nhóm G7 Paris đã phản đối đề nghị của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nên dùng từ « virus Vũ Hán ». Theo ông Pompeo, không nhìn nhận trách nhiệm trực tiếp của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thảm họa này là một dạng đồng lõa thụ động. Cuộc thảo luận diễn ra hết sức gay gắt !
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, rõ ràng « ngoại giao khẩu trang » của Trung Quốc đang phát huy thế mạnh.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200330-virus-corona-pháp-lập-cầu-không-vận-mua-hàng-trăm-triệu-khẩu-trang-trung-quốc

Pháp sốt khẩu trang, nhiều siêu thị bị cháy hàng

Khẩu trang bắt đầu được bán trong các siêu thị Pháp, như tại một cửa hàng Carrefour tại Cannes (Pháp) ngày  04/05/2020.
Khẩu trang bắt đầu được bán trong các siêu thị Pháp, như tại một cửa hàng Carrefour tại Cannes (Pháp) ngày 04/05/2020. REUTERS - Eric Gaillard
Giống như giấy vệ sinh thời dịch bệnh mới bùng lên, khẩu trang đang biến thành một mặt hàng được người Pháp tích trữ vào lúc toàn quốc chuẩn bị bước vào thời “hậu phong tỏa”. Cơn sốt mua sắm lên cao đến nỗi mà chỉ một hôm sau khi được phép bán loại khẩu trang y tế dùng một lần - kể từ ngày 04/05/2020 - nhiều siêu thị đã không còn hàng để bán, trong lúc một số khác phải hạn chế số lượng được mua (quota).
Với lệnh trưng dụng đối với khẩu trang được nới lỏng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, kể từ thứ Hai 04/05 vừa qua, các đại siêu thị ở Pháp đã có thể bày bán các loại khẩu trang giải phẫu dùng một lần, hay các loại bằng vải có thể tái dụng.
Để chuẩn bị cho việc này, các dây chuyền siêu thị lớn tại Pháp như Carrefour, Casino, Leclerc, Lidl…, đã nhập về hàng triệu chiếc khẩu trang y tế, chủ yếu là từ Trung Quốc, để sẵn sàng bán ra cho khách hàng.
Ngay ngày đầu tiên nhiều nơi đã cháy hàng
Ngay ngày đầu tiên, các siêu thị Lidl, thuộc một dây chuyền Đức nhưng rất mạnh tại Pháp, đã hầu như bị cháy hàng, với 5 triệu chiếc khẩu trang được bán hết sau vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ.
Trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh Pháp, ông Michel Biero, giám đốc điều hành phụ trách thu mua và tiếp thị cho chi nhánh Lidl tại Pháp giải thích: “Năm triệu khẩu trang đóng gói trong loại hộp 50 chiếc, rốt cuộc chỉ tương đương với 100.000 hộp được tung ra thị trường, khi chia về các điểm bán (hơn 1500 trên toàn thể nước Pháp) thì mỗi cửa hàng chỉ có 70 hộp mà thôi!”.
Bên phía tập đoàn siêu thị Casino, khai thác các cửa hàng dưới nhiều tên gọi khác nhau, tình hình cũng tương tự. Một phát ngôn viên của tập đoàn đã xác nhận: “Khẩu trang ở các cửa hàng khác nhau đã bán rất chạy… Hàng dự trữ đều cạn ngay trong ngày đầu tiên”.
Dây chuyên siêu thị Système U, rất mạnh tại các địa phương Pháp, cũng tranh thủ cơ hội bán đi kho dự trữ dành cho nhân viên, để dọn chỗ lập lại dự trữ với các sản phẩm mới hơn. Theo ghi nhận của Ouest-France, một tờ báo lớn ở miền Tây nước Pháp, tại một siêu thị Super U trong vùng, 10.000 chiếc khẩu trang đã được bán đi trong nhấp nháy.
Lại xẩy ra tình trạng khan hiếm ?
Các siêu thị đều khẳng định là hàng chỉ thiếu “tạm thời” mà thôi. Từ Casino, Lidl, cho đến Leclerc, Carrefour, tất cả đều cam kết khẩu trang sẽ nhanh chóng có lại kể từ ngày 11/05, ngày đầu tiên của giai đoạn hậu phong tỏa.
Theo một phát ngôn viên dây chuyền siêu thị Leclerc thì “Không có gì là phải vội vàng, hàng sẽ có với khối lượng lớn và hoàn toàn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người” kể từ ngày 11/05 và kho dự trữ sẽ được bổ sung liên tục.
Ngay từ hôm 04/05, ông Jacques Creyssel, tổng đại diện Liên Đoàn Thương Mại và Phân Phối (FCD), đã kêu gọi người tiêu dùng đừng đổ xô đến các siêu thị để mua khẩu trang và nhắc nhở: “Xin đừng lặp lại vố mì ống!”.
Lời kêu gọi này gợi lại tình trạng dân Pháp vét sạch tất cả các loại mì sợi, mì ống, đồ khô và… giấy vệ sinh, vào lúc bắt đầu các biện pháp phong tỏa.
Áp dụng chế độ quota
Trước mắt, ở nhiều cửa hàng, chế độ quota đã được áp dụng, như ở các siêu thị Lidl, mỗi người chỉ được mua một hộp. Và để hạn chế tình trạng gom hàng, khẩu trang không bày bán tại các quày mà chỉ bán ra tại quầy thu ngân hay tiếp tân mà thôi.
Tại các siêu thị Carrefour chẳng hạn, khẩu trang không được đặt trên kệ, mà chỉ được bán ra khi khách hàng yêu cầu tại các quầy thu tiền, trong bao bì loại 5 hoặc 10 chiếc, và mỗi người không thể mua nhiều hơn là hai lô.
Hiện tượng tăng giá
Giá bán khẩu trang cũng gây tranh cãi. Chính phủ đã quy định giá trần là 95 xu cho mỗi chiếc khẩu trang phẫu thuật, nhưng mức này bị nhiều người cho là quá cao. Các siêu thị như Carrefour, Leclerc và Casino nhấn mạnh rằng tại các cửa hàng của họ, khẩu trang được bán với “giá thành”, nghĩa là thấp hơn mức trần 0,95 euro.
Tuy nhiên, tệ nạn bán giá “trời ơi” cũng đã được ghi nhận. Theo hãng tin Pháp AFP ngày 05/05, một đoạn video, được chia sẻ hơn 50.000 lần trong 24 tiếng đồng hồ trên mạng Facebook, cho thấy một người phát hiện nhãn giá 6 euro trên một lô 10 chiếc khẩu trang phẫu thuật,  được dán đè lên một nhãn giá 3 euro, và cả hai đều ghi ngày 04/05.
Khi bị chất vấn, ban giám đốc Leclerc đã xin lỗi về sự cố đó và giải thích rằng giá 3 euro ban đầu là một “sai sót” ban đầu nên đã được điều chỉnh ngay.
Giới y tế cáo buộc giới kinh doanh trục lợi
Tranh cãi về giá cả bùng lên sau một tranh cãi khác nổi lên vào tuần trước khi các dây chuyền siêu thị loan báo việc đã chuẩn bị sẵn hàng triệu chiếc khẩu trang y tế để bán ra kể từ ngày 04/05.
Các số liệu to lớn đó đã khiến giới y tế “nhảy dựng”, cho rằng giới kinh doanh đã cố tình giấu giếm kho hàng dự trữ của họ trong lúc các bác sĩ, y tá bị thiếu các phương tiện phòng thân.
Giới lãnh đạo các siêu thị dĩ nhiên đã bác bỏ những cáo buộc này, chẳng hạn như chủ tịch dây chuyền phân phối Sysstème U cho biết là họ chỉ bắt đầu đặt mua khẩu trang sau ngày 24/04, là ngày mà chính quyền cho phép bán lại mặt hàng này.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200506-pháp-lên-cơn-sốt-khẩu-trang-nhiều-siêu-thị-bị-cháy-hàng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten