Pháp có thật sự là một cường quốc ?
Đăng ngày:
Năm nay 2021, nước Pháp nối lại truyền thống diễu binh mừng ngày Quốc Khánh 14/07, sau một năm lỡ hẹn vì đại dịch Covid-19. Sự kiện huy động 5.000 quân nhân đến từ các lực lượng quân đội, các học viện quân sự, cùng những màn trình diễn các chiến đấu cơ trên không. Trước những hình ảnh những đội quân hùng hậu, người ta không khỏi tự hỏi : Liệu nước Pháp có thật sự là một cường quốc ?
Pháp : Cường quốc địa lý ?
Về mặt địa lý, với diện tích 550 ngàn km², Pháp là quốc gia lớn nhất tại châu Âu, nếu không tính Nga và Ukraina. Nước Pháp cũng là một trong số các quốc gia hiếm hoi sở hữu nhiều vùng lãnh thổ ở cả hai bán cầu : Từ Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương đến châu Đại Dương. Việc có được nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại đã mang lại cho Pháp một vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (10,2 triệu km²), chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ông Alain Coldefy, đô đốc – cựu tổng tư lệnh quân đội Pháp, trên đài truyền hình RTS (Thụy Sĩ) nhìn nhận đây thật sự là một thách thức lớn cho nước Pháp nói chung, và hải quân Pháp nói riêng trong việc bảo vệ chủ quyền, tài nguyên lãnh thổ do thiếu phương tiện và thiện chí chính trị.
« Cần phải có các phương tiện hàng hải, không quân, vệ tinh quan sát và trinh thám, rồi sau đó phải có cả các phương tiện can thiệp, kể cả bằng các phương tiện trên bộ mà người ta có thể triển khai để bảo vệ tất cả những vùng không gian lãnh hải bao la đó và cả những nguồn tài nguyên trên mặt nước, dưới nước, ở đáy đại dương và nằm sâu dưới đáy đại dương.
Đúng là hiện nay, có một sự thiếu quan tâm rất lớn. Nhìn chung, điều này giống hình ảnh một chiếc két, trong đó có chứa một kho báu và chiếc hộp này thì được mở, ai đi ngang cũng có thể cướp bóc lấy. Chính bản thân chúng tôi phải xác định xem làm sao chúng ta có thể làm tốt hơn, nhưng cần phải có các phương tiện và một quyết tâm chính trị. Cả hai điều này, vốn dĩ có liên quan đến sức mạnh hải quân Pháp, chúng tôi đều thiếu một chút. »
Cường quốc hạt nhân và một ngân sách quốc phòng khiêm tốn
Dù vậy, vị thế cường quốc của Pháp được khẳng định rõ ở chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Và cuộc diễu binh 14/7 truyền thống hàng năm có thể được ví như là một chiếc tủ kính về sức mạnh quân sự của Pháp. Trên thực tế, tại châu Âu, chỉ có Pháp và Anh có một quân đội hoàn chỉnh, có khả năng triển khai tác chiến ngoài lãnh thổ như tại Afghanistan, Syria, Libya, Irak hay tại Sahel…
Ngoài ra, khoảng 11 ngàn binh sĩ của Pháp được bố trí thường trực rải rác ở nhiều nơi trên thế giới như tại Litva, Djibouti, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cũng như ở các vùng lãnh thổ hải ngoại Antilles, Guyanne, Mayotte, Réunion, New Caledonia…
Nhưng ngân sách dành cho quân đội và các chiến dịch quân sự lại là một con số khá khiêm tốn chỉ hơn 50 tỷ đô la mỗi năm, thua xa Hoa Kỳ (732 tỷ), Trung Quốc (261), Ấn Độ (71,1), Nga (65,1) và Ả Rập Xê Út (61 ,9), song vẫn đứng trước Đức (49,3), Anh (48,7) và Nhật Bản (47,6), theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hòa Bình – SIPRI về ngân sách quốc phòng các nước năm 2019.
Với một ngân sách như vậy, liệu có đủ cho nền quốc phòng nước Pháp ? Ông Alain Coldefy, nhận định như sau:
« Mức ngân sách này tương xứng với các năng lực đầu tư của Pháp cho quốc phòng, đây cũng là số tiền mà toàn bộ ngân sách Nhà nước có thể gánh được. Chính mức tối thiểu, mức sàn này còn làm cho tình hình trở nên khó khăn bởi vì có quá nhiều khoản cắt ngân sách kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và giai đoạn tiếp theo là một giai đoạn mà ở đó các mối nguy hiểm không mấy gì rõ ràng theo như cách nhìn của người dân Pháp. »
Để khẳng định vị thế của mình, nước Pháp dựa vào năng lực tấn công hạt nhân. Một phần mười ngân sách quốc phòng (tức khoảng 5 tỷ đô la) là dành cho năng lực răn đe hạt nhân. Một tỷ lệ đều đặn cho phép Pháp phát triển các loại vũ khí hạt nhân để trang bị cho tầu ngầm, chiến đấu cơ và phòng thủ trên bộ, bảo đảm sự sinh tồn cho đất nước trước những mối đe dọa ngày càng nhiều và muôn hình vạn trạng, trong một thế giới ngày càng bất định, khó lường.
Với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, liệu con số này có hơi quá nhiều khi người ta biết rằng chỉ cần một đầu đạn duy nhất, nước Pháp đã có thể phá hủy Matxcơva và những vùng phụ cận của Nga ?
« Pháp là một nước có đến 67 triệu dân, cùng với nhiều cơ sở hạ tầng, tài nguyên. Nếu như các lợi ích sống còn bị tấn công, Pháp sẽ đáp trả bằng cách phá hủy tương xứng với những thiệt hại của Pháp. Chúng tôi không muốn đặt ngưỡng cao hơn, mà cũng không thấp hơn. Đúng là không có một mức độ rõ ràng. Một chiếc tầu ngầm phóng tên lửa hạt nhân như Pháp đang có hiện nay, có sức công phá mạnh hơn 800 lần so với quả bom thả xuống Hiroshima. Nghe qua thấy có vẻ quá lớn nhưng chúng không được sử dụng như là một vũ khí trên chiến trường. Đây là một vũ khí răn đe. »
Một nền công nghiệp vũ khí tân tiến
Một trong những cột trụ chính giúp Pháp giữ vững vị thế cường quốc phải kể đến ngành công nghiệp quốc phòng. Naval Group với những chiếc tầu ngầm hạt nhân đời mới, Thalès chuyên cung cấp các hệ thống giám sát, hay Dassault với những chiến đấu cơ Rafale hiện đại… đây là những con chim đầu đàn của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Theo bộ Quân Lực, tổng cộng Pháp có khoảng hơn một chục tập đoàn lớn, hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra khoảng 200 000 lao động trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Thế mạnh này không chỉ giúp Paris hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài để trang bị vũ khí, mà còn là một công cụ gây áp lực trên trường quốc tế. Số liệu từ SIPRI cho giai đoạn 2015-2019 cho thấy Pháp là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ ba, với thị phần khá khiêm tốn 7,9%, thua xa Nga (21%) và Mỹ (36%).
Nhưng với ông Alain Coldefy, đây thật sự là một niềm tự hào của nước Pháp. Và đây cũng chính là một trong số những công cụ không thể thiếu cho phép Pháp duy trì quyền tự chủ trong các quyết định.
« Đương nhiên, người ta không thể nào làm hết tất cả, vào bất cứ lúc nào. Nhưng ngành công nghiệp quốc phòng này, mà nếu không có chúng, sẽ không có phòng vệ, điều này ai cũng biết cả, hiện đang đi đầu về công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như những chiếc tầu ngầm và hàng không mẫu hạm hạt nhân, trên thế giới chỉ có hai nước là có thể tự sản xuất từ A đến Z, đó là Mỹ và Pháp, những nước thực hiện chúng một cách có hiệu quả. Thế nên, chúng tôi có một nền công nghiệp mà chúng phải đi đầu trên bình diện kỹ thuật và công nghệ. Đó chính là lợi thế chất lượng của chúng tôi so với đối thủ cạnh tranh ».
Lợi ích kinh tế, chiến lược trên cả nhân quyền ?
Trong 10 năm gần đây, khách hàng chính của ngành công nghiệp vũ khí Pháp là Ấn Độ, Qatar, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nước Pháp gần đây cũng nỗ lực hướng vào châu Âu, tìm kiếm nguồn khách hàng thứ 6 như hợp đồng bán cho Bỉ 400 xe bọc thép, chiến đấu cơ Rafale cho Hy Lạp, hay hợp đồng cung cấp 12 chiếc tầu ngầm Suffren – thế hệ tầu ngầm hạt nhân mới nhất – cho Úc.
Thế nhưng, khách mua của Pháp không phải lúc nào cũng là những khách hàng có thể đại diện cho hình ảnh của nước Pháp, cũng như không phải là những đồng minh an toàn nhất. Trong số các nước trên, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bị cáo buộc có can dự trực tiếp vào xung đột ở Yemen. Điều này ít nhiều cũng làm cho nước Pháp và ngành công nghiệp quân sự bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.
Về điểm này, ông Alain Coldefy có những giải thích như sau :
« Đây là một khó khăn thật sự. Tại Pháp, từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, xuất khẩu thiết bị chiến tranh bị cấm. Chính văn phòng thủ tướng chính phủ quyết định tất cả các thương vụ bán vũ khí bất kể đó là một chiếc camera nhìn đêm hay một chiếc tầu chiến, một xe bọc thép…
Mỗi lần như vậy, họ phân tích sàng lọc theo các lợi ích kinh tế, chiến lược của Pháp và chất lượng khách hàng. Nhưng có một điều rõ ràng là người ta cố gắng tránh hiện tượng "mua đi bán lại", nghĩa là một khách hàng đáng tin cậy sẽ bán lại cho một khách hàng khác không đáng tin cậy.
Giờ chúng ta trong sự cạnh tranh, sản phẩm của chúng tôi cần phải bán được. Giống như trong những lĩnh vực khác, tài chính chẳng hạn, tiền cất trong ngân hàng tại nhiều nước đôi khi chưa hẳn là những đồng tiền sạch ».
Một tầm ảnh hưởng đang đà suy thoái
Tuy nhiên, sức mạnh quân sự chưa phải là yếu tố duy nhất để khẳng định vị thế cường quốc. Ngoại giao, Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục,... nhiều lĩnh vực khác góp phần làm nên thế mạnh siêu cường.
Thế nên, Frédéric Charillon, giáo sư các trường đại học về khoa học chính trị trên trang mạng IRIS cho rằng « một cường quốc, chính là phải có một tầm ảnh hưởng. Một mặt, đây chính là khả năng thuyết phục các nước khác thực hiện những gì mà một mình họ không thể làm được. Mặt khác, đó còn là khả năng lôi kéo, nghĩa là tập hợp được một liên minh, một liên quân các nước ở phía sau mình. Đó cũng chính là những gì nước Pháp đang muốn thực hiện ».
Về điểm này, giới quan sát đều có chung một nhận định khả năng gây ảnh hưởng của Pháp đang có dấu hiệu thoái trào, dù rằng Paris có trong tay một số công cụ ảnh hưởng khá quan trọng như Tổ chức Quốc tế các nước nói tiếng Pháp, quy tụ 88 nước thành viên và quan sát viên. Pháp cũng có nhiều mối liên minh nằm rải rác ở 132 quốc gia.
Tại châu Phi, sự hiện diện nước Pháp vẫn còn ở 17 trong số khoảng 30 quốc gia cựu thuộc địa nhưng tầm ảnh hưởng của Pháp cũng đã bị giảm đi đáng kể vào lúc tại châu lục này ngày càng có nhiều tác nhân mới như Nga, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ cùng tranh giành ảnh hưởng với Pháp.
Pháp có thật sự là một cường quốc ? - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)
Pháp : TT Macron công bố tầm nhìn chiến lược quốc phòng và răn đe hạt nhân
Đăng ngày:
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 07/02/2020 công bố kế hoạch tầm nhìn chiến lược về quốc phòng và răn đe hạt nhân của Pháp, đồng thời dự kiến tăng cường đối thoại với châu Âu về các chủ đề nói trên.
Sau khi Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu hôm 31/01/2020, Pháp hiện giờ là nước duy nhất trong Liên Âu sở hữu vũ khí nguyên tử. Nguyên thủ Pháp khẳng định vẫn chú ý tới các quyền lợi của châu Âu, trong bối cảnh quốc tế ngày càng nhiều bất ổn.
AFP trích dẫn nguồn tin từ phủ tổng thống, theo đó, trong bài phát biểu trước các sĩ quan trường Chiến Tranh (Ecole de Guerre) tại Paris, vốn rất được giới quân sự rất mong đợi, nguyên thủ Pháp Macron mô tả tình hình thế giới và trình bày tham vọng của ông, các phương tiện tối tân, bước nhảy vọt về quốc phòng, sao cho Pháp không còn thụ động trước sự thống trị của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên trường quốc tế.
Buổi đọc diễn văn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ về tầm nhìn chiến lược trong quốc phòng và răn đe hạt nhân của Pháp là việc mà tất cả các tổng thống Pháp đều phải làm, với tư cách là tổng tư lệnh quân đội và là chủ nhân học thuyết răn đe hạt nhân, vốn được Pháp coi là chìa khóa cho chiến lược quốc phòng và đảm bảo cho những lợi ích sống còn của đất nước.
Cũng theo điện Elysée, tổng thống Macron kế thừa chiến lược từ những người tiền nhiệm và cải tiến cho phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.
Tổng thống Pháp trước đây đã hứa chi 37 tỉ euro giai đoạn 2019-2025 để phát triển vũ khí nguyên tử phục vụ mục tiêu răn đe hạt nhân, tương đương 12,5% tổng ngân sách chi cho quốc phòng trong 7 năm.
Pháp : TT Macron công bố tầm nhìn chiến lược quốc phòng và răn đe hạt nhân (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten