Vì sao thuyền trưởng phà Sewol không cho sơ tán sớm
Việc sơ tán hành khách trên một con tàu đang chìm có thể gây hỗn loạn và nguy hiểm, trong khi chính bản thân con tàu có thể là chiếc phao tốt nhất. Nhưng với phà chở ô tô như Sewol, sơ tán tức khắc là nguyên tắc sống còn.
Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters.
|
Trong những tình huống nhất định, như trường hợp Sewol gặp phải, các phà chở xe hơi thường bị lật một cách nhanh chóng. Với những con phà có cấu tạo như vậy, năng lực của thủy thủ đoàn trong việc nhanh chóng sơ tán hành khách, hoặc ít nhất là tập trung họ lại trên boong để sẵn sàng rời tàu, trong trường hợp xảy ra sự cố, là rất quan trọng.
Trên thực tế, thuyền trưởng phà Sewol, ông Lee Joon-seok, vẫn trì hoãn việc sơ tán trong ít nhất nửa giờ từ khi con phà bắt đầu lật. Hơn 470 hành khách, phần lớn là học sinh trên đường đi dã ngoại, lúc đầu được yêu cầu ở yên tại chỗ.
"Giá như thuyền trưởng không nói gì với hành khách, họ sẽ lên boong tàu để kiểm tra xem chuyện gì đang xảy ra", và như vậy bước quyết định trong việc sơ tán có thể đã được thực thi, Mario Vittone, cựu thanh tra và điều tra tai nạn hàng hải thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ, nói. "Thà họ đừng ra lệnh gì cho hành khách, tình hình đã đỡ tồi tệ hơn.
Ông Lee có khoảng 40 năm kinh nghiệm đi biển, bao gồm cả phà và tàu chở hàng. Hãng tin Yonhap dẫn lời đại diện công ty Chonghaejin Marine, nơi Lee làm việc, cho biết thuyền trưởng 69 tuổi này có 8 năm kinh nghiệm lái phà trên tuyến từ thành phố Incheon, gần thủ đô Seoul, tới đảo Jeju ở phía nam.
Oh Yong-seok, một thuyền viên trong nhóm của Lee, nói rằng ông Lee làm việc trên phà khoảng 10 ngày mỗi tháng.
Sau khi bị bắt giữ với cáo buộc sơ suất trong lúc lái phà và bỏ mặc người bị nạn hôm 19/4, thuyền trưởng Lee lên tiếng xin lỗi vì "gây ra một sự xáo trộn" nhưng vẫn bảo vệ quyết định cho hành khách ngồi đợi khi tàu đang nghiêng.
"Lúc đó, dòng nước rất mạnh, nước biển lạnh. Tôi nghĩ rằng, nếu mọi người rời phà mà không phán đoán (đúng), nếu họ không mặc áo phao, và dù có mặc áo phao đi nữa, họ sẽ bị cuốn đi và phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa", Lee nói. "Các tàu cứu hộ lúc đó chưa đến và cũng không có tàu ngư dân hay tàu nào khác ở gần".
Vittone và Thad Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng lời giải thích đã trên bỏ sót một vấn đề quan trọng. Thuyền trưởng có thể yêu cầu hành khách lên boong cho dù không chắc chắn sẽ sơ tán họ khỏi phà. Allen nêu rõ có hai việc cần phải làm đồng thời lúc đó. "Cố gắng cứu phà, đồng thời giảm thiệt hại về người bằng cách chuẩn bị cho hành khách rời phà", Allen viết.
Ông Vittone phân tích rằng việc sơ tán có thể kèm rủi ro, nhưng việc đưa hành khách về những "điểm tập trung", khu vực mà thủy thủ đoàn xác định trong buổi diễn tập an toàn từ trước, thì hoàn toàn an toàn. Từ những khu vực này, thuyền viên có thể đảm bảo được hành khách đã mặc áo phao hay chưa rồi hướng dẫn mọi người tới các lối thoát khẩn cấp.
"Ông ấy có thể thay đổi mệnh lệnh nếu phà thôi chìm", Vittone viết. "Tình huống xấu nhất khi đó sẽ chỉ là các hành khách phải chịu bất tiện vì phải đứng trên boong vài phút".
"Việc tập trung hành khách lại rất quan trọng bởi cuối cùng sẽ có lệnh sơ tán và mọi người cần phải được chuẩn bị sẵn sàng", Len Roueche, CEO của Interferry, hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp phà trên thế giới, nói. Ông cảm thấy khó hiểu khi thuyền trưởng phà Sewol không yêu cầu hành khách di chuyển về các điểm tập trung.
"Hiệu ứng mặt thoáng"
Hình ảnh mô tả sự mất cân bằng do "hiệu ứng mặt thoáng" gây ra, trong đó trường hợp (C) ổn định hơn do được chia thành nhiều ngăn. Đồ họa: maritime.org.
|
Nhà chức trách hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến phà Sewol chìm. Tuy nhiên, những con phà chở theo xe hơi có thể bị lật nhanh chóng bởi "hiệu ứng mặt thoáng". Theo đó, khi nước tràn vào khoang chở ô tô, những vật dễ lăn theo dòng nước (với phà Sewol là các xe hơi), sẽ dồn về một phía và khiến tàu bị nghiêng nhanh chóng. Với loại phà mà khoang gần mặt nước được chia thành nhiều ngăn, vấn đề được giảm thiểu hơn nhiều.
Sau hai vụ chìm tàu ở châu Âu, gồm phà Herald of Free Enterprise năm 1987 và tàu Estonia năm 1994, làm hơn 1.000 người thiệt mạng, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nghiên cứu các lỗ hổng trong thiết kế cũng như tìm phương án sơ tán tốt nhất đối với các phà chở ô tô.
Những thay đổi, bao gồm lối thoát thuận lợi hơn và yêu cầu phân tích cách sơ tán trong quá trình thiết kế, được áp dụng với những con tàu mới đóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phà Sewol được đóng vào năm 1994 nên nó chưa có những thay đổi này.
Thủy thủ đoàn trên phà chở theo ô tô nên hiểu rằng, một khi con phà mất thăng bằng, việc nhanh chóng sơ tán hành khách là vấn đề cần thiết, các chuyên gia hàng hải nhận định.
Viện nghiên cứu Tàu và Kỹ thuật Hàng hải Hàn Quốc từng nhắc đến vấn đề trong quá trình sơ tán hành khách trong một nghiên cứu năm 2003. Nguyên nhân là hành khách không quen với các lối đi hẹp và phức tạp, "họ bối rối trong lúc chọn lối thoát. Điều này khiến thời gian sơ tán bị trì hoãn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", tác giả nghiên cứu viết.
Nghiên cứu còn cho biết dù trong tình trạng thuận lợi, việc sơ tán trong thực tiễn vẫn chậm hơn rất nhiều so với tính toán. Năm 1995, một tàu hai thân cao tốc bị nghiêng khi nó đang ở trên eo biển Manche. Quá trình sơ tán 308 hành khách lúc đó mất hơn một giờ dù biển lặng và vào ban ngày. Trong khi đó, quá trình sơ tán trong buổi diễn tập trước đó chỉ mất 8 phút.
Thông tin chi tiết về phà Sewol. Nguồn: Yonhap/AP/Reuters.
|
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, thủy thủ đoàn phải diễn tập sơ tán ít nhất hai tháng một lần. Tuy nhiên, phà Sewol không đi lại giữa các quốc gia nên nó chỉ cần tuân theo các quy định của Hàn Quốc.
Các đơn vị vận hành tàu được yêu cầu phải có quy định trong xử lý tình huống khẩn cấp, Kim Jae-in, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói, nhưng ông không biết liệu Chonghaejin Marine có quy định nào như vậy không. Yonhap cho biết hãng tin nhận được bản quy định của Chonghaejin Marine và phát hiện thủy thủ đoàn phà Sewol đã không tuân theo một số mục nhất định, trong đó có việc chỉ định người chịu trách nhiệm chăm sóc hành khách bị thương cũng như triển khai xuồng cứu sinh.
Hàn Quốc yêu cầu thường xuyên có những buổi tập huấn cho thuyền viên, đồng thời hành khách cần được thông báo ngắn gọn về vấn đề an toàn trước khi lên tàu. Theo Luật Thủy thủ, đăng tải trên website Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thuyền trưởng "không được phép rời tàu cho đến khi toàn bộ hàng hóa được dỡ xong hoặc toàn bộ hành khách xuống tàu", và "phải làm hết sức có thể để cứu người, tàu cũng như hàng hóa trong tình huống khẩn cấp".
Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng trong trường hợp tình huống vượt ngoài khả năng cứu hộ, thủy thủy đoàn cần chuyển từ cứu tàu sang cứu hành khách.
"Nếu có thể, thuyền trưởng phải làm cho tàu ổn định lại, và đó là điều tốt nhất ông ấy có thể làm cho cả con tàu lẫn hành khách", Allen nói. "Nhưng ngay khi nào họ biết con tàu trở nên nguy ngập rồi, họ phải lập tức đưa hành khách lên xuồng phao cứu sinh".
Như Tâm (theo AP)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-thuyen-truong-pha-sewol-khong-cho-so-tan-som-2980812.html
Hàn Quốc điều robot tìm nạn nhân phà chìm
Các phương tiện điều khiển từ xa được lực lượng cứu hộ Hàn Quốc triển khai xuống đáy biển để tìm kiếm những người mất tích bên trong xác phà Sewol.
Các kỹ thuật viên Mỹ đưa robot cho nhóm cứu hộ Hàn Quốc để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong phà Sewol. Ảnh: AP.
|
Theo Korea Times, các robot này được Mỹ đưa đến hiện trường chìm phà Sewol hôm qua để hỗ trợ Hàn Quốc. Chúng có những cánh tay tự động, các công cụ đo lường và một máy ảnh dưới nước.
Thiết bị này cho phép người điều khiển ngồi ở một trung tâm trên bờ, trên thuyền hoặc tàu ngầm trong khi theo dõi màn hình hiển thị khu vực xung quanh robot.
Tuy nhiên, sóng to có thể là một trở ngại. Một robot đã được sử dụng vào sáng nay nhưng không thể hoạt động tốt do sóng quá mạnh.
"Việc dùng phương tiện điều khiển từ xa là lựa chọn sẵn có trong chiến dịch cứu hộ, nhưng hiệu quả của nó được dự kiến là không cao", một sĩ quan quân đội Hàn Quốc nói.
Korea Herald cho hay, có 214 tàu và 32 máy bay tham gia vào cuộc tìm kiếm hôm nay, trong khi các nhóm thợ lặn nỗ lực tiếp cận tầng 3 và tầng 4 của phà Sewol, nơi được cho là tập trung nhiều nạn nhân nhất. Vào khoảng 6h sáng, họ đã tìm được lối vào của phòng ăn trong phà ở tầng 3.
Đến cuối ngày hôm nay, 22 thi thể nữa được trục vớt từ xác phà Sewol, nâng tổng số người thiệt mạng trong thảm kịch này lên 87. Danh tính của các thi thể vẫn chưa được xác định, nhưng giới chức nghi ngờ phần đa trong số đó là các học sinh của trường cấp ba Danwon, thành phố Ansan, gần Seoul.
Hiện số người mất tích giảm xuống còn 215.
Tốc độ của chiến dịch cứu hộ sẽ được đẩy mạnh khi điều kiện thời tiết dự kiến cải thiện, với sóng cao 0,5 m, vận tốc gió 5-8 m/giây, tầm nhìn tương đối tốt ở mức 15 km.
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/han-quoc-dieu-robot-tim-nan-nhan-pha-chim-2981224.html
Cuộc chiến với tử thần của thợ lặn Hàn Quốc
Vùng biển mà hàng trăm thợ lặn Hàn Quốc đang tìm kiếm các nạn nhân phà Sewol nổi tiếng với dòng chảy mạnh, nước đục đến nỗi họ không thể thấy được bàn tay của chính mình.
Một thợ lặn từ đội cứu hộ tàu của hải quân Hàn Quốc nhảy xuống vùng biển gần nơi phà Sewol bị chìm hôm 19/4. Ảnh: Reuters
|
"Tôi cũng là một người cha. Tôi hiểu họ cảm thấy thế nào khi phải trải qua thảm kịch này, vì thế tôi tình nguyện làm việc", Kang In-kyoo, một thợ lặn dân sự nói tại hiện trường, nhắc đến gia đình của các nạn nhân trên phà Sewol.
Tham gia vào chiến dịch cứu hộ gần 300 người mất tích tại vùng biển phía tây nam Hàn Quốc, ngoài khơi đảo Jindo, anh Kang cùng hàng trăm đồng nghiệp khác đang đặt cược tính mạng của mình trước những nguy hiểm rình rập.
Tham gia vào chiến dịch cứu hộ gần 300 người mất tích tại vùng biển phía tây nam Hàn Quốc, ngoài khơi đảo Jindo, anh Kang cùng hàng trăm đồng nghiệp khác đang đặt cược tính mạng của mình trước những nguy hiểm rình rập.
Chung Woon-chae, người từng đứng đầu đơn vị cứu hộ tàu của hải quân, cho hay điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn dưới nước kém và độ sâu của phà chìm là những rào cản lớn nhất đối với các thợ lặn.
Video: Thợ lặn Hàn Quốc bên xác phà Sewol:
Khu vực xảy ra tai nạn nổi tiếng là có dòng chảy mạnh và nhanh thứ hai trong số các vùng nước ven bờ của Hàn Quốc. Từ năm 2002 đến nay, có 58 vụ tai nạn đã xảy ra tại đây. Các dòng hải lưu có lúc di chuyển với vận tốc lên đến 11 km/h, gấp hai lần so với mức an toàn cho các thợ lặn.
"Thậm chí các tàu quân sự cũng tránh đi qua vùng này", ông Shin Hang-sub, một cựu thuyền trưởng tàu tuần tra, cho biết.
Song song với thách thức trên, các thợ lặn còn phải đối mặt với những chướng ngại vật dưới đáy biển do tầm nhìn hạn chế.
"Thậm chí các tàu quân sự cũng tránh đi qua vùng này", ông Shin Hang-sub, một cựu thuyền trưởng tàu tuần tra, cho biết.
Song song với thách thức trên, các thợ lặn còn phải đối mặt với những chướng ngại vật dưới đáy biển do tầm nhìn hạn chế.
Sau 4 ngày nỗ lực bất thành, cuối ngày 19/4, các thợ lặn đã thâm nhập thành công vào xác phà. Không gian ở đó được các thợ lặn miêu tả là giống như một mê cung, đến nỗi nếu đặt bàn tay của mình trước mặt, họ vẫn khó mà nhìn thấy nó. Tầm nhìn thấp cũng khiến lực lượng cứu hộ này dễ bị va chạm với các đồ vật từ phà trôi nổi ra lòng biển, như máy bán hàng tự động và các vật dụng khác.
Phà Sewol được cho là đã chìm xuống độ sâu khoảng 37 m, chỉ cách cấp độ nguy hiểm 3 m. Vào trưa 18/4, con phà đã chìm hoàn toàn, biến mất khỏi tầm nhìn trên mặt biển.
"Thậm chí với các thợ lặn kỳ cựu, việc lặn xuống 37 mét dưới mặt nước biển cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Thời gian lặn tối đa của họ là 90 phút", ông Chung cho biết.
Đồ họa cuộc cứu hộ phà Sewol. Phà có tổng trọng lượng hơn 10.000 tấn, trong đó trọng lượng thân là hơn 6.800 tấn, hàng hóa nặng 2.000 tấn. Phà bị lật sang trái và chìm ở độ sâu 37 mét. Một phần thân phà chạm đáy biển.
Ba túi khí khổng lồ (màu nâu) có chức năng giữ cho con phà không bị chìm hẳn. Khí oxy được bơm từ một tàu phía trên xuống thân phà. Các nhóm gồm hai thợ lặn làm việc trong khoảng 20 phút một lượt, sử dụng các dây dẫn (màu vàng) để tiếp cận thân phà. Tầm nhìn dưới nước là 20-30 cm. Đồ họa: Korea Herald |
Hôm qua, 563 thợ lặn đã được triển khai để lùng sục bên trong và xung quanh phà. Khí oxy tiếp tục được bơm vào phà để hỗ trợ cho bất kỳ ai còn sống sót.
"Mọi thứ không dễ dàng. Tôi hiểu các gia đình đã kiệt sức vì quá trình cứu hộ diễn ra chậm, nhưng tôi tin rằng họ đang nỗ lực hết sức", ông Chung nói.
Năm 2010, khi tham gia chiến dịch cứu hộ tàu Cheonan 1.200 tấn bị chìm trên biển Hoàng Hải, một thợ lặn kỳ cựu từng phục vụ trong hải quân Hàn Quốc 30 năm đã thiệt mạng. Tuy nhiên, với thợ lặn Kang, an toàn không còn là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình này nữa.
"Mục tiêu rõ ràng và quan trọng nhất của cuộc tìm kiếm là không để sót một ai dưới biển", ông nói.
Anh Ngọc (theo Korea Herald)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-chien-voi-tu-than-cua-tho-lan-han-quoc-2981062.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten