TRỰC TIẾP: Toà Hình sự Quốc tế mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh ở Ukraine
Đức xem xét cấp hàng nghìn tên lửa cho Ukraine
Đức đang xem xét cung cấp 2.700 tên lửa phòng không cho Ukraine trong lúc nước này tìm cách tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga, một nguồn tin chính phủ cho biết hôm 3/3.
Hãng thông tấn Đức DPA trước đó đưa tin rằng Bộ Kinh tế nước này đã chấp thuận cung cấp tên lửa Strela do Liên Xô sản xuất, một phần trong kho của quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Hội đồng An ninh Liên bang vẫn chưa thông qua động thái này. Nguồn tin còn cho biết: “Các tên lửa đã sẵn sàng được vận chuyển.”
Số tên lửa này sẽ bổ sung vào 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger mà Đức cho biết hôm 26/2 rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine, trong một sự thay đổi chính sách sau khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine.
(Reuters)
TT Biden: Cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ cho thấy ‘sự phẫn nộ toàn cầu’ đối với Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi cuộc bỏ phiếu hôm 2/3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm yêu cầu Moscow ngừng ngay lập tức cuộc tấn công vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga, trong khi nói rằng điều đó “thể hiện mức độ phẫn nộ toàn cầu trước cuộc tấn công khủng khiếp của Nga đối với một nước láng giềng có chủ quyền.”
Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/3, Tổng thống Biden nói cuộc bỏ phiếu của LHQ đã công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công vào chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu – và vào mọi thứ mà Liên Hợp Quốc đại diện cho”.
Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết "Cuộc tấn công chống lại Ukraine" đạt tỷ lệ đồng thuận là 141-5, với 35 phiếu trắng.
(AP)
Mỹ áp thêm các chế tài lên Nga và đồng minh Belarus
Nhà Trắng hôm 2/3 công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga và đồng minh Belarus, bao gồm cả việc mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga và các thực thể hỗ trợ quân đội của Nga và Belarus.
Trong số các chế tài mới được công bố có các biện pháp trừng phạt nhắm vào 22 thực thể quốc phòng của Nga chuyên chế tạo máy bay chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống tác chiến điện tử, tên lửa và phương tiện bay không người lái cho quân đội Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố các biện pháp bổ sung về kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị khai thác dầu và khí đốt, có thể làm ảnh hưởng đến năng lực lọc dầu của Nga về lâu dài.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất được áp đặt hôm 2/3 cũng bao gồm việc Mỹ đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay của Nga.
(AP)
Quân đội Nga tiến vào thành phố cảng chiến lược của Ukraine ở Biển Đen
Quân đội Nga đã tiến vào thành phố Kherson của Ukraine và xâm nhập đuợc vào tòa nhà hội đồng, thị trưởng thành phố cho biết sau một ngày có các tuyên bố mâu thuẫn về việc liệu Moscow có chiếm được thành phố quan trọng đầu tiên trong cuộc xâm lược của họ diễn ra trong 8 ngày qua hay không.
Cảng Kherson ở Biển Đen, một thủ phủ của tỉnh miền nam với khoảng 250.000 dân, có vị trí chiến lược nơi Sông Dnipro chảy vào Biển Đen và sẽ là thành phố quan trọng đầu tiên rơi vào tay Moscow.
Trước đó trong ngày, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, đã phải hứng chịu trận pháo kích nặng nề trong lúc cuộc xâm lược kéo dài hơn một tuần qua của Nga bị Liên Hợp Quốc lên án trong một cuộc bỏ phiếu lịch sử.
Thiệt hại về người đang tăng lên ở Kharkiv, thành phố có 1,5 triệu dân và là thủ phủ của người Việt ở Ukraine, nơi các vụ đánh bom đã biến trung tâm của thành phố này thành một vùng đất hoang với những tòa nhà đổ nát và những mảnh vỡ.
(Reuters)
3 hãng phim Mỹ ngừng ra mắt phim tại Nga
Ba hãng phim lớn của Hollywood đã quyết định tạm dừng ra mắt các bộ phim chiếu rạp sắp tới của họ ở Nga, bao gồm cả phim “Người Dơi” (The Batman) dự kiến ra rạp tại đó trong tuần này.
Warner Bros., Walt Disney Co. và Sony Pictures hôm 28/2 nói rằng họ sẽ "tạm dừng" việc phát hành các bộ phim của họ ở Nga. Mỗi hãng phim đều có những đợt ra mắt quan trọng trên thị trường quốc tế trong những tuần tới. “Người Dơi”, một trong những bộ phim được mong đợi của năm, sẽ khởi chiếu vào ngày 4/3 tại Bắc Mỹ và nhiều nơi ở nước ngoài.
Động thái của Warner Bros. theo sau một quyết định tương tự hôm 28/2 của Walt Disney Co. Hãng phim này đã lên kế hoạch khởi chiếu siêu phẩm hoạt hình “Gấu đỏ Biến hình” (Turning Red) của Pixar tại Nga vào ngày 10/3.
Sony cũng hành động tương tự khi cho biết họ sẽ hoãn việc phát hành bộ phim bom tấn “Ma cà rồng Morbius” ở Nga.
Nga không phải là thị trường hàng đầu của Hollywood nhưng nước này thường đứng trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về doanh thu phòng vé.
(AP)
Úc cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine
Úc sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa, đạn dược và các khí tài quân sự khác trị giá 50 triệu USD để chống lại quân xâm lược của Nga.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 1/3 đưa ra chi tiết về các kế hoạch của đất nước ông sau khi tiết lộ một ngày trước đó rằng chính phủ của ông sẽ cung cấp cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy các thiết bị quân sự sát thương. Vào tuần trước, ông Morrison hứa chỉ cung cấp thiết bị quân sự không sát thuơng.
“Tổng thống Zelenskyy nói: ‘Đừng cho tôi đi nhờ, hãy đưa tôi đạn dược,’ và đó chính là những gì chính phủ Úc đã đồng ý làm,” Thủ tướng Morrison cho biết.
Ông Morrison nói rằng Úc đã cam kết 50 triệu USD bằng việc cung cấp sự hỗ trợ phòng thủ sát thương và không sát thương cho Ukraine thông qua NATO.
(AP)
Ukraine bỏ yêu cầu thị thực cho người nước ngoài đến chiến đấu chống quân Nga
Tổng thống Ukraine đã ký sắc lệnh tạm thời dỡ bỏ yêu cầu về thị thực nhập cảnh đối với bất kỳ người nước ngoài nào sẵn sàng tham gia Đội quân Phòng thủ Quốc tế của Ukraine và chiến đấu bên phía Ukraine chống lại quân xâm lược của Nga.
Sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy có hiệu lực từ hôm 1/3 cho đến chừng nào thiết quân luật còn được áp dụng.
(AP)
Việt Nam bỏ phiếu trắng nghị quyết LHQ lên án Nga xâm lược Ukraine
Việt Nam, cùng với những nước như Trung Quốc và Iran, bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết lịch sử của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đả kích Nga về việc nước này xâm lược Ukraine và đòi Moscow rút quân khỏi nước láng giềng.
Nghị quyết, được 141 nước biểu quyết tán thành trong số 193 thành viên của hội đồng, kết thúc phiên họp khẩn cấp hiếm hoi mà Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng là vào năm 1982, theo website của Liên Hợp Quốc.
Năm quốc gia biểu quyết chống lại nghị quyết này trong đó có Nga, Syria và Belarus.
Việt Nam trước đó dường như ngầm chỉ trích Nga khi đại diện phái bộ Việt Nam tại LHQ nói trước đại hội đồng rằng chiến tranh và xung đột “thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế,” và nhấn mạnh “tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản” về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ được minh định trong Hiến chương LHQ.
TRỰC TIẾP: Toà Hình sự Quốc tế mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh ở Ukraine (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten