vrijdag 1 mei 2020

Covid-19: Một chủng lạ đe dọa kịch bản sống chung với dịch của Pháp

Covid-19: Một chủng lạ đe dọa kịch bản sống chung với dịch của Pháp

Một phòng phân tích mẫu máu xét nghiệm virus corona tại Colmar, Pháp, ngày 16/04/2020.
Một phòng phân tích mẫu máu xét nghiệm virus corona tại Colmar, Pháp, ngày 16/04/2020. REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN
Ngày 28/04/2020, thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày kế hoạch giảm dần các biện pháp phong tỏa, tái lập sinh hoạt bình thường trong điều kiện tối ưu trong khi chờ tìm ra vac-xin chống siêu vi SARS-Cov-2. Cùng lúc đó, một kết quả nghiên cứu của viện Pasteur làm lung lay một số định kiến về đại dịch Covid-19 tại Pháp được công bố. Một chủng lạ lây nhiễm rất nhanh nhưng không có triệu chứng.
Vì sao Pháp ít dân hơn Đức 20 triệu người mà số tử vong cao gấp bốn lần ?
Từ khi siêu vi SARS-Cov-2 từ Vũ Hán lan ra khắp địa cầu, giới khoa học gia đã nghi ngờ siêu vi biến chủng nhanh chóng và mỗi chủng có cường độ độc hại khác nhau. Mối nghi ngờ này được quan sát tại từng nước, được các đại học từ Trung Quốc, Anh Quốc, Mỹ, Đức kiểm chứng. Đại học Chiết Giang cho biết cô lập được 11 chủng ở các bệnh nhân địa phương, trong đó phát hiện 33 trạng thái biến thể, một phần liên quan đến cấu trúc bề mặt, cho phép siêu vi xâm nhập vào tế bào. Qua thí nghiệm, các chuyên gia đại học Chiết Giang nhận thấy một số chủng biến thể sinh sôi nẩy nở gấp 270 lần hơn. Trước đó, đại học Northeastern, Boston, chứng minh siêu vi SARS-Cov-2 lây lan ở Châu Âu, nhất là tại Ý, có sức tấn công mãnh liệt nhất.
Nói rõ hơn là từ lúc phát sinh tại Vũ Hán, siêu vi đầu tiên đã nhanh chóng biến thể và những chủng mới lây ra khắp nơi với cường độ tấn công nhanh chậm, mạnh yếu khác nhau tùy vào tình trạng biến thể.
Trường hợp cụ thể: tại Pháp, đại dịch Covid-19 đến từ hai đường : từ Trung Quốc và Ý, trái với nghi ngờ lúc ban đầu, ổ dịch ở Oise, tỉnh miền bắc Pháp, không do siêu vi  "bám" theo máy bay di tản kiều dân Pháp ở Vũ Hán hồi hương, mà do lây nhiễm từ  Ý, tâm dịch đầu tiên ở Châu Âu.
Nhưng thực tế không đơn giản như thế . Đại dịch đang làm cho cả nước Pháp phải chật vật đối phó không đơn thuần xuất phát từ hai nguồn này, theo Sylvie van der Werf và Etienne Simon-Lorière  hai chuyên gia về siêu vi trùng học của Viện Pasteur Paris.
Chủng lạ?
Hai nhà khoa học Pháp khám phá chuyện bất ngờ : Một loại siêu vi corona ký sinh nơi nhiều người Pháp có liên quan đến một "nhóm gen" mà trong ngôn ngữ di truyền học gọi là "clade" hay "một nhánh". Mà "nhánh" này dường như không có liên hệ gì với chủng đến từ Trung Quốc và Ý.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đại dịch Covid-19 tại Pháp, lây nhiễm cho 128.442 người và giết chết 24.087 người theo tổng kết chiều 29/04, có thể do nhiều "nhánh" của nhóm siêu vi corona SARS Cov-2 gieo rắc. Một trong những "nhánh" đó có thể đã xuất phát từ miền bắc nước Pháp mà không ai biết từ lúc nào. Có thể những người bị lây nhiễm không có triệu chứng biểu lộ như ho, sốt..., cho nên khó phát hiện nếu không xét nghiệm.
Chủng lạ này được tìm thấy ở một số bệnh nhân mà trong thời gian trước đó không ra khỏi nước Pháp, không du lịch nước ngoài, không tiếp xúc với những người từ nước ngoài hồi hương. Một số bệnh nhân khác thì có đi sang các nước Châu Âu, hay là Ả rập Xê Út, Madagascar, Ai Cập. Nhưng hai nhà nghiên cứu Sylvie van der Werf  và Etienne Simon-Lorière quả quyết là "không có bằng chứng là những người này bị nhiễm siêu vi corona trong khi du lịch".
Tuy chưa kết luận siêu vi "nhánh lạ" này từ đâu tới, đến Pháp lúc nào, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Paris cho rằng công trình của họ cho phép đánh tiếng chuông báo động giới y tế: đó là cần phải theo dõi những người mà kết quả xét nghiệm có "dương tính" với Covid-19 nhưng "không có triệu chứng mang bệnh".
Một phát hiện thứ hai trong cuộc khảo sát này, là không tìm thấy siêu vi SARS-Cov-2 chủng Trung Quốc và Ý lây lan nhiều tại Pháp. Điều này mang ý nghĩa gì? Điều này chứng tỏ biện pháp phong tỏa xã hội, nhà ai nấy ở, tiến hành từ tháng Ba đến nay có hiệu quả nhất định chận hai nguồn siêu vi ngoại nhập lan rộng hơn.
Nhưng nếu siêu vi biến thể nhanh chóng thì công trình tìm kiếm vac-xin hiệu nghiệm cũng rất khó khăn. Vấn đề nguy hiểm nữa khi nới lỏng  phong tỏa thì làm sao đối phó với "kẻ thù vô triệu chứng"? Chính phủ Pháp không thể không biết lời cảnh báo này của hai nhà nghiên cứu siêu vi có tiếng tăm.
www.rfi.fr/vi/pháp/20200430-covid19-pháp-chung-moi-khoa-hoc-y-te

Geen opmerkingen:

Een reactie posten