donderdag 26 juni 2014

Philippines phản đối bản đồ nuốt gọn Biển Đông của Trung Quốc

Thứ năm, 26/6/2014 | 11:42 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Philippines phản đối bản đồ nuốt gọn Biển Đông của Trung Quốc

Philippines lên án bản đồ vừa phát hành của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và thể hiện rõ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.
"Chúng tôi xin nhắc lại rằng một ấn phẩm như trên chỉ cho thấy tuyên bố bành trướng phi lý của Trung Quốc, hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế và UNCLOS", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói hôm qua.
UNCLOS, viết tắt Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, là thỏa thuận được ký kết vào năm 1982 với 163 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc, nhằm quản lý việc sử dụng các vùng biển ngoài khơi và thiết lập giới hạn về lãnh thổ cho các quốc gia ven biển.
"Tham vọng bành trướng này của Trung Quốc hoàn toàn đang gây ra căng thẳng trên Biển Đông", ông Jose nói thêm. 
Bản đồ dọc với tuyên bố "đường lưỡi bò" phi pháp mà Trung Quốc vừa phát hành. Ảnh: Xinhua
Bản đồ dọc với tuyên bố "đường lưỡi bò" phi pháp mà Trung Quốc vừa phát hành. Ảnh: Xinhua
Tuyên bố này được đưa ra sau khi truyền thông trung quốc giới thiệu việc nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam phát hành một bản đồ dọc về lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ này cho thấy rõ ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà nước này gọi là "chủ quyền" của mình còn mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Đường lưỡi bò" nuốt trọn Biển Đông được thể hiện bằng 10 đoạn màu đỏ chạy liền nhau, thay vì 9 đoạn như Trung Quốc tự vẽ ra trước đây. Đoạn thứ 10 này nằm gần Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ của mình.
Vùng biển và các đảo trên Biển Đông được vẽ với tỷ lệ tương đương phần đất liền, khác với cách đặt trong một ô vuông nhỏ dưới góc như bản đồ truyền thống lâu nay của Trung Quốc.
Theo GMA News, bản đồ 10 đoạn trên từng được Trung Quốc công bố lần đầu tiên vào tháng một năm 2013. Vào ngày 7/6/2013, chính phủ Philippines đã phản đối bản đồ này bằng một công hàm ngoại giao gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Công hàm phản đối việc xem các đoạn trên bản đồ là "ranh giới quốc gia" của Trung Quốc và khẳng định hình vẽ này vi phạm luật pháp quốc tế.
Phủ tổng thống Philippines cho rằng bản đồ mới phát hành của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ổn định khu vực nhưng cũng nhấn mạnh rằng Manila mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
"Trong khi động thái này rõ ràng không thúc đẩy sự ổn định của khu vực, chúng tôi vẫn xin nhắc lại ưu tiên của chúng tôi về các lựa chọn ngoại giao, chính trị và pháp lý để đưa ra giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông", trưởng văn phòng báo chí của tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma Jr., nói.
Khi được hỏi liệu Philippines có biện pháp phản đối lại bản đồ trên hay không, phát ngôn viên tổng thống Edwin Lacierda cho biết đơn kiện của nước này lên tòa án trọng tài quốc tế đã đặt ra câu hỏi về tính đúng đắn của đường 9 đoạn và dự kiến tòa án sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này.
"Rõ ràng những bản đồ cổ của họ không đủ tính lịch sử để chứng minh chủ quyền nên họ phải vẽ ra những bản đồ mới", ông nói.
"Đường lưỡi bò" hay đường 9 đoạn là khái niệm được Trung Quốc đưa ra nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi có nguồn tài nguyên dồi dào và là tuyến đường vận tải quan trọng hàng đầu của thế giới. Yêu sách này của Trung Quốc bị các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam và Philippines, cực lực phản đối.
Việt Nam khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế ở Hà Lan nhằm vô hiệu hóa yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. 
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/philippines-phan-doi-ban-do-nuot-gon-bien-dong-cua-trung-quoc-3009499.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten