Việt Nam hôm 15/3 chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch sau 2 năm đóng cửa biên giới vì đại dịch nhưng các quy định về cách ly và xét nghiệm còn chưa rõ ràng do vẫn phải chờ “phương án cuối cùng” của Bộ Y tế trong lúc số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục ở quốc gia Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đồng ý khôi phục từ 15/3 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước thời kỳ đại dịch, theo Báo Điện tử Chính phủ.
Cùng ngày 15/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh công bố Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo VnExpress, khách du lịch quốc tế từ nay có thể đến Việt Nam qua đường bộ, đường biển và đường hàng không như trước khi áp dụng các hạn chế du hành vì COVID-19.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc cách ly và xét nghiệm mà Việt Nam sẽ áp dụng đối với du khách nước ngoài khi nhập cảnh trong lúc các ca lây nhiễm COVID hàng ngày tăng lên mức kỷ lục trong những tuần qua, với mức trung bình khoảng 165.000 ca mỗi ngày. Hôm 13/3, Việt Nam đã cán mốc 6 triệu ca nhiễm COVID kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
Mặc dù chính phủ thông báo rằng hầu hết các hạn chế được dỡ bỏ từ 15/3 nhưng chưa ban hành một hướng dẫn cụ thể nào. Ông Khánh cho biết phương án mở cửa lại hoạt động du lịch vẫn đang chờ văn bản cuối cùng của Bộ Y tế về hướng dẫn quy định nhập cảnh, theo VietNamNet.
Trong cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản xin ý kiến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong đó đề xuất du khách có thể nhập cảnh với kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh trong 24 giờ và RT-PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Đề xuất của Bộ Y tế được truyền thông trong nước trích dẫn còn nói rằng trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh, du khách phải xét nghiệm và chỉ được tự do đi lại nếu âm tính. Bộ này nói rằng họ không chủ trương thắt chặt quy định với khách quốc tế.
Theo các quy định dự kiến áp dụng với khách du lịch từ 15/3, du khách khi nhập cảnh phải xét nghiệm tại sân bay và cửa khẩu. Theo VnExpress, những người dương tính với COVID sẽ phải bị đưa đi điều trị và cách ly giống người Việt Nam. Du khách khi nhập cảnh phải có bảo hiểm chi trả điều trị COVID-19 tối thiểu 10.000 USD và phải cài ứng dụng quản lý y tế hiện hành tại Việt Nam.
Nhận định về sự thận trọng của Bộ Y tế trong bối cảnh “dịch bệnh phức tạp,” ông Khánh nói rằng điều này là cần thiết. Tuy nhiên ngành du lịch trong nước, bị tác động nặng nề bởi đại dịch trong hai năm qua, ủng hộ việc mở cửa trở lại mà không kèm yêu cầu cách ly. Người đứng đầu ngành du lịch Việt Nam được VnExpress trích lời cho rằng điều kiện chống dịch đã thay đổi và kêu gọi Bộ Y tế “cần sớm xem xét ban hành quy định phù hợp hơn với người nhập cảnh nói chung và du khách nói riêng.”
Việt Nam bắt đầu cho phép khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ tháng 11 năm ngoái nhưng hạn chế việc di chuyển của họ bằng cách bắt buộc tham gia các tour du lịch theo nhóm và chỉ đến một số địa điểm nhất định với điều kiện các du khách đã được tiêm phòng và có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Một ngày trước khi mở cửa du lịch trở lại hôm 15/3, Phó Thủ tướng Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế “khẩn trương sửa đổi các quy định và yêu cầu” đối với khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên cho tới lúc này, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào được đưa ra trên trang web của chính phủ.
Với chính sách xuất nhập cảnh được khôi phục từ ngày 15/3, các công dân của 13 nước, chủ yếu là Tây và Bắc Âu, sẽ được miễn thị thực khi vào Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, theo báo Điện tử Chính phủ. Chính sách này được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ 15/3/2022 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của Việt Nam. Ngoài các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Đan Mạch và Na Uy, danh sách này còn bao gồm 2 quốc gia châu Á, là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tiến trình mở cửa trở lại của Việt Nam song hành với chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID trong nước. Tỷ lệ bao phủ tiêm phòng vaccine của Việt Nam hiện trong nhóm 6 nước cao nhất thế giới với gần 100% trong số 98 triệu dân được tiêm đầy đủ 2 mũi. Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu hoàn tất tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người trưởng thành trong quý 1 năm nay.