donderdag 22 juli 2021

Hàn Quốc : Công luận bất bình về dự án khuyến khích nông dân lấy nữ du học sinh Việt

 

Hàn Quốc : Công luận bất bình về dự án khuyến khích nông dân lấy nữ du học sinh Việt

Phần âm thanh 09:18
Ảnh minh họa : Váy cưới hoàng gia hiện đại trong một buổi trình diễn thời trang ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/06/2012.
Ảnh minh họa : Váy cưới hoàng gia hiện đại trong một buổi trình diễn thời trang ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/06/2012. AP - Ahn Young-joon

Vào giữa tháng 04/2021, chính quyền thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, đã gửi một công văn đề nghị hợp tác triển khai dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ”, đặc biệt là kết hôn với nữ du học sinh Việt Nam, cho văn phòng hành chính chuyên nhận các đơn khiếu nại của người nước ngoài. Tuy nhiên, dự án này bị giới bảo vệ nhân quyền và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc phản đối gay gắt.


Dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ”

Cụ thể, để ngăn chặn sự suy giảm và lão hóa dân số, chính quyền thành phố Mungyeong mong muốn giúp những người nông dân "luống tuổi" cưới vợ là những nữ du học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu các trung tâm môi giới hôn nhân Hàn-Việt hợp tác đẩy mạnh chiến dịch.

Rất nhiều tỉnh tại Hàn Quốc có nền kinh tế là nông nghiệp và nông dân là lực lượng lao động chính. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế tại thành phố lớn đã thu hút rất nhiều thanh niên và phụ nữ rời nông thôn chuyển đến sống và làm việc tại các khu vực đô thị. Không thể phủ nhận rằng phụ nữ sau khi kết hôn và sinh sống ở các vùng nông thôn sẽ phải lao động chân tay vất vả hơn, do đó phần lớn phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn với đàn ông làm nghề nông.

Trên thực tế, dự án “Giúp thanh niên nông dân lấy vợ” đã được nhiều chính quyền địa phương Hàn Quốc triển khai từ những năm 1990 khi nhận thấy những khó khăn về việc “dựng vợ gả chồng” ở nông thôn. Vào năm 2007, đã có tới 60 địa phương triển khai dự án này với khoản đầu tư rất lớn. Mặc dù sau đó đã vấp phải sự phản đối bị chỉ trích là vi phạm nhân quyền và lo ngại môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp, nhưng đến hiện tại vẫn có khoảng 40 địa phương cho phép đầu tư và 30 địa phương đang xúc tiến các dự án này.

Chiến dịch nhắm vào du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc

Điều đáng nói ở chiến dịch của thành phố Mungyeong là nhắm vào đối tượng nữ du học sinh Việt Nam - những người sang Hàn Quốc với mong muốn có thể được hưởng nền giáo dục tốt và theo đuổi ước mơ của mình. Do đó, vụ việc này cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi trong cộng đồng du học sinh Việt trong thời gian qua, đa phần các du học sinh đều cảm thấy bức xúc và có phần bị xúc phạm vì bị chính quyền thành phố coi như là “phương tiện để tăng dân số”. Linh, du học sinh ngành ngôn ngữ tại đại học khoa học quốc gia Seoul, cho biết:

“Với tư cách là một nữ du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, đương nhiên là em phản đối chính sách của thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang. Bởi vì thứ nhất, rõ ràng đây là một chính sách phân biệt, trọng nam khinh nữ. Nếu là về vấn đề thiếu dân số, thanh niên nông dân ế vợ thì sinh viên Việt Nam không có nghĩa vụ phải giải quyết những vấn đề nội bộ này của Hàn Quốc.

Thứ hai, những người đàn ông này đã bị chính những người phụ nữ của đất nước họ từ chối để đến độ tuổi mà họ không thể lấy được vợ thì tại sao đối tượng tiếp theo được nhắm đến lại là nữ du học sinh Việt Nam? Cái này thể hiện rõ sự phân biệt với người nước ngoài.

Thứ ba, mục đích chính của du học sinh đến Hàn Quốc là để học tập, đến để lấy tri thức và số lượng du học sinh ở lại Hàn Quốc để kết hôn cũng chỉ chiếm số lượng nhỏ. Phải công nhận một điều rằng số lượng các cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc có một phần không nhỏ là người Việt. Tuy nhiên, số lượng các bạn du học sinh tới Hàn Quốc để kết hôn là quá nhỏ để đưa ra hẳn một chính sách nhắm tới một cộng đồng lớn như thế được.

Cuối cùng, có nhiều cách tốt hơn để thành phố này có thể giải quyết những vấn đề của họ mà không liên quan tới cộng đồng người nước ngoài. Họ có thể đầu tư phát triển các mặt khác như về kinh tế, giáo dục, y tế, phúc lợi để người dân ở lại chứ không phải để kéo thêm những người vốn đến nước họ để học tập ở lại để tăng dân số cho họ”.

Làn sóng phản đối ở Hàn Quốc

Chiến dịch của thành phố Mungyeong đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội từ các nhóm nhân quyền. Cụ thể, Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di trú Hàn Quốc đã cùng 63 nhóm dân sự và 144 cá nhân khác đã đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc để kiện chính quyền thành phố Mungyeong vì cho rằng chiến dịch của họ đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư. Dưới góc nhìn của một cô dâu Việt tại Hàn Quốc, chị Hiền cho biết:

“Nói chung kết hôn là cái duyên cái số, nhưng khi họ khuyến khích những người ở vùng nông thôn kết hôn với du học sinh - ở đây mình không phân biệt những người ở vùng nông thôn là người giàu hay nghèo, khó hay dễ - nhưng quan trọng lấy nhau là phải hợp và tuổi tác cũng phải cân xứng. Vì bình thường nếu như những người ở vùng nông thôn mà người ta đã ế vợ và tuổi của họ rơi vào tầm 50-60 tuổi thì tất nhiên là không thể lấy du học sinh. Theo tôi, đó là một đôi đũa quá lệch, không thể để một bạn du học sinh lấy một người quá già”.

Theo đà diễn biến của sự việc, ngày 28/05/2021, giám đốc Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di trú Hàn Quốc đã tổ chức họp báo trước trụ sở Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn quốc. Trong buổi họp báo này, các du học sinh Việt Nam có mặt cũng bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt. Theo họ, “công văn của thành phố Mungyeong sẽ hình thành nên những định kiến tiêu cực, rằng du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ để kết hôn. Chúng tôi muốn đến đây để tiếp thu nền giáo dục tiên tiến, chứ không phải để kết hôn”. Một người khác “chân thành kêu gọi chính quyền rút lại chiến dịch. Hôn nhân nên xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên, chính quyền địa phương không nên coi một nhóm người cụ thể nào đó như một phương thức để tăng dân số”.

Tại đây, các du học sinh Việt Nam cũng yêu cầu thị trưởng thành phố Mungyeong phải xin lỗi, điều tra về tiến độ của dự án và yêu cầu tổ chức các lớp học về chống phân biệt chủng tộc cho các quan chức thành phố Mungyeong. Rất nhiều tờ báo lớn của Hàn Quốc cũng đưa tin về sự việc này, trong đó họ còn cho rằng đây là một hành vi làm xấu mặt quốc gia.

Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, thành phố Mungyeong đã phải tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dừng dự án này và chuẩn bị các thủ tục phản hồi theo yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.”

Những cái nhìn khác của người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc

Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng cũng có một số bạn trẻ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vấn đề này. Hoài An, sinh viên nữ học tiếng tại Hàn Quốc cho biết:

“Thật ra, theo ý kiến của riêng em, em cảm thấy không có vấn đề gì hết, vì người ta chỉ khuyến khích chứ không ép buộc. Nếu vấn đề này xảy ra cũng chỉ là do du học sinh đó có muốn hay không chứ không có gì phải phản đối về chính sách này cả”.

Hoặc theo ý kiến của anh Tân, đang làm việc tại Hàn Quốc và có vợ là du học sinh người Việt:

“Trước tiên mình đứng ở phương diện đàn ông thì quan điểm môi giới hôn nhân là một điều cần thiết nhưng cách thức làm của tỉnh đó mà nhằm đến du học sinh Việt Nam thì mình hoàn toàn không đồng ý. Bởi vì thứ nhất là cảm thấy thiếu sự tôn trọng đối với những du học sinh nữ không chỉ riêng Việt Nam mà các nước khác. Và cảm giác họ coi thường tiêu chuẩn để tìm một người bạn đời của một du học sinh Việt Nam. Nếu chính sách đó họ lưu hành nội bộ thôi thì không sao nhưng họ đưa ra những văn bản mang tính pháp lý thì mình hoàn toàn không đồng ý với quan điểm ấy”.

Việt Nam hiện đang đứng đầu về số phụ nữ kết hôn với nam giới Hàn Quốc với khoảng 6.000 người mỗi năm. Ở Hàn Quốc không khó để tìm kiếm các cơ sở môi giới kết hôn cho người Hàn với cô dâu Việt Nam cùng với các biển quảng cáo, băng rôn có treo hình ảnh của phụ nữ Việt Nam mặc áo dài.

Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, việc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc được cho là giúp “đổi đời” cho những bạn gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng trên thực tế, cô dâu Việt tại Hàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, bị phân biệt đối xử từ gia đình chồng. Một số trường hợp các cô dâu Việt còn bị lạm dụng, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bạo hành và có ít nhất 19 người đã bị sát hại trong vòng 10 năm qua. Những vụ việc như chồng Hàn Quốc đánh đập hay giết hại vợ là người Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo, gây lên một nỗi lo ngại lớn trong cộng đồng cô dâu Việt và quan hệ giữa hai nước.

Hàn Quốc : Công luận bất bình về dự án khuyến khích nông dân lấy nữ du học sinh Việt - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten