Trong hồi ức của những người lính từng tham gia bảo vệ đảo Hoàng Sa vẫn vẹn nguyên những cái Tết buồn vui lẫn lộn, bởi một bên là nỗi nhớ đất liền, một bên là những thú vui dường như chỉ có nơi đảo xinh đẹp này.
> Chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước
Chiều cuối năm, ông Phạm Khôi, 73 tuổi, trú đường Quang Trung (Hải Châu, TP Đà Nẵng) lại cẩn thận lấy ra tấm bản đồ phác họa quần đảo Hoàng Sa do ông tự tay vẽ bằng trí nhớ về quãng thời gian hơn 3 tháng làm lính địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam ra làm nhiệm vụ giữ đảo.
Lấy tay chỉ từng địa danh trên tấm bản đồ, ông Khôi bảo hình ảnh Hoàng Sa luôn thường trực trong tâm trí. Năm 2006 khi vấn đề Hoàng Sa được đặc biệt quan tâm trên nghị trường, nỗi nhớ Hoàng Sa đã thôi thúc ông vẽ tấm bản đồ phác họa về hòn đảo này. Trong dịp UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) ra mắt “Kỷ yếu Hoàng Sa” mới đây, ông đã tặng một bản tấm bản đồ cho huyện đảo để có thêm tư liệu, chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa.
Ông Phạm Khôi (bìa trái) tặng tấm bản đồ phác họa quần đảo Hoàng Sa cho Chủ tịch UBND huyện Đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Khôi kể lại: “Đúng ngày cúng ông Táo năm 1969, chúng tôi lên tàu và ngày hôm sau có mặt tại đảo. Trước khi ra, tôi và khoảng 30 người ghé Hội An (Quảng Nam) mua sắm đồ đạc, trong đó có hai thứ không thể thiếu là đường và sữa”.
Theo ông Khôi, khi ra đảo ngoài gạo mang từ đất liền ra, những người lính phải tự túc thức ăn bằng cách đánh cá ở những bãi san hô ven bờ. Ngày 30, không khí đón Tết rạo rực nhưng không được gói bánh chưng, bánh tét hay bó giò như ở đất liền. Một vài người lính trẻ đứng nhìn về phía đất liền, có người ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ. Còn ông thì ngồi thu mình nơi bờ biển vắng nhớ người vợ trẻ đang mang thai tháng thứ sáu đứa con đầu lòng.
Đêm giao thừa, ông Khôi và những người lính nhắc nhau đi thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Một đống lửa nhỏ được nhóm lên giữa đảo rồi từng tốp lính trẻ ngồi quây quần hát nghêu ngao, xen lẫn lời chúc Tết mộc mạc của người lính.
Sáng mùng 1, ông Khôi tự thưởng cho mình một cốc sữa rồi rủ anh em đi bắt cá về làm cơm. “Tôm cá ở Hoàng Sa nhiều vô kể, tôi cùng mọi người bắt được mực dài cả một mét, phải hai người mới khiêng được chiến lợi phẩm từ bờ biển về trại lính ở. Trưa hôm đó, cả tiểu đội ăn một bữa no nê”, ông Khôi nhớ lại.
Trạm của lính gác trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu. |
Với ông Trần Văn Sơn, 65 tuổi, phường Mỹ Khê (Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Tết cổ truyền năm Sửu (1973) trên vùng biển trời Hoàng Sa lại gắn với biết bao kỷ niệm. Ông kể: “Chiều 30 Tết tôi nhận lệnh cùng 35 người lính khác ra đảo Hoàng Sa. Ăn vội bữa cơm ngày cuối năm trong đất liền, cả tiểu đội lên chiến hạm Trần Khánh Dư của Hải quân Việt Nam cộng hòa rẽ sóng ra khơi, nhằm thẳng hướng đảo”.
Trước khi đi, ai cũng được gia đình chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, mứt Tết… Đi được nửa đường từ đất liền ra Hoàng Sa cũng là lúc đồng hồ đổ chuông báo hiệu thời khắc giao thừa. Ba tiếng đại bác của Hải quân được bắn lên trời mừng năm mới, cả tiểu đội chạy ùa lên mui thuyền hò hét, bao nhiêu bánh kẹo được bỏ lên một cái bàn để mọi người cùng nhau ăn cỗ.
“Lần đầu tiên đi đảo nên không biết ra đến nơi cực khổ, nguy hiểm thế nào nhưng cái cảm giác đón giao thừa ngay trên vùng trời, vùng biển của đất nước thấy thật thú vị”, ông Sơn hào hứng kể.
10h ngày mùng 1 Tết hạm đội cập đảo, anh em ai cũng háo hức đặt chân lên đảo. Hơn 30 binh lính đang làm nhiệm vụ canh giữ đảo ra đón, tay bắt mặt mừng vì sắp được trở về đất liền ăn Tết, cảm xúc mừng vui lẫn lộn. Bữa cơm đầu tiên trên đảo đạm bạc nhưng đầm ấm.
Sang ngày mùng 2, tiểu đội làm thịt một con heo để cúng đảo. Lấy đầu và đuôi heo làm lễ và phần lòng để ăn tiệc, còn thịt heo được chia cho 6 tổ dự trữ ăn dần trong thời gian 3 tháng làm nhiệm vụ. Tiệc tùng xong, từng tốp lính lại tụ tập đàn hát.
Ông Sơn tâm sự rằng khi chưa ra đến đảo, ông cứ tưởng tượng rằng Hoàng Sa cũng giống như bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, có đá núi, cây cối mọc um tùm nhưng khi đến nơi ông mới té ngửa vì Hoàng Sa chỉ là một dải cát vàng giữa mênh mông sóng nước.
Ông Trần Văn Sơn kể chuyện câu cá trên đảo trong ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Đông. |
“Chỗ cao nhất của đảo cũng chỉ khoảng 5 m so với mực nước biển, nhưng có cái lạ là sóng biển không bao giờ tạt vào được bởi bị những dải san hô cản lại. Ngọn sóng có cao đến mấy nhưng khi xô bờ cũng bị chặn lại, tiếng sóng vỗ bờ êm đến lạ”, ông Sơn hồi tưởng.
Vốn là dân biển nên khi đặt chân lên đảo, ông Sơn và nhiều người lính không thể bỏ qua thú vui đi câu cá. Đợi khi nước to, cứ hai người một mang lưới ra bờ biển thả nhưng trước khi buông lưới phải dùng một cây gậy lớn đập mạnh xuống nước để xua đuổi cá mập.
Tối về lệ khệ mang theo những lưới đầy cá, ai cũng vui và vơi đi nỗi nhớ nhà. Màn đêm buông, ngoài những người lính làm nhiệm vụ ở bốn vọng gác, anh em lại quây quần chơi bài búng lỗ tai hoặc uống nước, tuyệt đối không ai được đánh bài ăn tiền. Và đó là những thú vui được anh em duy trì trong suốt những ngày giữ đảo.
Sau này, khi làm nghề trục vớt cứu hộ tàu thuyền ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), hay đảo Hòn Mê (Thanh Hóa)…, mỗi dịp Tết đến ông Sơn lại kể về những kỷ niệm Tết ở Hoàng Sa cho bạn bè cùng nghe.
Anh Sơn tâm sự rằng ông thật không ngờ Tết năm 1973 là cái Tết cuối cùng của những người lính Hoàng Sa lúc bấy giờ. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, ai cũng muốn một lần đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này, được câu cá, thả lưới, ngắm hoàng hôn trên lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Nguyễn Đông
Geen opmerkingen:
Een reactie posten