Thứ ba, 11/6/2013 06:10 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (1)
Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.
Thời gian qua, ca sĩ Ái Vân mời nhà báo Đinh Thu Hiền giúp chị viết cuốn hồi ký về cuộc đời mình. Dự án hiện chưa hoàn thành. Tuy vậy, với mong muốn chia sẻ đến bạn đọc những trang viết còn “nóng hổi”, Ái Vân và người chấp bút gửi đến Trang Sách của VnExpress chương một bản thảo cuốn sách. Chương một hiện được tác giả đặt tên là “Tuổi thơ và những biến cố gia đình”. |
Tôi sinh ra vào lúc 11 giờ 15 ngày 30/10/1954, sau ngày Giải phóng Thủ đô tròn 20 ngày. Nếu như không phải sinh ra vào những ngày này, có lẽ số phận của tôi cũng đã thay đổi, cả gia đình chắc cũng thay đổi. Do vậy, tôi luôn tin vào định mệnh. Có những sự kiện xảy ra trong cuộc đời tôi sau này, dù đã cưỡng lại, nhưng tôi vẫn đành chấp nhận, coi như đó cũng là những trắc trở của số phận mình. Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.
Nghệ sĩ Ái Liên - giai nhân xứ Bắc một thời. |
Má tôi, từ họ tên Thái Thị Ái Liên, khi có cha dượng, đã được bà ngoại tôi đổi sang họ Lê, nên mang tên mới: Lê Thị Ái Liên. Bà ngoại sinh má tôi tại ngõ Nghè, Hải Phòng, nhưng sau khi có gia đình mới, ông bà ngoại đã sang Hong Kong lập nghiệp. Nhờ vậy, má tôi thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Pháp và tiếng Anh.
Bà ngoại tôi là người nấu ăn giỏi, tất cả các món ăn phương Tây và của người Hoa nên công việc của ông bà tại Hong Kong rất phát đạt. Trở về Việt Nam sau một thời gian sinh sống xứ người, ông Thuyết đột ngột qua đời. Bà ngoại một thân một mình đưa má tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội mưu sinh. Năm má tôi 16 tuổi, có cuộc thi người đẹp Bắc kỳ, kiểu như thi hoa hậu hiện nay, má tôi đăng ký tham gia và đoạt giải cao nhất. Từ đó, má lừng danh. Cái tên Ái Liên trở thành niềm đam mê của nhiều chàng trai si tình. Má vừa đẹp, lại hát hay, lại chơi được đàn măng-đô-lin, piano và đàn nguyệt, lại đánh trống nữa, hỏi ai mà không mê. Má tôi thừa hưởng gen nghệ thuật của bà ngoại, của các thành viên bên ngoại như ông cậu Canh Thân, bà dì Lượng và bà dì Lan Phương. Ngày nhỏ, ngay tại ngõ Nghè, Hải Phòng, ban nhạc Đồng Ấu của gia đình đã được ra đời. Và má tôi, dù bé tí xíu nhưng cũng là thành viên rất oách trong ban nhạc này.
Ngày đó, hình ảnh Ái Liên trong bộ áo đuôi tôm trắng, mũ ống trắng, tay cầm can trắng nhảy cracket điệu nghệ trong các bài hát nước ngoài lời Việt đã trở thành biểu tượng âm nhạc những năm 30-40 thế kỷ trước. Má tôi cũng là người đi đầu và khởi xướng các trào lưu thời trang lúc đó bằng các mode áo dài mà má mặc hàng ngày. Báo chí săn đón chụp hình khiến hình ảnh của má tôi mỗi ngày mỗi rực rỡ. Việc quản lý và hướng dẫn má tôi do bà ngoại đảm nhiệm, giống như bầu show hiện nay. Bà đưa ra cho má một lịch sinh hoạt khá chuyên nghiệp: đúng 12 giờ trưa ăn cơm, 17 giờ ăn nhẹ và sau khi đi diễn về mới ăn uống hoành tráng và linh đình.
Ca sĩ Ái Vân (trái) bên em gái Ái Xuân thời bé. |
Thời ấy, Hà Nội còn lạc hậu, việc đi lại Nam - Bắc không hề dễ dàng, thế nên, những hộp quà tặng trang sức dù không phải đồ thật nhưng độc đáo của chàng trai goá vợ đã tạo được ấn tượng tốt. Trong khi đó, các chàng trai con nhà trâm anh thế phiệt tới xin cưới má thì lại mang rất nhiều tiền vàng thật sự. Có một công tử từ Trung kỳ đi cùng mẹ ra Hà Nội để xin cưới Ái Liên đã mang cả tráp vàng bạc đá quý. Khi má tôi nói không chịu lấy, bèn ra Hồ Tây tự vẫn. Nhưng khi công tử nhảy xuống hồ rồi, không thấy có ai để ý tới mà vớt lên, công tử tiếc đời nên… đành bơi lại vào bờ.
Ca sĩ Ái Vân. |
Có được người đẹp trong mộng, khỏi phải nói ba tôi đã mừng rỡ thế nào. Đám cưới của ba má tôi được tổ chức linh đình tại Sài Gòn. Y phục cưới của ba và má rất đẹp và sang trọng theo phong cách châu Âu. Một vài công tử đã thất bại trong việc xin cưới má tôi bèn đánh tiếng đe doạ và phá đám. Vì thế tại đám cưới, ba tôi đã thuê một dàn vệ sĩ để bảo vệ. Tôi không biết việc doạ nạt này có thật không, hay cũng có khi là một cách để ba tôi… PR cũng chưa biết chừng.
Còn tiếp…
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ tư, 12/6/2013 10:45 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (2)
Ba tôi níu chân vợ bằng cách cứ hết sinh xong đứa này, lại mang bầu ngay đứa khác, cho khỏi có anh nào có ý định 'léng phéng'.
Sau khi cưới nhau, má tôi sinh con liên tiếp. Tôi là con thứ 9 trong gia đình, sau tôi còn hai em nữa, là Ái Xuân và Ái Thanh. Thực ra thì má tôi đã mang thai 14 người con nhưng bị sảy thai 3 lần. Rồi 3 anh chị của tôi lại mất từ khi còn rất nhỏ. Sau đó, ba má tôi tiếp tục mất thêm một người con gái tài sắc nữa, đó là chị Ái Loan. Chị Ái Loan năm 18 tuổi đã trở thành nghệ sĩ cải lương nức tiếng thời đó. Trong một lần đi biểu diễn tại Hải Dương, chị bị cảm nắng, cô y tá trong đoàn đã chích trực tiếp thuốc peniciline vào ven của chị. Ái Loan bị sốc thuốc và qua đời ngay lập tức. Sự ra đi đột ngột của cô con gái trở thành nỗi đau quá lớn đối với ba má tôi nhiều năm sau đó. Gia đình tôi còn lại 7 anh chị em là con của ba với má Ái Liên và 3 anh chị là con của ba với người vợ đầu.
Sau này nhiều người hỏi vì sao ba má tôi lại sinh con nhiều như thế, ba tôi nói vì má quá đẹp, nên để giữ vợ, ông đành níu chân vợ bằng cách cứ hết sinh xong đứa này, lại mang bầu ngay đứa khác, cho khỏi có anh nào có ý định “léng phéng”. Cả đời của NSND Ái Liên, ngoài sân khấu ra, thì chỉ là mang bầu và nuôi con.
Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên và chồng - ông Hà Quang Định, chủ rạp hát đầu tiên tại Việt Nam - trong ngày cưới. |
Căn nhà 36-38 phố Huế của gia đình tôi là nhà hương hỏa của dòng tộc bên nội. Ông bác của ba tôi vì không có con trai nên mới để lại cả ngôi nhà ấy cho cháu trai nối dõi, là ba tôi. Sau đám cưới nổi đình nổi đám tại Sài Gòn, ba tôi quay lại phố Huế, lập ra gánh hát và rạp hát Ái Liên ngay tại ngôi nhà 700 m2 này. Gánh hát chủ yếu diễn tại đây, nhưng cũng có khi đi biểu diễn ở Sài Gòn. Má tôi khi đó có kết hợp với cô đào Kim Chung, là một người gốc Bắc vào Sài Gòn sinh sống, tạo thành gánh hát Kim Chung - Ái Liên. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, không hiểu lý do gì mà gánh hát tan rã. Sau này cô Kim Chung đã tạo thành 7 gánh hát cực kỳ thành công.
Lại nói về ba tôi, ông một mặt vẫn buôn bán xe hơi, một mặt là bầu sô của gánh hát và điều hành rạp hát Ái Liên. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, tiền bạc và công danh đi liền nhau nên ông bầu Hà Quang Định cũng trở thành một nhân vật nhiều người biết tới. Kinh doanh tại Sài Gòn lâu năm, ba tôi nhận thấy Sài Gòn là vùng đất rất đam mê các môn nghệ thuật giải trí, người Sài Gòn khoáng đạt, vui vẻ, nên muốn đưa cả gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Nhưng có hai sự kiện gần như xảy ra cùng một lúc khiến việc thay đổi này không thực hiện được: Thủ đô được giải phóng và má tôi chuẩn bị nằm cữ sinh ra tôi.
Ba tôi là người đàn ông vô cùng đam mê vợ mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn ngưỡng mộ. Tìm được người đàn ông yêu và say vợ như ba Định, thời loạn lạc hay bình yên cũng không dễ thấy. Giai đoạn chiến tranh, di tản liên tục, đồ đạc cũng thất lạc thường xuyên, vậy mà tất cả xoong nồi, công tắc điện, xô chậu, thậm chí đến cả bức tường của nhà vệ sinh công cộng, ông cũng khắc lên đó tên viết tắt của má tôi: A.L.
Bài báo tư liệu về Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên. |
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam, tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công tắc có chữ A.L được khắc trên đó mà không khỏi phì cười.
Ngôi nhà phố Huế của tôi giờ không còn là của gia đình tôi nữa. Sau Giải phóng Thủ đô, ba đã hiến căn nhà cho nhà nước, chỉ giữ lại 2 phòng nhỏ phía dưới và căn gác nhỏ phía sau để gia đình sinh sống. Đơn vị tiếp quản là Bộ Văn hóa. Trong thâm tâm, sinh thời, ba tôi nói, vì muốn vợ và các con vẫn được biểu diễn ngay trong rạp hát của gia đình nên mới hiến nhà. Nhưng cuộc đời đâu ai hay biết trước, thế gian vật đổi sao dời. Đầu tiên, rạp hát Ái Liên được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Sau thời gian nữa, rạp hát bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Thời thơ ấu, tôi vẫn được xem nghệ thuật múa rối hàng ngày, những khi đoàn không có lịch diễn, tôi và các anh chị em chui xuống gầm sân khấu để chơi trốn tìm. Mọi thứ đã theo sự khắc nghiệt xoay vần con tạo, khiến cho khát vọng và bao nhiêu công sức, tiền của của ông bầu sô thành đạt Hà Quang Định đã bể như bong bóng xà bông theo những biến động thời cuộc.
Như tôi đã nói, ba tôi rất yêu vợ và yêu luôn cả nghề nghiệp của vợ. Con cái trong nhà, ai đi theo nghiệp diễn của má, đều được ba cưng như trứng mỏng. Tôi và Ái Xuân được ba rất chiều chuộng là vậy. Khi chúng tôi ngủ trưa, ba không cho ai tới gần hay đánh thức dậy. Chị em tôi cũng chẳng đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Vì thế, tôi và Ái Xuân hơi đoảng, chẳng làm việc gì nên suốt ngày tập hát. Chiếc giường phản nằm giữa hai căn phòng nhỏ là nơi chứng kiến việc hai chị em tôi tập tuồng hàng ngày.
Đối với tôi, căn nhà 36-38 phố Huế không chỉ là gia đình, là tuổi thơ, mà còn là cái nôi đầu tiên để tôi bước vào con đường nghệ thuật…
Phần 1, Còn tiếp…
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ năm, 13/6/2013 14:50 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (3)
Vì được cưng chiều đến thế nên đến đêm tân hôn của anh Hiến (anh trai tôi) và chị Bích Tuyên, tôi đã khóc nằng nặc đòi vào ngủ chung.
Tôi tuổi con Ngựa, có lẽ vì thế mà thời bé tí ti, đêm nào tôi cũng khóc đòi ba bế đi chơi. Hàng phố lúc đó đã quen với hình ảnh người đàn ông đêm đêm bế con gái đi dọc phố Huế ra tới chợ Hôm. Chỉ đến khi nào cô bé ngủ say trên vai thì hai bố con mới quay về.
Chiếc giường tôi ngủ trong nhà khá điệu đà, đó là tấm phản có song sắt kiểu cổ của Pháp. Những giấc ngủ của tôi đến chầm chậm và khoan khoái với sự cưng nựng bằng cách xoa và gãi lưng của cụ ngoại, với cái mát hiu hiu từ chiếc quạt máy hiệu Morelli. Khi cụ ngoại mất, bà ngoại và các anh lại xoa lưng và kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Vì được cưng chiều đến thế nên đến đêm tân hôn của anh Hiến (anh trai cả của tôi) và chị Bích Tuyên, tôi đã khóc nằng nặc đòi vào ngủ chung. Đôi tân lang, tân nương vì thương em nên cũng đành đồng ý. Đến sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi ngạc nhiên vô cùng vì thấy thay vì nằm trên giường như lúc đi ngủ, thì mình lại nằm… chèo queo ở dưới sàn nhà. Sau mấy đêm liền phá quấy tuần trăng mật của anh chị như vậy, cuối cùng tôi cũng phải trật tự quay về đúng chỗ của mình.
Vài năm sau, sự việc lại tái diễn nhưng nạn nhân là cô dâu Ngọc Quyên và chú rể Hà Quang Sơn. Và kẻ phá bĩnh lần này là Ái Xuân. Xuân cũng khóc đòi anh chị cho nằm giữa, đòi gãi lưng và nghe chuyện cổ tích ...Rồi vì ngủ say quá, nhóc con đã tặng luôn anh chị "món quà ướt" thật đáng nhớ. Báo hại cô dâu mới về sáng sớm phải khệ nệ vác cả chăn lẫn chiếu đi giặt...
Hồi nhỏ, tôi rất lười ăn, người gầy nhẳng, bị anh chị trong nhà gán cho mọi biệt danh: nào là chiếc mắc áo di động, nào là hình nhân thế mạng, nào là cò hương, và đặc biệt là Vân "sún". Tôi sún răng bởi ăn rất chậm, chậm đến mức ăn một miếng cơm rồi ngậm đi ngủ, đến khi ngủ dậy, vẫn thấy miếng cơm ở trong miệng như cũ. Ba má bữa nào cũng dỗ dành nếu ăn hết bát cơm thì sẽ cho sang Đoàn xem tập tuồng. Vậy là hàng ngày tôi qua bên Đoàn cải lương Nam bộ, số 23 Ngô Thì Nhậm, bây giờ là Nhà hát Tuổi Trẻ, để xem má và các cô chú diễn tập tuồng cải lương.
Đoàn cải lương Nam bộ phần lớn nghệ sĩ là người Nam tập kết ra Bắc. Má tôi có gốc Bà Rịa - Vũng Tàu, trước năm 1954 má cũng đã hát nhạc Tây, tiếng ta bằng giọng Nam Bộ và thường xuyên lưu diễn các tỉnh phía Nam nên Má nói giọng Nam Bộ rất chuẩn và hát cải lương thật mùi. Chính vì có sự gắn bó thân thiết với nghệ thuật và con người Nam bộ nên cách xưng hô trong gia đình của tôi cũng khác với tất cả những gia đình Hà Nội khác: thay vì gọi Bố - Mẹ, chúng tôi gọi là Ba - Má. Ăn cơm cũng không mời chào khắp lượt mà giản tiện hơn theo cách của người Nam. Gia đình tôi cũng có thêm “những yếu tố Nam bộ”: chị Ái Mai lấy chồng và anh Quang Văn lấy vợ là người Nam. Còn tôi thì cũng sém chút nữa trở thành dâu con của Nam bộ qua mối tình với L., con trai một vị luật sư nổi tiếng của Sài Gòn thời đó...
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/chuyen-doi-ca-si-ai-van-hoi-uc-mot-doa-hong-3-2821220.htmlChiếc giường tôi ngủ trong nhà khá điệu đà, đó là tấm phản có song sắt kiểu cổ của Pháp. Những giấc ngủ của tôi đến chầm chậm và khoan khoái với sự cưng nựng bằng cách xoa và gãi lưng của cụ ngoại, với cái mát hiu hiu từ chiếc quạt máy hiệu Morelli. Khi cụ ngoại mất, bà ngoại và các anh lại xoa lưng và kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Vì được cưng chiều đến thế nên đến đêm tân hôn của anh Hiến (anh trai cả của tôi) và chị Bích Tuyên, tôi đã khóc nằng nặc đòi vào ngủ chung. Đôi tân lang, tân nương vì thương em nên cũng đành đồng ý. Đến sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi ngạc nhiên vô cùng vì thấy thay vì nằm trên giường như lúc đi ngủ, thì mình lại nằm… chèo queo ở dưới sàn nhà. Sau mấy đêm liền phá quấy tuần trăng mật của anh chị như vậy, cuối cùng tôi cũng phải trật tự quay về đúng chỗ của mình.
Ái Vân trong phim "Chị Nhung". |
Hồi nhỏ, tôi rất lười ăn, người gầy nhẳng, bị anh chị trong nhà gán cho mọi biệt danh: nào là chiếc mắc áo di động, nào là hình nhân thế mạng, nào là cò hương, và đặc biệt là Vân "sún". Tôi sún răng bởi ăn rất chậm, chậm đến mức ăn một miếng cơm rồi ngậm đi ngủ, đến khi ngủ dậy, vẫn thấy miếng cơm ở trong miệng như cũ. Ba má bữa nào cũng dỗ dành nếu ăn hết bát cơm thì sẽ cho sang Đoàn xem tập tuồng. Vậy là hàng ngày tôi qua bên Đoàn cải lương Nam bộ, số 23 Ngô Thì Nhậm, bây giờ là Nhà hát Tuổi Trẻ, để xem má và các cô chú diễn tập tuồng cải lương.
Đoàn cải lương Nam bộ phần lớn nghệ sĩ là người Nam tập kết ra Bắc. Má tôi có gốc Bà Rịa - Vũng Tàu, trước năm 1954 má cũng đã hát nhạc Tây, tiếng ta bằng giọng Nam Bộ và thường xuyên lưu diễn các tỉnh phía Nam nên Má nói giọng Nam Bộ rất chuẩn và hát cải lương thật mùi. Chính vì có sự gắn bó thân thiết với nghệ thuật và con người Nam bộ nên cách xưng hô trong gia đình của tôi cũng khác với tất cả những gia đình Hà Nội khác: thay vì gọi Bố - Mẹ, chúng tôi gọi là Ba - Má. Ăn cơm cũng không mời chào khắp lượt mà giản tiện hơn theo cách của người Nam. Gia đình tôi cũng có thêm “những yếu tố Nam bộ”: chị Ái Mai lấy chồng và anh Quang Văn lấy vợ là người Nam. Còn tôi thì cũng sém chút nữa trở thành dâu con của Nam bộ qua mối tình với L., con trai một vị luật sư nổi tiếng của Sài Gòn thời đó...
Ái Vân (phải) và bạn bè trên đường phố Sài Gòn năm 1975. Ảnh tư liệu. |
Trong trích ngang lý lịch, gia đình tôi thuộc thành phần tiểu tư sản. Dù tiểu tư sản thì “nhẹ” hơn so với tư sản, nhưng lại không thuộc thành phần chính lúc đó là công - nông - binh. Chính vì thế, sau giải phóng, cuộc đời ba tôi đột ngột thay đổi. Đang là hình ảnh ông bầu của rạp hát lẫy lừng, người quản lý cho nghệ sĩ nổi tiếng Ái Liên, đang là người đàn ông trụ cột gia đình, đang rất phong lưu, hào hoa và hoạt bát vui vẻ, bỗng dưng ba tôi mất trắng, không còn gì cả.
Trong bối cảnh đất nước vừa giành lại độc lập còn bộn bề rất nhiều việc, thì một nghề làm ông bầu rạp hát hay quản lý nghệ sĩ như ba tôi trở thành lạ lẫm và xa xỉ. Nghề của ba tôi không tìm được đất sống nữa, ông trở thành người thất nghiệp.
Vai trò gánh vác gia đình trong gia đình tôi bỗng nhiên thay đổi. Trước đây, má tôi chỉ biết quanh quẩn bên con cái và trình diễn trên sân khấu thì đến giờ,má còn tất bật với những công việc ngoài xã hội như họp Hội phụ nữ, Hội nghệ sĩ sân khấu, Hội đồng nhân dân... Trong khi má tất bật bên ngoài thì ngược lại, ba tôi ở nhà thay vợ nấu ăn, chăm sóc dạy dỗ con cái. Với những hoạt động trên sân khấu và ngoài xã hội liên miên như thế, cùng với việc có bầu sinh con liên tiếp nên sức khoẻ má tôi giảm sút nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi thì vô lo vô nghĩ, chỉ thấy lúc nào cũng thèm có má.
Khi đó tôi khoảng 4-5 tuổi và Ái Xuân chừng 1-2 tuổi, chúng tôi thường ngủ với bà ngoại nên chị em tôi được nhìn thấy má nhiều nhất là trong các vở tập tuồng cải lương trên sân khấu của Đoàn. Thỉnh thoảng, má đi diễn về sớm, tôi và Ái Xuân được dịp tranh giành nằm cạnh má. Thích nhất là vào những đêm mùa đông rét buốt, gió thổi ù ù chạy trên mái nhà, hai tay của tôi kẹp chặt vào nách, hai chân ríu vào giữa đùi má, tận hưởng cảm giác ấm sực. Da dẻ của má tôi trắng trẻo, mịn màng và thơm tho vô cùng. Tôi cứ rúc vào cổ má hít hà tới mức má phải kêu lên: “Con bé này, tay chân gì mà lạnh như ma thế!”. Rồi má hát, thường nghe nhất là bài “Ru con”: Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ. Năm canh chày, giấc ngủ vừa năm…
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ sáu, 14/6/2013 15:06 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (4)
Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Một bữa, má tôi mang về nhà một miếng vải in hình các trái bong bóng đủ màu sắc rất đẹp mắt, rồi bảo sẽ may quần áo cho hai chị em Ái Vân - Ái Xuân. Chị em tôi bèn lấy ngay miếng vải quấn má lại, nói rằng làm thế này để má khỏi đi đâu được nữa, Má sẽ ở nhà với mình. Bà ngoại phải dỗ dành mãi mới gỡ miếng vải ra khỏi người má để mang may đồ cho hai chị em.
Bà ngoại tôi là người vừa nấu ăn ngon, lại may vá rất giỏi. Bà cũng vô cùng thiện nghệ trong việc làm đạo cụ sân khấu bằng giấy bồi. Chính bà đã truyền nghề này lại cho anh Hà Quang Sơn. Anh Sơn sau này làm đạo cụ sân khấu cho nhiều vở của Đoàn kịch nói Trung Ương, Đoàn cải lương, tuồng, chèo, múa rối. Tôi còn nhớ hồi đó, mỗi khi các đoàn dựng vở mới là sân nhà tôi lại rộn ràng, tấp nập. Mấy bà cháu dán dán bồi bồi, sơn sơn phết phết đủ thứ từ trái cây, bộ ấm chén cho tới con gà, con cá.
Bà ngoại tôi nghiện thuốc lào rất nặng. Bà vừa làm các đạo cụ sân khấu bằng giấy bồi, vừa chỉ dẫn cho đàn cháu. Thỉnh thoảng bà dừng tay, rít thuốc lào sòng sọc trong bát điếu. Cái xe điếu của bà là nỗi sợ hãi của chúng tôi. Cho dù bà không dùng nó để đánh đòn, nhưng hễ đứa nào cứng đầu, bà liền dứ dứ xe điếu bằng trúc, vậy là đứa nào đứa nấy xanh mặt.
Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên ngày bé (phải) và mẹ. |
Thời đó, gia tài của cả nhà tôi chỉ có 4 món đáng giá nhất: chiếc xe đạp Dura của Pháp, quạt máy Morelli, chiếc máy khâu và đài bán dẫn. Từ chỗ sở hữu 7 chiếc xe đạp Dura, giờ chỉ còn có một chiếc duy nhất để làm phương tiện đi lại cho cả gia đình, mới biết ba má tôi đã phải khổ sở với hoàn cảnh mới thế nào. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại đó. Thời gian này mới chỉ là giai đoạn đầu của sự sa sút trong một gia đình vốn phong lưu và nổi tiếng của ba má tôi mà thôi.
Trong ngôi nhà phố Huế, đại gia đình tôi, nội - ngoại cùng chung sống. Bên nội ở trên gác, còn bên ngoại ở dưới nhà, cả thảy có 4 thế hệ. Cô ruột tôi, ca sĩ Hà Huyền Nga có nhiệm vụ lo cho ông bà nội, còn ba má tôi thì lo cho bên ngoại. Lúc này, anh cả Hà Quang Hiến đã học xong Trung cấp thủy sản và đi làm, anh trai Hà Quang Tuyên cũng đã đi dạy học ở Hải Phòng, chị Hà Thị Phi Yến đã cưới chồng, chị là diễn viên Đoàn cải lương Chuông Vàng Thủ Đô. Ở nhà còn cả thảy có 10 miệng ăn. Cả ba má tôi đều không quen những công việc thu vén nhà cửa với bầy trẻ con lít nhít chúng tôi, do vậy, một tay bà ngoại tôi xoay xở.
Tháng nào cũng vậy, nửa tháng đầu là đã tiêu hết veo tiền lương, nửa tháng sau phải đi ứng tiền lương để sống tiếp. Quần áo thì cứ lấy của đứa lớn may lại cho đứa nhỏ kế tiếp. Để cải thiện bữa ăn, ba má tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín khắp cả miếng sân trước nhà. Chiều chiều, mấy anh em tôi đi xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn. Đến bữa, con lợn kêu ầm lên, còn con gà nhảy ra gào cục tác vào đúng lúc còi trưa của Nhà hát lớn cất lên. Bà ngoại tôi sẽ xem đứa nào ngày đó cần tẩm bổ thì lôi ra, cho mút trứng gà sống. Tôi gầy nhất nên thường bị bắt phải ăn, sợ phát khiếp!
Nhưng đúng thời gian này, khi gà, lợn, ngỗng đang lớn nhanh thì sân khấu Ái Liên – nơi đã biến thành sân khấu múa rối cũng bị xóa bỏ hoàn toàn. Ước mong của ba tôi khi cho nhà nước sử dụng nhà là để vợ con được đứng hát trên sân khấu nhà mình đã tan tành mây khói. Sân khấu - Rạp hát Ái Liên - một trong những rạp hát hiếm hoi của Hà Nội, nơi gửi gắm bao khát khao, bao mồ hôi và nước mắt của ông bầu Hà Quang Định và cả đại gia đình đã chẳng còn nữa, thay vào đó là bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa.
Ca sĩ Ái Vân cùng anh trai Hà Quang Hiến. |
Mảnh sân nhà, nơi mang đầy những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ của chúng tôi, giờ chật ních mấy chục chiếc xe đạp của nhân viên Bộ Văn hóa tới ăn bếp ăn tập thể. Vậy là bao nhiêu lợn, gà, ngỗng, thỏ và cả giàn nho xanh um mướt mát đều bị phá bỏ và lên mâm. Tôi yêu quý những chú thỏ vô cùng, con vật xinh đẹp đáng yêu là thế cũng bị cho vào nồi, nên tôi nhất quyết không ăn. Còn anh Thành và chị Mai tôi, người đã có công nuôi lợn thì ba má nói “dành cho mỗi đứa cái chân giò để chiêu đãi bạn bè”.
Khi con lợn mà anh Thành hàng ngày chăm sóc bị giết mổ, anh đã khóc hu hu, rồi trốn khỏi nhà một mạch từ sáng tới đêm mới quay trở về. Nhưng đến ngày hôm sau, khi cơn xúc động đi qua rồi, cơn … đói bụng òa tới, anh cũng chén sạch những món ăn làm từ chú lợn mà anh đã cho ăn và tắm rửa hàng ngày! Riêng hai chú ngỗng sau khi “bị” hoá kiếp thì được bà ngoại tôi đã lấy mỡ ngỗng rán lên, bỏ vào cặp lồng. Bếp ăn tập thể bữa nào nấu cơm có cháy, bà xin về, lấy mỡ ngỗng rưới lên trên cơm cháy rồi cho lũ cháu chúng tôi ăn. Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ bảy, 15/6/2013 10:55 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (5)
Có lẽ vì sống trong những vòng tay bao bọc kỹ càng ấy mà chúng tôi đều khờ khạo khi ra ngoài đời và thường gặp những bất hạnh trong tình cảm đôi lứa.
Hàng ngày, trẻ con phố Huế chúng tôi thường chơi nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê và chơi chuyền. Nhưng trò chơi mà chúng tôi khoái nhất là đi bấm chuông các nhà trong phố. Cứ 22 giờ, anh Thành dẫn đầu lũ chúng tôi, kiếm những nhà nào có chuông điện, nhấn chuông rồi cả lũ chạy nấp vào một chỗ xem có ai bị mắc lừa ra mở cửa là đám trẻ con khoái chí, còn nhà nào không ra mở cửa thì tức ơi là tức. Được một thời gian, hàng phố đã quen trò nghịch ngợm của lũ trẻ nên chẳng thèm quan tâm nữa, trò chơi này cũng bị rã đám.
Anh Hà Quang Thành và em út Ái Thanh. |
Hồi đó, anh Thành hay khởi xướng ra các trò tinh nghịch, được trẻ con trong phố gọi là "đại tướng Thành". Đại tướng này sở hữu rất nhiều những thành tích bất hảo, hết đánh nhau với trẻ con phố khác rồi lại đánh nhau trong trường. Anh còn trốn học, giành ăn với các em hay ăn gian khi đánh bài tú lơ khơ. Chúng tôi bị ăn hiếp nhiều lần, tức muốn chết nhưng quả thật chúng tôi lúc nào cũng nhiệt tình hưởng ứng các trò tinh nghịch của ông anh trai này.
Anh cũng là nỗi ám ảnh của tôi và Ái Xuân trong những bữa cơm. Bởi gia đình ba má tôi đông con nên mỗi khi có tí "chất tươi" như thịt, cá thì việc của bà ngoại là chia cho mỗi đứa cháu khẩu phần một miếng cho cả bữa. Miếng ăn ngon, nên tôi và Ái Xuân bao giờ cũng để dành ăn sau cùng. Anh Thành vì ăn khỏe nên đã "tắc lẻm" thịt, cá ngay từ miếng đầu tiên. Rồi, rất nhanh, anh chộp luôn "của để dành" của chúng tôi trong bát bỏ tọt vào miệng. Hai đứa nhóc chúng tôi không biết làm sao, đi mách người lớn thì anh cũng chỉ bị phạt sơ sơ vì ai mà nỡ đánh trẻ vì miếng ăn bao giờ. Thế nên tình trạng "cướp giật" không cải thiện là bao. Có lần, tôi và Ái Xuân nháy nhau, hí hửng nói: "Miếng thịt này em liếm nước bọt rồi đấy nhé!", và đang rất yên tâm vì "bảo bối" này thì ông anh thoăn thoắt thò đũa sang "xuyên táo" một lúc cả hai miếng thịt của hai bát luôn. Bị ức hiếp quá đáng, lần sau tôi và Ái Xuân quyết định phản công. Hai đứa vừa âm mưu giật lại miếng ăn thì ai ngờ anh Thành bỏ tọt miếng đậu hũ kho vào trong miệng, ngậm một lúc rồi mới nhả ra bát và tỉnh queo nói: "Đấy, nhường cho hai đứa đấy!".
Tuy vậy, thỉnh thoảng anh cũng làm những trò có lý như làm đầu con sư tử cho chúng tôi rồng rắn chạy theo sau rước đèn vào những dịp Tết Trung thu. "Tướng" Thành cũng có ưu điểm là rất thường bênh vực các em và lũ trẻ trong phố. Chỉ cần biết đứa nào bị bắt nạt là "Tướng" sẵn sàng ăn thua đủ với đối phương để bảo vệ đám quân dưới trướng.
Nỗi đau khổ lớn nhất của tôi là bị người lớn bắt ngủ trưa. Trưa vắng mà chơi ngoài phố thì tuyệt! Có lần, tôi và Ái Xuân trốn ra ngoài chơi, bị anh Quang Văn bắt quả tang. Anh Văn xách cổ về bắt hai đứa nằm úp mặt xuống giường, kể tội rồi hỏi Vân và Xuân tự nhận đáng mấy roi, đương nhiên là chỉ dám nhận khiêm tốn nhất là 2 roi. Ăn roi xong, tôi chỉ dám khóc khe khẽ trong khi Ái Xuân thì gào lên, bảo thế nào cũng không nín, thế là Xuân bị phạt thêm 3 roi nữa vì tội ăn vạ. Ái Xuân tính cách mạnh hơn tôi nhiều, có lúc hai chị em cãi nhau, tôi tức quá, đánh Xuân một cái, lập tức Xuân xông vào uýnh tôi túi bụi. Sau bài học xương máu đó, cần gì, tôi không dám “chiến tranh” nữa mà đều phải thương lượng với cô em gái đáo để này trong “hòa bình”.
Năm 7 tuổi, tôi tham gia vào Đội múa của CLB Thiếu Niên nên thứ sáu hàng tuần đều đi tập múa đều đặn. Được một năm, thì trường Múa Việt Nam tới tuyển sinh, tôi được chọn. Khi nhận được giấy gọi nhập học, tôi thích mê tơi, trong đầu đã tưởng tượng có ngày mình được mặc chiếc váy trắng muốt bay bổng trên sân khấu trong vở Hồ Thiên Nga. Chiều hôm đó, khi ba má nghiêm mặt thông báo không muốn cho tôi học múa vì "Cả nhà theo nghiệp ca hát, con học múa hỏng hết giọng". Nghe các lời "phán" xong, tôi biết giấc mộng làm thiên nga của mình đã tan tành nên khóc mất mấy ngày trời.
Ái Vân (phải) bên hai nguời anh lớn Hà Quang Hiến và Hà Quang Sơn tại Hà Nội. |
Rồi tôi vào Trường Lý Tự Trọng trên đường Hàm Long học lớp Một B. Đi học rất thích nhưng vào vào mùa đông trời lạnh được cuộn trong chăn ấm thì vẫn thích hơn nên nhiều bữa lười, tôi chẳng muốn chui ra khỏi chăn bèn nằm im không dậy. Ba tưởng tôi bệnh nên tới trường xin phép cho nghỉ học, rồi lại đi mua nước phở về cho ăn với cơm nguội. Bình thường mỗi sáng đi học, bà ngoại đều sắp sẵn cơm cho ăn, bữa thì ăn cơm với dưa muối, bữa sang hơn thì bánh mì với sữa đậu nành. Nhưng cơm nguội chan nước phở mới là món ngon nhất nên thỉnh thoảng chẳng duyên cớ gì, mà chỉ vì thèm món ăn ấy, tôi và Ái Xuân lại "bỗng dưng muốn ốm".
Năm đó, Đoàn kịch nói Trung ương dựng vở Câu chuyện Iec-xkut của Nga. Trong vở diễn có cảnh hai em bé đi câu cá, nhân vật vừa có lời thoại, lại hát hò vui vẻ. Anh Sơn đưa tôi đi thi tuyển và tôi đã được chọn. Tôi hồi hộp lắm vì lần đầu tiên được diễn trên sân khấu với hai nghệ sĩ nổi danh thời đó là Anh Thái và Bích Châu.
Vở được công diễn trong thời gian khá dài nên cứ ban ngày tôi đi học, đến tối đi diễn. Đến chiều, cả nhà tôi chộn rộn cho việc ăn uống, váy áo và hóa trang cho tôi. Tôi được ba chở đến Nhà hát lớn bằng chiếc xe đạp Dura thân thuộc của gia đình, diễn xong là được bồi dưỡng ngay một cái bánh mì và cốc sữa, lại thêm cátxê 4 hào nữa. 4 hào này có thể mua được hai chục quả trứng vịt lộn cơ đấy. Oách lắm!
Tôi gặp... chuyện yêu đương vào năm mới 7-8 tuổi. Khi đó, tôi vừa vào lớp Một. Bữa đó buổi chiều, nghe thấy tiếng gõ cửa cộc cộc, mở ra thì là cậu bạn học cùng lớp tên Sướng. Bạn này trắng trẻo, mặt tròn, hiền khô, rất ít nói và thường ngồi cuối lớp. Cậu chẳng nói năng gì, đưa cho tôi một gói giấy rồi chạy biến đi. Tôi vội vã mở ra, đó là món đồ trang sức hình con ốc sên lấp lánh thường gắn trên cổ áo phụ nữ. (Có lẽ cậu bạn thó của chị hoặc của mẹ). Má tôi về hỏi ở đâu có món đồ đẹp vậy, sau khi nghe kể, má bắt tôi phải mang trả ngay lập tức. Tôi mang món “quà tặng” tới lớp đưa cho Sướng. Cậu nhất quyết không nhận, giằng co mãi, cuối cùng tôi lại mang về nhà. Sau việc đó, cả hai đứa tôi đều xấu hổ nên cũng... không chơi với nhau nữa.
Một bữa, ba đến đón tôi ở cổng trường thì bất thần có miếng ngói bay vèo tới, trúng thái dương tôi, máu chảy đầm đìa. Thủ phạm là một cậu bé chạy vút đi. Ba tôi tức tốc đuổi theo, tới ngõ Hàm Long thì mất hút. Hai mươi năm sau, trong một cuộc gặp mặt bạn bè học cũ, một anh bạn tên Đạt đã tới nói chuyện và thú nhận mình chính là thủ phạm ném ngói vào mặt tôi. Đạt bảo ngày xưa "thích Ái Vân lắm, nhưng lúc nào cũng có ba đi kè kè bên cạnh nên ném ngói vậy cho bõ tức! "Câu ca dao xưa: "Yêu nhau xin ném bã trầu. Chớ ném gạch đá vỡ đầu nhau ra" hóa ra rất thích hợp trong chuyện này. Trẻ con cũng có nhiều cách tỏ tình mà người lớn không thể nào hiểu nổi!
Vài ngày sau thì có bạn tên Điền gần nhà, qua nhà xin phép ba má đàng hoàng, để rủ tôi đi học hàng ngày và "bảo vệ" cho tôi! Bạn Điền mới 8 tuổi mà chững chạc ra phết. Tất nhiên, ba má tôi không đồng ý. Ba tôi vẫn hàng ngày là “cảnh sát trưởng” đưa đón và theo dõi từng li, từng tí cho mấy cô con gái của mình. Cho đến tận sau này, khi mấy chị em tôi đã trưởng thành, ba vẫn giám sát chặt chẽ. Anh nào đến tán tỉnh cũng đều bị ba tôi “tuýt còi” từ xa.
Ba luôn tạo mọi điều kiện để chúng tôi tập luyện ca hát và bộc lộ năng khiếu trong nghệ thuật và hết sức mình thương yêu cũng như bảo vệ các con, nhưng lại ít khi chỉ dẫn cách đối phó với những hữu sự muôn mặt trong đời thường. Có lẽ vì sống trong những vòng tay bảo bọc kỹ càng ấy mà chúng tôi đều khờ khạo khi ra ngoài đời và thường gặp những bất hạnh trong tình cảm đôi lứa...
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ hai, 17/6/2013 14:58 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (6)
Về vùng núi, bà ngoại đã sáng tạo làm món chè sắn. Sắn là món ăn phát oải của trẻ nông thôn ở đây, thì qua bàn tay khéo léo của bà, trở thành món quà lạ miệng...
Cuối năm 1964, chiến tranh leo thang, miền Bắc bị ném bom liên tục khiến nếp sống người Hà Nội xáo trộn bởi lệnh sơ tán. Cuộc sống của gia đình tôi cũng vậy, chúng tôi lập tức phải rời thành phố như các gia đình khác. Chỉ có vài ngày để dọn dẹp đồ đạc và hành lý, cả gia đình chúng tôi lên chiếc xe tải của Đoàn cải lương Nam bộ chuyển tới huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Trong mấy căn phòng phên tre, mái tranh và ánh đèn dầu tù mù leo lét tại khu vực miền núi này, những đứa bé sinh ra và lớn lên ở những khu phố trung tâm Hà Nội phồn hoa như chúng tôi quả là khó thích nghi. Đêm nào mấy anh chị em tôi cũng khóc thút thít, nhớ nhà, nhớ bạn bè cùng những trò chơi và cả những quà vặt như bánh tro, bánh giò, bánh cuốn, ốc mút… Bà ngoại phải dỗ dành lũ cháu nhỏ đang sống quen mùi phố thị trong rất nhiều ngày. Giải pháp chữa chán nản được đưa ra là đi ngủ sớm. Cứ sẩm tối, vừa lên đèn là mắt cũng díp lại. Ngủ cho quên buồn!
Hàng đầu từ trái qua: ba Hà Quang Định, má Ái Liên và một số anh chị em trong gia đình Ái Vân. |
Về vùng núi, bà ngoại đã sáng tạo làm món chè sắn. Sắn là món ăn phát oải của trẻ nông thôn ở đây, thì qua bàn tay khéo léo của bà, trở thành món quà lạ miệng cho tụi trẻ thành phố chúng tôi và lập tức được lũ cháu “chiếu cố” tận tình. Không còn những trò kiểu như đi bấm chuông điện phá đám hàng phố nữa, tụi tôi được bà dạy cho cách nấu cơm, luộc rau và luộc trứng. Cuộc sống mới rồi cũng quen dần. Dưới sự hướng dẫn của lũ trẻ địa phương, chúng tôi đã biết cách ra suối bắt cá mương hay lên đồi học trồng sắn, hoặc vào rừng tìm những quả tóc tiên về chơi. Nhiều khi mải mê ngoài suối mấy tiếng đồng hồ, nhưng khi chộp được vài con cá mương bé tí xíu, chúng tôi cũng cảm thấy hào hứng và vui vẻ vô cùng.
Một hôm, ba tôi được nhà trường triệu tập gấp, lý do anh Thành đánh nhau với bạn cùng lớp, cũng là học sinh sơ tán. Nghiêm trọng hơn, anh đã lôi ra cả một con dao găm để doạ nạt. Ba tôi sợ quá, tức tốc chạy bộ một mạch đến trường cách nhà chừng 4 km. Tới nơi mới biết cậu bé kia lại là con trai của người bạn rất thân của ông. Nhà trường thấy phụ huynh là bạn của nhau nên tha cho anh Thành về. Nhưng ba tôi thì không chịu. Ông không biết nói nhỏ vào tai thầy giáo điều gì, mà lúc sau thầy xuất hiện cùng bác bảo vệ. Hai người nói học trò Thành cần phải bắt giam để giáo dục cho triệt để. Anh Thành nghe thế sợ quá, van xin rối rít và hứa sẽ chừa, không bao giờ tái phạm. Ba tôi lúc đó mới ra mặt can thiệp: "Cháu đã biết sợ thì gia đình xin bảo lãnh về". Ra khỏi cửa, ba tôi không quên nháy mắt với thầy giáo và bác bảo vệ thay lời cảm ơn.
Anh Thành về nhà, đang ăn cơm thì ngoắc chị Mai và tôi ra một góc, hỏi mượn mấy cái áo. Chúng tôi hỏi anh mượn làm gì thì anh nhất định không nói. Ăn xong một lúc thì ba tôi gọi: "Thành đâu, ra đây!". Bữa ấy, ba tôi đánh anh Thành nhừ đòn, phải tới hai chục roi. Tôi thương anh quá khi nghe thấy tiếng roi quất vun vút lẫn trong tiếng anh Thành năn nỉ: "Con lạy ba rồi. Con lạy ba rồi". Lát sau được tha, anh Thành lại gọi riêng hai chị em tôi, rồi rút mấy cái áo trong người ra trả. Anh nói: "May mà lót mấy thứ này chứ không đêm nay lại phải nằm sấp để ngủ".
Trong mắt những người hàng xóm, ba tôi là người có tính cẩn thận và chỉn chu. Cậu hàng xóm tên Trần Hồng Quân mới đây đã kể lại, trong ký ức của cậu, ba tôi vì nghiện cà phê nên ông thường tự rang và xay lấy. Hồi đó vào cuối những năm 70, anh Thành nhà tôi còn chưa lấy vợ, anh Sơn vừa lập gia đình, còn anh Văn đang luyện tiếng Nga để đi Liên Xô. Khoảnh sân trước nhà anh Sơn còn rộng rãi nên ba tôi trồng một giàn nho và ở giữa có một cây, không rõ là cây gì, chỉ nhớ rằng đó là cây tán thấp. Những ngày hè, ba tôi rất chăm tưới cây, khi rảnh rỗi, ông cũng thường nằm đọc báo dưới tán cây này, tay phe phẩy quạt nan. Cũng chính nơi đây, ông hay ngồi rang cà phê. Mỗi lần rang, ba tôi thường kéo một cái lò nhỏ, bỏ cà phê hạt vào và rang nhỏ lửa trên một chiếc nồi than hoa. Dụng cụ rang cà phê của ông nhìn rất lạ, nó giống cái khoang máy giặt bây giờ, nhỏ thôi, bằng đồng mà ông giữ gìn rất cẩn thận. Mỗi lần ba tôi rang ít cà phê một, khoảng hai bát ăn cơm, quay nhẹ và đều tay dưới than hồng.
Một lần, vào ngày cuối tuần, cậu bé Quân hàng xóm đã qua nhà bạn chơi, đúng lúc gia đình bạn mở hũ rượu rắn, lấy rượu và bỏ bã. Đó là những con rắn đã được ngâm hàng năm trời, nên Quân xin một con về nghịch, vốn chỉ tính mang đến lớp dọa bọn con gái. Khi mang về nhà thì gặp "Tướng" Thành ở ngoài cửa. Gặp "Tướng", tụi trẻ ngày ấy thường phải đứng nghiêm chào, nhưng lúc đó tay của Quân bị vướng cái túi rắn nên "Tướng" đã kiểm tra và tịch thu, nói rằng để trưng dụng cho... tác chiến. Nhìn thấy con rắn, "Tướng" khoái quá, bảo Quân, mày nghe lời tao thì tao thăng chức cho mày làm đại tá, còn không sẽ ăn đòn!
Từ trái qua: Anh trai Hà Quang Tuyên, Ái Vân, vợ anh Hà Quang Hiến và cháu gái - con của anh Tuyên. |
Chiều hôm sau ba tôi lại vác lò ra rang cà phê, cậu bé Quân lại được ba tôi gọi quạt lửa dùm như mọi bữa. Đang lom nhom quạt, "Tướng" Thành vẫy Quân chạy ra ngoài. "Tướng" nói Quân "Mày cầm con rắn khô này, kín đáo bỏ đằng sau lưng của ông nhé. Mày còn nhỏ ông không nghi ngờ gì đâu!". Bé Quân định từ chối thì bị ông tướng búng một cái rõ đau cảnh cáo vào tai nên đành phải tuân lệnh.
Khi thấy Quân đã hoàn thành nhiệm vụ, anh Thành tôi la lớn: "Ba, ba, có con rắn kìa!". Ba tôi nháo nhác nhìn quanh và thấy con rắn, ông liền nhẩy phắt dậy, chúi đầu lao về phía trước, đá đổ cả lò than và cái nồi rang cà phê, than đỏ và cà phê văng tung toé khắp nơi, khói um hết cả lên. Sau đó, ba tôi lập cập đạp qua cả than, cả lò và những hạt cà phê đen, chạy quáng quàng ra đường, mặt hoảng hốt, miệng ú ớ. Trong khi đó, anh Thành tôi và đám trẻ đang đứng rình xem thì bò lăn ra cười. Nghe tiếng đổ vỡ ồn ào, mẹ tôi chạy từ trong nhà ra xem, thấy vậy cũng phì cười vì trò con trẻ dọa ba, nhưng khi thấy ông thất thần quay vào, khò khè khó thở vì quá sợ, thì bà lại nổi giận, quát ầm lên. Riêng anh Thành bị gọi vào nhà "sạc" cho một trận. Kể từ đó, mỗi khi rang cà phê, ba tôi cấm đứa trẻ nào lảng vảng lại gần. Riêng ông thì chuyển chỗ, ngồi sát tường cho an toàn, mặc khói bay cay xè mắt...
Trong thời gian chiến tranh, gia đình tôi sơ tán rất nhiều nơi như Hòa Bình, Hà Bắc, Sơn Tây, Hưng Yên. Nhờ những người nông dân chất phác và tốt bụng mà hầu hết những nơi chúng tôi đến ở nhờ đều được gia đình chủ nhà dành cho những chỗ ở cũng như mọi tiện nghi tốt nhất mà họ có. Tôi vẫn còn nhớ gian giữa của căn nhà mà cả gia đình tôi đã tới ở nhờ tại Hà Bắc. Chủ nhà đã nhường cho khách vị trí tốt nhất trong nhà, còn gia đình họ thì ở hai chái bên cạnh, nhỏ hẹp vô cùng.
Trong lúc má tôi và anh Văn suốt ngày bận rộn tập vở diễn thì bố con, bà cháu tôi ở nhà lo ổn định cuộc sống gia đình. Hàng ngày khi bà ngoại nấu ăn, ba tôi cùng tôi và Ái Xuân đi khênh nước đổ đầy vào cái lu đặt ở ngoài sân. Thông thường thì khoảng 14 thùng đã đầy lu rồi, nhưng vì cả 3 bố con đều lóng ngóng chẳng biết làm sao nên cứ xách từng thùng một, rất mất thời gian. Một bữa ba bảo, thôi hai đứa ở nhà, để mình ba đi gánh nước cho nhanh. Ba đi được một lát, tôi nghe thấy tiếng gọi: “Vân - Xuân ơi, ra giúp ba với! ”. Chạy vội ra, chúng tôi vừa buồn cười vừa thương khi thấy ba đang còng gập người xuống, cái đòn gánh đang bập bềnh ở giữa lưng. Khổ quá, người ta gánh nước bằng vai, còn ba tôi thì "cõng" nước bằng đòn gánh trên lưng, làm gì mà chẳng đau. Thương ba quá, bữa sau tôi quyết một mình đi gánh nước. Lúc đầu cũng chỉ gánh được một nửa thùng thôi, sau quen nặng được thì phăm phăm hai bên hai thùng đầy về nhà. Từ đó, tôi trở thành người đảm trách việc gánh nước đổ vào lu.
Những khi trời đổ mưa, các cô chú trong Đoàn cải lương Nam bộ cùng sơ tán ở gần đó bèn đi bắt cóc, nhái, ếch để cải thiện bữa ăn. Mới đầu, chúng tôi sợ không dám ăn. Sau, được anh Văn nhử bằng một cái đùi xào lăn thấy thơm quá, thì thích mê. Vậy là lũ trẻ chúng tôi được giao nhiệm vụ hàng ngày làm thịt cóc, thịt nhái. Làm thịt cóc là cực nhất. Trước tiên do cảm giác ghê ghê vì nhựa cóc, sau là phải hết sức cẩn thận và thật tinh mắt, khi tách gan và mỡ không được sót bất kỳ một cái trứng cóc nào. Chỉ cần dính một quả trứng cóc bé tí xíu thôi mà ăn vào sẽ ngộ độc chết ngay lập tức.
Hồi ấy, Đoàn cải lương Nam bộ đi sơ tán đến đâu, lúc đầu còn nghe thấy tiếng ếch nhái kêu râm ran, chỉ một thời gian sau là thấy im thin thít hết, bởi tất cả đã theo nhau vào nồi rồi. Khi cóc, nhái, ễnh ương chẫu chuộc đã hết thì bắt đầu chuyển sang đến món ốc sên. Thú thật, ếch nhái tôi còn thấy ngon, chứ ốc sên thì quả thật là khó nuốt. Đặc biệt nhớt của ốc sên là nỗi ám ảnh của tôi cả những năm về sau. Sợ lắm! Nhưng dù sao cũng phải công nhận những món "đặc sản quê" đầy sáng tạo bắt nguồn từ các cô chú trong Đoàn cải lương Nam bộ hồi ấy cũng giúp lũ trẻ đang tuổi lớn chúng tôi có thêm khẩu phần đạm trong bữa ăn vốn nghèo nàn toàn rau xanh...
Ca sĩ Ái Vân. |
Ở nơi sơ tán mới, bà ngoại còn học được cách làm nước mắm cua. Cua được ướp trong 3 tháng với muối là thành nước mắm. Màu nước mắm cua vàng ươm, đẹp vô cùng. Ở nơi sơ tán thiếu thốn, nước mắm cua cũng trở thành món ăn đặc sản hiếm hoi, quý giá.
Lúc này anh Thành, Ái Xuân và tôi chỉ khác lũ trẻ con nhà quê ở mỗi điểm là quần áo lành lặn hơn, có màu sắc rực rỡ hơn. Ngoài ra thì đứa trẻ nào cũng chân đất đi câu cá, cất vó tôm, đến mùa gặt thì đi mót thóc, xem đập lúa hay xay lúa, giã gạo. Ngày mùa, làng trên xóm dưới rộn ràng, thích nhất là sân đình những đêm trăng đập lúa. Dù lúc ấy tôi thấy khắp người cứ nổi mẩn ngứa điên vì dậm thóc nhưng chỉ cần dội xong vài gáo nước giếng là khỏe liền. Thỉnh thoảng, bác chủ nhà luộc một rổ khoai lang, khoai sọ, cả nhà lại trải chiếu giữa sân ngồi ăn khoai uống nước chè tươi, nói chuyện, vãn gió. Gió mát hiu hiu, nhiều bữa chúng tôi ngồi hóng chuyện người lớn mà nằm lăn ra ngủ say lúc nào không biết.
Ở quê, thấy đám trẻ địa phương bơi lội thoăn thoắt dưới ao nên tôi muốn học bơi lắm. Nghe mọi người nói chỉ cần cho chuồn chuồn cắn rốn là bơi tốt ngay. Vậy là tôi bắt luôn một con chuồn chuồn ngô to tướng, răng thật sắc và để vào rốn cho cắn, đau không chịu nổi. Xong, tôi ôm chặt đầu gối nhảy xuống ao, thấy lưng nổi lên mặt nước thì chắc mẩm phen này là bơi ngon lành! Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chưa kịp sải tay bơi được nhát nào bỗng tôi thấy một con đỉa to bám chặt vào thành bụng. Sợ chết khiếp, nhìn quanh cả ao chỉ có một mình tôi tập bơi, không cầu cứu được ai, đành lấy khăn dứt mạnh con đỉa ra rồi chạy một mạch về nhà. Từ nơi miệng đỉa cắn, máu chảy không cầm nổi. Vừa nhìn thấy má, tôi khóc òa lên. Vậy là kết thúc mộng học bơi trong... máu và nước mắt!
Lần sơ tán tiếp theo về Hưng Yên thì gia đình tôi ly tán. Ba tôi và hai cô con gái, Ái Vân - Ái Xuân ở xã Lạc Đạo vì ở đó mới gần trường cấp một, còn má tôi, anh Văn và em út Ái Thanh thì ở xã Như Quỳnh, nơi Trường sân khấu được sơ tán về. Thời gian này, má và anh Văn đã về trường dạy học. Cứ một, hai tuần, ba lại đưa chúng tôi sang Như Quỳnh để thăm má. Khi đi thì như ngày hội, lúc về thì ủ ê như con gà rù.
Má ở chùa Nôm xã Như Quỳnh. Mỗi khi đi qua chiếc cầu đá với những viên đá xanh mát mịn là biết sắp đến chùa Nôm, hai chị em đạp dấn xe vọt lên trước để mau đến gặp má. Má đón chúng tôi bằng tình yêu thương qua những món ngon nhất có thể. Má nấu cả chè chuối theo kiểu người Nam, bên trên rắc lạc rang thơm phưng phức.
Có khi chúng tôi tới vào ngày Rằm hay Mùng Một thì lại được xem đóng oản và hưởng lộc của nhà chùa. Trong chùa có gian phòng nhỏ luôn đóng kín. Tò mò, tôi nép mình nhìn qua khe cửa. Phát hiện ra trong phòng, rất nhiều người đang lên đồng. Các bà, các cô mặc quần áo sặc sỡ và phấn son lòe loẹt. Người nhập đồng mặt đỏ lựng, say trầu, say thuốc và say cả không gian mờ ảo của đồng, của cốt trong tiếng nhạc khi khoan nhặt, lúc rộn ràng đầy hưng phấn và thăng hoa của các cô đồng, cậu đồng, của cung văn và những người hầu giá xung quanh. Tan buổi chầu, tôi bắt gặp các khuôn mặt đỏ bừng của các bà, các cô, điều đó luôn khơi dậy trong tôi sự tò mò khủng khiếp!
Đinh Thu Hiền chấp bút
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/chuyen-doi-ca-si-ai-van-hoi-uc-mot-doa-hong-6-2833216.html
Thứ ba, 18/6/2013 10:32 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (7)
Khi ba tôi biết về “cô Ái Liên”, ông đã tìm mọi cách để làm quen. Đầu tiên là ba tặng hoa cho má hàng đêm. Cứ như vậy một thời gian dài thì mời được bà ngoại và má tôi đi ăn tối.
Mỗi khi đi thăm má, khi phải quay trở về Lạc Đạo, lần nào tôi cũng khóc. Có lần trời mưa tầm tã, trên đường về tôi mải khóc quá nên ba bực dọc la: “Nhìn đường mà đi, khóc gì mà khóc lắm thế!”. Tôi vừa dứt tiếng “Vâng” khỏi miệng thì cả người và xe trơn ngã lăn xuống chân đê. Lôi tôi lên được mặt đê, ba tặng cho tôi một cái tát nảy đom đóm. Cái tát của ông chứa đựng nỗi tức giận và bất lực của người đàn ông thương con, mà không thể làm thế nào để cho cả gia đình mình được đoàn tụ.
Ở Lạc Đạo, ba tôi đã hết thất nghiệp, mà làm công việc quản lý bếp ăn tập thể của Vụ nghệ thuật, Bộ Văn hóa. Thiếu vắng bàn tay má, ba cố gắng chăm sóc hai đứa con gái cưng bằng tình yêu bù đắp gấp đôi. Vì gia đình sơ tán mỗi người mỗi nơi nên ban nhạc gia đình tạm thời yên lắng một thời gian. Thỉnh thoảng, trong những lúc cao hứng, ba tôi kể những chuyện thời xưa của ông cho chúng tôi nghe.
Ái Xuân và Ái Thanh, hai em gái của Ái Vân. |
Quê nội của ba tôi ở Quán Gánh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Anh trai của ông nội tôi tên Hà Quang Bính làm lục sự (thư ký) tòa án. Sau nhiều năm dành dụm, ông bác này đã mua được mảnh đất ở 36-38 phố Duy Tân, tức phố Huế sau này. Ban đầu, mảnh đất còn hoang vu lắm, xung quanh là ruộng rau muống. Ông bác Bính rất kỳ công, mua nhà rường cổ từ Huế ra, thuê nhóm thợ cũng từ Huế ra lắp ráp. Nhà rường trở thành gian thừa tự của gia đình. Ông nội tôi, Hà Quang Oánh cũng ở chung cùng ông bác Bính. Ông nội sinh được 4 người con: Hà Thị Tuyết, Hà Quang Định, Hà Thị Thanh và Hà Huyền Nga. Ba tôi là con trai duy nhất của gia đình. Vì ông bác Bính không có con trai nên đã coi ba tôi, Hà Quang Định, như con ruột. Ba tôi được bác rất cưng chiều và được quyền thừa kế toàn bộ căn nhà 36-38 phố Huế.
Sống trong một gia đình danh giá, nên ba tôi thời còn bé đi học tại trường Lycée Albert Sarraut bằng xe hơi, thường ngày mặc comple trắng nên ở trường bạn bè đặt biệt danh là “Tây gỗ”. Đến tuổi thành niên, vì muốn tự lập nên ba tôi thoát ly gia đình, vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Công việc đầu tiên mà ông làm là giới thiệu mẫu vải cho một chủ tiệm vải trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Sau một thời gian, tiền bạc kiếm được chẳng đáng bao nhiêu nên ba tôi chuyển nghề sang bán xe hơi cho một ông chủ khác. Với nghề này thì ba tôi phất lên, tiền bạc rủng rỉnh. Vì buôn bán xe hơi nên lúc nào ông cũng được đi xe mới, vừa có tiền, vừa đẹp trai, phong lưu và phóng khoáng nên chỉ một thời gian xuất hiện ở Sài Gòn, ba đã có rất nhiều bạn bè và là nhân vật được nhiều người chú ý.
Khi ba tôi biết về “cô Ái Liên”, ông đã tìm mọi cách để làm quen. Đầu tiên là ba tặng hoa cho má hàng đêm. Cứ như vậy một thời gian dài thì mời được bà ngoại và má tôi đi ăn tối.
Đêm đầu tiên má tôi vào hát tại Sài Gòn cũng là lúc ba tôi được chủ hãng giao cho đi chiếc xe Renault mới. Đây là một trong 4 chiếc xe cùng tên duy nhất ở Sài Gòn khi đó. Đêm diễn kết thúc, má tôi đi kiếm chiếc xe mọi bữa ba vẫn đi, nhưng ngay lập tức ba mở cửa chiếc Renault bóng loáng. Khỏi phải nói, má tôi ngạc nhiên tới cỡ nào. Khi bà hỏi han chiếc xe ở đâu ra, ông rất hãnh diện nói: “Đây là chiếc xe mới của anh. Còn chiếc vẫn đi thì chỉ để chở hoa khán giả tặng cho em mà thôi!”.
Ái Vân với (thứ hai từ trái qua) và ba Định (thứ hai từ phải qua). |
Chính vì đã có một quá khứ huy hoàng như vậy, nên sau này nghĩ lại, tôi thương ba tôi vô cùng. Thời đi sơ tán tại Lạc Đạo, ba tôi tất bật vất vả với công việc mới, lo lắng toàn củi lửa, mắm muối, gạo thịt. Hình ảnh của một tay chơi Hà Quang Định xưa kia đã hoàn toàn biến mất. Hàng tối ba tôi đánh vật với việc kiểm kê tem phiếu trong ngày. Vì khách vãng lai trong các đoàn nghệ thuật cả nước tạt qua nhanh một vài bữa rồi đi, nhiều người cứ mải bố bố con con thường quên không đưa tem phiếu mà ba tôi thì lúc nào cũng thông cảm cười hề hề nên lâu ngày kiểm lại mới giật mình khi thấy phiếu ăn và tem thực phẩm đã bị thiếu hụt khá nhiều. Sau một năm làm việc, đến khi về Hà Nội tất toán các sổ sách thì bị thiếu đến cả gần 100 kg gạo nên ba tôi phải đền. Báo hại cho cả nhà phải ăn cháo loãng đến mấy tháng.
Ở Lạc Đạo, tôi đi học cùng các bạn thôn quê. Đường đến phải qua một cánh đồng lúa lớn và con mương dài. Tôi thường bị trẻ con nông thôn bắt nạt nên về nhà kể với Ái Xuân. Hồi đó tôi học lớp 6, còn Xuân mới học lớp 4. Chả hiểu Ái Xuân học được ở đâu món võ khoá tay nên rất tự tin bảo tôi mai chỉ em xem là đứa nào. Bữa đó đi học về, mấy đứa trẻ “đầu gấu” đã chờ sẵn ở bờ mương bên kia chỉ cần chờ tôi nhảy qua là sẽ xông vào đánh, ngờ đâu Ái Xuân đã ở đó từ bao giờ liền nhảy tới tóm tay đứa lớn nhất bẻ quặt ra sau lưng. Cậu kia lớn thế mà đành thúc thủ trước miếng võ học lỏm của Ái Xuân bé xíu. Mà lại còn bị bắt phải gọi là “cụ Xuân” nữa mới ghê. Ái Xuân thắng điểm giòn giã còn tôi từ đó không còn bị bắt nạt nữa!
Ba tôi một mặt vẫn bù đầu với tem phiếu gạo mắm, một mặt phải cố gắng nuôi dưỡng hai cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Có lần ba nghe ai nói bã đậu tốt lắm nên ra chợ mua một nắm rất to bằng quả bưởi về (chắc ba nhầm óc đậu thành bã đậu chăng?!). Ba tôi hì hụi làm nước sốt cà chua tưới lên “quả bưởi bã đậu” đó, rồi với nét mặt rạng rỡ, ông bày ra mâm chiêu đãi hai đứa con. Chỉ được một miếng là tôi và Ái Xuân đã phải trợn mắt lên vì nuốt không trôi khỏi cổ món “đặc sản” này . Bỗng một bà hàng xóm ghé qua, bà kêu: “Trời ơi, sao ông lại bắt con ăn thế này? Bã đậu người ta bán cho lợn ăn đấy!”. Ba tôi ớ người, ngay lập tức lẳng lặng dẹp luôn món ăn sáng tạo ấy .
Ở nơi sơ tán, viêc đầu tiên khi đến lớp mới là phải đào hầm. Điều tôi sợ nhất không phải là mệt mà là sợ khi nhìn thấy những con giun quằn quại lúc lưỡi mai ấn xuống. Bọn trẻ biết tôi sợ giun, chúng nhặt giun ném vào người tôi khiến tôi sợ có thể ngất đi được. Không thể để nỗi sợ đeo theo mình mãi, tôi nghĩ ra cách lót miếng giấy vào tay rồi cầm giun lên và nói: “Ê ê nhìn này, tớ không sợ đâu nhé!”. Từ đấy mới thoát nạn!
Má Ái Liên (phải) dạy Ái Thanh các điệu bộ biểu diễn, đứng phía sau là chị dâu Thu Hà. |
Trong suốt thời gian sơ tán, chúng tôi chuyển nơi ở, chuyển trường liên tục nên tôi cũng ít bạn bè. Nhưng khi ở Lạc Đạo, tôi có chơi với hai chị em. Cô chị tên Ô, còn cô em tên Vuông. Hai chị em Ô - Vuông rất tốt bụng. Thỉnh thoảng Ô - Vuông dắt tôi đi cắt cỏ, làm ruộng, mà đi chân đất hẳn hoi, không mang dép nữa. Ô - Vuông cũng rang thóc nếp, đựng vào vạt áo phía trước cho tôi cắn chắt. Vì chơi với Ô - Vuông mà tôi bị lây ghẻ, ghẻ kềnh ghẻ càng. Đến khổ. Ghẻ khắp người và chấy cũng đầy đầu. Những con cái ghẻ đào hang ở lòng bàn tay, ngứa phát điên. Các cô đồng nghiệp trong cơ quan ba tôi bèn lấy kim băng, theo đường đi của ghẻ để bắt cái ghẻ .Rồi các cô bôi đầy người tôi thứ thuốc màu xanh, cả lưu huỳnh khét lẹt nữa. Phải một thời gian rất lâu tôi mới khỏi được bệnh.
Xung quanh nơi gia đình tôi sơ tán có rất nhiều Đoàn nghệ thuật: cải lương, kịch nói, chèo, tuồng, điện ảnh, ca kịch Liên khu V… Các đoàn hàng ngày tập hát và vũ đạo rất xôm tụ. Tôi cứ bữa nay sang xóm này xem chèo, bữa sau qua xóm khác xem kịch. Chúng tôi có dịp đuợc tận mắt gặp các ngôi sao điện ảnh và sân khấu như nghệ sĩ Thế Anh trong phim Nổi gió, Diễm Lộc của đoàn Chèo Trung Ương...
Hồi đó nổi tiếng vì đẹp có hai chị em nghệ sĩ Đàm Liên - Đàm Thanh bên đoàn Tuồng. Hai chị thường mặc áo bà ba đen càng làm nổi bật khuôn mặt đẹp với làn da trắng bóc, mịn màng. Tôi đặc biệt thích xem chị Đàm Liên đóng vở Ông già cõng vợ đi hội. Chị cõng ông già bằng vải sau lưng mà diễn sống động như là cõng người thật khiến lũ trẻ chúng tôi bị cuốn hút đến nỗi ngồi im như nuốt từng động tác. Lúc khác lại xem chị Diễm Lộc trình diễn rất điêu luyện lớp chèo Xuý Vân giả dại hay Thị Màu lên chùa. Từng cái liếc mắt, từng động tác cuốn ngón tay hay xòe quạt đã ngấm vào tôi lúc nào không biết nên sau này ra hải ngoại, "kiến thức bất ngờ" học được thời sơ tán đã giúp tôi rất nhiều trong nghệ thuật, nhất là mỗi khi dựng lại các nhạc cảnh dân gian.
Còn tiếp...
Đinh Thu Hiền chấp bút
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/chuyen-doi-ca-si-ai-van-hoi-uc-mot-doa-hong-7-2833714.html
Thứ tư, 19/6/2013 11:07 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (8)
Mới ngày nào ông còn là “công tử Hà thành” đẹp trai bay bướm lả lướt trên chiếc xe hơi bóng loáng, giờ lọc cọc chiếc xe đạp ngày ngày đưa đón tôi và Ái Xuân đi tập nhạc.
Trong số các cô chú ở cùng cơ quan với ba, tôi nhớ và thích nhất cô Hà Nhân, Vụ phó Vụ sân khấu. Về hình dáng, cô có nước da trắng trẻo, điệu đà, xinh xắn khá giống má tôi, tính cách thì lại rất mạnh mẽ nên tôi ngưỡng mộ lắm. Cô Hà Nhân thường qua nhà hỏi thăm chúng tôi và xui chúng tôi nếu muốn ba cai được thuốc lào thì lấy nhọ nồi và mỡ bôi quanh ống điếu. Tôi và Ái Xuân đã lén lút làm theo lời cô. Khi ba tôi hút thuốc xong, hàng xóm và đồng nghiệp ai thấy cũng cười ngặt nghẽo. Khi phát hiện ra, ba tôi cáu tiết, tra vấn hai chị em nhưng chúng tôi nhất quyết không khai. Cuối cùng thì “mèo vẫn hoàn mèo”, ba tôi vẫn chung thủy với ông bạn hôi rình là cái ống điếu. Những năm cuối đời, ba ho và nằm một chỗ, ông nói, điều ông ân hận nhất là đã hút thuốc khiến cho sức khỏe về già bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau lần được mách nước bôi mỡ và nhọ nồi vào ống điếu của ba tôi, tôi và Ái Xuân thân với cô Hà Nhân hơn. Mỗi khi cô ăn trầu xong, tôi thường xin cô bã trầu để nhai lại, rồi nhổ ra nước màu đỏ đỏ thì thích chí lắm.
Một hôm tôi đang nhai bã trầu thì mắc tiểu. Khi đi tiểu, tôi ngạc nhiên khi mình không có nhổ nước trầu ra mà nước tiểu lại có màu đỏ. Tôi suy nghĩ mãi, vào nhà ngồi, một chút lại thấy phần bên dưới ướt ướt. Kiểm tra thì lại vẫn thấy có… nước trầu. Thôi chết, thế này là thế nào? Mình sắp chết rồi chăng? Tôi ngồi im thít trên giường không dám động cựa. Cô Hà Nhân đi ngang qua, hỏi Vân đã ăn cơm chưa, sao lại ngồi đây, có ốm không, sao không thắp đèn lên. Thấy tôi ngắc ngứ, cô lại tới sờ trán, không thấy có dấu hiệu gì cảm sốt. Quái nhỉ? Cô hỏi nhưng tôi cứ mếu máo mãi, nói không nên lời. Cuối cùng cô cũng phát hiện ra bí mật của tôi. Cười rất tươi, cô Hà Nhân thay mẹ giảng giải cho tôi những điều cần biết và cần tránh trong những ngày đến tháng của người con gái. Cô bảo: “Vân ơi, Vân đã lật qua một trang sách mới rồi đấy!”. Rồi rất ân cần, cô chỉ dạy cho tôi từ chuyện dùng tập giấy bản thế nào, vệ sinh cá nhân ra sao. Tôi đã bớt ríu lại vì sợ hãi. Cảm thấy dần dần ổn định tinh thần để lắng nghe những biến đổi của cơ thể mình.
Tôi đã bước vào ngày đầu tiên của thời thiếu nữ khi vắng mẹ như vậy đó!
Về phần má tôi bên xã Như Quỳnh thì cuộc sống trôi đi có phần sôi động hơn. Xung quanh má là học viên - những diễn viên cải lương tương lai - nên không khí lúc nào cũng rộn rã tiếng nhạc, tiếng ca. Nơi thì tập vũ đạo, chỗ lại học diễn xuất. Má thường ngồi đánh đàn nguyệt dạy hát cho các học trò. Anh Hà Quang Văn của tôi ngày đó đặc biệt giỏi về vũ đạo. Ngoài giờ dạy học, anh thường cùng chị Thu Vân biểu diễn vũ đạo khắp nơi. Tôi vẫn nhớ những đường quyền trong tiếng nhạc: “Cồng xáng cồng liu u, liu cống xê xàng xê…” và những màn trình diễn đơn kiếm, song kiếm, mã tấu của anh và chị Vân, đến đoạn vừa mã tấu trong tay, vừa “loan” (lộn) khắp hàng chục vòng trên sạn khấu, khán giả như vỡ oà trong những tiếng reo hò và vỗ tay tán thưởng.
Một hôm, Út Ái Thanh đi chơi ném thóc với trẻ con trong làng, về đến nhà thấy sưng húp một bên mắt trong lúc tay em vẫn dụi liên tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, mắt của Ái Thanh đã kéo màng. Má sợ quá kêu ba chạy qua tức tốc chở Thanh về Hà Nội thăm khám. Đến bệnh viện Phủ Doãn trên phố Bà Triệu (nay là Viện Mắt Trung Ương), bác sĩ đã gắp ra được nguyên một hạt thóc từ trong mắt của cô bé. Các nhân viên y tế đều nói rất may đã đưa Ái Thanh tới bệnh viện kịp thời. Chỉ cần để tới ngày hôm sau thôi thì rất có thể em sẽ bị hỏng luôn con mắt đó. Cả nhà hú hồn hú vía!
Cuộc sống đi sơ tán diễn ra ngày tiếp ngày. Một hôm ba tôi gọi tôi và Ái Xuân tới bên và nói: “Nếu muốn làm nghệ sĩ giỏi, các con phải biết chơi đàn. Đó, nhìn gương của má con kìa. Má vừa hát hay, diễn giỏi, còn chơi thành thạo đàn kìm, không những vậy, má còn đánh trống rất chắc nhịp và nhảy vô cùng điêu luyện nữa!”. Sau lời giới thiệu một cách vô cùng tự hào về vợ mình, chỉ ít ngày sau, Ái Xuân được ba gửi đi học đàn tranh. Thật may mắn cho em gái tôi đã được học với thầy Út Du. Thầy từng là nhạc sĩ đàn tranh cừ khôi của Đoàn Cải lương Nam bộ, sau đó về giảng dạy tại trường. Học được một thời gian, khi đã khá thành thạo, Ái Xuân thường tìm cách học thêm và hòa tấu với một học trò cưng của nghệ sĩ Út Du nữa. Cậu bé này tên là Văn Hai. Nhờ chăm chỉ tập luyện, tố chất cảm thụ âm nhạc tốt và được học thầy giỏi, tiếng đàn của Ái Xuân khá ngọt. Được đà, Xuân tranh thủ học tiếp đàn bầu và rất nhanh chóng chơi được vài bài.
Thấy Ái Xuân tiến bộ nhanh, ba tôi cũng tức tốc bắt tôi phải học đàn bầu với mong muốn có thể lập thành ban nhạc gia đình hoàn hảo. Điều đó rất cần thiết để phục vụ cho việc biểu diễn. Với tầm nhìn xa của mình, ba tôi rất muốn chúng tôi nếu đã theo nghệ thuật thì bắt buộc phải khổ luyện mới thành tài. Bởi vậy, bất kể phải làm việc gì, dù vất vả đến mấy ba tôi cũng không ngại để giúp ích cho con đường nghệ thuật của vợ và các con. Những chuyến đi từ Lạc Đạo sang Như Quỳnh thăm má Ái Liên của cha con tôi trở nên thường xuyên hơn và không còn đơn thuần chỉ là việc rong chơi với những trò con nít nữa. Tôi và Ái Xuân được nạp thêm rất, rất nhiều kiến thức giúp cho sự nghiệp nghệ thuật của chúng tôi sau này.
Thời gian học đàn tranh, Ái Xuân được thầy Út Du tặng một cây đàn tranh. Nhưng còn đàn bầu thì lấy đâu ra để mà tập, ở hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề nơi đi sơ tán ấy. Ba tôi trăn trở suy nghĩ mãi. Khó nhưng ông vẫn quyết tâm tìm mọi cách để tôi có được chiếc đàn bầu.
Ba tôi bắt đầu lên “chiến dịch” lân la làm quen với mấy chú trong ban nhạc. Do tài ngoại giao giỏi, ông xin được một thân đàn bầu đã rất cũ nhưng đầy đủ cả bầu. Tuy vậy, bầu có mà dây thì không! Đàn không có dây thì chỉ là món đồ vô dụng, thậm chí không biết sử dụng vào được việc gì khác nữa. Và không cần nói ra thì ai cũng dễ hình dung: dây đàn thời đó hiếm hoi kinh khủng.
Trong cái sự khó thì lại ló cái khôn, ba tôi nghĩ ra việc lấy cái phanh xe đạp cũ và rút ra một sợi dây thép trong đó để làm dây đàn. Âm thanh trong ra phết. Vậy là tôi có chiếc đàn bầu để hàng ngày luyện tập.
Ba tôi đúng là người đàn ông kỳ tài và cực kỳ yêu thương các con. Mới ngày nào ông còn là “công tử Hà thành” đẹp trai bay bướm lả lướt trên chiếc xe hơi bóng loáng, giờ lọc cọc chiếc xe đạp ngày ngày đưa đón tôi và Ái Xuân đi tập nhạc. Sau này cho dù có được nhiều cây đàn chuyên nghiệp khác, nhưng cây đàn bầu với phanh xe đạp vẫn là cây đàn quý giá nhất đời tôi.
Về phần tôi, đương nhiên là được học từ thầy dạy nhạc hẳn hoi, nhưng người dạy tôi bập bõm những tiếng đàn đầu tiên lại là Ái Xuân. Sau này khi trở về Hà Nội, tôi còn được học thêm với Toàn Thắng, em trai của nghệ sĩ đàn tranh Phương Bảo. Tuy vậy, việc học có thầy hướng dẫn chỉ được một thời gian ngắn, còn tôi tự tập là chính. Tôi vẫn nhớ ngày đó trong giới văn nghệ có câu: “Đàn bầu chỉ có một dây. Học xong ba tháng đi Tây cả đời”. Nghe thì dễ quá đi mất, ham lắm, nhưng với riêng tôi tập mãi mà tiếng đàn vẫn rất ngô nghê. Tôi chỉ có thể chơi hòa tấu trong ban nhạc gia đình, còn má tôi và Ái Xuân thì vẫn là những cây đàn chính.
Về lại số nhà 36-38 phố Huế, má Ái Liên, Ái Xuân và tôi tập đàn và ca hát hầu như mỗi ngày. Chúng tôi hợp lại thành gánh nhạc mini khá độc đáo. Bài tập hàng ngày là hòa tấu những bản nhạc hết sức kinh điển mà đến tận bây giờ mỗi khi có chương trình ca múa nhạc dân tộc, các bản này vẫn được các nghệ sĩ biểu diễn. Đó là các bản Lưu Thủy - Kim Tiền – Xuân Phong – Long Hổ.
Mô hình của "gánh hát" gia đình chúng tôi như thế này: ba và anh Văn viết kịch bản cũng như các lời ca cải lương. Má và anh Văn làm đạo diễn. Còn đương nhiên, hai diễn viên nhí là Ái Vân và Ái Xuân. Những khi chúng tôi hát thì má chơi đàn hoặc đánh trống. Anh Sơn được giao nhiệm vụ đảm trách tất cả các công việc làm đạo cụ. Trong khi tinh thần luyện tập nghệ thuật lên cao độ thì bà ngoại lo nấu nướng hoặc may vá quần áo cho các nghệ sĩ nhà. Ba tôi cũng lăng xăng lo pha nước chanh, gọt trái cây và đứng ngoài cầm quạt nan quạt một cách cực kỳ nhiệt tình. Vừa đứng quạt, vừa nghe diễn tập, ba tôi vẫn thỉnh thoảng chen vào vài câu góp ý. Khán giả trung thành và cũng là duy nhất là cô em út Ái Thanh. Thanh ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu, nghển cổ lên xem hết sức chăm chú. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống rộn ràng suốt ngày trong nhà tôi. Và chính nhờ suốt ngày xem má và các chị tập hát mà Ái Thanh sau này đã giấu gia đình đi thi tuyển vào làm diễn viên Nhà hát kịch Tuổi Trẻ tại số 23 Ngô Thì Nhậm. Đây chính là trụ sở của Đoàn cải lương Nam bộ ngày nào…
Trong khi chúng tôi sống sôi động trong không khí văn nghệ rộn ràng như vậy thì ở Hà Bắc, cuộc sống của chị Mai, anh Thành vẫn vô cùng yên ả. Mặc dù đoàn tụ là mong ước của tất cả mọi người, nhưng do hoàn cảnh trường lớp thời chiến khó khăn nên gia đình tôi đành phải chấp nhận đi sơ tán ở 3 nơi khác nhau. Tất cả phải tự ổn định cuộc sống và tìm lấy niềm vui trong sự xa cách, trong nỗi nhớ thương và sự đợi chờ khắc khoải. Chúng tôi mong cho đến ngày các thành viên trong gia đình đều được trở về sống chung dưới mái nhà thân yêu ở phố Huế như những ngày xa xưa hạnh phúc và thanh bình…
Còn tiếp...
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/chuyen-doi-ca-si-ai-van-hoi-uc-mot-doa-hong-8-2834307.htmlSau lần được mách nước bôi mỡ và nhọ nồi vào ống điếu của ba tôi, tôi và Ái Xuân thân với cô Hà Nhân hơn. Mỗi khi cô ăn trầu xong, tôi thường xin cô bã trầu để nhai lại, rồi nhổ ra nước màu đỏ đỏ thì thích chí lắm.
Một hôm tôi đang nhai bã trầu thì mắc tiểu. Khi đi tiểu, tôi ngạc nhiên khi mình không có nhổ nước trầu ra mà nước tiểu lại có màu đỏ. Tôi suy nghĩ mãi, vào nhà ngồi, một chút lại thấy phần bên dưới ướt ướt. Kiểm tra thì lại vẫn thấy có… nước trầu. Thôi chết, thế này là thế nào? Mình sắp chết rồi chăng? Tôi ngồi im thít trên giường không dám động cựa. Cô Hà Nhân đi ngang qua, hỏi Vân đã ăn cơm chưa, sao lại ngồi đây, có ốm không, sao không thắp đèn lên. Thấy tôi ngắc ngứ, cô lại tới sờ trán, không thấy có dấu hiệu gì cảm sốt. Quái nhỉ? Cô hỏi nhưng tôi cứ mếu máo mãi, nói không nên lời. Cuối cùng cô cũng phát hiện ra bí mật của tôi. Cười rất tươi, cô Hà Nhân thay mẹ giảng giải cho tôi những điều cần biết và cần tránh trong những ngày đến tháng của người con gái. Cô bảo: “Vân ơi, Vân đã lật qua một trang sách mới rồi đấy!”. Rồi rất ân cần, cô chỉ dạy cho tôi từ chuyện dùng tập giấy bản thế nào, vệ sinh cá nhân ra sao. Tôi đã bớt ríu lại vì sợ hãi. Cảm thấy dần dần ổn định tinh thần để lắng nghe những biến đổi của cơ thể mình.
Ái Vân thời thiếu nữ. |
Về phần má tôi bên xã Như Quỳnh thì cuộc sống trôi đi có phần sôi động hơn. Xung quanh má là học viên - những diễn viên cải lương tương lai - nên không khí lúc nào cũng rộn rã tiếng nhạc, tiếng ca. Nơi thì tập vũ đạo, chỗ lại học diễn xuất. Má thường ngồi đánh đàn nguyệt dạy hát cho các học trò. Anh Hà Quang Văn của tôi ngày đó đặc biệt giỏi về vũ đạo. Ngoài giờ dạy học, anh thường cùng chị Thu Vân biểu diễn vũ đạo khắp nơi. Tôi vẫn nhớ những đường quyền trong tiếng nhạc: “Cồng xáng cồng liu u, liu cống xê xàng xê…” và những màn trình diễn đơn kiếm, song kiếm, mã tấu của anh và chị Vân, đến đoạn vừa mã tấu trong tay, vừa “loan” (lộn) khắp hàng chục vòng trên sạn khấu, khán giả như vỡ oà trong những tiếng reo hò và vỗ tay tán thưởng.
Một hôm, Út Ái Thanh đi chơi ném thóc với trẻ con trong làng, về đến nhà thấy sưng húp một bên mắt trong lúc tay em vẫn dụi liên tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, mắt của Ái Thanh đã kéo màng. Má sợ quá kêu ba chạy qua tức tốc chở Thanh về Hà Nội thăm khám. Đến bệnh viện Phủ Doãn trên phố Bà Triệu (nay là Viện Mắt Trung Ương), bác sĩ đã gắp ra được nguyên một hạt thóc từ trong mắt của cô bé. Các nhân viên y tế đều nói rất may đã đưa Ái Thanh tới bệnh viện kịp thời. Chỉ cần để tới ngày hôm sau thôi thì rất có thể em sẽ bị hỏng luôn con mắt đó. Cả nhà hú hồn hú vía!
Cuộc sống đi sơ tán diễn ra ngày tiếp ngày. Một hôm ba tôi gọi tôi và Ái Xuân tới bên và nói: “Nếu muốn làm nghệ sĩ giỏi, các con phải biết chơi đàn. Đó, nhìn gương của má con kìa. Má vừa hát hay, diễn giỏi, còn chơi thành thạo đàn kìm, không những vậy, má còn đánh trống rất chắc nhịp và nhảy vô cùng điêu luyện nữa!”. Sau lời giới thiệu một cách vô cùng tự hào về vợ mình, chỉ ít ngày sau, Ái Xuân được ba gửi đi học đàn tranh. Thật may mắn cho em gái tôi đã được học với thầy Út Du. Thầy từng là nhạc sĩ đàn tranh cừ khôi của Đoàn Cải lương Nam bộ, sau đó về giảng dạy tại trường. Học được một thời gian, khi đã khá thành thạo, Ái Xuân thường tìm cách học thêm và hòa tấu với một học trò cưng của nghệ sĩ Út Du nữa. Cậu bé này tên là Văn Hai. Nhờ chăm chỉ tập luyện, tố chất cảm thụ âm nhạc tốt và được học thầy giỏi, tiếng đàn của Ái Xuân khá ngọt. Được đà, Xuân tranh thủ học tiếp đàn bầu và rất nhanh chóng chơi được vài bài.
Ông Hà Quang Định (phải) - cha của nghệ sĩ Ái Vân - bên NSND Phùng Há. |
Thời gian học đàn tranh, Ái Xuân được thầy Út Du tặng một cây đàn tranh. Nhưng còn đàn bầu thì lấy đâu ra để mà tập, ở hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề nơi đi sơ tán ấy. Ba tôi trăn trở suy nghĩ mãi. Khó nhưng ông vẫn quyết tâm tìm mọi cách để tôi có được chiếc đàn bầu.
Ba tôi bắt đầu lên “chiến dịch” lân la làm quen với mấy chú trong ban nhạc. Do tài ngoại giao giỏi, ông xin được một thân đàn bầu đã rất cũ nhưng đầy đủ cả bầu. Tuy vậy, bầu có mà dây thì không! Đàn không có dây thì chỉ là món đồ vô dụng, thậm chí không biết sử dụng vào được việc gì khác nữa. Và không cần nói ra thì ai cũng dễ hình dung: dây đàn thời đó hiếm hoi kinh khủng.
Trong cái sự khó thì lại ló cái khôn, ba tôi nghĩ ra việc lấy cái phanh xe đạp cũ và rút ra một sợi dây thép trong đó để làm dây đàn. Âm thanh trong ra phết. Vậy là tôi có chiếc đàn bầu để hàng ngày luyện tập.
Ba tôi đúng là người đàn ông kỳ tài và cực kỳ yêu thương các con. Mới ngày nào ông còn là “công tử Hà thành” đẹp trai bay bướm lả lướt trên chiếc xe hơi bóng loáng, giờ lọc cọc chiếc xe đạp ngày ngày đưa đón tôi và Ái Xuân đi tập nhạc. Sau này cho dù có được nhiều cây đàn chuyên nghiệp khác, nhưng cây đàn bầu với phanh xe đạp vẫn là cây đàn quý giá nhất đời tôi.
Về phần tôi, đương nhiên là được học từ thầy dạy nhạc hẳn hoi, nhưng người dạy tôi bập bõm những tiếng đàn đầu tiên lại là Ái Xuân. Sau này khi trở về Hà Nội, tôi còn được học thêm với Toàn Thắng, em trai của nghệ sĩ đàn tranh Phương Bảo. Tuy vậy, việc học có thầy hướng dẫn chỉ được một thời gian ngắn, còn tôi tự tập là chính. Tôi vẫn nhớ ngày đó trong giới văn nghệ có câu: “Đàn bầu chỉ có một dây. Học xong ba tháng đi Tây cả đời”. Nghe thì dễ quá đi mất, ham lắm, nhưng với riêng tôi tập mãi mà tiếng đàn vẫn rất ngô nghê. Tôi chỉ có thể chơi hòa tấu trong ban nhạc gia đình, còn má tôi và Ái Xuân thì vẫn là những cây đàn chính.
Bốn "Ái nữ" của NSND Ái Liên: Ái Vân (trái), Ái Xuân, Ái Thanh và Ái Mai. |
Mô hình của "gánh hát" gia đình chúng tôi như thế này: ba và anh Văn viết kịch bản cũng như các lời ca cải lương. Má và anh Văn làm đạo diễn. Còn đương nhiên, hai diễn viên nhí là Ái Vân và Ái Xuân. Những khi chúng tôi hát thì má chơi đàn hoặc đánh trống. Anh Sơn được giao nhiệm vụ đảm trách tất cả các công việc làm đạo cụ. Trong khi tinh thần luyện tập nghệ thuật lên cao độ thì bà ngoại lo nấu nướng hoặc may vá quần áo cho các nghệ sĩ nhà. Ba tôi cũng lăng xăng lo pha nước chanh, gọt trái cây và đứng ngoài cầm quạt nan quạt một cách cực kỳ nhiệt tình. Vừa đứng quạt, vừa nghe diễn tập, ba tôi vẫn thỉnh thoảng chen vào vài câu góp ý. Khán giả trung thành và cũng là duy nhất là cô em út Ái Thanh. Thanh ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu, nghển cổ lên xem hết sức chăm chú. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống rộn ràng suốt ngày trong nhà tôi. Và chính nhờ suốt ngày xem má và các chị tập hát mà Ái Thanh sau này đã giấu gia đình đi thi tuyển vào làm diễn viên Nhà hát kịch Tuổi Trẻ tại số 23 Ngô Thì Nhậm. Đây chính là trụ sở của Đoàn cải lương Nam bộ ngày nào…
Trong khi chúng tôi sống sôi động trong không khí văn nghệ rộn ràng như vậy thì ở Hà Bắc, cuộc sống của chị Mai, anh Thành vẫn vô cùng yên ả. Mặc dù đoàn tụ là mong ước của tất cả mọi người, nhưng do hoàn cảnh trường lớp thời chiến khó khăn nên gia đình tôi đành phải chấp nhận đi sơ tán ở 3 nơi khác nhau. Tất cả phải tự ổn định cuộc sống và tìm lấy niềm vui trong sự xa cách, trong nỗi nhớ thương và sự đợi chờ khắc khoải. Chúng tôi mong cho đến ngày các thành viên trong gia đình đều được trở về sống chung dưới mái nhà thân yêu ở phố Huế như những ngày xa xưa hạnh phúc và thanh bình…
Còn tiếp...
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ năm, 20/6/2013 16:21 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (9)
Ngoài việc đi hát, tôi và Ái Xuân cũng thường cùng má Ái Liên biểu diễn minh họa cho các buổi nói chuyện về lịch sử sân khấu cải lương hoặc về thi ca, nghệ thuật.
Cuối năm 1966, lệnh sơ tán được dỡ bỏ. Chúng tôi được trở về Hà Nội đúng như mong ước của mọi người. Quay về ngôi nhà thân yêu, về cuộc sống của người dân thành thị, nhưng thành phố thì đã thay đổi: một thành phố của chiến tranh. Nguồn điện và nước không còn như xưa. Điện bị cắt thường xuyên, cả xóm nhà 36-38 phố Huế chứa tới gần trăm con người, giờ chỉ còn một chiếc vòi nước duy nhất chảy ri rỉ những dòng nước đục vàng khè toàn mùi rỉ sắt. Có lần tôi còn nhìn thấy trong nước ăn có lẫn cả những búi giun bé tí như những sợi chỉ màu đỏ. Mọi người, ai cũng như ai, xếp hàng hứng nước. Nhà nào cũng may một cái túi vải, đến lượt mình thì mắc cái túi ấy vào vòi nước để lọc giữ những chất bẩn. Mà dòng nước thì chảy chậm kinh khủng, đôi khi phải mất 15 phút mới hứng đầy xô nước. Nếu nhà nào chịu khó thì phải xếp hàng 2-3 lần hứng thêm cho đủ nước dùng trong ngày. Bởi vậy nên thời đó mới có câu thơ: “Ban ngày cả nhà lo việc nước. Tối đến cả nước lo việc nhà”.
Vì nhà tôi ở sát máy nước nên vô tình thường nghe được những chuyện “nắng mưa” của các nhà hàng xóm. Tất tần tật: chuyện gia đình, chuyện con cái, những lời đùa giỡn, những trận cãi vã. Đứng xếp hàng rảnh rang nên đôi khi mọi người xung đột nhau bởi những chuyện chẳng đâu vào đâu, thậm chí chỉ một lời nói chen ngang cũng có thể thành việc mâu thuẫn lớn.
Để có đủ nước dùng, bà con hàng phố quyết định đào thêm cái giếng ngay giữa sân, trước cửa nhà anh Sơn. Nước giếng tuy rất trong nhưng cũng chỉ dùng để giặt giũ và dội nước nhà vệ sinh. Cả xóm dùng chung 3 nhà vệ sinh, mỗi nhà có trách nhiệm đổ nước vào đầy bể trong một tuần. Sáng nào cả xóm cũng gặp nhau ở nơi tế nhị này, chào hỏi râm ran và tán mấy câu bâng quơ trong lúc xếp hàng chờ đến phiên mình. Nếu người nào trót ăn gì khiến bụng dạ “có vấn đề” thì tha hồ đi đi lại lại, mặt mày tái mét. Chỉ cần thoáng nghe tiếng người “đi trước” mở cửa để ra dội nước thì hàng xóm thương tình nhường cho… tiêu chuẩn khỏi phải xếp hàng!
Thời điểm này, xóm nhà 36-38 chúng tôi vẫn vẫn phải đào hầm. Hầm được đào ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên cố. Hầm rộng, có thể chứa được 20 người. Những ngày có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã quen, việc chạy xuống hầm đã trở thành việc bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả.
Căn nhà phía bên 36 phố Huế của gia đình, ba tôi cũng đào một chiếc hầm ngay dưới gầm giường để phòng khi báo động vào ban đêm. Đúng là xui khi chiếc hầm đào trúng phải mạch nước ngầm nhỏ nên thỉnh thoảng cả nhà lại phải múc nước đổ đi. Bà ngoại tôi để sẵn vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho các cháu khỏi ướt chân. Khi có báo động, các anh chị em tôi xuống hầm, còn ba tôi ở bên trên phủ vội chiếc chăn bông và những chiếc gối, đề phòng có bom bi.
Ngồi ở dưới hầm là cả một cực hình, vì căn hầm ẩm ướt, muỗi bay vù vù cắn sưng người, chân rất mỏi bởi phải ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu. Một lần đang ngủ trưa trên võng, tôi chợt nghe loa truyền thanh dóng dả: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km! Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu! Mọi người cần nhanh chóng vào hầm trú ẩn và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Ủy ban Phòng không nhân dân Thành phố…”.
Bình thường khi nào máy bay cách Hà Nội 30 km thì mới phải xuống hầm, nhưng chắc hôm ấy máy bay bay… quá nhanh hay sao đó mà mới cách 50 km thì còi báo động của Nhà hát Lớn đã vang lên. Tôi đang nằm ngủ trên võng, nhào vội xuống, chẳng biết do cuống cuồng hay vì vẫn còn ngái ngủ mà ríu hết cả chân không chạy được. Má tôi vội chạy tới, nửa như cõng, nửa kéo lê tôi để cố chạy về phía căn hầm tập thể mà 2 má con chẳng nhích được là bao. Thấy cảnh dở khóc dở cười như vậy, tự nhiên cả má cả con bỗng bật cười rũ rượi. Vậy là hết quýnh quáng. Lại chạy được thoăn thoắt xuống hầm.
Thời gian này, “gánh hát mini” của gia đình tôi vẫn tập đàn, tập hát rất chuyên cần. Những tiết mục biểu diễn của Ái Vân - Ái Xuân cũng được biết đến nhiều hơn. Bên cạnh các bài ca cải lương thì Ái Xuân và tôi cũng thường song ca những bài nhạc mới để hát 2 bè. Lúc đầu, hai chị em tôi thường được mời tới hát cho các đoàn khách của Bộ Văn hóa hay Hội Nhạc sĩ tại số 51 Trần Hưng Đạo. Dần dần, chúng tôi theo má đi diễn trong một số chương trình nghệ thuật và các hội nghị.
Nhà thơ Bảo Định Giang quyết định nhận hai đứa chúng tôi làm con nuôi và đưa chúng tôi đi trình diễn khắp nơi. Gọi là trình diễn nhưng thực chất chỉ là đi hát chứ chưa bao giờ có cátxê. Để kịp có những tiết mục mới cho tôi và Ái Xuân, ba tôi và anh trai Hà Quang Văn đã sáng tác những nhạc cảnh cải lương phù hợp với đề tài chiến tranh. Những nhạc cảnh này đã gây được sự thích thú bởi được trình diễn bằng giọng Nam kỳ ngọt ngào của 2 bé con người Hà Nội.
Sau này, từ Miền Nam, nhạc sĩ Thanh Lý đã gửi ra tặng chúng tôi bài hát Tía em hết sợ. Bài hát kể về một ông già Nam bộ vô cùng nhút nhát, mỗi khi thấy xe lội nước càn vào làng thì hoảng hốt và chạy trốn. Nhờ bà vợ và hai đứa con thuyết phục mãi, cuối cùng ông đã hết sợ và can đảm hơn. Lời bài hát có đoạn:
"Tía em chúa sợ xe lội nước
Nghe rù rù, ổng đổng mất tiêu
Cứ như thế, ổng dông tới chiều
Khi trở về vẻ mặt buồn hiu
Hết cự má em, lại rầy chúng em
Suốt mấy hôm liền cả nhà không yên"
Dưới sự hướng dẫn cả về diễn xuất, lời ca, điệu bộ rất ngộ nghĩnh của má và anh Văn, bài hát đã trở thành bài “hit” của hai chị em tôi và được trình diễn trong mấy năm liền, đi đâu cũng được yêu cầu hát bài này khiến chúng tôi rất khoái chí. Khi tôi vào trường nhạc thì vẫn còn đi hát với Ái Xuân bài hát này một thời gian ngắn nữa…
Ngoài việc đi hát, tôi và Ái Xuân cũng thường cùng má Ái Liên biểu diễn minh hoạ cho các buổi nói chuyện về lịch sử sân khấu cải lương hoặc về thi ca, nghệ thuật. Tham gia biểu diễn còn có cô Trần Thị Tuyết ngâm thơ với chất giọng ngọt ngào, nổi tiếng với bài thơ Quê hương của Giang Nam, có cô Châu Loan hay chị Lài Tâm trong các điệu hò Huế mượt mà, chị Diễm Lộc biến hóa thú vị trong những vai ấn tượng của các trích đoạn chèo.
Cũng trong thời gian này, thỉnh thoảng Ái Xuân và tôi cũng thu âm các bài hát hoặc các hoạt cảnh tại Đài tiếng nói Việt Nam. Duyên cớ đưa đẩy thế nào, hai chị em được mời làm cộng tác viên cho Chương trình Phát thanh Măng non của Đài. Chúng tôi có thể đọc giọng Bắc, giọng Nam và hát cải lương hoặc nhạc tân thời. Nhiều bữa đi học về, chúng tôi vào thẳng phòng thu tin tức của Đài tiếng nói Việt Nam trụ sở tại số nhà 39 phố Bà Triệu.
Có một lần, tôi và Xuân cắp sách từ trường qua thẳng Đài. Tôi vào phòng thu trước, còn Xuân ngồi ngoài chờ tới lượt. Khi công việc của tôi hoàn tất, các cô chú gọi Ái Xuân ời ời mà không thấy. Mọi người hốt hoảng đi kiếm thì thấy Xuân nằm chèo queo trên sàn của hành lang, đầu gối lên cặp sách, tay chống lên má, ngủ ngon lành…
Ái Vân (trái) diễn cùng nghệ sĩ Đinh Thìn tại Nhật Bản năm 1979. |
Để có đủ nước dùng, bà con hàng phố quyết định đào thêm cái giếng ngay giữa sân, trước cửa nhà anh Sơn. Nước giếng tuy rất trong nhưng cũng chỉ dùng để giặt giũ và dội nước nhà vệ sinh. Cả xóm dùng chung 3 nhà vệ sinh, mỗi nhà có trách nhiệm đổ nước vào đầy bể trong một tuần. Sáng nào cả xóm cũng gặp nhau ở nơi tế nhị này, chào hỏi râm ran và tán mấy câu bâng quơ trong lúc xếp hàng chờ đến phiên mình. Nếu người nào trót ăn gì khiến bụng dạ “có vấn đề” thì tha hồ đi đi lại lại, mặt mày tái mét. Chỉ cần thoáng nghe tiếng người “đi trước” mở cửa để ra dội nước thì hàng xóm thương tình nhường cho… tiêu chuẩn khỏi phải xếp hàng!
Thời điểm này, xóm nhà 36-38 chúng tôi vẫn vẫn phải đào hầm. Hầm được đào ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên cố. Hầm rộng, có thể chứa được 20 người. Những ngày có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã quen, việc chạy xuống hầm đã trở thành việc bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả.
Căn nhà phía bên 36 phố Huế của gia đình, ba tôi cũng đào một chiếc hầm ngay dưới gầm giường để phòng khi báo động vào ban đêm. Đúng là xui khi chiếc hầm đào trúng phải mạch nước ngầm nhỏ nên thỉnh thoảng cả nhà lại phải múc nước đổ đi. Bà ngoại tôi để sẵn vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho các cháu khỏi ướt chân. Khi có báo động, các anh chị em tôi xuống hầm, còn ba tôi ở bên trên phủ vội chiếc chăn bông và những chiếc gối, đề phòng có bom bi.
Ái Vân (phải) và ca sĩ Minh Thìn, đoàn Bông Sen tại Saigon năm 1975. |
Bình thường khi nào máy bay cách Hà Nội 30 km thì mới phải xuống hầm, nhưng chắc hôm ấy máy bay bay… quá nhanh hay sao đó mà mới cách 50 km thì còi báo động của Nhà hát Lớn đã vang lên. Tôi đang nằm ngủ trên võng, nhào vội xuống, chẳng biết do cuống cuồng hay vì vẫn còn ngái ngủ mà ríu hết cả chân không chạy được. Má tôi vội chạy tới, nửa như cõng, nửa kéo lê tôi để cố chạy về phía căn hầm tập thể mà 2 má con chẳng nhích được là bao. Thấy cảnh dở khóc dở cười như vậy, tự nhiên cả má cả con bỗng bật cười rũ rượi. Vậy là hết quýnh quáng. Lại chạy được thoăn thoắt xuống hầm.
Thời gian này, “gánh hát mini” của gia đình tôi vẫn tập đàn, tập hát rất chuyên cần. Những tiết mục biểu diễn của Ái Vân - Ái Xuân cũng được biết đến nhiều hơn. Bên cạnh các bài ca cải lương thì Ái Xuân và tôi cũng thường song ca những bài nhạc mới để hát 2 bè. Lúc đầu, hai chị em tôi thường được mời tới hát cho các đoàn khách của Bộ Văn hóa hay Hội Nhạc sĩ tại số 51 Trần Hưng Đạo. Dần dần, chúng tôi theo má đi diễn trong một số chương trình nghệ thuật và các hội nghị.
Nhà thơ Bảo Định Giang quyết định nhận hai đứa chúng tôi làm con nuôi và đưa chúng tôi đi trình diễn khắp nơi. Gọi là trình diễn nhưng thực chất chỉ là đi hát chứ chưa bao giờ có cátxê. Để kịp có những tiết mục mới cho tôi và Ái Xuân, ba tôi và anh trai Hà Quang Văn đã sáng tác những nhạc cảnh cải lương phù hợp với đề tài chiến tranh. Những nhạc cảnh này đã gây được sự thích thú bởi được trình diễn bằng giọng Nam kỳ ngọt ngào của 2 bé con người Hà Nội.
Sau này, từ Miền Nam, nhạc sĩ Thanh Lý đã gửi ra tặng chúng tôi bài hát Tía em hết sợ. Bài hát kể về một ông già Nam bộ vô cùng nhút nhát, mỗi khi thấy xe lội nước càn vào làng thì hoảng hốt và chạy trốn. Nhờ bà vợ và hai đứa con thuyết phục mãi, cuối cùng ông đã hết sợ và can đảm hơn. Lời bài hát có đoạn:
"Tía em chúa sợ xe lội nước
Nghe rù rù, ổng đổng mất tiêu
Cứ như thế, ổng dông tới chiều
Khi trở về vẻ mặt buồn hiu
Hết cự má em, lại rầy chúng em
Suốt mấy hôm liền cả nhà không yên"
Dưới sự hướng dẫn cả về diễn xuất, lời ca, điệu bộ rất ngộ nghĩnh của má và anh Văn, bài hát đã trở thành bài “hit” của hai chị em tôi và được trình diễn trong mấy năm liền, đi đâu cũng được yêu cầu hát bài này khiến chúng tôi rất khoái chí. Khi tôi vào trường nhạc thì vẫn còn đi hát với Ái Xuân bài hát này một thời gian ngắn nữa…
Chân dung ca sĩ Ái Vân. |
Cũng trong thời gian này, thỉnh thoảng Ái Xuân và tôi cũng thu âm các bài hát hoặc các hoạt cảnh tại Đài tiếng nói Việt Nam. Duyên cớ đưa đẩy thế nào, hai chị em được mời làm cộng tác viên cho Chương trình Phát thanh Măng non của Đài. Chúng tôi có thể đọc giọng Bắc, giọng Nam và hát cải lương hoặc nhạc tân thời. Nhiều bữa đi học về, chúng tôi vào thẳng phòng thu tin tức của Đài tiếng nói Việt Nam trụ sở tại số nhà 39 phố Bà Triệu.
Có một lần, tôi và Xuân cắp sách từ trường qua thẳng Đài. Tôi vào phòng thu trước, còn Xuân ngồi ngoài chờ tới lượt. Khi công việc của tôi hoàn tất, các cô chú gọi Ái Xuân ời ời mà không thấy. Mọi người hốt hoảng đi kiếm thì thấy Xuân nằm chèo queo trên sàn của hành lang, đầu gối lên cặp sách, tay chống lên má, ngủ ngon lành…
Còn tiếp...
Đinh Thu Hiền chấp bút
Thứ bảy, 22/6/2013 09:22 GMT+7
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (kỳ cuối)
Xem trên phim, thấy mọi thứ đẹp lung linh nhưng khi đi quay thì bối cảnh được chọn là một vùng rừng núi trên Hòa Bình, rồi lại ở trong các lán trại thì tôi thấy đâu có khác gì thời đi sơ tán.
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (9)
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (10)
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (10)
Hàng ngày, ngoài đi học, tôi và Ái Xuân vẫn hào hứng đi biểu diễn. Một lần tôi bị viêm họng, mà trong buổi diễn thì chúng tôi song ca một ca khúc, tôi hát bè cao, Xuân hát bè thấp. Tôi nói Xuân phải chọn tông thấp hơn để những chỗ nào hát cao, Xuân có thể hát thế tôi. Thuyết phục mãi Xuân không chịu nên hai chị em cãi nhau kịch liệt. Ra tới sân khấu, hai đứa mỗi đứa quay mặt một nơi không thèm nhìn nhau. Tôi hát một kiểu, Ái Xuân hát một kiểu, đúng là ông chẳng bà chuộc không ra làm sao cả. Tiết mục thất bại thảm hại. Khi diễn xong, hai đứa lại cãi nhau, đổ lỗi cho nhau, bực không chịu được. Kết quả là khi xe đưa về tới nhà thì cũng là lúc hai đứa mặt mày nhem nhuốc phấn son vì khóc như mưa. Cả nhà xúm lại hỏi han, anh Văn nghiêm khắc: “Chuyện gì đã xảy ra thế?”. Nghe hết câu chuyện, anh Văn tức giận lôi hai đứa chúng tôi tới trước mặt má. Má nói: “Hai đứa con ở ngoài đời là hai chị em, nhưng lên sân khấu thì là hai diễn viên. Tuyệt đối không được mang chuyện ngoài đời mà ảnh hưởng đến sân khấu. Do vậy, má phạt các con không được đi biểu diễn trong đợt tới nữa!”. Nghe lời dạy dỗ của má, chúng tôi đành rối rít xin lỗi và hứa không bao giờ cãi nhau nữa.
Cũng năm 1968, tôi lần đầu được đi đóng phim. Đó là bộ phim Rừng xà nu chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành (tức nhà văn Nguyên Ngọc). Vai chính là Mai và Nu do diễn viên Thuỵ Vân và Trọng Khôi thể hiện. Còn tôi và bạn trai tên Kiện thì được chọn vào vai của Mai và Nu hồi còn nhỏ. Tôi đã được xem vai diễn của chị Thuỵ Vân trong phim Nổi gió nên khi được chọn đóng phim cùng chị thì thích lắm. Xem trên phim, thấy mọi thứ đẹp lung linh nhưng khi đi quay thì bối cảnh được chọn là một vùng rừng núi trên Hòa Bình, rồi lại ở trong các lán trại thì tôi thấy đâu có khác gì thời đi sơ tán. Cảm giác thất vọng tràn trề chưa tan hết thì bắt đầu vào các cảnh quay.
Nhân vật Mai mà tôi thủ vai lúc còn nhỏ làm công việc giao liên. Do vậy, cùng bộ trang phục áo váy dân tộc Tây Nguyên để tay trần, các cảnh quay mà nhân vật tôi thủ vai chỉ chủ yếu là … chạy. Giao liên mà. Chạy và chạy thật nhanh. Tôi cứ vai trần, chân trần như vậy, băng băng giữa suối, chả hiểu bị lạ nước thế nào, mà ngứa phát điên lên. Rồi một bữa vừa ngủ dậy, thò chân xuống dưới giường thì thấy chạm vào vật gì đó mềm mềm, nhũn nhũn, trơn trơn. Hoảng hồn nhìn kỹ lại, cha mẹ ơi, một con rắn đang cuộn tròn tỉnh queo dưới chân tôi. Tôi hét lên một tiếng làm kinh động suốt cả khu lán trại hoang dã và tạm bợ ấy.
Cảnh quay khác, khi chúng tôi tới Tam Đảo. Không khác gì ở Hòa Bình, tôi lại chạy từ trên đỉnh dốc xuống chân dốc, rồi lại chạy từ chân dốc lên đỉnh dốc, chạy hoài như vậy vài lần đạo diễn mới vừa ý. Vừa dừng lại thở gấp gáp vì mệt rũ người ra, thì đạo diễn Nguyễn Văn Thông tới và nói: “Cháu đưa chân đây”. Tôi rất ngạc nhiên, chưa hiểu vì sao chú lại có yêu cầu kỳ lạ như vậy nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo. Hóa ra mỗi kẽ chân của tôi là một con vắt đã hút máu tới no tròn. Kinh hoàng và giận dỗi vô cớ, tôi một mình đi phăm phăm lên đỉnh đồi cả hai, ba cây số, rồi đứng khóc tức tưởi. Giấc mộng đi đóng phim để được gặp chị Thuỵ Vân đã không thành hiện thực vì Mai lớn đâu có diễn chung với Mai bé, rồi lại gặp rắn, bị ngứa, và vắt cắn khiến tôi vừa thất vọng vừa sợ khiếp vía. Khóc chán chê, không còn lựa chọn nào khác, tôi lại một mình mò xuống chân núi, nơi đoàn làm phim đang chờ.
Năm 1969, chiến sự vẫn đang vô cùng nóng bỏng. Tin tức về những cuộc họp tại Hội nghị Paris được sự quan tâm của mọi người dân, ai cũng mong chiến tranh mau kết thúc. Sáng nào ba tôi cũng dán mắt vào tờ báo Nhân Dân để theo dõi tình hình chiến sự, sau đó thuật lại các tin chính cho cả nhà cùng nghe.
Thời gian này, đoàn nghệ thuật hùng hậu được thành lập để sang diễn phục vụ bà con Việt kiều bên Pháp và song hành cùng Hội nghị Paris. Ngoài ca múa nhạc, đoàn còn bổ sung thêm các bộ môn nghệ thuật khác như chèo, tuồng, hò Huế, ngâm thơ và cải lương. Các nghệ sĩ tên tuổi và nổi danh như cồn thời đó như Công Thành, Tấn Đạt, Hoàng Nghĩa, Thanh Vy, Kim Chính, Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Hưng, Thanh Huyền, Bích Liên, Châu Loan, Diễm Lộc… đều tham gia góp giọng trong chuyến đi lịch sử này.
Đoàn cải lương của má tôi tập tuồng suốt đêm suốt ngày, miệt mài và nghiêm túc. Ai cũng mệt, nhưng rất vui. Má Ái Liên của tôi tham gia tiết mục dân ca, bài Lý con sáo và Ru con (Nam bộ). Má cũng cùng các nghệ sĩ cải lương khác biểu diễn một số vở, trong đó có Nàng tiên mẫu đơn. Vì thiếu diễn viên nên vừa xong tiết mục của mình, má đã hóa trang thành mặt đen nhẻm, mặc trang phục “Thiên tướng”. Tới đoạn thiên tướng ra oai, thét vang thì phi thân lên bục múa võ với hai chiếc chuỳ quay vù vù. Nhìn má tôi diễn rất oai phong, lẫm liệt.
Chương trình nghệ thuật tổng hợp này, tuy hạn chế số lượng nghệ sĩ tham gia, nhưng có sự kết hợp nhịp nhàng cùng các Việt kiều, đã tạo nên thành công rất lớn và gây tiếng vang tại Pháp khi đó.
Má tôi sau này đã kể lại câu chuyện rất hài khi đi diễn trong chương trình này. Nghệ sĩ Công Thành trên sân khấu có đoạn vừa ngồi võng vừa diễn xuất. Vì mải diễn không để ý, tới khi đến võng định ngồi xuống thì bỗng thấy nghệ sĩ khựng lại, không dám ngồi. Hóa ra mấy anh Việt kiều phụ trách cảnh trí như anh Xuân, anh Phước đã tinh nghịch bày trò trêu ghẹo nghệ sĩ. Mấy anh đã kín đáo đặt vào trong võng rất nhiều kìm và búa. Trong khi chú Công Thành đang lúng túng chưa biết cách ứng phó với tình huống bất ngờ này ra sao, thì các anh em nghệ sĩ khác ôm bụng cười nghiêng ngả trong cánh gà.
Cùng diễn bên lề Hội nghị Paris còn có một đoàn nghệ thuật khác của phía “bên kia” do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm trưởng đoàn bao gồm nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tài danh ở phía Nam thời đó. Sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã có nhiều dịp được gặp và làm việc chung, trở nên thân tình với gia đình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Việc này tôi sẽ đề cập đến trong những chương sau.
Thời gian này, phố Huế, Hà Nội của tôi rộ lên phong trào tập thể dục mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng. Khi loa truyền thanh phát xong nhạc hiệu là lúc giờ thể dục bắt đầu. Trời vẫn còn chưa sáng rõ, đèn đường còn chưa tắt, mọi người đã lục tục kéo nhau ra 2 bên vỉa hè chuẩn bị tập thể dục theo hướng dẫn trên loa. Khi giọng nữ phát thanh viên bắt đầu: “Nghiêm, hít thở, một, hai ba bốn, hai hai ba bốn…”, ai nấu đều giơ tay lên xuống nhẹ nhàng, hít thật sâu cái tinh khôi ngọt ngào của không gian yên ả phố phường vẫn còn đang ngái ngủ. Khi tới giữa bài tập cũng là lúc chuyến tàu điện đầu tiên leng keng đi qua phố Huế lúc 5:15. Một lúc sau, thành phố mới bắt đầu thức dậy với những sinh hoạt ngày thường, những âm thanh rộn rã, mà việc đầu tiên trong ngày đó chính là việc đi xếp hàng mua thịt, cá, mỡ, gạo, rau và các nhu yếu phẩm.
Từ phong trào tập thể dục lại … lan sang phong trào lạ khác nữa: phong trào uống nước. Chẳng biết từ đâu xuất hiện một tài liệu cho rằng, nếu sáng ra uống liền 2 lít nước trắng thì con người sẽ mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu tan hết sạch. Thế là nhà nhà, người người rộn ràng với việc hứng nước, nấu nước, lọc nước ngay từ tối hôm trước. Nhà tôi đông người nên các loại chai to chai nhỏ cùng cặp lồng, xoong nồi được tận dụng tối đa, bày la liệt khắp nơi. Khát nước mà uống thì là chuyện đương nhiên, nhưng khổ nỗi mới sáng sớm ra chưa ăn uống gì mà liền một lúc 2 lít nước thì chẳng khác cực hình. Vài ngụm đầu thì không sao, càng về sau càng sợ hãi. Đến lúc “cao trào đỉnh điểm”, trước sự giám sát của cả nhà, mấy anh chị em chúng tôi phải nín thở cố uống cho khỏi … nghẹn nước, trong lúc nước mắt nước mũi chảy ròng ròng!
Sau đó, lại đến Đoàn cải lương Nam bộ của má tôi rộ lên phong trào thể thao, đặc biệt là bộ môn bóng bàn. Hai nhà vô địch bóng bàn hồi ấy là chị Nguyễn Thị Mai và anh Nguyễn Ngọc Phan thỉnh thoảng được mời về đánh “biểu diễn” và huấn luyện cho các nghệ sĩ. Sau này, đội bóng bàn của Sở Thể dục thể thao và Đoàn cải lương Nam bộ trở nên rất thân thiết nhau.
Trong đám con em các nghệ sĩ, Ái Xuân chơi bóng bàn được đánh giá vào loại khá. Năm đó, Ái Xuân vào đội trống của Câu lạc bộ thiếu niên tham gia diễu hành ngày 1/6. Từ lúc 3h sáng, tất cả những thiếu niên tham gia đã phải tập trung ở Vườn Bách thảo rồi. Đoàn diễu hành hàng lối chỉnh tề, áo trắng váy xanh, mũ ca-lô đội lệch nhìn rất oai, vừa đi vừa đánh trống tưng bừng. Ái Xuân được đứng hàng đầu, hiên ngang vung tay đánh trống rất khí thế, bỗng “bép” một cái, chân của Xuân lọt thỏm vào giữa bãi phân trâu. Thế là Xuân vội vội vàng vàng tháo cả trống cả dùi, mếu máo tìm vòi nước kỳ cọ cho sạch giày, sạch chân. Sau đó, phải chạy tìm kiếm mãi, Ái Xuân mới đuổi theo kịp đội hình. Chẳng biết có phải dẫm phân trâu hên hay không, mà năm đó Ái Xuân đoạt Giải 5 Học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, Giải 5 thi bóng bàn. Em lại đang học lớp Năm. Vậy là thành 555!
Mùa hè trôi qua thật nhanh. Rồi tôi cũng chuẩn bị để vào cấp 3 (bây giờ gọi là THPT). Ba tôi lúc đó tìm mọi cách để chọn trường phù hợp với tôi, vì các trường cấp 3 tại Hà Nội vào thời điểm đó còn đi sơ tán chưa về đầy đủ. Duy chỉ có hai trường là Xuân Đỉnh và Yên Hòa thì lại nằm ở ngoại thành, khá xa nhà tôi, và cũng rất khó khăn để xin vào học. Một hôm không biết ba đi thu thập tin tức ở đâu về thông báo: “Có trường học cho Ái Vân rồi, con vào trường nhạc, vừa học thanh nhạc lại vừa học được tất cả các môn giống hệt như trường cấp 3”. Tôi không muốn học thanh nhạc nên nói với ba má: “Con muốn trở thành nghệ sĩ cải lương”. Nghe xong, má gọi tôi lại và nói: “Xuân hát cải lương thì rất mùi. Nhưng Vân không có đủ cái e đó. Con hát cải lương giống như Tây hát nên học thanh nhạc sẽ phù hợp hơn”.
Lời nói của má như gáo nước lạnh tạt vào người tôi trong một ngày mùa đông rét tái tê của Hà Nội. Cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi từ việc chọn trường này. Đơn giản mà cũng vô cùng trọng đại.
Hết trích đăng chương 1.
Cũng năm 1968, tôi lần đầu được đi đóng phim. Đó là bộ phim Rừng xà nu chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành (tức nhà văn Nguyên Ngọc). Vai chính là Mai và Nu do diễn viên Thuỵ Vân và Trọng Khôi thể hiện. Còn tôi và bạn trai tên Kiện thì được chọn vào vai của Mai và Nu hồi còn nhỏ. Tôi đã được xem vai diễn của chị Thuỵ Vân trong phim Nổi gió nên khi được chọn đóng phim cùng chị thì thích lắm. Xem trên phim, thấy mọi thứ đẹp lung linh nhưng khi đi quay thì bối cảnh được chọn là một vùng rừng núi trên Hòa Bình, rồi lại ở trong các lán trại thì tôi thấy đâu có khác gì thời đi sơ tán. Cảm giác thất vọng tràn trề chưa tan hết thì bắt đầu vào các cảnh quay.
Ca sĩ Ái Vân. |
Cảnh quay khác, khi chúng tôi tới Tam Đảo. Không khác gì ở Hòa Bình, tôi lại chạy từ trên đỉnh dốc xuống chân dốc, rồi lại chạy từ chân dốc lên đỉnh dốc, chạy hoài như vậy vài lần đạo diễn mới vừa ý. Vừa dừng lại thở gấp gáp vì mệt rũ người ra, thì đạo diễn Nguyễn Văn Thông tới và nói: “Cháu đưa chân đây”. Tôi rất ngạc nhiên, chưa hiểu vì sao chú lại có yêu cầu kỳ lạ như vậy nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo. Hóa ra mỗi kẽ chân của tôi là một con vắt đã hút máu tới no tròn. Kinh hoàng và giận dỗi vô cớ, tôi một mình đi phăm phăm lên đỉnh đồi cả hai, ba cây số, rồi đứng khóc tức tưởi. Giấc mộng đi đóng phim để được gặp chị Thuỵ Vân đã không thành hiện thực vì Mai lớn đâu có diễn chung với Mai bé, rồi lại gặp rắn, bị ngứa, và vắt cắn khiến tôi vừa thất vọng vừa sợ khiếp vía. Khóc chán chê, không còn lựa chọn nào khác, tôi lại một mình mò xuống chân núi, nơi đoàn làm phim đang chờ.
Năm 1969, chiến sự vẫn đang vô cùng nóng bỏng. Tin tức về những cuộc họp tại Hội nghị Paris được sự quan tâm của mọi người dân, ai cũng mong chiến tranh mau kết thúc. Sáng nào ba tôi cũng dán mắt vào tờ báo Nhân Dân để theo dõi tình hình chiến sự, sau đó thuật lại các tin chính cho cả nhà cùng nghe.
Hà Nội xưa - Ô Quan Chưởng. |
Đoàn cải lương của má tôi tập tuồng suốt đêm suốt ngày, miệt mài và nghiêm túc. Ai cũng mệt, nhưng rất vui. Má Ái Liên của tôi tham gia tiết mục dân ca, bài Lý con sáo và Ru con (Nam bộ). Má cũng cùng các nghệ sĩ cải lương khác biểu diễn một số vở, trong đó có Nàng tiên mẫu đơn. Vì thiếu diễn viên nên vừa xong tiết mục của mình, má đã hóa trang thành mặt đen nhẻm, mặc trang phục “Thiên tướng”. Tới đoạn thiên tướng ra oai, thét vang thì phi thân lên bục múa võ với hai chiếc chuỳ quay vù vù. Nhìn má tôi diễn rất oai phong, lẫm liệt.
Chương trình nghệ thuật tổng hợp này, tuy hạn chế số lượng nghệ sĩ tham gia, nhưng có sự kết hợp nhịp nhàng cùng các Việt kiều, đã tạo nên thành công rất lớn và gây tiếng vang tại Pháp khi đó.
Má tôi sau này đã kể lại câu chuyện rất hài khi đi diễn trong chương trình này. Nghệ sĩ Công Thành trên sân khấu có đoạn vừa ngồi võng vừa diễn xuất. Vì mải diễn không để ý, tới khi đến võng định ngồi xuống thì bỗng thấy nghệ sĩ khựng lại, không dám ngồi. Hóa ra mấy anh Việt kiều phụ trách cảnh trí như anh Xuân, anh Phước đã tinh nghịch bày trò trêu ghẹo nghệ sĩ. Mấy anh đã kín đáo đặt vào trong võng rất nhiều kìm và búa. Trong khi chú Công Thành đang lúng túng chưa biết cách ứng phó với tình huống bất ngờ này ra sao, thì các anh em nghệ sĩ khác ôm bụng cười nghiêng ngả trong cánh gà.
Cùng diễn bên lề Hội nghị Paris còn có một đoàn nghệ thuật khác của phía “bên kia” do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm trưởng đoàn bao gồm nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tài danh ở phía Nam thời đó. Sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã có nhiều dịp được gặp và làm việc chung, trở nên thân tình với gia đình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Việc này tôi sẽ đề cập đến trong những chương sau.
Thời gian này, phố Huế, Hà Nội của tôi rộ lên phong trào tập thể dục mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng. Khi loa truyền thanh phát xong nhạc hiệu là lúc giờ thể dục bắt đầu. Trời vẫn còn chưa sáng rõ, đèn đường còn chưa tắt, mọi người đã lục tục kéo nhau ra 2 bên vỉa hè chuẩn bị tập thể dục theo hướng dẫn trên loa. Khi giọng nữ phát thanh viên bắt đầu: “Nghiêm, hít thở, một, hai ba bốn, hai hai ba bốn…”, ai nấu đều giơ tay lên xuống nhẹ nhàng, hít thật sâu cái tinh khôi ngọt ngào của không gian yên ả phố phường vẫn còn đang ngái ngủ. Khi tới giữa bài tập cũng là lúc chuyến tàu điện đầu tiên leng keng đi qua phố Huế lúc 5:15. Một lúc sau, thành phố mới bắt đầu thức dậy với những sinh hoạt ngày thường, những âm thanh rộn rã, mà việc đầu tiên trong ngày đó chính là việc đi xếp hàng mua thịt, cá, mỡ, gạo, rau và các nhu yếu phẩm.
Từ phong trào tập thể dục lại … lan sang phong trào lạ khác nữa: phong trào uống nước. Chẳng biết từ đâu xuất hiện một tài liệu cho rằng, nếu sáng ra uống liền 2 lít nước trắng thì con người sẽ mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu tan hết sạch. Thế là nhà nhà, người người rộn ràng với việc hứng nước, nấu nước, lọc nước ngay từ tối hôm trước. Nhà tôi đông người nên các loại chai to chai nhỏ cùng cặp lồng, xoong nồi được tận dụng tối đa, bày la liệt khắp nơi. Khát nước mà uống thì là chuyện đương nhiên, nhưng khổ nỗi mới sáng sớm ra chưa ăn uống gì mà liền một lúc 2 lít nước thì chẳng khác cực hình. Vài ngụm đầu thì không sao, càng về sau càng sợ hãi. Đến lúc “cao trào đỉnh điểm”, trước sự giám sát của cả nhà, mấy anh chị em chúng tôi phải nín thở cố uống cho khỏi … nghẹn nước, trong lúc nước mắt nước mũi chảy ròng ròng!
Sau đó, lại đến Đoàn cải lương Nam bộ của má tôi rộ lên phong trào thể thao, đặc biệt là bộ môn bóng bàn. Hai nhà vô địch bóng bàn hồi ấy là chị Nguyễn Thị Mai và anh Nguyễn Ngọc Phan thỉnh thoảng được mời về đánh “biểu diễn” và huấn luyện cho các nghệ sĩ. Sau này, đội bóng bàn của Sở Thể dục thể thao và Đoàn cải lương Nam bộ trở nên rất thân thiết nhau.
Bằng Tốt nghiệp ĐH Thanh nhạc của Ái Vân. |
Mùa hè trôi qua thật nhanh. Rồi tôi cũng chuẩn bị để vào cấp 3 (bây giờ gọi là THPT). Ba tôi lúc đó tìm mọi cách để chọn trường phù hợp với tôi, vì các trường cấp 3 tại Hà Nội vào thời điểm đó còn đi sơ tán chưa về đầy đủ. Duy chỉ có hai trường là Xuân Đỉnh và Yên Hòa thì lại nằm ở ngoại thành, khá xa nhà tôi, và cũng rất khó khăn để xin vào học. Một hôm không biết ba đi thu thập tin tức ở đâu về thông báo: “Có trường học cho Ái Vân rồi, con vào trường nhạc, vừa học thanh nhạc lại vừa học được tất cả các môn giống hệt như trường cấp 3”. Tôi không muốn học thanh nhạc nên nói với ba má: “Con muốn trở thành nghệ sĩ cải lương”. Nghe xong, má gọi tôi lại và nói: “Xuân hát cải lương thì rất mùi. Nhưng Vân không có đủ cái e đó. Con hát cải lương giống như Tây hát nên học thanh nhạc sẽ phù hợp hơn”.
Lời nói của má như gáo nước lạnh tạt vào người tôi trong một ngày mùa đông rét tái tê của Hà Nội. Cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi từ việc chọn trường này. Đơn giản mà cũng vô cùng trọng đại.
Hết trích đăng chương 1.
Đinh Thu Hiền chấp bút
Geen opmerkingen:
Een reactie posten