vrijdag 1 mei 2020

Có đúng là hoà hợp, hoà giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh?

Có đúng là hoà hợp, hoà giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh?

Bộ đội Bắc Việt vào Dinh Độc Lập, Sài Gòn hôm 30 tháng 4 năm 1975.
Bộ đội Bắc Việt vào Dinh Độc Lập, Sài Gòn hôm 30 tháng 4 năm 1975.
AFP
Thực tế
Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc từng được đặt ra ngay sau hiệp định Paris năm 1973 với việc ra đời của Hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình.
45 năm sau sự kiện 30 tháng 4, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trò chuyện với truyền thông trong nước và ông cho rằng tiến trình hoà hợp dân tộc đã hoàn thành. Ông nói:
“Quan điểm của tôi là chúng ta đã thành công. Thành công nhờ chính sách khoan dung của đảng và Nhà nước. Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển của đất nước. Nó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho đất nước ta một sự phát triển mới mà không người dân Việt Nam nào cũng như bạn bè quốc tế không nhận thức được. Tôi cho là như vậy.”
Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế. - Ông Quang Hữu Minh
Nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh từ Sài Gòn nhận định:
“Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế.
Theo tôi thấy, chính sách thời hậu chiến của ĐCSVN về hòa hợp hòa giải dân tộc đến nay vẫn chưa thành công. Chính sách phải cụ thể từ tư duy đến hiện kim và hiện vật. Cuộc chiến này nếu bỏ từ “giải phóng” thì nó là nội chiến. Phía nào chiến thắng thì nên có trách nhiệm và sự nhân văn đối với phía bên kia.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ sự thất vọng khi nghe cuộc phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với VTVnews hôm 30 tháng 4 năm 2020. Theo ông, cách trả lời của ông Vịnh bộc lộ ra những điểm mà gọi ông là ‘ngụy biện, phản khoa học, chính trị hóa lịch sử’.
Nhà báo này cho rằng việc hòa hợp hòa giải dân tộc không thể thực hiện khi hội chứng để lại sau chiến tranh quá năng nề với những thương phế binh VNCH. Số này phải sống lây lất ngay tại Việt Nam cho tới ngày hôm nay. Ông phân tích thêm:
“Cái gọi là chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc của người cộng sản chỉ là một chiêu bài mị dân. Tôi cho rằng đến nay họ thất bại hoàn toàn. Mục tiêu của chiêu bài hòa giải hòa hợp dân tộc là để đưa ra một chiêu bài nữa, đó là đoàn kết.
Cái chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc đã có từ rất lâu. Bàn về vấn đề này là một câu chuyện dài, nhưng trong cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, thì tôi thấy có một điều mà ông ta không thể thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc được, điều rất quan trọng, đó là ông ta nhấn mạnh nhiều lần về chuyện thắng - thua.”
Theo ông Vịnh, chiến tranh phải có người thắng, kẻ thua. Ông khẳng định quân đội của cách mạng thắng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thắng. Thắng kẻ xâm lược là Mỹ và tay sai. Ông Vịnh nói thêm:
Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình”.
Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4.
Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4. AFP
Ông Quang Hữu Minh nhận định về chữ “trả thù” ở đây:
“Nếu nói theo ngôn ngữ của ĐCSVN thì đó gọi là ‘ổn định chính trị’, còn nói theo ngôn ngữ của người thua cuộc thì đó là ‘trả thù’. Tôi không thiên về từ ngữ mà tôi thiên về thực chất, thì trong những đợt học tập cải tại có những người chết, có những người bị chỉnh huấn, có trừng phạt khốc liệt. Đó là thực tế những gì đã diễn ra. Thành ra dùng chữ nào là do ở phía bên nào mà thôi chứ thực tế thì không ai có thể phủ nhận.”
Vì sao chưa thể hòa hợp hòa giải?
Theo ghi nhận của RFA, đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp hòa giải với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản khi vẫn tiếp tục bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến; vẫn không có tự do ngôn luận; không có tự do báo chí; không có tự do tôn giáo và vẫn ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 hàng năm.
Theo họ, muốn hòa hợp hòa giải thành công thì cần rất nhiều yếu tố.
Ông Ngô Trường An, một người dân Sài Gòn nêu ý kiến của mình rằng, ông không nhận thấy một thiện chí nào tỏ ra hòa hợp hòa giải từ nhà cầm quyền hiện nay khi 30 tháng 4 hằng năm, tuyên giáo vẫn cho phát sóng dày đặc các chương trình giải phóng miền nam. Phóng viên phỏng vấn anh hùng này, mẹ liệt sĩ kia để tự hào; những bài hát cách mạng vẫn được phát ra rả cả tuần trước đó. Nhà nước vẫn cho cán bộ công nhân viên nghỉ lễ, ăn mừng. Nhiều cơ quan còn có quà mừng, siêu thị giảm giá để nhân dân mua sắm ăn mừng... Đặc biệt, thương phế binh VNCH vẫn bị giám sát, ngăn chặn khi họ tập trung nhận quà từ thiện từ các tổ chức tôn giáo.
Ông Quang Hữu Minh nêu những việc cần làm theo thiển ý của ông:
“Bây giờ việc cần làm đầu tiên là phải bỏ khái niệm “giải phóng” trong lịch sử đối với ngày 30 tháng 4 đi. Chuyện quá khứ mình không nói nhưng bây giờ nếu dùng từ “giải phóng” có nghĩa mặc nhiên ĐCSVN thừa nhận miền Nam Việt Nam thuộc về miền Bắc lúc đó thì mới có vấn đề giải phóng.
Cái thứ hai là nhà nước sau phải nhận trách nhiệm của nhà nước trước. Nếu bỏ khái niệm “giải phóng” thì đây chỉ là cuộc nội chiến và nhà nước sau phải có trách nhiệm với những thương phế binh VNCH.
Nếu làm được hai điều đó thì nó sẽ tác động căn cớ đến hòa hợp và hòa giải dân tộc. Và cần phải có chính sách, tư duy then chốt chứ không thể chỉ hòa giải trên báo, hòa hợp trên miệng được.”
Khi còn tư tưởng kiên định của người cộng sản Việt Nam là thắng – thua thì không nên nói về hòa hợp hòa giải. Bởi khi nói tới hòa hợp hòa giải là nói tới tình dân tộc, nghĩa đồng bào. - Ông Nguyễn Ngọc Già
Ông Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: Trong những năm đầu hận thù rất lớn, nhất là những người từng làm việc ở chế độ cũ. Cái tâm tư về sự thua cuộc của họ cũng rất nặng nề. Chúng ta đã trải qua những giai đoạn rất là khó khăn trong việc hòa giải dân tộc. Làm sao để người dân nhận thức vấn đề một cách đúng đắn. Đúng đắn nhưng phải có kẻ thắng người thua chứ không hòa cả làng được. Đến bây giờ, với chính sách của đảng và nhà nước họ cảm thấy không bị kỳ thị. Miễn là họ yêu nước. Mình không quay lại bới móc những chuyện họ làm cho kẻ xâm lược. Chúng ta không làm chuyện ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm lý do cho đến nay vẫn chưa thể hòa hợp hòa giải:
“Khi còn tư tưởng kiên định của người cộng sản Việt Nam là thắng – thua thì không nên nói về hòa hợp hòa giải. Bởi khi nói tới hòa hợp hòa giải là nói tới tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Đó là lý do thứ nhất tôi cho rằng tới ngày hôm nay, chủ trương hòa hợp hòa giải người Việt Nam hoàn toàn phá sản.
Thứ hai, không thể gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến thắng theo cách của người cộng sản. Chiến thắng ở đây theo ý kiến cá nhân của tôi, đó là chiến thắng phi nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo.”
Nhiều người cho rằng miền Bắc Việt Nam vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris được ký năm 1973 nên họ không cho đây là một chiến thắng của chính nghĩa.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten