Tỵ nạn VN từ Ukraine sang Ba Lan, Hungary để đi Đức, Na Uy và về VN?

  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com
Berlin

NGUỒN HÌNH ẢNH,LE MANH HUNG

Chụp lại hình ảnh,

Người Việt từ Ukraine vào Đức tỵ nạn

Con số người tỵ nạn chạy khỏi các vùng chiến sự của Ukraine vào EU và các nước phụ cận đã nhanh chóng vượt 1,5 triệu, theo Cao Ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) cuối tuần qua.

Người tị nạn đổ đến Đức

Dòng người tị nạn từ Ukraine qua các ngả kéo đến Đức, đặc biệt Berlin tăng nhanh đến chóng mặt. Con số người đã tới Đức được Bộ Nội vụ Đức ước đoán trên 60.000, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 07/03/2022.

"Riêng hai ngày Thứ Bảy 6/3 và Chủ Nhật 7/3 vừa qua đã có thêm chừng 22.000 người tới Berlin. Nhiều người Việt Nam trong số đó bị kiệt sức sau một chặng đường dài. Có gia đình kể với chúng tôi rằng họ mất 4 ngày đi bằng xe hơi từ Kharkiw mới đến được biên giới Ba Lan với bao nguy hiểm dọc đường: hết xăng, xe hỏng, rét, đói, không có nước nóng...Đặc biệt đối với các cháu nhỏ. Nhiều người chỉ muốn tới nơi yêu thích là Đức."

Đường cao tốc từ Ba Lan sang Đức, tới Berlin cũng cũng bị tắc rất nhiều nơi.

Sau nhiều chục năm từ thời đón thuyền nhân tị nạn người Việt Nam, nay ở Đức tinh thần giúp đỡ đùm bọc người lánh nạn vẫn tốt nguyên vẹn, theo ông Lê Mạnh Hùng.

Berlin đang phải yêu cầu các tiểu bang khác chia sẻ gánh nặng. Xe bus đỗ ngay ga chính của thủ đô chở người tị nạn rải đi các nơi. Tất cả các tuyến tàu hỏa nhận chở người không cần vé đi khắp các tuyến đường. Các nhân viên bán vé thậm chí không cần nhìn hộ chiếu người tị nạn.

Các bang, thành phố lớn như Berlin, Hamburg, München đã báo động vì quá tải.

Nhà ga chính Berlin và trung tâm tiếp đón tị nạn đầy các tình nguyện viên đang nỗ lực giúp đỡ. Rất nhiều gia đình Việt Nam, các hội nhóm nhanh chóng hình thành, nhận người tị nạn về nhà giúp đỡ.

EU đã khẩn trương thống nhất đưa các qui định tiếp đón người tị nạn. Từng quốc gia sẽ phải thực tiễn hóa những qui định này cho phù hợp với quốc gia mình.

Những điều người Berlin muốn nhắn nhủ người Việt Nam từ Ukraine sang:

  • Tới Đức cần đi thẳng đến các trung tâm tiếp nhận người tị nạn "Ankunftszentrum"
  • Có quốc tịch Ukraine hoặc giấy tờ chứng minh sống hợp pháp ở Ukraine thì hãy làm đơn xin qui chế "tị nạn chiến tranh"/"Kriegsflüchtlinge", không xin "tị nạn chính trị".
  • Không có giấy tờ chứng minh được xuất xứ của mình thì không được nhận qui chế tị nạn chiến tranh, hãy nhờ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện ở Đức giúp đỡ, cố vấn tại chỗ xem nên làm gì tiếp theo là tốt nhất.

Còn tại Ba Lan: Đại Sứ quán VN và chùa Việt giúp người tỵ nạn từ Ukraine

Một đại diện của Ban Hỗ Trợ Người Việt Nam từ Ukraine lánh nạn tại Ba Lan cho BBC biết hôm 06/03:

Chùa Nhân Hòa

NGUỒN HÌNH ẢNH,LONG VO

Chụp lại hình ảnh,

Tính đến ngày 6/03 đã có 500 người VN từ Ukraine tá túc ở chùa Nhân Hòa, gần thủ đô Warsaw

"Tính đến hôm nay có khoảng 500 người vào chùa Nhân Hòa, gần Warsaw. Chùa đang thuê thêm container và đã thuê toilet, nhà tắm ngoài chùa để phục vụ bà con. Người Việt ở Ukraine sang không chỉ đến chùa Nhân Hòa mà còn ở một số nơi khác như: chùa Thiên Phúc, các khu nhà ở WK, một số khu nhà ở Raszyn, nhà dân và khách sạn, nhiều nhất là ở khách sạn Sangater.

Chùa chỉ là nơi tá túc vài ngày rồi bà con chuyển đi nơi khác. Nhiều người muốn đi tiếp sang Đức, theo ông Võ Văn Long từ Ban Hỗ trợ.

Hôm 03/02, theo tin từ Ban Hỗ trợ, ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan đã thuê hai xe ca đến biên giới ( mỗi xe đến một cửa khẩu khác nhau) tối hôm trước để đón khoảng 100 người Việt tị nạn từ Ukraina về Warszawa.

"Đại sứ Nguyễn Hùng và một số cán bộ ĐSQ đã lên biên giới đón bà con. Sáng hôm sau, ĐS Hùng cùng thầy trị sự Thích Trung Đạt và các Phật tử chùa Nhân Hòa đã có buổi gặp gỡ bà con tỵ nạn đang tạm trú tại đây", theo lời của ông Võ Văn Long.

Từ Hungary nhiều người cũng chọn đi tiếp sang phía Tây

Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Linh cho BBC biết hôm 07/03 thì Hungary may chóng mở cửa đón nhận người tỵ nạn Ukraine.

"Chiến sự nổ ra vào rạng sáng 24/2, thì ngay gần 10h tối cùng ngày chính quyền Hungary đã ra nghị định đặc biệt có hiệu lực tức thời, cho phép nhập cảnh và xin tỵ nạn chiến tranh đối với người có quốc tịch Ukraine và người ngoại quốc cư trú hợp pháp tại Ukraine.

Điểm đặc biệt của Hungary là nước này có đông đảo kiều dân Hungary sống ở vùng Tây Ukraine, xưa từng thuộc Vương quốc Hungary. Do đó, người tỵ nạn gốc Hung chiếm tỷ lệ lớn trong số 180 ngàn người từ Ukraine đã sang Hung lánh nạn, tính đến thời điểm này."

"Về người Việt từ Ukraine qua lánh nạn, họ thường đi theo các gia đình hoặc nhóm bạn, chủ yếu từ Kyiv, nhưng cũng có từ các vùng khác như Odessa, hay Kharkiv... là nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt nhất, có cháu nhỏ mới 1 tuổi, hoặc phụ nữ có thai chuẩn bị sinh nở."

Hungary

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN THUY LINH

Chụp lại hình ảnh,

Ngườu tỵ nạn Việt nhỏ tuổi trong thế kỷ 21: cháu bé một tháng tuổi từ Ukraine tới Hungary

Hungary

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN THUY LINH

Chụp lại hình ảnh,

Nụ cười sau chuyến đi vất vả sang tới Hungary

"Trong số đó, một tỷ lệ đáng kể có họ hàng, bạn bè thân thích tại Hungary, thì họ không nhập trại, mà về tá túc ở nơi quen biết. Điều này cũng đúng với người Việt lánh nạn chiến tranh qua ngả Hung: không ai ở các trại của Hung, mà đều được bà con Việt tiếp đón", ông Nguyễn Hoàng Linh nói.

Vẫn theo ông, con số người Việt sang Hungary chưa nhiều nhưng sẽ tăng:

"Tính đến nay, có khoản 500 người Việt đã sơ tán khỏi Ukraine qua ngả Hung, và con số này sẽ còn tăng nhiều trong những ngày tới, theo thông tin của các nhóm đang đi trên đường. Đa số ở lại 1-2 đêm, coi Hungary là nơi trung chuyển, để đi tiếp qua Đức và Tây Âu.

"ĐSQ Việt Nam phối hợp cùng các hội, đoàn và cá nhân Việt ở Hung đã thành lập Ban cứu trợ người Việt lánh nạn từ rất sớm, và hoạt động rất nhiệt tình, hiệu quả qua các group trên FB, Viber. Bản thân các nhân viên ĐSQ và Đại sứ cũng tham gia chương trình này.

"Đích thân Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo và các nhân viên Sứ quán cũng xuống vùng biên giới, cửa khẩu..., vừa chuyển hàng cứu trợ của cộng đồng Việt cho người tỵ nạn nói chung, vừa cùng các "đầu mối" của cộng đồng ở khu vực biên giới hỗ trợ bà con từ Ukraine qua", theo ông Nguyễn Hoàng Linh.

"Hoạt động của Ban được rất nhiều bà con trong cộng đồng tự nguyện tham gia, từ sáng sớm tới đêm khuya, bao gồm thu xếp chỗ ở, đảm bảo việc đưa đón, tiếp tế thực phẩm, đồ ăn cho người "tản cư".

"Ban cứu trợ có một danh sách các nhà, căn hộ được bà con cho mượn, và luôn cập nhật xem có bao nhiêu chỗ để thu xếp cho các đồng hương. Những ai muốn đi tiếp được đội ngũ tình nguyện viên chỉ dẫn và giúp đỡ mua vé ngay tại các ga trung tâm của Budapest.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ công dân - trước nay chỉ được nghe trên đài, báo chứ ít ai hình dung ra và được chứng kiến - lần này được Đại Sứ quán thực hiện rất tốt, từ việc giúp đỡ bà con các thủ tục giấy tờ, lãnh sự khi nhập cảnh, quá cảnh... đến phối hợp với nhà chức trách Hungary, nhà báo từ Budapest cho BBC biết...

Ở lại, đi tiếp hay về Việt Nam?

Theo một Việt kiều tại Ba Lan nói với BBC thì có hai lý do để người tỵ nạn muốn đi tiếp sang Đức, Pháp, thậm chí Na Uy.

Một là vì con số người kéo đến các điểm tạm cư ngày một đông, sinh hoạt chật chội, khó khăn.

Hai là những ai có thân nhân, người quen tại các nước "EU cũ, như Đức" thì thường muốn đoàn tụ, chứ không ở lại Ba Lan.

Chuyến xe do công ty EastHappyOst chở đoàn đầu tiên rời Warsaw sang Đức.

NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK PHAN CHAU THANH

Chụp lại hình ảnh,

Một chuyến xe do công ty EastHappyOst chở đoàn đầu tiên rời Warsaw sang Đức hôm 07/03.

Hôm 07/03, nhà hoạt động Phan Châu Thành, người rất tích cực tổ chức đón các nhóm đồng bào Việt từ Ukraine sang Ba Lan, trong các chuyến tới biên giới cứu trợ (không liên quan đến ĐSQ VN), đăng hình một chuyến xe do công ty EastHappyOst chở đoàn đầu tiên rời Warsaw sang Đức.

Có vẻ như người tỵ nạn cũng chia làm các giai tầng xã hội, có học thức, thu nhập rất khác nhau.

Tuy thế, các trang Facebook của cộng đồng VN tại Warsaw đã có thông báo tạm tuyển nhân công làm nail, nấu bếp, làm nghề may mặc nếu bà con Việt nào từ Ukraine sang muốn đi làm.

Có các tin nhắn của cộng đồng tại đây đề nghị người tạm cư chia sẻ việc nhà.

Đã có gia chủ phàn nàn về vụ đánh lộn của người trọ trong nhà của bà, làm "tan hoang căn bếp".

Còn tại Hungary, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyện vọng của nhiều người đã "an cư" và ổn định ở Ukraine là mau chóng được trở về nơi họ đã sinh sống bấy nay. Nhưng với nhiều bà con chỉ có giấy cư trú tạm thời, hoặc thậm chí không có giấy tờ tại Ukraine, thì đây là dịp "trời cho" để họ tìm đến "vùng đất mới".

Tuy nhiên, việc vào Đức, hoặc sang Anh Quốc có vẻ ngày một khó.

Ông Nguyễn Hoàng Linh nhận xét:

"Theo cập nhập mới nhất về thông tin, thì sau những chuyến đầu qua Đức "trót lọt", nước Đức đã hạn chế nhập cảnh, chỉ cho người có quốc tịch Ukraine, còn người Việt cần xin visa tại Hungary. Nếu vậy, trong thời gian tới, số người Việt ở lại Hung sẽ rất đông."

Help Ukraine

NGUỒN HÌNH ẢNH,LE MANH HUNG

Chụp lại hình ảnh,

Vé tàu cao tốc ở Đức thuộc loại đặc biệt, có dòng chữ tiếng Anh 'help Ukraine'

Tình huống bị coi là "xấu nhất này" đang được các hội, đoàn và đội ngũ tình nguyện viên Việt ở Hungary bàn bạc, tìm cách khắc phục, và chuẩn bị cho những ngày tới được xem là rất vất vả và căng thẳng... Tới khi đó, có thể biết được hơn về số người muốn hồi hương.

Các chuyến bay của Nhà nước VN tổ chức từ Warsaw của Ba Lan, từ Bucharest (Romania) đã đưa một số người Việt về Việt Nam.

Nhưng con số này chiếm bao nhiêu phần trăm người đã sang Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia thì thật khó biết.

Một nguồn tin từ Warsaw nói con số đó "thực ra không nhiều", tuy có thể tăng nếu "bà con không đi tiếp được và cũng không biết làm gì ở nước vừa tới".

Trang VnExpress cập nhật số liệu từ Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết, tính đến 18h00 (giờ VN) ngày 07/03, đã có 2.200 người Việt ở Ukraine di tản sang Ba Lan được cơ quan đại diện VN ở đây đón.

Trong khi đó, số người Việt di tản sang các nước khác, gồm: Romania 830 người, Hungary 310 người, Slovakia hơn người và Nga khoảng 20 người, vẫn theo tờ báo.

Các con số này chưa thấm vào đâu so với lượng người Ukraine vào EU, mà chỉ tới Ba Lan đã lên 1,1 triệu trong những ngày qua.

Xem thêm:

Xem thảo luận của BBC trên YouTube về Chiến sự Ukraine và dòng người tỵ nạn.