Công ty Kodak nộp đơn khai phá sản
Vũ Quí Hạo Nhiên & Văn Giang/Người Việt
Công ty danh tiếng lâu đời trong ngành phim ảnh Eastman Kodak vừa nộp đơn khai phá sản theo Chương 11 Luật Phá Sản (“Chapter 11”) để được bảo vệ tài sản trong khi có thời giờ huy động thêm vốn và tiếp tục làm ăn.Mẫu quảng cáo máy ảnh Kodak của công ty Eastman, đăng trên báo The Photographic Herald and Amateur Sportsman, tháng 11 năm 1889, với khẩu hiệu “You press the button, we do the rest” - “Bạn chỉ cần bấm nút, mọi chuyện khác chúng tôi lo.” (Hình: TheHenryFord.org) |
Nếu không thành công trong việc tái tổ chức theo Chương 11, Kodak rất có thể sẽ phải đóng cửa, chấm dứt lịch sử 120 năm làm phim, máy chụp ảnh. Mới vài chục năm trước đây Kodak đứng đầu kỹ nghệ phim ảnh.
Công ty Kodak phải khai phá sản sau khi rao mà không bán được kho sở hữu trí tuệ gồm 1,100 bằng sáng chế liên quan đến hình ảnh kỹ thuật số của mình.
Kodak hồi Tháng Mười Một năm ngoái cho hay họ có thể cạn tiền mặt trả cho các chi phí điều hành chỉ trong thời gian một năm nếu không bán được các bằng sáng chế này, dự trù mang về cho công ty hàng tỉ dollars.
Citigroup tài trợ $950 triệu tiền vay
Công ty Eastman Kodak Co. hồi sáng sớm ngày Thứ Năm nói rằng họ ký thỏa thuận mượn khoảng $950 triệu từ công ty Citigroup Inc., và dự trù sẽ có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tái tổ chức và trả lương cho nhân viên.
Công ty Kodak, với trụ sở đặt tại thành phố Rochester ở tiểu bang New York bị suy sụp vì sự cạnh tranh gay gắt của các công ty ngoại quốc và sau đó bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Công ty thời gian qua đã đầu tư nhiều tiền vào sản phẩm máy in inkjet và đang sắp sửa có lời.
Công ty Kodak xuất phát từ một người, ông George Eastman. Eastman không phải là người sáng chế ra máy ảnh. Máy ảnh dùng kiếng daguerreotype đã có từ năm 1839, máy ảnh dùng phim xuất hiện vào thập niên 1850.
Tem vinh danh George Eastman, phát hành ngày đầu tiên 12 tháng 7, 1954. (Hình: Efmovie/Wikipedia) |
Phát minh phim cuộn, máy đơn giản
Phát minh của Eastman, là phim cuộn, bằng cách làm phim một mặt phim, một mặt giấy. Ông được cấp bằng sáng chế năm 1884, năm ông 30 tuổi. Năm 1888, ông sáng chế ra máy ảnh Kodak chuyên dùng phim cuộn, và bắt đầu bán máy ảnh này với khẩu hiệu, “Bạn chỉ cần bấm nút, mọi chuyện khác chúng tôi lo.”
Công ty Kodak được thành lập năm 1892. George Eastman đặc biệt thích chữ “K,” cho là nó có dáng vững vàng, quyết tâm, mãnh liệt.
Ngay từ những ngày đầu tiên, công ty Kodak chọn bán máy ảnh với giá rẻ, suýt soát huề vốn, nhưng kiếm tiền từ những món đồ mà người ta phải mua hoài hoài: Phim, giấy ảnh, thuốc rửa ảnh. Và Kodak đã thành công với chiến thuật đó: Theo một tài liệu của Harvard Business School, vào cuối năm 1976 Kodak chiếm 90% thị trường phim và 85% thị trường máy ảnh ở Mỹ.
Cùng lúc đó, ở bên kia đại dương, dân Nhật đang dần dần leo lên hàng đầu danh sách những người thích chụp hình. Tới đầu thập niên 1990, thị trường Nhật đứng hạng nhì thế giới về mức tiêu thụ phim và giấy ảnh. Fujifilm thống lĩnh thị trường Nhật, và phần trăm của Kodak không đáng kể.
Tranh chấp với Fuji
Ngược lại, tại Mỹ, thị phần của Fuji nhảy vọt từ 10% vào đầu thập niên 1990 tới 17% vào năm 1997. Không địch lại Fuji, Kodak kiện ra tòa WTO, cho rằng Fuji cạnh tranh bất hợp pháp tại Nhật. Tuy nhiên, đơn kiện của Kodak bị WTO bác hoàn toàn.
Cùng lúc đó, thế giới chuyển sang máy ảnh kỹ thuật số. Kodak cũng nhìn thấy điều này, và chuẩn bị chuyển từ phim ra kỹ thuật số từ từ. Thí dụ, máy ảnh QuickTake 100 của Apple, bán ra năm 1994, do Kodak sản xuất.
Nhưng chính máy ảnh QuickTake cũng tiêu biểu cho sự chậm chạp của Kodak khi kỹ thuật số lấn vào kỹ nghệ máy ảnh: Mặc dù Kodak sản xuất QuickTake, nhưng kỹ thuật sáng chế ra máy ảnh này, là của Apple. Và hợp đồng của Kodak cũng chẳng kéo dài được lâu: Sau QuickTake 100 và QuickTake 150, tới QuickTake 200 thì hợp đồng sản xuất rơi vào tay không ai khác hơn là Fuji.
Sau khi thế kỷ 21 bắt đầu, thị trường phim ảnh sụt nặng. Kodak chuyển qua làm máy ảnh kỹ thuật số. Một trong những sáng kiến mới của Kodak là giúp người tiêu dùng in ảnh dễ dàng, chỉ cần cắm máy ảnh vào một “dock” cho máy in, bấm nút, là có ảnh.
Tuy nhiên, thị phần của Kodak cứ bị giảm dần. Tới năm 2010, Kodak tụt xuống hạng 7, sau Canon, Sony, Nikon, và nhiều tên tuổi khác.
Làm máy in, đi kiện kiếm tiền
Kodak lại xoay qua làm máy in inkjet. Khác với Kodak của thuở mới lập, và cũng khác với HP và nhiều hãng máy in khác, thay vì bán máy rẻ và bán mực mắc tiền, Kodak làm ngược lại: Máy in của Kodak mắc hơn, nhưng mực in của Kodak rẻ hơn.
Kodak cũng tìm cách vắt tiền ra từ kho tài sản lớn nhất: Các phát minh của công ty. Kodak bắt đầu lùng kiện tất cả những ai vi phạm bằng sáng chế của họ. Năm 2010, Kodak thu được $838 triệu, tiền sử dụng bằng sáng chế, hầu hết là tiền do công ty Nam Hàn LG trả cho Kodak sau khi thỏa thuận dàn xếp một vụ kiện, theo báo L.A. Times.
Hy vọng kiếm thêm tiền từ kho này, Kodak rao bán bằng sáng chế nhưng không ai mua được giá.
Tổng giám đốc công ty, ông Antonio Perez nói rằng việc khai phá sản là “biện pháp cần thiết và điều cần phải làm cho tương lai của Kodak.” Công ty dự trù hoàn tất việc tái tổ chức tại Mỹ trong năm 2013.
Trên trang web của mình, Kodak trấn an các khách hàng rằng số tiền gần $1 tỉ vừa mượn được sẽ đủ để trả tiền mua hàng, các nhà thầu cung cấp và các bạn hàng khác cho hàng hóa và dịch vụ trong thời gian tới.
Công ty Kodak không loan báo cắt giảm nhân viên khi nộp đơn khai phá sản. Công ty hiện nay có khoảng gần 19,000 nhân viên so với chừng 70,000 người một thập niên trước đây.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=143267&z=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten