Trung Quốc siết xuất nhập khẩu tiểu ngạch với Việt Nam
Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa họp bàn để đưa ra kịch bản, chủ động đối phó với các tình huống khi Trung Quốc siết cửa khẩu.
Tại cuộc họp chiều 27/6, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được thông tin phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch về thương mại, thậm chí có cửa khẩu sẽ dừng giao thương nông sản. Theo bộ, thị trường nông sản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không ổn định do nông sản Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định, Bộ đã tính đến phương án ứng phó. “Hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp đã làm việc bàn các giải pháp, để tránh bị động khi tình huống này xảy ra”, ông Tám tiết lộ.
Bộ NN&PTNT và Công Thương đã có kịch bản ứng khó với tình huống Trung Quốc siết xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Ảnh: Khánh Chi.
|
Cục Chế biến Nông lâm sản và thủy sản cho biết 6 tháng đầu năn, kim ngạch xuẩt khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ USD. Trong đó gạo, cao su xuất sang Trung Quốc chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng. Thanh long, vải và rau quả cũng là những mặt hàng xuất chính sang Trung Quốc. Riêng vải, chủ yếu là vải thiều, thương lái Trung Quốc thông qua đầu mối Việt Nam để thu mua. Cục cho hay, trong tháng 5 và tháng 6, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại do tâm lý.
Theo Bộ 6 tháng đầu năm thời tiết thuận lợi cho khai thác hải sản. Tuy nhiên, tình hình biển Đông phức tạp khiến tình hình khai thác hải sản trên biển của ngư dân bị ảnh hưởng. Sản lưởng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,41 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Trước đó, bài toán giảm lệ thuộc vào Trung Quốc cũng được Bộ Công Thương nhiều lần đưa ra. Bộ đang khuyến khích đưa mặt hàng vải thiều vào các tỉnh phía Nam để giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cần tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, trong đó, biện pháp quyết liệt là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Ông phân tích, nếu tất cả người dân ưu tiên dùng hàng Việt sẽ tạo ra kim ngạch không nhỏ, từ may mặc đến ăn uống. Theo ông Hải, vấn đề ưu tiên dùng hàng Việt được đặt ra nhiều lần nhưng doanh nghiệp địa phương chưa làm quyết liệt. Do vậy, căng thẳng ở Biển Đông là cú hích để “làm mạnh hơn” nhằm đưa kinh tế đi lên.
"Sự kiện tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan vừa rồi là một cú hích đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, kêu gọi mọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt", ông Hải chia sẻ.
Hà Lan Hương
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/trung-quoc-siet-xuat-nhap-khau-tieu-ngach-voi-viet-nam-3010650.html
Bộ Công Thương khuyến khích đưa vải thiều vào Nam
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam, là giải pháp giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tại hội nghị "Vùng Đông - Tây Nam Bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều" được tổ chức tại TP HCM chiều 16/6, đa số đại diện các tỉnh - thành và bộ, ngành liên quan đều cho rằng vải là trái cây ngon nhưng đầu ra không ổn định. Lâu nay, loại trái cây nổi tiếng này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước chỉ chiếm một lượng nhỏ so với sản lượng thu hoạch.
Vải thiều đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: Khánh Chi
|
Hiện nay vải thiều bắt đầu vào vụ thu hoạch. Với tổng diện tích trồng khoảng 43.000 ha, sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương được xem là cái nôi của thải thiều. Bộ Công Thương cho hay hiện thị trường xuất khẩu gồm Trung quốc, Lào, Campuchia và các nước châu Âu (chiếm khoảng 40% sản lượng). Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của vải thiều với 95% tổng sản lượng xuất khẩu (tương ứng 50.000 tấn) vải thiều của Bắc Giang tập trung vào thị trường Trung Quốc.
"Thương lái Trung Quốc về tận vườn thu mua, đưa đến Bắc Kinh. Đến nay tại Bắc Giang có 85 điểm thu mua của thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán vào thị trường này không ổn định", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Năm 2013, giá bán của các doanh nghiệp ký hợp đồng với phía Trung Quốc ở mức 20.000-27.000 đồng một kg. Còn giá bán với những cư dân biên giới mang sang trao đổi chỉ dao động ở mức 10.000-20.000 đồng. Năm nay, giá vải thiều vào thị trường này cũng chỉ dao động ở mức 10.000-27.000 đồng một kg.
Ông Bùi Văn Hạnh - Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang (địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất nước) cho rằng, không phải thị trường xuất khẩu lúc nào cũng ổn định về giá và lượng cho sản phẩm. Thị trường nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất nguy hiểm. Vì vậy, cần xúc tiến thị trường trong nước, bởi vì tiềm năng của thị trường trong nước rất cao và ổn định.
"Để người tiêu dùng tin tưởng chất lượng vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo nhà vườn cũng như doanh nghiệp hạn chế mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật, nghiêm chỉnh với quy trình bảo quản”, ông Hạnh khẳng định.
Chất lượng vải thiều Bắc Giang được đánh giá là "có một không hai". Ảnh: Khánh Chi
|
Theo đại diện các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, thị trường nội địa tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó chủ yếu tại các tỉnh lân cận phía Bắc và các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 60% sản lượng, tương ứng khoảng 80.000 tấn. Vì vậy, để quả vải phát triển mạnh ở thị trường nội địa các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cùng các tỉnh thành tìm giải pháp đưa quả vải thiều tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Xuân Hòa - Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, nông dân đang thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, quản lý tốt hơn nhằm kéo dài được thời gian thu hoạch vải trong vòng 2 tháng và thu rộ một tháng. Tuy nhiên, muốn tăng giá trị gia tăng cho quả vải cần thay đổi tổ chức sản xuất, công nghệ, thị trường. Đặc biệt, nên trú trọng phát triển thị trường trong nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cho rằng vải thiều đang được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia, châu Âu... nhưng các tỉnh, thành trong nước cũng cần phối hợp để sản phẩm này được phân phối rộng khắp cả nước. "Song song với việc phát triển thị trường nội địa cho quả vải thiều đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quả vải, kéo dài thời gian sử dụng bằng việc áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại nhằm tăng giá trị gia tăng", bà Thoa nói.
Để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan mà trước tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn Chương trình kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản với hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản và các chợ đầu mối...
Cùng với phát triển thị trường trong nước, sắp tới Bộ Công Thương còn có kế hoạch đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khu vực mậu dịch tư do Châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do - Liên minh hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan...
Trung Sơn
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/bo-cong-thuong-khuyen-khich-dua-vai-thieu-vao-nam-3005393.html
Vải thiều Lục Ngạn có thể xuất sang Nhật Bản, châu Âu
Chỉ cần khắc phục được vấn đề bảo quản, vải thiều Lục Ngạn sẽ có nhiều thuận lợi khi đưa vào thị trường Nhật Bản và châu Âu.
Theo dự báo, vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ được mùa và được cả giá. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết: "Thời tiết đầu vụ vải năm nay không thuận lắm, mưa nhiều trong thời gian vải ra hoa và đậu quả nên quả non bị rụng khá nhiều". Tuy nhiên, có thể khẳng định năm nay vùng vải Lục Ngạn được mùa, dù 2 tuần nữa mới vào chính vụ thu hoạch. Năm 2013, sản lượng vải thiều toàn huyện đạt 72.000 tấn, năm nay ước tính đạt khoảng 90.000 tấn, trên 17.500ha trồng vải.
Theo các chuyên gia, vải thiều được xem là mặt hàng "độc", nhiều dinh dưỡng, có tiềm năng tiêu thụ ở những thị trường như Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, vải thiều rất khó bảo quản. Vào mùa hè, trời nắng nóng, chỉ trong một ngày vải đã bị đổi màu, vỏ thâm lại. Sang ngày thứ 2-3, chất lượng quả cũng bị giảm.
Vải thiều Lục Ngạn có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu. Ảnh: Báo Đất Việt
|
Để tăng thời gian bảo quản nhằm xuất khẩu vải thiều sang các thị trường mới như Nhật Bản và châu Âu, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS, giúp bảo quản vải hơn một năm với chất lượng tốt.
PGS-TS Lê Tất Khương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết: "Viện đang tiếp tục lấy mẫu vải thiều ở Lục Ngạn để nghiên cứu sâu hơn. Bảo quản thành công vải thiều sẽ góp phần tạo thuận lợi khi đưa vào thị trường Nhật Bản và châu Âu, gia tăng giá trị loại quả này".
Trong khi đó, theo UBND huyện Lục Ngạn, tới thời điểm này, hoạt động thu mua vải thiều vẫn diễn ra bình thường. 13 thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn "đặt hàng". Những năm trước, tại đây xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc núp dưới danh nghĩa khách du lịch, vào Việt Nam để thua mua vải thiều rồi về xuất khẩu.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - Đào Xuân Cường, mỗi năm khoảng 100-200 thương lái Trung Quốc vào Lục Ngạn để thu mua vải. Toàn bộ giá cả, sức mua, thị trường vải thiều hàng năm cao hay thấp hầu như do chính thương lái nước ngoài quyết định.
Ông Triệu Văn Hội - chủ một trạm thu mua tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết mình chỉ là "trung gian" lo việc gọi hàng, thuê người bốc xếp, cân đo. Còn chủ thu mua trực tiếp là người Trung Quốc. "Họ trực tiếp xem hàng, giám sát cân đong, vải đẹp mới lấy, không đạt là loại ra ngay, sau đó đóng thùng chuyển thẳng lên cửa khẩu Tân Thanh", ông Hội nói.
Ông Nguyễn Quang Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết từ nhiều năm nay, vải thiều Việt Nam không hề được gắn nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam. Chỉ cần ra khỏi cửa khẩu là bị lột mác, bóc thùng để gắn thương hiệu vải Trung Quốc.
"Ngay tại vựa vải cũng như ở cửa khẩu, thương lái Trung Quốc không chịu mua hàng đóng gói sẵn mà chỉ mua hàng đóng thùng xốp. Sau đó, họ mang về bên kia đóng gói lại, mang thương hiệu Trung Quốc để bán được giá cao hơn, họ không chấp nhận để chỉ dẫn địa lý của Việt Nam", ông Bách nói. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện cũng trồng khá nhiều vải thiều, nhưng chất lượng kém nhiều vải Thanh Hà, Lục Ngạn của Việt Nam.
(theo Báo Đất Việt)
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/vai-thieu-luc-ngan-co-the-xuat-sang-nhat-ban-chau-au-3001540.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten