Covid ở Sài Gòn: Các dòng tu Công giáo cứu trợ dân nghèo
Đăng ngày:
Sài Gòn hiện là thành phố đông dân nhất Việt Nam với hơn 9 triệu người theo thống kê chính thức, do là nơi thu hút rất nhiều dân từ các nơi khác đến kiếm sống, trong đó có nhiều công nhân làm việc cho các nhà máy trong khu vực. Nhưng Sài Gòn cũng đang là tâm chấn của đợt dịch Covid mới, dữ dội hơn những lần trước, do tác động của biến thể Delta lây lan rất nhanh.
Lệnh “giãn cách xã hội” được ban hành và đã được triển hạn cho đến 15/09 nhằm phòng chống đại dịch khiến đời sống dân nghèo ở Sài Gòn càng thêm khốn đốn, nhất là những lao động nhập cư từ mấy tháng qua bị thất nghiệp do các nhà máy đã đóng cửa. Ấy là chưa kể hiện nay Sài Gòn đang sống dưới lệnh phong tỏa tuyệt đối, “ ai ở đâu ở yên đó”, gần như là thiết quân luật, quân đội được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh phong tỏa trong thành phố.
Trong những tuần qua, rất nhiều tổ chức, nhiều cá nhân đã bỏ không ít công sức, tiền bạc để giúp đỡ những người lao động nghèo đã không thể trở về quê được và nay không còn một nguồn thu nhập nào khác, thậm chí không có đủ lương thực để ăn, do không phải ai cũng nhận được các trợ cấp của nhà nước. Tham gia tích cực vào chiến dịch cứu trợ này đặc biệt có Giáo hội Công Giáo Việt Nam, thông qua các giáo xứ, các dòng tu như Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Tên...
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 24/08, Linh mục Trương Văn Phúc, Trưởng Ban Bác Ái Xã Hội, Dòng Tên Việt Nam, trước hết nhắc lại tình trạng hiện nay của các lao động nhập cư ở Sài Gòn trong mùa đại dịch:
" Trước tiên là các vùng ven của Sài Gòn có các khu công nghiệp. Ở phía bắc, không chỉ trên đất Sài Gòn và Thủ Đức, mà còn ở ranh giới lấn qua Bình Dương, Biên Hòa, có khá nhiều gia đình trẻ hầu hết là công nhân của các xí nghiệp, nhà máy. Ở phía nam cũng vậy, ở khu vực giáp giới giữa Sài Gòn với Tây Ninh, có vùng Hóc Môn và giáp giới với Long An có vùng Đức Hòa, Bình Chánh, cũng tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, thu hút cả triệu công nhân.
Trong thực tế, bệnh dịch đã bắt đầu từ cuối tháng 5, nhưng lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại để hạn chế lây lan, bắt đầu từ 09/06, tới bây giờ đã 12 tuần rồi. Đối diện với khó khăn của đại dịch, một số bạn trẻ cảm thấy nên về quê thì họ đã lên đường về quê. Họ về bằng nhiều cách, trong đó có cách đi bằng honda, bằng xe của các mạnh thường quân, của các tổ chức này tổ chức khác. Nhà nước cũng giúp họ về quê.
Tuy vậy, số người ở lại thì cũng khá nhiều, khoảng 2/3 công nhân của các nhà máy, xí nghiệp, theo ước lượng của tôi. Mà ở lại như vậy thì có những chi phí phát sinh ngoài ý muốn. Chí phí đầu tiên là tiền phòng trọ, tiếp đến là tiền ăn uống, thuốc thang. Trước đây họ có thu nhập, còn bây giờ không có thu nhập, khó khăn là đương nhiên."
Cụ thể, các dòng tu tham gia như thế nào vào việc cứu trợ cho các gia đình nghèo nói trên, cha Phúc cho biết:
"Giáo hội Công Giáo cũng khá dấn thân trong mùa dịch này. Đức cha Linh, Đức tổng giám mục Huế, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam" đã có một bức Thư chung "Thương quá Sài Gòn ơi", kêu gọi sự chia sẽ của tất cả các giáo phận trên toàn quốc cho miền Nam, đặc biệt là cho Sài Gòn. Nguồn quỹ đó đã giúp khá tốt trong tháng 7 vừa qua, không chỉ giúp lương thực, mà giúp cả tiền viện phí, tiền thuốc, tiền thuê nhà...
Dòng Tên cũng có dấn thân, nhưng chỉ là người điều phối. Cho tới lúc này, chúng tôi có sự tham gia ở vùng Thủ Đức với 28 giáo xứ và mỗi giáo xứ thì có các ban Caritas. Chúng tôi cũng làm việc với hai mươi mấy dòng tu trên địa bàn Thủ Đức. Ngoài ra, chúng tôi cũng lập một nhóm phân phối gạo mang tính cách liên đới giữa các dòng tu. Chúng tôi lập ra nhiều trạm phát gạo.
Chúng tôi kêu gọi sự liên đới, chia sẽ là chủ yếu, hầu hết là sự chia sẽ đến từ trong nước và từ một số mạnh thường quân ở nước ngoài. Tính về số lượng, sau 12 tuần, chúng tôi đã phân phối khoảng 220 tấn gạo và 70 tấn khoai. Con số có vẻ nhiều, nhưng trên thực tế không nhiều lắm đâu. Chúng tôi ước lượng số người mà chúng tôi tiếp cận được để giúp đỡ không nhiều, khoảng 15.000 gia đình."
Tham gia chương trình mang tên “Hạt gạo yêu thương” mà cha Phúc đề cập ở trên, có các tu sĩ nam nữ của Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Tên. Họ đã lập 4 trạm phân phối lương thực tại 4 vùng biên Sài Gòn: Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Chợ Quán ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Tân Việt ở Phường Tân Quy, quận Tân Phú, và Cộng đoàn Dòng Tên ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/08, sơ Maria Trần Thị Thu Thủy, Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, cho biết về hoạt động của mạng lưới này:
“Chương trình "Hạt gạo yêu thương" dựa trên một mạng lưới gồm những người đã liên kết trong các mạng lưới công tác xã hội của các giáo dân, các dòng tu, kết hợp với các giáo xứ ở các vùng như Thủ Đức, Tân Phú, quận 8, Bình Chánh, Bình Hưng, Bình An, nói chung là liên kết với các dòng tu địa phương hay dòng tu quốc tế đang làm việc tại các vùng này. Bởi vì dịch này rất nguy hiểm, cho nên cần phải có các cơ sở với các đội ngũ các sơ hay các cha, có những nhà tập thể lớn, những khu để khi mình đưa hàng đến, phân phối xong rồi, mình mới kêu từng nơi đến lấy, tránh tình trạng dân nghèo cần thực phẩm quá nên họ bất chấp vấn đề an toàn.
Mình có tổ chức sẵn rồi, những ai mà mình chuẩn bị xong rồi, thì mình kêu trưởng nhóm của giáo xứ đó hay vùng đó, cho xe của các thiện nguyện viên chở đến để giao và phát, chụp hình ảnh, quay phim lại để cho biết là hàng cứu trợ đã tới tay người dân. Trước khi phân phối thì chúng tôi đã có một danh sách các giáo xứ, vùng trọ đó có bao nhiêu di dân. Những người nghèo đang cần thực phẩm mà chưa nhận được thì sẽ được phân phối sớm hơn."
Theo lời sơ Thủy, do các địa phương trong vùng Sài Gòn đều có các dòng tu, các nhà thờ, cho nên các tu sĩ và giáo dân thiện nguyện nắm bắt rất rõ nhu cầu của những người nghèo tại địa phương. Ví dụ như ở Tân Phú, Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt có 30 sơ, gần đó các các khu nhà trọ, các sơ nắm rất rõ các khu nhà trợ đó qua việc liên kết với cha xứ, với các giáo dân của giáo xứ Tân Sơn Nhì. Trước khi phân phát thực phẩm, các sơ cũng đã đến tận nơi để quan sát tình hình.
Nhưng trong lúc Sài Gòn đang sống dưới lệnh phong tỏa, những chốt kiểm soát được dựng lên khắp nơi, các thiện nguyện viên của chương trình "Hạt gạo yêu thương", đặc biệt là các tài xế chở hàng cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng theo lời sơ Thủy, dù có thể bị phạt tiền, bị giữ xe, thậm chí bị tịch thu xe, các tài xế làm việc chương trình cứu trợ lượng thực vẫn không từ bỏ nhiệm vụ:
" Có một số người rất thiện chí, họ tìm mọi cách đưa thực phẩm đến người nghèo, tại vì khi đi quan sát thực tế như vậy, những người tài xế cũng thấy được những thiếu thốn của những người di dân, những công nhân nghèo đang cần thực phẩm như vậy. Những anh tài xế nhiệt tình hay có tâm đều không thể chịu nổi những cảnh như vậy, nên tìm mọi cách để hỗ trợ cho nhau.
Cái khó ở đây là chở về tới Sài Gòn nửa đêm rồi mà cũng bị giữ xe. Đi qua trạm này được rồi thì tới trạm khác phải nhờ Tòa Giám mục hoặc những người có uy tín trong công tác từ thiện can thiệp thì họ mới cho đi. Có giấy thông hành rồi, nhưng các trạm cũng kiếm một chuyện nào đó rồi mới cho qua. Thành ra nhiều tài xế từ các tỉnh vào cũng sợ lắm. Những xe phân khối nhỏ đi trong quận, đi liên quận thì cũng bị phạt, có khi 200 ngàn, 400 ngàn, 2 triệu.
Việc phân phối trong thời gian giới nghiêm này nói chung là gặp khó khăn. Cho nên, những thực phẩm ở dưới tỉnh thì có thừa, cần được "giải cứu" vì nông dân trồng mà bán không được, mình giải cứu về đến đây thì người nghèo đang cần, nhưng việc đến tay người nghèo cũng khó."
Mặt khác, làm công tác cứu trợ ngay giữa lúc Covid-19 đang hoành hành dữ dội, do tiếp xúc nhiều với người dân, nhiều sơ của Dòng Mến Thánh Giá cũng bị lây nhiễm theo lời Sơ Thủy:
" Cùng với mọi người, các dòng tu ở Việt Nam, chẳng hạn như dòng của mình thì cũng bị nhiều. Nhà chính bị nhiễm gần cả 200 người. Đó cũng là một khủng hoảng, nhưng sau ít ngày thì cũng được trấn tĩnh. Còn dòng Mến Thánh Giá Tân Việt, là dòng nhận các khối hàng lớn để phân phối, có 64 sơ mà cũng có đến 51 người bị nhiễm, nhưng bị nhiễm nhẹ thôi. Ở Bình Dương, cộng đoàn có bốn mươi mấy người, thì cũng bị nhiễm gần hết, chỉ có 3 người chưa bị nhiễm.
Nhưng về tinh thần, các sơ thấy người ta cần thực phẩm cho nên nghĩ rằng có thể mình bị Covid nhưng mình không chết, còn có những người có thể chết vì họ thiếu ăn, ăn thiếu chất, ăn không đủ vitamin, nên bị Covid bị quật chết, dễ dàng bị gục ngã, còn nếu họ có thức ăn đầy đủ trong mùa dịch này thì họ sẽ vượt qua được. Các sơ làm việc nhiệt tình quá nên có một số bị nhiễm nặng.
Như ghi nhận của cha Trương Văn Phúc, sự hy sinh của các tu sĩ, cũng như các giáo dân, cũng như của rất nhiều người khác tham gia cứu trợ người nghèo thể hiện một điều đó là tình liên đới xã hội đã trỗi dậy mạnh mẽ ở Sài Gòn trong cơn đại dịch. Và cũng chính trong lúc này mà Giáo hội Công Giáo càng thật sự là Giáo hội của người nghèo.
Covid ở Sài Gòn: Các dòng tu Công giáo cứu trợ dân nghèo - Tạp chí Việt Nam (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten