zondag 27 april 2014

Trung Quốc : Người Uighur từ đâu đến?

Người Uighur từ đâu đến?

Cập nhật: 11:29 GMT - thứ năm, 24 tháng 4, 2014

Một nhóm Uighur bị chặn bắt ở Songkhla, miền Nam Thái Lan hồi tháng 3/2014
Câu chuyện về các nhóm người Hồi giáo dân tộc Uighur tìm cách sang Việt Nam bị bắt và trao nộp về cho quân Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
BBC Tiếng Việt giới thiệu các nguồn quốc tế về dân tộc Uighur từ trong lịch sử và các vấn đề họ đang gặp phải hiện nay ở Trung Quốc:

Một thời đế quốc

Là một trong số nhiều bộ lạc nói tiếng Turkic (Thổ) thời cổ, người Uighur hiện nay tập trung đông nhất tại Tân Cương, (Trung Quốc) nhưng cũng sống ở Pakistan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Nga.
Ngoài ra họ có các cộng đồng nhỏ ở cả Ukraine, Đức và một số nước khác do lưu lạc đến sau này.
Các sử liệu Phương Tây ghi nhận sự tồn tại của Đế Quốc Hồi Hột (Uighur Empire) có thủ đô ở Karabalghasun bên bờ sông Orhon, ở về phía Tây của Trung Hoa.
Có hai nhóm Uighur chính: những người du mục, nổi tiếng về đua ngựa và từng được người Hán gọi là tộc Cao Xa hoặc Thiết Lặc, và những cộng đồng định cư làm nghề nông.
Về mặt chủng tộc, họ thuộc nhóm Âu Á (Eurasian) nên có nhiều nét hình thể giống người Đông Á nhưng cũng có những người mũi cao, tóc sáng.
Theo Britannica, đế quốc của người Uighur mà dân Hán cũng gọi là Duy Ngô Nhĩ, đã có quan hệ gắn chặt với các triều đại Trung Hoa.

Người Uighur thuộc nhóm Âu Á và có nền văn hóa lâu đời
Tuy thế, họ không bị người Hán coi là mối đe dọa như nhóm Hung Nô và người Uighur từng giúp vua Đường dẹp loạn An Lộc Sơn năm 755.
Các triều vua Hán thường mua ngựa của người Uighur và bán cho họ các sản phẩm nông nghiệp.
Một vị vương của tộc Uighur, Mouyu còn từng viếng thăm kinh đô Lạc Dương của Trung Hoa.
Vì có ngôn ngữ và tôn giáo giống các dân tộc Trung Á, người Uighur là cầu nối giữa Trung Hoa và các vùng phía Tây.
Kashgar, đô thị có từ thời cổ của người Uighur mà nay thuộc về Tân Cương, Trung Quốc, từng là một trung tâm thương mại trên Con đường Tơ lụa giữa Đông và Tây ở châu Á.
Đầu thế kỷ 20, người Uighur từng tuyên bố độc lập ngắn ngủi ở vùng Đông Hồi (East Turkestan).
Đến năm 1949, chính quyền Mao Trạch Đông thắng trong cuộc nội chiến ở Hoa lục, đưa quân vào làm chủ vùng đất này và gọi là Tân Cương, miền biên giới mới.

Trung Quốc lo ngại gì?

BBC News trích lời giới vận động người Uighur nói rằng văn hóa, thương mại và tôn giáo của họ bị chính quyền Trung Quốc trói buộc.
Trung Quốc cũng bị tố cáo đã tăng cường trấn áp người Uighur sau các cuộc biểu tình trong thập niên 1990 và trước thời gian diễn ra Thế Vận hội Bắc Kinh 2008.
Vẫn theo trang BBC News, trong thập niên qua, nhiều nhân vật nổi trội từ cộng đồng Uighur ở Tân Cương, ước tính có khoảng 9-10 triệu người, đã bị Trung Quốc bắt hoặc truy đuổi khiến họ phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.
Chính quyền Bắc Kinh nói có các nhóm ly khai Uighur và thậm chí có cả những tổ chức khủng bố thuộc sắc dân này.
Ngược lại, các nhóm vận động người Uighur tố cáo Bắc Kinh đưa di dân Hán vào vùng Tân Cương, bắt đầu từ các ‘binh đoàn’ lao động sản xuất nhưng có vũ trang từ thời Mao tới các đợt mới ồ ạt hơn về sau này.

Đại biểu từ Tân Cương tham gia Quốc hội Trung Quốc
Họ cho rằng các nhóm Hán tộc di dân vào Tân Cương làm loãng đi bản sắc của người bản địa và người Uighur trở thành thiểu số ngay tại tân Cương.
Vụ xung đột sắc tộc nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2009 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương khi đám đông người Uighur tràn ra phố, tấn công người Hán, chém chết cả phụ nữ và trẻ em.
Vài ngày sau, các nhóm thanh niên Hán dùng gậy và thanh sắt đã ra phố lùng bắt và đánh trả người Uighur, gây ra thương vong và khiến chính quyền phải đưa quân cảnh ra phố.
Trong vụ bạo lực đó, gần 200 người đã bị thiệt mạng và theo truyền thông Trung Quốc thì đa số nạn nhân là người Hán.
Đầu tháng 3 năm nay, tại nhà ga xe lửa Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã xảy ra một vụ tấn công nghiêm trọng nữa bằng đao mà các mạng xã hội Trung Quốc nói là do các thủ phạm người Uighur thực hiện.
Trong vụ việc, có ít nhất trên 40 thường dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.
Giới quan sát từ bên ngoài nói vụ tấn công gây ngạc nhiên vì cộng đồng Uighur ở Vân Nam và Hồ Nam chỉ có vài nghìn dân làm nghề trồng cấy, ít liên hệ với nhóm Uighur gốc du mục Tân Cương.
Tuy thế, các nguồn tin như New York Times cũng nói sau vụ đâm chém tại ga Côn Minh, công an Trung Quốc vây các khu nhà của người Uighur trong tỉnh và tiến hành các vụ bắt bớ.
Các đợt trấn áp cũ và mới có thể là lý do khiến một số nhóm Uighur tìm đường xuống Đông Nam Á.
Ngoài Việt Nam và Thái Lan, họ cũng đến cả Campuchia và một nhóm từng bị chính quyền Hun Sen trục xuất về Trung Quốc năm 2009.
Theo nhà báo Hamid Ismailov từ ban Trung Á của BBC, người Uighur chạy xuống Đông Nam Á là để tìm đường vòng trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho họ trú ngụ do có cùng nguồn gốc ngôn ngữ và tôn giáo.
Mục tiêu của các nhóm Uighur vì thế không phải là tìm cách định cư ở lại Thái Lan hay Việt Nam.
Dù vậy, chính quyền các nước này đã tìm cách trục xuất họ về Trung Quốc.
Cách đối xử này khác hẳn với chuyện các nước Asean thường cho người tỵ nạn Bắc Hàn sang Nam Hàn định cư.
Vì dù tồn tại như một dân tộc có hàng triệu người nhưng lại không có nhà nước riêng, người Uighur đang phải chịu sự đưa đẩy của hoàn cảnh mà không có quốc gia nào bảo vệ.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/04/140423_uighur_origins_china.shtml

Ba lý do người Uighur tới Việt Nam

Cập nhật: 16:10 GMT - thứ hai, 21 tháng 4, 2014
Người Uighuir chờ ra tòa ở Thái Lan hồi tháng Ba năm 2014
Nhiều người Uighuir cũng bị Thái Lan kết tội nhập cảnh trái phép trong tháng Ba
Vụ việc vượt biên trái phép của người Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh hôm 18/4 cuối cùng đã làm bảy người chết và nhiều người bị thương.
Một trong những lý do mà một nhà báo Việt Nam đưa ra là sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Người Uighur, hay còn gọi là Duy Ngô Nhĩ, có vẻ không hiểu những gì mà lính biên phòng Việt Nam và Trung Quốc nói với họ khi buộc họ phải trở về Trung Quốc ngay lập tức.
Sĩ quan phiên dịch của cuộc gặp, Thiếu tá Nguyễn Minh Đãi, 43 tuổi, người được điều động từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái xuống Bắc Phong Sinh đã chết cùng Thiếu úy Lê Vũ Việt, 24 tuổi trong vụ đụng độ trưa ngày 18/4.
Năm người Uighur bị chết và lý do được quan chức Quảng Ninh nói với BBC là họ nhảy từ tầng cao của đồn biên phòng xuống nhưng một đại tá biên phòng cho biết hai người trong số đó bị bắn chết.
Số người còn lại được phía Việt Nam ngay lập tức trao cho phía Trung Quốc.
Những bức hình được truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy lính Trung Quốc mặc đồ rằn ri và mang mũ có biển 'Công an Quảng Tây', tỉnh giáp ranh với Quảng Ninh đã có mặt ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh để nhận bốn phụ nữ mang khăn trùm đầu cùng hai trẻ nhỏ.
Những người đàn ông hoàn toàn không xuất hiện trong các bức ảnh được đăng tải chính thức cho dù trên mạng xã hội cũng có những ảnh được cho là chụp thi thể của những người Uighur, có người nằm đè lên nhau, trên xe gia súc kéo.
Việc Việt Nam ngay lập tức trao trả người Uighur mà không qua xét xử và tìm hiểu nguyên nhân họ phải bỏ nhà mang theo trẻ nhỏ ra đi đã gây ra chỉ trích.
Công dân mạng cũng bất bình với hình ảnh các thi thể người Uighur nằm ngổn ngang.

Chính sách 'Hán hóa'

Một đồng nghiệp của BBC tiếng Trung nói anh có nói chuyện với một người Uighur đang sống lưu vong ở London và những người Uighur hải ngoại biết rất ít về hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ sống ở tỉnh biên giới Vân Nam.
Đồng nghiệp BBC cũng nói thường mỗi khi có chuyện gì xảy ra với người Uighur ở Tân Cương, nơi có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, người Uighur hải ngoại thường lên tiếng ngay lập tức và cũng thường gắn thêm động cơ chính trị cho những gì xảy ra.
Nhưng trong trường hợp này chưa có tuyên bố gì từ hội người Uighur hải ngoại.
Mặc dù vậy anh cũng nói sau vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh khiến gần 30 người chết và hàng trăm người bị thương hồi tháng Ba, Trung Quốc đã trục xuất người Uighur ở nhiều tỉnh về lại Tân Cương.
Phái đoàn Uighur từ Tân Cương ở Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba
Trong tháng Ba cũng diễn ra vụ tấn công bằng dao của người Uighur ở Côn Minh
Ngoài Việt Nam, người Uighur cũng tới Thái Lan
Năm nay cũng là kỷ niệm năm năm vụ bạo động ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương hồi tháng Bảy năm 2009 làm hơn 200 người chết và hàng ngàn người bị thương.
Mỗi trường hợp ra đi của người Uighur đều có những lý do cá nhân.
"Nhưng có ba lý do bao trùm cho mọi cuộc "bỏ phiếu bằng chân" từ khi Trung Quốc kiểm soát toàn diện Tân Cương hồi năm 1949. Đó là: đói nghèo, phân biệt đối xử và bị đẩy ra rìa xã hội."
Nhưng có ba lý do bao trùm cho mọi cuộc "bỏ phiếu bằng chân" từ khi Trung Quốc kiểm soát toàn diện Tân Cương hồi năm 1949.
Đó là: đói nghèo, phân biệt đối xử và bị đẩy ra rìa xã hội.
Chính sách 'Hán hóa' của Trung Quốc, với mục tiêu người Hán chiếm đa số ở mọi nơi, khiến cho số người Hán ở Tân Cương chiếm tới 40% theo thống kê từ vài năm về trước.
Trong những vụ ra đi gần đây, người ta thấy người Uighur thường kéo cả gia đình đi theo.
Riêng trong những ngày cuối tuần qua, số người Uighur vượt biên vào Việt Nam và Thái Lan đã là 51 người trong đó có năm người thiệt mạng ở Bắc Phong Sinh.
Các quan chức Việt Nam không tiết lộ gì về danh tính 21 người vượt biển vào Việt Nam mà Hà Nội nói phía Trung Quốc đã bắt giữ.
Nhưng nhóm 16 người vào Việt Nam ở Bắc Phong Sinh và nhóm 15 người bị bắt ở Sa Kaeo, Thái Lan có cả thảy bảy phụ nữ và chín trẻ em.
Báo Phnom Penh Post nói những người Uighur cảm thấy họ không thể sống nổi ở quê hương do chính sách hà khắc của chính quyền Trung Quốc.

'Tị nạn'

Trên thực tế chuyện người Uighur vào Việt Nam để tới nước thứ ba, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có cộng đồng lớn người Uighur, đã từng xảy ra.
Sau bạo động ở Tân Cương hồi năm 2009, một nhóm 22 người Duy Ngô Nhĩ cũng đã băng qua Việt Nam để tới Campuchia nộp đơn xin tị nạn.
Tuy nhiên Phnom Penh đã trả họ về Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh cho dù không phải là trả vội vàng qua biên giới như Việt Nam.
Ngay cả Thái Lan, nước cởi mở hơn với người tị nạn so với Việt Nam và Campuchia, hồi tháng trước cũng kết án hàng chục người Uighur xâm nhập trái phép cho dù Hoa Kỳ kêu gọi Bangkok bảo vệ những người này.
Cảnh sát bán quân sự ở Tân Cương nơi gần như năm nào cũng có bất ổn
Cách hành xử của Việt Nam, dù nay đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là điều khó tránh khỏi.
Sức ép của Trung Quốc với Việt Nam, cả về chính trị, thương mại và quân sự, luôn hiện hữu.
Người ta cũng đã đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam về cả hai vụ người Uighur toan vượt biên vào Quảng Ninh nhưng vì lý do nào đó bản thân phía Trung Quốc lại không thể chặn được những người này rời Trung Quốc.
"...Nếu Trung Quốc gặp vấn đề với người Hồi giáo Tân Cương và phật tử ở Tây Tạng thì Việt Nam cũng từng có vấn đề với người Thượng ở Tây Nguyên và người H'Mong ở Mường Nhé, Điện Biên. "
Và nếu Trung Quốc gặp vấn đề với người Hồi giáo Tân Cương và Phật tử ở Tây Tạng thì Việt Nam cũng từng có vấn đề với người Thượng ở Tây Nguyên và người H'Mong ở Mường Nhé, Điện Biên.
Những người Thượng và người H'Mong cũng từng vượt biên qua Lào, Campuchia để tới Thái Lan với hy vọng được đi tỵ nạn và thực tế rất nhiều người đã tới được Hoa Kỳ.
Hiện chưa rõ động cơ cá nhân của nhóm hơn 50 người Uighur mới nhất bỏ nước ra đi và một luật sư ở Việt Nam nói đáng ra Hà Nội cần điều tra rõ ràng vụ việc trước khi có quyết định trao trả những người Duy Ngô Nhĩ muốn vào Việt Nam.
Khi bạo động Tân Cương xảy ra hồi năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã coi những gì xảy ra là "hành động diệt chủng" cho dù Bắc Kinh nói hầu hết trong số 200 người chết ở Urumqi là người Hán.
Với đợt bỏ trốn mới nhất này, Trung Quốc không công khai lý do tại sao người Uighur phải ra đi và những lời kêu gọi những nước như Việt Nam điều tra không phải không có lý.
Nhưng thực hiện theo những lời kêu gọi đó lại bất khả thi với chính sách hiện nay của Việt Nam về nhân quyền và cách tiếp cận ngoại giao hiện có của Hà Nội đối với Bắc Kinh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/blogs/2014/04/140421_uighurs_vietnam_comment.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten