Hoa Kỳ viện trợ vũ khí ‘lợi hại’ cho Ukraine, làm Nga ‘e sợ’
Tin liên quan
UAV “sát thủ” Switchblade: Vũ khí mới Mỹ cấp cho Ukraina để chống Nga
Đăng ngày:
Để giúp Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga, ngày 16/03/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đích thân loan báo quyết định chi viện thêm vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraina với tổng trị giá lên đến 800 triệu đô la, bổ sung vào 200 triệu đô la thông báo trước đó một tuần. Trong gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraina, lần đầu tiên có loại máy bay không người lái tấn công Switchblade, cho đến nay chỉ có hai quân đội sử dụng là Mỹ và Anh.
Bản liệt kê các khoản “trợ giúp an ninh” mới do Nhà Trắng công bố ngày 16/03 cho thấy là ngoài các loại súng và đạn dược, Hoa Kỳ còn cung cấp thêm cho 800 hệ thống phòng không Stinger và 2.000 tên lửa chống tăng Javelin nổi tiếng, cùng với 7.000 vũ khí chống giáp khác.
Trước Ukraina, chỉ có quân đội Mỹ và Anh sở hữu Switchblade
Chỉ có Anh và Trong bảng danh mục này, lần đầu tiên xuất hiện 100 đơn vị của loại vũ khí gọi một cách bí hiểm là “hệ thống máy bay không người lái (UAV) chiến thuật”.
Trả lời báo Mỹ Politico, dân biểu Mike McCaul, thành viên cao cấp thuộc đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ tiết lộ rằng đó là loại máy bay tự hành nhẹ mang tên Switchblade (nghĩa là “dao bấm”), một loại vũ khí hiện đại mà Hoa Kỳ cho đến nay chỉ mới đồng ý bán cho Quân Đội Anh mà thôi. Một quan chức chính quyền Biden sau đó đã xác nhận thông tin của dân biểu McCaul.
Theo Politico, việc cung cấp loại máy bay không người lái “chiến thuật” hiện đại này cho Ukraina thể hiện một bước mới của Washington trong nỗ lực giúp Kiev chống lại cuộc tấn công xâm lược của Nga, vì cho đến nay, các phương tiện Mỹ giao cho Ukraina hầu hết là vũ khí chống tăng và phòng không “cổ điển”.
"Sát thủ cảm tử" gọn nhẹ, có thể được điều khiển từ xa
Theo báo chí Mỹ, Switchblade là vũ khí đáng gờm, được mệnh danh là “sát thủ cảm tử” vì chỉ được sử dụng một lần duy nhất nhưng có khả năng sát thương lớn đối với bộ binh hay phá hủy xe tăng hoặc các ổ pháo.
Được công ty Mỹ AeroVironment sản xuất, Switchblade là loại máy bay không người lái hạng nhẹ, kích thước rất nhỏ, có thể bay lơ lửng trên không trong khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi được người điều khiển trên mặt đất hướng đến mục tiêu, cách đó hàng chục cây số.
Đây là kiểu drone rất gọn nhẹ, được phóng đi từ một chiếc ống tương tự như một khẩu súng cối, với thời gian chuẩn bị chỉ vài phút. Vì chỉ nặng khoảng 2,5 kg, vũ khí tự hành này có thể được chuyển vận dễ dàng trong ba lô của một người lính.
Được trang bị hệ thống hướng dẫn GPS và camera riêng, Switchblade có thể được lập trình để tự động đánh trúng mục tiêu cách xa hàng cây số, và di chuyển xung quanh mục tiêu cho đến khi đúng thời điểm để tấn công.
Switchblade còn có tính năng quan trọng khác là bay rất nhanh - với vận tốc khoảng 100 cây số/giờ, tức là nhanh hơn rất nhiều so với máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ mà Ukraina đang sử dụng để gây sát thương đáng kể cho quân đội Nga.
Khả năng được sản xuất nhiều và nhanh
Theo công ty AeroVironment, Switchblade có hai phiên bản 300 và 600. Loại thứ hai này có thể bay trong 40 phút và tầm hoạt động lên đến 80 km Theo một số ước tính, kiểu Switchblade 300 mà Quân Đội Mỹ có sẵn trong kho, chỉ có giá 6000 đô la, một chi phí khá khiêm tốn đối với một thiết bị như vậy, do đó sẽ có thể được sản xuất nhanh hơn với khối lượng lớn.
Loại vũ khí này lần đầu tiên được lực lượng đặc biệt của Mỹ triển khai tại Afghanistan sử dụng, nhưng sau đó đã nhanh chóng được trang bị cho Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ để dùng tại Irak và Syria.
Ngoài quyết định bật đèn xanh cho việc cung cấp máy bay không người lái Switchblade cho Ukraina, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu trên bộ, Hoa Kỳ còn nghĩ đến việc nhanh chóng trang bị cho đồng minh của mình các hệ thống phòng không có tầm bắn xa hơn các loại tên lửa Stinger.
Trong bản liệt kê các phương tiện vũ khí chi viện cho Ukraina, Nhà Trắng còn cho biết thêm: “Ngoài các hệ thống phòng không tầm ngắn do Mỹ sản xuất mà người Ukraina đang sử dụng với hiệu quả lớn, Mỹ cũng đã xác định và đang giúp Ukraina có được các hệ thống bổ sung, có tầm hoạt động xa hơn, các hệ thống mà lực lượng Ukraina đã được huấn luyện để sử dụng…”
Chi viện cho Ukraina hệ thống phòng không S-300 lấy từ Đông Âu
Theo báo Politico, dân biểu Paul McCaul đã tiết lộ rằng Mỹ đang “làm việc với các đồng minh” để gửi qua Ukraina hệ thống tên lửa địa đối không S-300 do Nga chế tạo.
S-300 là loại tên lửa phòng không có từ thời Liên Xô, được triển khai lần đầu vào cuối những năm 1970, chuyên dùng để đánh chặn máy bay, tên lửa, được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiệu quả hiện nay.
Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, trong thời gian gần đây, Mỹ đang thăm dò các quốc gia Đông Âu có sẵn hệ thống tên lửa phòng không S-300 để tìm cách chuyển qua Ukraina. Trong số các nước này có Slovakia, Bulgari và Hy Lạp.
Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm qua, 17/03, bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết là nước ông sẵn sàng chuyển giao hệ thống S-300 của mình cho Ukraina.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin tại Bratislava, ông Jaroslav Nad xác nhận: “Chúng đã thảo luận với Mỹ, Ukraina và các đồng minh khác về khả năng triển khai hoặc tặng hệ thống S-300 cho Ukraine và chúng tôi sẵn sàng làm vậy”.
Tuy nhiên bộ trưởng Quốc phòng Slovakia nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó ngay lập tức nhưng chỉ khi có phương án bù đắp phù hợp”.
Theo Reuters, Slovakia hiện có duy nhất một giàn phóng tên lửa S-300, và đang muốn thay thế bằng hệ thống tên lửa Patriot của Hoa Kỳ.
Còn theo Politico, ngoài hệ thống S-300, Mỹ cũng có thể khuyến khích các đồng minh Đông Âu chuyển giao cho Ukraina hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SA-8, cũng do Nga sản xuất, và hiện đang nằm trong kho của Rumani, Bulgari và Ba Lan.
Vũ khí mà Mỹ nói riêng, và phương Tây nói chung được cho là đã giúp Ukraina thành công trong việc bảo vệ thủ đô Kiev và làm chậm bước tiến của Nga ba tuần sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.
UAV “sát thủ” Switchblade: Vũ khí mới Mỹ cấp cho Ukraina để chống Nga (rfi.fr)
Vũ khí Hoa Kỳ viện trợ đủ giúp Ukraine chống Nga xâm lược?
- Bernd Debusmann Jr
- BBC News
Các mảnh vỡ cháy rụi của một xe tăng Nga nằm trong bụi đất, trong khi trong một bức ảnh kèm theo bên cạnh nó là một binh lính Ukraine mang theo vũ khí được cho là đã phá hủy chiếc xe tăng.
Những hình ảnh do Lực lượng vũ trang Ukraine đăng trên Twitter được gắn với chú thích chiến thắng, tuyên bố rằng đây là kết quả của "những cú đánh từ Javelin vào thiết bị quân sự của [Nga]".
Javelin, một loại vũ khí chống tăng vác vai bắn tên lửa tầm nhiệt tới các mục tiêu cách xa tới 4km (2,5 dặm), có thể được điều khiển bằng một thiết bị di động trông không khác mấy so với máy chơi trò chơi điện tử - nhưng có thể xuyên phá bê tông, lô cốt và bắn nát tháp pháo của xe tăng.
Chính sự xuất hiện của các loại vũ khí do Mỹ sản xuất "gây hoang mang" trong quân đội Nga, quân đội Ukraine tuyên bố - và họ sắp có thêm 2.000 vũ khí nữa.
Tên lửa Javenlin có trong số những thứ Hoa Kỳ đã hứa sẽ gửi cho Ukraine trong gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD mà Tổng thống Joe Biden công bố hôm thứ Tư (16/03).
Các loại vũ khí khác gồm máy bay không người lái mà có thể biến thành những quả bom bay và vũ khí phòng không có thể bắn trực thăng.
Nhưng liệu những chuyến hàng này có giúp Ukraine vượt qua lực lượng xâm lược đông hơn - và được trang bị tốt hơn - của Nga?
Mỹ sẽ gửi gì cho Ukraine?
Viện trợ mới của Hoa Kỳ cho Ukraine bao gồm nhiều loại thiết bị quân sự, từ 25.000 bộ áo giáp và mũ bảo hộ quân đội cho đến súng trường và súng phóng lựu, cùng hàng nghìn vũ khí chống tăng khác và hơn 20 triệu viên đạn.
Ngoài tên lửa Javenlin, các vũ khí mạnh nhất bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger, từng nổi tiếng được sử dụng để bắn hạ máy bay Liên Xô ở Afghanistan.
Mỹ cũng có kế hoạch gửi 100 "hệ thống máy bay không người lái chiến thuật" - máy bay không người lái cỡ nhỏ - thường được điều khiển bằng tay và đủ nhỏ để nhét vào ba lô.
Binh lính có thể sử dụng chúng để mở rộng phạm vi chiến trường, hoặc trong một số trường hợp, để tấn công, về cơ bản là tạo ra những quả bom bay có thể bay tới các mục tiêu từ khoảng cách xa.
Tuyên bố của ông Joe Biden hôm thứ Tư nâng tổng số viện trợ quân sự Hoa Kỳ cam kết dành cho Ukraine lên một tỷ đôla Mỹ chỉ riêng trong tuần qua - một sự gia tăng rất lớn khi so với mức 2,7 tỷ USD được cung cấp từ năm 2014 đến đầu năm 2022.
Đây là một "sự phát triển đáng kể" và giải quyết những thiếu hụt trước đó, theo John Herbst, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Kyiv.
"Không có gì phải bàn cãi rằng [Biden] và nhóm của ông ấy đã quá rụt rè trong việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine," ông Herbst nói. "Và họ đã đáp trả áp lực đó."
Điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với các cuộc tấn công trên bộ và trên không của Nga?
Giới chuyên gia quân sự cho rằng vũ khí chống tăng do Mỹ cung cấp có khả năng có tác động lớn nhất tới Ukraine.
Các lực lượng xâm lược của Nga "chủ yếu là lực lượng cơ giới" - nghĩa là các đoàn xe bọc thép - vì vậy "điều tốt nhất bạn có thể làm là loại bỏ chúng [các phương tiện cơ giới]", cựu Đại tá Lục quân Hoa Kỳ Christopher Mayer cho biết.
Ukraine đã nhận được nhiều loại hệ thống chống tăng từ một số quốc gia, giúp tăng khả năng phá hủy của lực lượng Ukraine đối với các phương tiện cơ giới của Nga, ông Mayer nói.
"Nếu bạn cung cấp cho họ nhiều hệ thống chống tăng khác nhau, nó sẽ cho họ nhiều cơ hội để xuyên thủng bất kỳ hệ thống bảo vệ phòng thủ bọc thép nào mà xe tăng được trang bị," ông nói.
Và tuy các tuyên bố của họ không thể được xác minh một cách độc lập, giới chức Ukraine cho biết họ đang sử dụng các vũ khí có hiệu quả. Tính đến ngày 16/03, họ tuyên bố đã phá hủy hơn 400 xe tăng và hơn 2.000 phương tiện cơ giới của Nga.
Tuy nhiên, vũ khí chống tăng không thể giúp Ukraine chống lại lực lượng không quân của Nga, lực lượng này đã tấn công các mục tiêu trên khắp đất nước trong ba tuần.
Hệ thống Stinger vác vai cơ động là vũ khí phòng không duy nhất nằm trong gói viện trợ của Mỹ.
Hệ thống này đã được nhìn thấy trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới từ năm 1981. Nó được sử dụng nổi tiếng nhất ở Afghanistan, nơi những chiếc Stinger do Mỹ cung cấp đã giúp hạ gục hàng trăm máy bay và trực thăng Nga trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng.
Nó có hiệu quả chống lại máy bay trực thăng hoặc máy bay tầm thấp ở độ cao khoảng 3,8km, nhưng lại khiến nó tương đối vô dụng trước các máy bay ném bom bay tầm cao của Nga.
Ông Herbst nói rằng việc chính quyền đề cập đến Stinger như một phần của gói viện trợ cho Ukraine là một "dấu hiệu của sự yếu kém".
"Họ cần nhiều Stinger hơn, không có nghi ngờ gì về điều đó," ông nói. "Nhưng họ cũng cần vũ khí phòng không ở độ cao lớn hơn... đó là một thiếu sót nghiêm trọng."
Những gì Mỹ không gửi cho Ukraine?
Trong khi Nhà Trắng ám chỉ rằng vũ khí tầm cao hơn - chẳng hạn như tên lửa phòng không S-300 từ thời Liên Xô - có thể được đưa tới Ukraine thông qua các nước thứ ba, nhưng không có thông báo chính thức nào được đưa ra.
Các quan chức ở Slovakia đã bày tỏ sẵn sàng gửi các hệ thống này cho Ukraine, miễn là họ nhận được thiết bị thay thế. Hai đồng minh khác của Nato - Hy Lạp và Bulgaria - cũng được cho là có hệ thống này.
Mỹ cũng đã bác bỏ đề xuất yêu cầu Ba Lan chuyển giao máy bay chiến đấu Mig-29 cho Ukraine để cho phép họ làm được nhiều hơn trong các cuộc chiến trên bầu trời.
Các quan chức Mỹ mô tả kế hoạch này là không "khả thi" do nguy cơ gia tăng xung đột mở giữa Nato và Nga.
Tuy nhiên, ông Mayer nói rằng việc các đồng minh của Mỹ chuyển giao Mig-29 hoặc các máy bay phản lực tương tự - với sự ủng hộ của chính quyền - sẽ là một cách hiệu quả giúp Ukraine chiến đấu giành quyền kiểm soát bầu trời của mình.
Ông lưu ý rằng Liên Xô đã cung cấp cả máy bay và phi công cho Bắc Việt để chống lại máy bay Mỹ mà không châm ngòi một cuộc đối đầu lớn hơn.
Các quốc gia khác đã làm gì?
Mỹ không đơn độc trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Ít nhất 30 quốc gia khác đã cung cấp sự giúp đỡ, bao gồm 500 triệu euro (551 triệu USD) từ Liên minh Châu Âu, sự kiện đầu tiên mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ công bố gói hỗ trợ mới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng "sự hỗ trợ hơn nữa" là rất khẩn cấp.
"Thậm chí nhiều hơn những gì chúng tôi có được hiện giờ," ông nói, đồng thời kêu gọi "hệ thống phòng không, máy bay [và] đủ vũ khí sát thương và đạn dược để ngăn chặn sự chiếm đóng của quân Nga".
Ông Mayer cho biết ông tin rằng nguồn cung cấp vũ khí Mỹ cam kết cho đến nay có lẽ chỉ đủ để người Ukraine "chết một cách anh dũng".
"Chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc trao cho họ những gì chúng ta có," ông nói. "Ít nhất chúng ta nên cung cấp cho họ cùng số lượng và chất lượng, thiết bị giống như Xô Viết cung cấp cho miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến của chúng ta với họ."
Ông Herbst nói rằng các gói hỗ trợ bổ sung "có thể" sẽ cần thiết trong tương lai - và rằng chúng sẽ chỉ có hiệu quả nếu giúp Ukraine thách thức lực lượng không quân của Nga.
"Điều quan trọng với tôi là liệu chúng ta có đang gửi những thứ mà đánh trúng không quân của Nga ở độ cao 30.000 feet hoặc hơn hay không," ông nói.
Tổng thống Biden cam kết sẽ có nhiều sự trợ giúp hơn nữa - và Mỹ đang nỗ lực để giúp Ukraine có được các hệ thống phòng không tầm xa hơn mà nước này cần, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten