woensdag 23 april 2014

Transnistria : Sự chán nản của người dân một « đất nước không hiện hữu »

Thứ ba 22 Tháng Tư 2014

Transnistria : Sự chán nản của người dân một « đất nước không hiện hữu »

Tượng đài Lenin trước Tiraspol.
Tượng đài Lenin trước Tiraspol.
L.Geslin/RFI

Thụy My
Anna, 28 tuổi, đã quá chán phải « sống trong một đất nước không hiện hữu đối với thế giới ». Những người dân Transnistria, vùng đất ly khai thân Nga của Moldova, muốn quốc gia này được công nhận nhưng cảm thấy bất ổn trước cuộc xung đột tại nước Ukraina láng giềng.

Sau vụ Crimée bị Nga sáp nhập, Moldova và NATO rất quan ngại trước nguy cơ dải đất hẹp có 500.000 dân này sẽ trở thành một điểm nóng mới, ở ngay cửa ngõ Liên hiệp châu Âu. Khoảng 1.500 lính Nga trú đóng tại đây từ nhiều năm qua, trái với ý muốn của Chisinau.
Tại Tiraspol, « thủ đô » của nước cộng hòa không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận, những cây anh đào đã nở hoa, và các gia đình cùng nhau thơ thẩn dạo chơi trên con đường chính. Tuyến đường này chạy dọc theo các công trình vinh danh Liên Xô cũ, và các pa-nô mang dấu ấn của « quốc gia » : một lưỡi liềm và một cây búa, được viền quanh bằng những hạt lúa mì và những quả nho.
Các siêu thị hiện đại của tập đoàn tư nhân Sheriff, đang thống trị nền kinh tế địa phương, cũng tấp nập người vào ra. Nhưng cuộc xung đột Ukraina khiến họ bị khủng hoảng – theo như ghi nhận của một ê-kíp thuộc hãng thông tấn Pháp AFP, đã đến được đất nước vốn hạn chế báo chí ngoại quốc.
Elena Rotari, bán rau quả tại ngôi chợ chính, nhấn mạnh : « Chúng tôi hết sức lo lắng. Transnistria vô cùng lệ thuộc vào Ukraina về tất cả các mặt hàng ». Còn bà Olga Zagoujelskaia, 49 tuổi, người giáo viên gặp gỡ ở đồn biên phòng Koutchourgan-Pervomaisk – trạm kiểm soát vùng biên chính vẫn luôn mở cửa giữa Ukraina và Transnistria, thổ lộ : « Tất cả chúng tôi đều lo sợ chiến tranh sẽ xảy ra ».
Theo Tiraspol, người Ukraina đã siết chặt việc kiểm soát do lo sợ những người thân Nga xâm nhập. Nhưng Tổng thống Transnistria, Evgueni Chevtchouk trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho AFP đã khẳng định : « Nước cộng hòa của chúng tôi, về mặt Nhà nước, không xen vào chuyện nội bộ của Ukraina ».
Trong mảnh đất hẹp với 30% dân số là người Nga, 28% là người Ukraina và 40% người Moldova, cuộc khủng hoảng Ukraina đã làm khơi dậy những kỷ niệm đau thương trong cuộc nội chiến đã làm cho 800 người chết vào năm 1982. Bà Zagoujelskaia nói : « Chúng tôi biết chiến tranh là như thế nào. Thật đáng buồn khi thấy những người anh em bắn giết lẫn nhau tại Ukraina ».
Lo ngại tiếng Nga sẽ biến mất tại Moldova, nơi tiếng Rumani là ngôn ngữ chính, Transnistria đã ly khai từ năm 1990 khi Liên Xô tan rã và một loạt các nước cộng hòa tuyên bố độc lập. Hai nước anh em thù địch, Moldova và Transnistria ngày nay nằm đối diện với nhau, chia cắt bởi dòng sông Dniestr.
Bên tả ngạn, Tiraspol mơ một liên minh hải quan với Matxcơva. Bức tượng Lênin ngự trị trước « Xô viết tối cao », tức Quốc hội Transnistria, và đơn vị tình báo hoạt động rất tích cực của nước này vẫn luôn được gọi bằng cái tên KGB. Bên hữu ngạn, Moldova đang chuẩn bị ký kết một hiệp ước hợp tác với Liên hiệp châu Âu. Ở mỗi bên, hàng ngàn công dân vẫn giữ những tấm hộ chiếu do Liên Xô cũ cấp, và nay vẫn còn giá trị.
Một điều nghịch lý là cho dù tuyên bố độc lập, câu lạc bộ bóng đá Sheriff Tiraspol vẫn tham gia giải vô địch quốc gia Moldova, và các công ty Transnistria đăng ký hoạt động tại Chisinau để có thể xuất khẩu.
Còn các công dân thì phải tự xoay sở. Do hộ chiếu của họ không hề có giá trị đối với các nước khác trên thế giới, người dân ở đây đành phải tìm cách xin giấy tờ của Moldova, của Nga hay Ukraina.
Tuần trước, Tiraspol đã yêu cầu Matxcơva và Liên Hiệp Quốc công nhận là quốc gia độc lập – một sự độc lập đã được đến 97% phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức năm 2006.
Độc lập để rồi sáp nhập vào Matxcơva ? Ngồi trong văn phòng, dưới tấm ảnh chân dung ông Vladimir Putin, Tổng thống Chevtchouk từ chối mọi sự « lợi dụng ». Tuy vậy trong quá khứ ông đã từng « mơ được tiến bước cùng với Nga ».
Ông Putin chỉ nhắc lại rằng Transnistria phải được « tự quyết định về số phận của mình », trong khi không hề chính thức công nhận vùng đất hẹp này, không hề có cùng biên giới với nước Nga.
Theo nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev, điện Kremli không có lợi lộc gì khi sáp nhập Transnistria vào Nga. Dù vậy, bà Rotari ở Tiraspol tin rằng : « Tương lai của chúng tôi là ở Nga. Matxcơva luôn giúp đỡ chúng tôi ».
Matxcơva luôn giúp cho nền kinh tế Transnistria sống cầm hơi, với số tiền hỗ trợ khoảng một tỉ đô la mỗi năm (cung ứng khí đốt, viện trợ nhân đạo) – theo chủ tịch Quốc hội Mikhail Bourla, được báo chí địa phương trích dẫn. Kremli chi món tiền trợ cấp bổ sung 15 đô la cho người về hưu, cao hơn lương hưu ở Moldova.
Một cư dân trẻ tuổi không muốn nói tên cho biết : « Các báo chí được tiếp đón ở đây là truyền thông Nga hoặc thân Nga, điều này ảnh hưởng lên công luận ». Việc đóng cửa một số diễn đàn trên mạng cũng bị chỉ trích.
Trong một vùng đất hẹp với mức lương trung bình khoảng 200 euro một tháng, hàng chục ngàn người đã đi định cư ở các nước khác. Hiện nay tại Transnistria, người về hưu nhiều hơn là người đi làm việc.
Đối với Galina Mikhailova, người luật gia trẻ tuổi làm cho một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lãnh vực xã hội : « Dù là một Nhà nước độc lập hay không - tôi cảm thấy gần gũi với Moldova hay Nga hơn - điều quan trọng là được công nhận. Nếu không, người dân sẽ tiếp tục ra đi ».
TAGS: CHÍNH TRỊ - NGA - QUỐC TẾ - TRANSNISTRIA - XÃ HỘI
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140422-transnistria-su-chan-nan-cua-nguoi-dan-mot-%C2%AB-dat-nuoc-khong-hien-huu-%C2%BB

Geen opmerkingen:

Een reactie posten