Mỹ - Đức giải quyết bất đồng về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2
Đăng ngày:
Một tuần lễ sau chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Angela Merkel, hai nước đã nhổ được cái gai trong quan hệ song phương. Ngày 21/07/2021, Berlin và Washington thông báo đạt được một thỏa thuận liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt dài hơn 1.200 cây số, Nord Stream 2 nối liên Đức với Nga xuyên qua lòng biển Baltic. Đây là ngả trực tiếp đưa khí đốt của Nga vào châu Âu mà không cần phải đi qua lãnh thổ Ukraina.
Cho đến nay, Washington lo ngại là một khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động, châu Âu sẽ càng lệ thuộc hơn vào năng lượng của Nga, qua đó Kremlin mở rộng ảnh hưởng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị tại châu Âu. Ngoài ra, dự án đường ống dẫn khí này cũng là công cụ để Matxcơva gia tăng áp lực với chính quyền Kiev và làm phương hại đến quyền lợi của Ukraina. Với thỏa thuận vừa đạt được giữa Berlin và Washington, Nord Stream 2 sẽ nhanh chóng được hoàn tất.
Từ thủ đô Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích rõ hơn về nội dung thỏa thuận Đức và Hoa Kỳ vừa đạt được :
« Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream là một dự án tồi. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Victoria Nuland phàn nàn như trên tại Thượng Viện. Tuy nhiên 98 % dự án đã hoàn thành và chính quyền Mỹ chọn giải pháp đàm phán với Đức về các bảo đảm liên quan đến một số điểm then chốt thay vì chống lại một việc không thể tránh khỏi.
Bà Victoria Nuland nói : Quý vị sẽ thấy những nỗ lực to lớn của Mỹ và Đức để bảo đảm cho Ukraina vẫn được cung cấp năng lượng và các nguồn cung ứng năng lượng mang lại những khoản tiền cụ thể. Tóm lại tình hình không tốt đẹp và đường ống dẫn khí này là một dự án tồi, nhưng chúng ta phải hỗ trợ Kiev bảo vệ quyền lợi của Ukraina và tôi tin rằng với thỏa thuận đạt được, chúng ta đã có được những bước tiến đáng kể theo hướng này.
Cụ thể là Đức cam kết chi ra khoảng 175 triệu đô la giúp Ukraina phát triển những nguồn năng lượng tái tạo. Thêm vào đó Berlin dự trù một ngân sách 70 triệu đô la để bảo đảm cho Ukraina được cung cấp đầy đủ năng lượng. Chính quyền Đức cũng cam kết có những biện pháp trừng phạt nước Nga trong trường hợp Matxcơva sử dụng năng lượng vào các mục đích chính trị chống lại Ukraina ».
Mỹ - Đức giải quyết bất đồng về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (rfi.fr)
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2, cái gai giữa Đức và Mỹ
Đăng ngày:
Nord Stream 2 thách thức chính sách năng lượng của nền công nghiếp số 1 Châu Âu là Đức. Về ngoại giao, Berlin lâm vào thế kẹt giữa Mỹ, Nga và ngay cả với các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu. Vài tháng trước khi từ giã chính trường, thủ tướng Angela Merkel có sự chọn lựa nào để đưa nước Đức thoát khỏi bế tắc ?
Nord Stream 2 (Bắc Hải Lưu 2) là một trong số gần 20 đường ống dẫn đưa dầu và khí đốt của Nga về Tây Âu. Sau những đường ống đã hoặc sắp đi vào hoạt động như Nord Stream 1, Turkistream, hay đường ống Yamal trên dưới 4.000 km, đưa khí đốt từ vịnh Yamal phía bắc nước Nga đến Tây Âu, xuyên qua lãnh thổ của Belarus và Ba Lan. Nord Stream 2 có độ dài 1.230 cây số nối liền lãnh thổ của Nga và Đức, nhưng không đi qua lãnh thổ Ukraina.
Trên nguyên tắc, dự án phải được hoàn tất từ cuối năm 2019. Đối tác chính là tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga bảo đảm đến 50 % phí tổn của công trình được ước tính lên tới trên 10 tỷ đô la. Nửa còn lại do 5 công ty năng lượng Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo và Shell, liên doanh Hà Lan-Anh đồng tài trợ.
Một khi đi vào hoạt động, Bắc Hải Lưu 2 cho phép trung chuyển hàng năm 55 tỷ mét khối khí đốt của Nga sang châu Âu. Liên Âu hiện phải nhập khẩu gần 90 % khí đốt để bảo đảm nhu cầu của toàn khối và khí đốt chiếm đến ¼ tiêu thụ năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu. Đức là quốc gia hưởng lợi trực tiếp từ đường ống dẫn khí đốt này, nhưng đồng thời Nord Stream 2 cung ứng năng lượng cho toàn Liên Âu.
Nhìn qua thì Bắc Hải Lưu 2 đơn thuần là một bài toán kinh tế khôn ngoan cho phép « nhân lên gấp đôi » lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu so với khả năng hiện tại mà đường ống Bắc Hải Lưu 1 đã hoạt động từ 2012 có thể cung ứng.
Dự án đã gần như hoàn tất, nhưng công trình bị « kẹt » ở giai đoạn cuối : đoạn liên quan đến 160 cây số đường ống được đặt dưới lòng biển Baltic. Nhiều yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng đe dọa dự án mà trước hết là nhằm giúp cho các bên tháo gỡ những khúc mắc kinh tế.
Đức kẹt giữa xung đột quyền lợi kinh tế Nga-Mỹ
Trước hết, Nord Stream 2 động chạm trực tiếp đến quyền lợi kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ. Mỹ muốn bán khí hóa lỏng cho châu Âu. Dưới thời tổng thống Trump, Washington từng ước tính, một khi đi vào hoạt động, Bắc Hải Lưu 2 sẽ « cướp đi » 10 tỷ đô la hàng năm nguồn thu nhập của các nhà sản xuất Mỹ.
Washington cho rằng như vậy, Liên Âu, những đồng minh « truyền thống » của Mỹ, càng lệ thuộc vào năng lượng của Nga. Giáo sư Thierry Bross, trường Sciences Po - Khoa Học Chính Trị Paris, chuyên gia về năng lượng, lưu ý : Nord Stream 2 không hẳn đe dọa các nhà sản xuất Hoa Kỳ, vì tới nay, khí hóa lỏng của Mỹ chỉ mới chiếm 5 % trị phần châu Âu. Dù có Nord Stream 2 hay không thì Nga vẫn có một vị trí áp đảo trên bàn cờ năng lượng châu Âu. Lý do là vì khí đốt của Nga rẻ hơn so với Mỹ trung bình đến 40 %. Trong điều kiện đó, khó có thể tin rằng Liên Âu « bỏ Nga để đi theo Mỹ ».
Điểm thứ nhì được giới chuyên gia Pháp về năng lượng quan tâm : Trên hồ sơ khí đốt, xung khắc Mỹ - Nga chỉ là « vỏ bọc về ngoài ». Nhà nghiên cứu Paul Maurice thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI, hồi tháng 3/2021, giải thích trên đài France Culture : Năm 2020, Nga và Mỹ đã thỏa thuận ngầm để giữ giá. Cụ thể là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Washington và Matxcơva cùng giảm bớt mức cung cấp cho châu Âu, tránh để khí đốt mất giá. Điều này cho thấy, « người mua vẫn thua người bán » và Nga - Mỹ có thể chống đối nhau trên trường ngoại giao hay về mặt địa chiến lược, nhưng vẫn có thể đồng tình vì lợi ích kinh tế, thương mại của đôi bên.
Điểm thứ ba là Mỹ thực sự có phương tiện để trừng phạt Đức nói riêng và châu Âu nói chung : đó là nguyên tắc « ngoài lãnh thổ của đồng đô la ». Nói một cách đơn giản, nguyên tắc này cho phép Hoa Kỳ trừng phạt tất cả những tập đoàn quốc tế nào sử dụng đồng đô la của Mỹ để giao dịch với các đối tác bị Washington đưa vào « sổ đen ». Các công ty bị phạt ngoài ra sẽ bị cấm giao dịch với các đối tác Mỹ hay hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đây không hơn không kém là một loại vũ khí thương mại để phục vụ quyền lợi của Washington. Chính vì sợ đòn trừng phạt này của chính quyền Mỹ mà tới nay 18 công ty của châu Âu đã rút khỏi Bắc Hải Lưu 2.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là « Mỹ thì xa, Nga thì gần ». Do đó, châu Âu mua khí đốt của Nga với giá rẻ hơn so với của Mỹ.
Berlin bị trói tay vì chính sách chuyển giao năng lượng
Về đối nội, bài toán của thủ tướng Angela Merkel cũng nan giải không kém bốn tháng trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ và sẽ rút lui khỏi chính trường Đức sau 16 năm lãnh đạo đất nước. Là nền công nghiệp hàng đầu trong Liên Âu, nhu cầu về năng lượng là một vấn đề sinh tử đối với Đức, như phóng sự của thông tín viên đài RFI David Philippot từ Leuna, khu công nghiệp trong vùng Saxe-Anhalt, Đông Đức cũ, và là một trong số 13 khu công nghiệp quan trọng nhất trên toàn quốc :
« Martin Elger là nhân viên của Infra Leuna, công ty quản lý toàn bộ khu công nghiệp từng được biết dưới tên gọi Kombina dưới thời còn thuộc về Đông Đức. Hiện tại, cả trăm công ty đang hoạt động tại nơi này. Ông giải thích Leuna đã trở thành tụ điểm của các công ty quốc tế thuộc khoảng 10 nước khác nhau, như Phần Lan, Pháp hay Bỉ … Các tập đoàn này chuyên về các lĩnh vực sản xuất như là phân bón, sơn, các loại thuốc khử trùng dùng để lau dọn nhà cửa … Những sản phẩm này được chế biến từ dầu khí hóa lọc. Sắp tới đây, ngay cả một công ty trong lĩnh vực sinh hóa cũng sẽ dọn về khu này. Giám đốc điều hành Leuna từ năm 2012, ông Christof Günther, nhấn mạnh : đây là một khu công nghiệp rất thuận lợi để đón nhận nguyên liệu từ các quốc gia phía đông chuyển tới, đặc biệt là qua đường ống mang tên Hữu Nghị nối liền Leuna với vùng Siberia của Nga.
100 % dầu hỏa từ Siberie phải đi qua ngả này và đây cũng là một chặng then chốt trên con đường đưa khí đốt của Nga sang Tây Âu. Thêm vào đó, từ những năm 1970, vùng này đã phát triển quan hệ rất tốt với các hãng của Liên Xô thời đó. Vẫn theo giám đốc khu công nghiệp Leuna, khác với các đối tác ở Na Uy, công nhân Liên Xô chưa bao giờ đình công, dây chuyền cung ứng chưa từng bị gián đoạn. Bất luận bối cảnh chính trị, những trồi sụt trong quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh hay các cuộc đảo chính … khí đốt luôn được giao đúng hạn cho các khách hàng ở Leuna.
Một đặc điểm khác của Đức là quốc gia này đang tiến hành một cuộc cách mạng về năng lượng : trên nguyên tắc, kể từ năm tới, Đức sẽ ngừng khai thác năng lượng hạt nhân, rồi sẽ từng bước ngưng sử dụng than đá vào khoảng năm 2038. Các nguồn năng lượng tái tạo đang trở thành chủ lực tại một quốc gia công nghiệp như Đức. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là các điều kiện về thời tiết, khí hậu. Khó để dự báo một cách chính xác về mức độ sản xuất năng lượng gió hay mặt trời. Một đợt bị mất điện sẽ là một tai họa. Do vậy, rõ ràng khí đốt là một nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy và trong tương lai Đức sẽ phải cần nhiều hơn đến loại năng lượng này.
Chính vì thế, Leuna vừa xây thêm một đường ống dẫn mới để đưa khí đốt của Nga đến tận cổng các nhà máy ở Leuna. Đường ống này sẽ là sự nối dài của Nord Stream 2. Nước Đức đang trong thế trên đe dưới búa : Berlin một mặt chịu áp lực của Mỹ, mặt khác đang trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, đa dạng hóa các nguồn điện lực. Đức do vậy đang cố gắng tìm một giải pháp để thoát khỏi bế tắc hiện tại cả về kinh tế lẫn ngoại giao ».
Đức : Đâm lao thì phải theo lao
Như thông tín viên David Philippot vừa nói, thủ tướng Merkel đã đề ra mục tiêu từ năm 2022 Đức hoàn toàn quay lưng lại với năng lượng hạt nhân, và đến ngưỡng 2038 thì quốc gia này sẽ đóng cửa luôn các nhà máy nhiệt điện than. Berlin vừa thông báo bồi thường khoảng 2,5 tỷ đô la cho các doanh nghiệp bị chính sách chuyển đổi năng lượng này gây thiệt hại. Đức đương nhiên đã thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, nhưng đồng thời tăng tốc cơ sở hạ tầng để bảo đảm nguồn cung ứng đều đặn về khí đốt.
Trên bàn cờ năng lượng này, Berlin lệ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga cho dù chính phủ Đức ý thức được là, đối với tổng thống Vladimir Putin, « khí đốt là vũ khí để củng cố quyền lực và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao ».
Cuối tháng 3/2021, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã cảnh báo : Nhờ Nord Stream 2, Matxcơva mở rộng ảnh hưởng với Liên Âu và khuấy động quan hệ giữa Bruxelles với Washington. Nhìn từ Hoa Kỳ, tân chính quyền Biden không ngần ngại đánh giá Bắc Hải Lưu 2 không hơn không kém « là một dự án mang tính địa chính trị của Nga nhằm chia rẽ châu Âu và làm suy yếu an ninh năng lượng của khư vực này ».
Riêng Gazprom chiếm đến 40 % thị phần toàn châu Âu
Trước mặt, bất chấp áp lực dồn dập từ phía Mỹ và một phần các đối tác trong Liên Âu, chính phủ Đức vẫn kiên quyết đi đến cùng dự án Nord Stream 2. Về điểm này, Berlin và Matxcơva có « cùng một tần số » : giữa tháng 2/2021 bộ trưởng Kinh Tế Đức, Peter Altmeier, nêu lên khả năng « đẩy mạnh liên minh với Nga » về năng lượng. Tuyên bố này được đưa ra đúng vào thời điểm vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny gây sóng gió trong quan hệ ngoại giao giữa Bruxelles và Matxcơva.
Giới lãnh đạo Đức và Nga cùng chủ trương gạt sang một bên những bất đồng về chính trị để Bắc Hải Lưu 2 chóng được hoàn thành. Tuy nhiên, khó có thể bác bỏ những lo ngại của nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu về ảnh hưởng của Nga đối với toàn khối, đồng thời, trong quan hệ với Mỹ, bản thân nước Đức cũng đang muốn cải thiện quan hệ với chính quyền mới ở Nhà Trắng.
Thêm một mối nghi ngại khác liên quan đến toàn cảnh chính trị của nước Đức. Thủ tướng Merkel chuẩn bị chuyển giao quyền lực. Tháng 9/2021, cử tri Đức sẽ bầu lại Quốc Hội. Theo các thăm dò gần đây, đảng bảo thủ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của bà Merkel có triển vọng vẫn dẫn đầu, nhưng sẽ phải tìm liên minh để lập chính phủ. Nếu như đối tác của đảng này là đảng Xanh, liệu rằng Berlin có còn mạnh mẽ bảo vệ dự án Nord Stream 2 nữa hay không ?
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2, cái gai giữa Đức và Mỹ - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten