Những người giàu nhất Trung Quốc lọt tầm ngắm của Tập Cận Bình
Đăng ngày:
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, chủ tịch Tập Cận Bình mới đây kêu gọi những người khá giả nhất và các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho « sự thịnh vượng chung », « trả lại nhiều hơn cho xã hội » và cam kết sẽ có những « điều chỉnh » đối với những thu nhập « quá mức ».
La Croix cho biết phát biểu trên được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc và cho thấy Tập Cận Bình đang cứng rắn hơn với những người khá giả nhất trong nước. Chính quyền Trung Quốc muốn nâng thu nhập của tầng lớp nghèo nhất và giới trung lưu. Giáo sư Mary-Françoise Renard, đại học Clermont-Auvergne, nhận định Trung Quốc đang hướng tới một mô hình kinh tế được kích thích do tiêu dùng. Vì người nghèo nhất là người có xu hướng tiêu dùng nhiều nhất, nên nhà chức trách phải tăng thu nhập cho họ.
Phát biểu của ông Tập cũng cho thấy các ưu tiên sắp tới của Trung Quốc là tái phân phối nhiều hơn và lộ trình hướng tới một sự « thịnh vượng chung » sẽ không chỉ « dành cho một số ít người ». Giáo sư Mary-Françoise Renard nhấn mạnh chủ trương đó « phù hợp với mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực ở nông thôn » mà Tập Cận Bình đề ra khi lên nắm quyền hồi năm 2012. Vào năm 2020, đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố đã đạt được mục tiêu nói trên, thế nhưng trên thực tế, ngưỡng nghèo ở Trung Quốc là thu nhập dưới 1,9 euro/ngày, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo 4,7 euro/ngày mà Ngân Hàng Thế Giới đưa ra.
La Croix lưu ý giảm đói nghèo không ngăn cản được nạn bất bình đẳng tăng bùng nổ. Cũng như ở các nước công nghiệp phát triển khác, số người có thu nhập cao nhất ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn so với phần còn lại của dân số. Sự xuất hiện của tầng lớp tỷ phú ở Trung Quốc là biểu tượng rõ nét nhất của sự gia tăng bất bình đẳng : 626 tỉ phú trong năm 2020, chỉ sau Mỹ (724 tỉ phú), theo Financial Times.
Thế nhưng, trên hết, bài phát biểu của Tâp Cận Bình mang tính chính trị, bởi theo giáo sư Mary-Françoise Renard sự gia tăng của một tầng lớp cực kỳ giàu có là điều rất dễ nhận thấy và có thể khiến dân chúng bất mãn. Dù không một biện pháp cụ thể nào được đưa ra, nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều cách để tái phân phối. Luận điệu chống bất bình đẳng không phải là mới ở Trung Quốc, nhưng lần này có một sắc thái đặc biệt, vào lúc chính quyền Trung Quốc ngày càng tăng tốc củng cố quyền kiểm soát đối với các khu vực lớn của nền kinh tế, chẳng hạn các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ như Alibaba, Didi, Pinduoduo.
Tiếp nhận người tị nạn Afghanistan : Không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn là nghĩa vụ
Phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde vẫn dành sự quan tâm cho hồ sơ Afghanistan, bốn ngày sau khi phe Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Chuyên mục Thế giới của Le Monde tập trung vào chuyện « Các lãnh đạo Taliban bước ra khỏi bóng tối », điểm qua những gương mặt nổi trội của lực lượng Hồi giáo cực đoan đã giành quyền kiểm soát đất nước.
Bên cạnh đó, Le Monde nói đến những căng thẳng và sự mất kiểm soát liên quan đến cầu không vận để sơ tán những người muốn rời khỏi Afghanistan, với « vũ điệu ballet của những phi cơ quân sự » và sự đối lập trong - ngoài sân bay Kabul : bên trong sân bay, tình hình an ninh do 6.000 lính Mỹ bảo đảm, còn những ngả đường dẫn đến sân bay lại do Taliban kiểm soát với rất nhiều chốt kiểm tra.
Bài xã luận của Le Monde dành để nói về chính sách tiếp nhận di dân và người tị nạn Afghanistan. Đối với tờ báo, « tị nạn cho người Afghanistan bị ngược đãi » bao hàm « quyền » và « nghĩa vụ ». Le Monde lưu ý việc Pháp và châu Âu tiếp nhận người tị nạn bị Taliban đe dọa phải được bảo đảm thông qua các công ước quốc tế, chứ không phải trở thành nạn nhân của những tính toán về tranh cử.
Liên Hiệp Châu Âu ngày 18/08 đã kêu gọi các nước thành viên đón nhận nhiều người tị nạn Afghanistan hơn dự kiến và ngưng trục xuất về Afghanistan những di dân hiện giờ đã đến châu Âu. Trong khi đó, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi việc cấm đưa người Afghanistan trở lại các tình huống nguy hiểm và nhắc nhở các Nhà nước về « trách nhiệm pháp lý và đạo đức » trong việc cho phép đến lãnh thổ các nước những người đã phải chạy trốn khỏi Afghanistan để tìm kiếm sự an toàn và không trục xuất người tị nạn, cho đến khi nào « tình hình an ninh, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền được cải thiện » đủ để người dân Afghanistan hồi hương an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm.
Sự trở lại nắm quyền của Taliban không chỉ khiến những người đã làm việc trực tiếp cho quân đội và các tổ chức nước ngoài trong vòng 20 năm qu,a mà cả nhiều dân thường Afghanistan, phải chạy trốn khỏi đất nước. Nhưng hiện giờ, mới chỉ có vài nghìn người, chủ yếu ở Kabul, đổ đến sân bay hoặc đến các đại sứ quán nước ngoài để xin tị nạn, với hy vọng được di tản ra nước ngoài, tình trạng dân chúng ồ ạt đổ đến vùng biên và sang các nước láng giềng vẫn chưa xảy ra.
Liên Âu, như thường lệ, không đạt được đồng thuận về vấn đề di dân. Đan Mạch, Bỉ và các nước thuộc nhóm Visegrad (Hungary, Ba Lan, CH Séc và Slovakia) có thái độ chống đối kịch liệt đối với bất kỳ chính sách di cư nào. Còn Slovenia, hiện là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp, không muốn có bất kỳ cuộc tranh luận nào về vấn đề tị nạn hoặc nhập cư.
Riêng tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã có những lời lẽ ủng hộ mạnh mẽ, chào đón không chỉ những người Afghanistan làm việc cho quân đội hoặc đại sứ quán, mà còn cả những nhà bảo vệ nhân quyền, nghệ sĩ, nhà báo có thể bị đe dọa vì các hoạt động của họ. Tổng thống Macron gọi đó là « niềm vinh dự của nước Pháp » khi được « sát cánh với những người chia sẻ các giá trị » của nước Pháp. Thế nhưng, cũng trong bài phát biểu đó, một ngày sau khi thủ đô Kabul thất thủ, ông Macron lại có những lời lẽ rất cứng rắn về việc Pháp và châu Âu phải đề phòng những luồng di dân ồ ạt, bất hợp pháp.
Theo Le Monde, thái độ của tổng thống chắc chắn bị ảnh hưởng do nước Pháp sắp bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022. Một số hiệp hội bảo vệ nhân quyền tố cáo những phát biểu của tổng thống « không xứng đáng » với truyền thống tiếp nhận di dân và người tị nạn của Pháp.
Le Monde nhấn mạnh cả tổng thống Emmanuel Macron, nước Pháp và châu Âu cần ghi nhớ những thực tế sau : Thứ nhất, tất cả mọi người đều thích sống ở quê nhà hơn và chỉ có 1% nhân loại hiện giờ đang phải di cư hoặc sống tị nạn ở nước ngoài. Thứ hai, những người Afghanistan bị Taliban đe dọa là những người hoàn toàn có quyền và có nhiều quyền nhất để xin tị nạn ở nước ngoài. Quyền này được luật pháp quốc tế, Công ước Genève và nhiều văn bản của Liên Hiệp Châu Âu bảo vệ. Tiếp nhận những người Afghanistan có nguy cơ bị truy bức vì thế không chỉ là vấn đề manh tính nhân đạo, mà còn là một nghĩa vụ.
Nhìn sang Libération, về thời sự quốc tế, tờ báo có bài viết so sánh 7 nét khác nhau giữa cuộc khủng hoảng ở Afghanistan với Mali, nơi lần lượt có sự can dự của Mỹ và Pháp để chống Hồi giáo cực đoan.
Liên quan tới châu Âu, Libération quan tâm đến Ukraina, nhân dịp sắp tới ngày kỷ niệm 30 năm Ukraina giành độc lập sau 7 thập niên thống trị của Liên Xô. Sau 7 năm xung đột với Nga, với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga nối sang Đức, Ukraina đã đánh mất một đòn bẩy địa chính trị quan trọng, niềm tin với châu  và Mỹ cũng xói mòn. Libération giới thiệu bài phỏng vấn tổng thống Ukraina Zelensky, người nói rằng đối với NATO và Liên Âu, ông cảm thấy mình ở trong trạng thái phải chờ đợi thường trực.
Đảo Guadeloupe : Cái chết ở khắp nơi
Về thời sự nước Pháp, hồ sơ được Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và 4 trang phóng sự để nói tới là đại dịch Covid-19 ở đảo Guadeloupe, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nơi mà sự chết chóc hiện diện khắp mọi nơi, nơi những bệnh nhân nào không được chuyển viện đến bệnh viện ở vùng khác sẽ « cầm chắc cái chết ».
Libération tố cáo việc để xảy nông nỗi như ở Guadeloupe trước hết là lỗi của Nhà nước Pháp. Không thể tưởng tượng ở một nước giàu có như Pháp mà các bệnh viện ở Guadeloupe lại thiếu thốn đủ mọi thứ như vậy. Nhưng đó cũng là sự thiếu trách nhiệm của các cá nhân, bởi tỉ lệ tiêm ngừa ở Guadeloupe thấp hơn những nơi khác ở Pháp rất nhiều. Đối với Libération, việc người dân đảo từ chối tiêm là điều « không thể chịu nổi ». Và cuối cùng, đó cũng là lỗi của chính quyền địa phương trong công tác quản lý.
Trường học không thể là « gót chân Achille » của chiến lược phòng chống Covid-19
Chỉ còn hai tuần nữa là đến năm học mới, đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra và lây lan rất mạnh ở thanh thiếu nhiên, cũng như các báo La Croix và Le Figaro, Le Monde quan tâm đến các biện pháp bảo vệ học đường. Một tập thể khoảng 30 bác sĩ, giáo viên và nhà dịch tễ của Pháp đã ký tên trên Diễn đàn báo Le Monde đề nghị chính phủ có các hành động kiên quyết để bảo vệ các em, không để trường học trở thành « gót chân Achille » trong chiến lược phòng chống Covid-19.
Cảnh báo về biến thể Delta đối với thanh thiếu niên đang nhân lên trên toàn thế giới. Ở Mỹ, Canada, Ấn Độ, Anh Quốc, Ý, Tây Ban Nha … các bác sĩ nhi khoa và các hội khoa học đều kêu gọi phải tăng cường bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi. Tập thể các giáo viên, bác sĩ ký tên trên Diễn đàn của báo Le Monde nhấn mạnh đã đến lúc gióng lên tiếng chuông báo động tại Pháp.
Trẻ em ở Pháp đã phải trả giá đắt từ cuộc khủng hoảng y tế và giờ đã đến lúc bảo vệ việc học hành và sức khỏe của các em với các biện pháp kiên quyết : nhân rộng ra tất cả các cấp học việc đóng cửa lớp học ngay khi phát hiện trong lớp có học sinh dương tính với virus corona, mở cửa sổ lớp học thường xuyên hơn, các trường phải được trang bị máy đo CO2, máy lọc không khí …
Covid-19 và di chứng « hậu hồi sức »
Cũng về Covid-19 tại Pháp, nhưng La Croix hướng sự chú ý đến các quá trình hồi sức khỏe khó khăn lâu dài, với những di chứng cả về thể chất và tinh thần, của những người từng bị bệnh nặng và phải nằm ở các khoa điều trị tích cực hoặc khoa hồi sức trong bệnh viện.
La Croix cho biết từ tháng 03/2020 đến nay, tại Pháp có 90.000 bệnh nhân Covid-19 nặng phải nằm ở khoa điều trị tích cực hoặc hồi sức. Đợt điều trị ở những khoa này đã giữ được mạng sống cho nhiều bệnh nhân, thế nhưng đằng sau lần « chết đi sống lại thần kỳ » đó là những rối loạn « hậu hồi sức », những chấn động tâm lý nghiêm trọng như sau một vụ tai nạn hoặc khủng bố.
Tiếng kêu bip bip của các loại máy móc vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Khi tỉnh dậy sau nhiều tháng nằm bất động, được trợ thở, các bệnh nhân phải tập thở, tập cử động phối hợp … và chất lượng cuộc sống cũng khó được như cũ. Đợt điều trị Covid-19 đã khiến nhiều người bị đảo lộn cuộc sống, các dự định nghề nghiệp, nhưng cũng mang lại cho họ cái nhìn khác hẳn về cuộc đời.
Tại sao Trái đất bùng cháy ?
Khác với các báo kể trên, Le Figaro hôm nay đặc biệt quan tâm đến hồ sơ khí hậu với câu hỏi « Tại sao Trái đất cháy ? » làm tựa chính trang nhất, trên nền bức ảnh ngọn lửa bùng lên dữ dội đốt cháy cây cối trong màn đêm.
Bài xã luận « Những chiến binh chống lửa và nhân loại » của Le Figaro dành để vinh danh lực lượng cứu hỏa đang trên tuyến đầu ở nhiều nơi trên thế giới, từ vùng Địa Trung Hải, bang California của Mỹ đến vùng Sibéria rộng lớn. Đây cũng là dịp để công chúng nhìn nhận về những đóng góp, hy sinh của lực lượng cứu hỏa và cứu hộ nói chúng đối với cộng đồng.
Le Figaro còn dành hồ sơ nhiều bài viết để nói về nạn hỏa hoạn nghiêm trọng khắp nơi trên toàn cầu trong thời gian gần đâ,y mà nguyên nhân chính là sự biến đổi khí hậu. Riêng về vùng Sibéria, Le Figaro nhận định năm 2021 có lẽ là năm của mọi kỷ lục đáng buồn về cháy rừng : hơn 17 triệu hecta rừng đã tàn thành tro bụi, theo số liệu của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, diện tích này lớn hơn tổng diện tích rừng bị cháy ở những nơi còn lại trên Trái đất. Lần đầu tiên tro bụi từ các đám cháy rừng ở Sibéria lan đến tận Bắc Cực.
Hỏa hoạn nghiêm trọng đến mức tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn hoài nghi về biến đổi khí hậu, hôm 14/08 trên truyền hình đã gọi cháy rừng ở Sibéria thuộc lãnh thổ Nga là thảm họa lớn chưa từng có và nói điều cần thiết là phải có sự dấn thân sâu rộng và mang tính hệ thống vào chương trình hành động vì môi trường và khí hậu.
Những người giàu nhất Trung Quốc lọt tầm ngắm của Tập Cận Bình (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten