Biển Đông : Mỹ khai thác nỗi tức giận của láng giềng châu Á đối với Trung Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hoa Kỳ đang hy vọng có thể khai thác nỗi tức giận về các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông để lôi kéo các nước tranh chấp khác đối đầu với Bắc Kinh.
Trong những tuần qua, Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm lấn, gây thêm căng thẳng trên Biển Đông: cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào sát khu vực mà tàu thăm dò dầu khí của công ty Petronas, Malaysia đang hoạt động; thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuộc họp qua video với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng tố cáo Bắc Kinh lợi dụng lúc thế giới đang tập trung chống đại dịch Covid -19 để tiếp tục xâm lấn trên Biển Đông và ông kêu gọi các nước ASEAN hãy đứng dậy để đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn ngày 04/05/2020, thật ra Bắc Kinh không hề nhân cơ hội có dịch Covid-19 để tung ra một chiến dịch mới trên Biển Đông. Nhưng họ nghĩ rằng dịch bệnh là cơ hội cho chúng ta thấy rõ hơn chính sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Financial Times trích lời ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, ghi nhận: « Trung Quốc đang làm điều mà họ vẫn làm ở Biển Đông, nhưng đi xa hơn nhiều so với cách đây vài năm trên con đường tiến tới kiểm soát (vùng biển này). »
Từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, đồng thời phát triển lực lượng hải cảnh và dân quân biển, và như vậy coi như kiểm soát phần lớn Biển Đông. Các nước tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, đã hoàn toàn bất lực, không chặn được, thậm chí không làm chậm lại được đà lấn lướt của Trung Quốc.
Các chiến hạm và các phi cơ của Mỹ đúng là vẫn thường xuyên tuần tra tại các khu vực mà Trung Quốc giành chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng các chiến dịch đó chủ yếu nhằm bảo đảm tự do hàng hải, cho nên các nước Đông Nam Á vẫn có cảm tưởng rằng Hoa Kỳ lo cho lợi ích riêng hơn là hỗ trợ các quốc gia này. Theo các nhà phân tích, cảm tưởng đó càng tăng thêm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, vì chính sách Biển Đông của chính quyền Trump chỉ giới hạn trong việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.
Nhưng nay, sự phẫn nộ đang dâng cao và không chỉ có Việt Nam mà các nước khác cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Malaysia, vốn rất kín tiếng, đã phản đối việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát đến khu vực mà tàu của Petronas đang hoạt động, tuy không nêu đích danh Bắc Kinh. Đáng ngạc nhiên hơn, Philippines ( mà tổng thống Duterte là một nhân vật được xem là thân Bắc Kinh ) đã gởi hai công hàm phản đối việc Trung Quốc lập hai quận để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và phản đối vụ tàu chiến Trung Quốc chĩa hệ thống kiểm soát pháo về phía một chiến hạm của Philippines trên Biển Đông vào tháng 2 vừa qua.
Theo Financial Times, các nhà phân tích nghĩ rằng các vụ nói trên có thể sẽ khiến một số nước Đông Nam Á sát cánh với nhau hơn, hoặc sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ. Ông Bec Strating, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, ghi nhận hai sự kiện đáng chú ý : Philippines bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam sau vụ tàu cá bị đâm chìm và hải quân Úc tập trận với các chiến hạm Mỹ tại một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Về phần Michael O’Hanlon, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì như vậy là Washington sẽ có một vị thế mạnh hơn khi thương lượng việc mở các căn cứ quân sự (ở châu Á).
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200504-biển-đông-mỹ-khai-thác-nỗi-tức-giận-của-láng-giềng-châu-á-đối-với-trung-quốc
Trung Quốc vi phạm luật quốc tế khi đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trong cuối tuần qua, Trung Quốc đã đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông, vùng biển đang tranh chấp nhưng Bắc Kinh khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Theo các nhà phân tích được tờ South China Morning Post trích dẫn hôm nay, 27/04/2020, việc đặt tên này có thể là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ gặp sự chống đối mạnh từ phía các nước ASEAN.
Theo nhật báo Hồng Kông, việc các nước hay các nhà hải dương học đặt tên cho những thực thể địa lý là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy định là các quốc gia không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới đáy biển, trừ phi những thực thể đó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể đất liền.
Trong cuối tuần qua, Bắc Kinh đã đặt tên cho 25 đảo, bãi cạn và đá, cũng như cho 55 thực thể dưới đáy biển. Lần cuối cùng mà Trung Quốc làm như vậy là vào năm 1983 khi họ đặt tên 287 thực thể ở Biển Đông. Trong số 80 thực thể vừa được đặt tên, có 10 bãi cạn và 2 đá nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa mà trước đây chưa có tên. Ngoài ra còn có 13 đá nhỏ hơn, được mô tả là các « thực thể », nằm chung quanh Đá Tây (West Reef), mà Việt Nam hiện đang chiếm giữ.
Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng hành động của Trung Quốc đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông là « bất bình thường » và có thể là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, bởi vì việc đặt tên là một hình thức khẳng định chủ quyền. Vị chuyên gia này nhấn mạnh : « Không rõ vì sao Trung Quốc lại quyết định đặt tên mới cho 13 đá chung quanh Đá Tây ». Không có một đá nào khác ở Biển Đông lại được đặt tên như vậy. Và theo ông Poling, chiếu theo luật quốc tế, không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới biển.
Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các Vấn Đề Hàng Hải Và Luật Biển của Philippines, cũng cho rằng việc Bắc Kinh đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Vị giáo sư Philippines lưu ý : « Việc nghiên cứu và đặt tên cho các thực thể dưới biển đáy trong khuôn khổ nghiên cứu khoa học đại dương không thể được tiến hành dựa trên việc khẳng định chủ quyền trên bất cứ phần nào của môi trường biển hoặc bất cứ tài nguyên biển nào ».
Về phần ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng việc Bắc Kinh đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Theo ông Lê Hồng Hiệp, « những hành động như vậy chỉ gây căng thẳng với Việt Nam, Malaysia và Philippines, mà sẽ khiến các nước ASEAN nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC ».
Giáo sư Douglas Guifoyle, giảng dạy luật an ninh và quốc tế tại Đại học New South Wales Canbarra, đưa ra cùng nhận định : « Có một nguyên tắc lâu đời của luật quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới, đó là các hành động của một quốc gia nhằm xác quyết chủ quyền trên một khu vực không có giá trị pháp lý, nếu khu vực đó đang có tranh chấp với một quốc gia khác ». Nguyên tắc đó chính là nhằm ngăn chặn những hành vi như của Trung Quốc hiện nay.
Nhưng bà Yan Yan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Và Chính Sách Đại Dương thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Biển Đông của Trung Quốc, lại biện minh cho hành động của Bắc Kinh, cho rằng « đó chỉ là việc hành xử quyền chủ quyền của nước này ».
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200427-trung-quốc-vi-phạm-luật-quốc-tế-khi-đặt-tên-cho-các-thực-thể-ở-biển-đông
Philippines cũng phản đối Trung Quốc lập hai quận ở Biển Đông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Theo hãng tin Bloomberg, trên mạng Twitter hôm nay, 23/04/2020, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo là Manila đã phản đối việc Trung Quốc thành lập hai quận để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Ngày 18/04/2020, Trung Quốc đã ra thông báo về việc thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay hôm sau, Hà Nội, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, đã phản đối mạnh mẽ hành động đó của Trung Quốc.
Nay đến lượt Philippines cũng phản đối việc thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa, vì Manila cũng là một bên tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, mà họ gọi là Biển Tây Philippines.
Cũng trên mạng Twitter, ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết Manila cũng đã phản đối vụ tàu Trung Quốc chĩa súng radar vào một tàu của Hải quân Philippines trong vùng biển của nước này. Tuy nhiên, ông Locsin không nêu chi tiết về vụ việc.
Trong khi đó, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để gia tăng các hoạt động quân sự gần Đài Loan và ở vùng Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố như trên trong một cuộc họp báo hôm qua, trước khi diễn ra cuộc họp qua video với các ngoại trưởng ASEAN.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Kinh đã loan báo thiết lập các « trạm nghiên cứu » trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cho phi cơ quân sự đặc biệt hạ cánh xuống Đá Chữ Thập.
Trung Quốc cũng đã gia tăng các cuộc tuần tra trên Biển Đông và điều tàu Hải Dương Địa Chất 8 đến khảo sát gần khu vực mà một tàu của Malaysia đang thăm dò dầu khí.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan thì cho biết là một hàng không mẫu hạm với 5 chiến hạm hộ tống đã thao dượt trong hai ngày 11 và 12/04 tại vùng biển gần bờ phía đông Đài Loan và vùng biển phía nam đảo này.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200423-philippines-cũng-phản-đối-trung-quốc-lập-hai-quận-ở-biển-đông
Geen opmerkingen:
Een reactie posten