donderdag 5 augustus 2021

Mỹ khuyến khích ASEAN mạnh dạn tranh đấu chống Trung Quốc

 

Mỹ khuyến khích ASEAN mạnh dạn tranh đấu chống Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu tại Diễn Đàn Fullerton do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) tại Singapore tổ chức ngày 27/07/2021.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu tại Diễn Đàn Fullerton do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) tại Singapore tổ chức ngày 27/07/2021. AFP - ROSLAN RAHMAN

Chưa bao giờ chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden lại quan tâm đến Đông Nam Á như vào lúc này. Với một loạt chuyến thăm và tiếp xúc của các quan chức Ngoại Giao và Quốc Phòng cao cấp nhất, tiếp nối bằng chuyến công du của chính phó tổng thống Kamala Harris.

Đối với giới phân tích, chính quyền Biden đang chứng tỏ với các quốc gia Đông Nam Á quyết tâm dấn thân sâu hơn của Mỹ vào khu vực, với ý muốn - dù không nói ra công khai - là khuyến khích khu vực mạnh dạn hơn để cùng nhau chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Ngay từ tháng 05 và tháng 06/2021, Hoa Kỳ đã nêu bật thái độ quan tâm đến vùng Đông Nam Á với chuyến thăm Indonesia, Cam Bốt và Thái Lan của thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman, nối tiếp bằng vòng công du ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin vào hạ tuần tháng 07.

Tại Đông Nam Á, phó tổng thống Mỹ sẽ bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ quốc tế"

Và trong tuần này, vào lúc ngoại trưởng Antony Blinken đang tích cực tham dự - qua cầu truyền hình - các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thường niên của khối ASEAN (02-06/08/2021), Nhà Trắng xác nhận và cho biết thêm chi tiết về chuyến công du của phó tổng thống Kamala Harris tại hai đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam từ ngày 22 đến 26/08.

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 03/08, một quan chức cao cấp tại Nhà Trắng đã nêu bật điều mà phó tổng thống Mỹ muốn nhấn mạnh nhân chuyến công du Đông Nam Á của bà: Đó là quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ luật lệ quốc tế đặc biệt là tại Biển Đông.

Quan chức Nhà Trắng này xác định: “Chúng tôi - tức là Hoa Kỳ - không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào thống trị khu vực hoặc lợi dụng sức mạnh của mình để xâm phạm chủ quyền của nước khác… Phó tổng thống (Mỹ) sẽ nhấn mạnh rằng giao thương phải được tự do trên khắp Biển Đông và không một quốc gia nào được phép coi nhẹ quyền của nước khác.” 

ASEAN có thể đối đầu với Trung Quốc mà không cần chọn phe

Đối với giới phân tích, trong bối cảnh toàn khối Đông Nam Á đang phải dựa vào Trung Quốc về phương diện kinh tế, và gần đây là về mặt vac-xin ngừa Covid-19, Hoa Kỳ đang cố gắng tìm lấy lại ảnh hưởng trong khu vực, đã bị xói mòn sau nhiều năm dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, và thông điệp mà Washington gởi đến ASEAN là các nước bị Bắc Kinh chèn ép cần phải mạnh dạn đứng lên đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ các quyền lợi được luật pháp quốc tế công nhận của mình.

Trong một diễn dàn đăng trên nhật báo Thái Lan The Bangkok Post ngày 03/08 mang tựa đề “Mỹ thúc giục ASEAN đứng lên chống Trung Quốc”, ông Kavi Chongkittavorn, môt nhà phân tích kỳ cựu về các vấn đề khu vực, đã tìm hiểu thêm về tính khả thi của chiến lược đã được chính bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nêu bật tại Singapore ngày 27/07 vừa qua nhân Diễn Đàn Fullerton lần thứ 40.

Theo nhà phân tích Thái Lan, ý tưởng xuyên suốt được bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu bật là “Hoa Kỳ muốn thấy ASEAN đứng lên chống lại Trung Quốc mà không cần phải chọn phe, cùng lúc với việc lôi kéo Trung Quốc cùng làm việc với Mỹ trong các lĩnh vực có lợi ích chung nhưng sẵn sàng chốngTrung Quốc một cách không nao núng nếu lợi ích của Hoa Kỳ bị đe dọa".

"Khả năng răn đe tích hợp"

Chính quyền Biden tin rằng các mục tiêu này có thể đạt được thông qua “khả năng răn đe tích hợp”, đòi hỏi các đồng minh và bạn bè phải cùng nhau tham gia bằng cách sử dụng các khả năng hiện hữu và triển khai tất cả các khả năng này theo những phương cách mới và được kết nối với nhau chẳng hạn như trong lĩnh vực thông tin và mạng tin học để tạo ra khả năng răn đe mạnh mẽ hơn.

Theo nhà phân tích Thái Lan, đối với tổng thống Biden, các liên minh và bạn bè là những đối tác quan trọng giúp Washington thực hiện các chiến lược dài hạn của mình. Do đó, tham luận của ông Austin tại Singapore không quá cứng rắn mà cũng không quá mềm mỏng đối với đối thủ Trung Quốc, tránh gây phản ứng không hay nơi một số nước Đông Nam Á không muốn phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Washington.

Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ vẫn không ngần ngại đề cập đến những vấn đề nhậy cảm đối với Trung Quốc là Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan và Tân Cương.

Hy vọng Singapore, Việt Nam và Philippines kết hợp chặt chẽ với Bộ Tứ

Một trong những yếu tố quan trong được nhà phân tích Kavi Chongkittavorn ghi nhận qua tham luận của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ là sự chú ý dành ba nước Đông Nam Á - Singapore, Việt Nam và Philippines, được cho là có thể trở thành những đối tác tích cực trong việc thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Mỹ trong vùng trong những năm tới, đặc biệt là thông qua cơ chế Bộ Tứ (Quad), kết hợp 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Các nước ASEAN khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng là những đồng minh và bạn bè quan trọng nhưng họ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào tháng tới để thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Theo chuyên gia Thái Lan, không thể bỏ qua khả năng Singapore, Việt Nam và Philippines hợp tác riêng với nhóm Bộ Tứ. Nhận thức về an ninh và mối đe dọa của ba nước này gần như là tương đồng với nhận thức của Mỹ. Tại hội nghị thường niên lần thứ 54 diễn ra trong tuần này, các ngoại trưởng ASEAN sẽ thảo luận về cách thực thi kế hoạch Triển Vọng ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (AIOP) để đảm bảo sao cho kế hoạch này luôn là khuôn khổ chính của kiến trúc khu vực, bảo đảm “vai trò trung tâm” của ASEAN.

Tính chất trung tâm của ASEAN

Rất khó để dự đoán liệu có thành viên ASEAN nào sẵn sàng gia nhập Bộ Tứ hay không. Với việc Hoa Kỳ đang thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và bạn bè trên toàn thế giới, khả năng này sớm hay muộn có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với ASEAN nói chung. Một thành viên ASEAN quyết định liên kết với Bộ Tứ theo bất kỳ công thức nào sẽ ngay lập tức làm suy yếu cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu.

Về ASEAN, ông Austin đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của ASEAN trong việc đóng vai trò hàng đầu để giải quyết các vấn đề lớn của khu vực, kể cả mớ bòng bong Miến Điện.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã không đề cập đến “tính chất trung tâm” của ASEAN trong bài phát biểu của mình. Thay vào đó, ông lại dùng cụm từ “vai trò trung tâm của ASEAN” vốn được các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên sử dụng trong giai đoạn trước năm 2016, thời cựu tổng thống Obama, để mô tả ASEAN. Đối với nhà phân tích Thái Lan, ông Austin đang nhắm tới ảnh hưởng trong tương lai của Bộ Tứ đối với kiến trúc khu vực Đông Nam Á.

Mỹ khuyến khích ASEAN mạnh dạn tranh đấu chống Trung Quốc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten