Châu Á trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga
Đăng ngày:
Vài tuần trước cuộc họp trực tuyến giữa các lãnh đạo trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống Nga đầu tháng 7/2021 phê chuẩn văn bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS). Tài liệu này cho thấy, châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc, đã thay thế Âu – Mỹ để trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Matxcơva.
Văn bản nói trên được cập nhật sáu năm một lần. NSS luôn phân tích những mối đe dọa nhắm vào những quyền lợi của nước Nga đồng thời đề xuất những ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Matxcơva.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga phiên bản 2021 phản ánh rõ nét quan hệ tiếp tục xấu đi giữa Matxcơva và phương Tây. Nhà nghiên cứu Igor Denisov thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Matxcơva trong bài phân tích trên báo The Diplomat hôm 14/07/2021 ghi nhận : tài liệu nói trên chỉ trích phương Tây « cố tình muốn xóa bỏ những giá trị truyền thống » của nước Nga, thậm chí là đòi « xét lại vai trò và vị trí của nước Nga trong lịch sử thế giới ». Trong bối cảnh đó, NSS 2021 chủ yếu tập trung vào « ưu tiên » của Matxcơva trong quan hệ với châu Á, chính xác hơn là với Ấn Độ và Trung Quốc. Báo cáo này thậm chí nói đến một « tam giác » Ấn – Nga – Trung « cần thiết để bảo đảm ổn định và an ninh khu vực ».
Chuyên gia Igor Denisov cho biết những điểm chính trong tài liệu về an ninh của Nga : Thứ nhất, điện Kremlin tỏ ra rất thực tế trong quan hệ với các nước châu Á và Matxcơva xem Bắc Kinh cũng như New Delhi là hai « ưu tiên » trong chính sách đối ngoại của Nga. Điểm nổi bật thứ hai là Nga không chấp nhận chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ vốn đã được nhiều nước châu Á, đứng đầu là Nhật Bản và cả Ấn Độ hoan nghênh.
Thay vào đó, tổng thống Vladimir Putin, từ 2015, rồi 2019 đã liên tục quảng bá cho kế hoạch thành lập « Quan hệ Đối tác lớn Á – Âu » - Greater Eurasian Partnership (GEP), bao gồm từ Nga đến các quốc gia Đông Á, các đối tác trong vùng châu Á – Thái Bình Dương, từ châu Âu sang đến Nam và Trung Á.
Ông Denisov thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Matxcơva lưu ý, trước mắt văn bản cập nhật của Nga năm 2021 còn khá mơ hồ về những mục tiêu hội nhập kinh tế và hợp tác đa phương của dự án GEP, nhưng tầm mức chiến lược thì đã quá rõ ràng : Matxcơva nhấn mạnh rằng, « không một nền kinh tế quốc gia nào áp đặt luật chơi với phần còn lại » của GEP. Theo nhà nghiên cứu người Nga này, đây là « mũi tên » mà Matxcơva nhắm thẳng vào Bắc Kinh tránh để Trung Quốc áp đặt luật chơi với các đối tác trong khối Á – Âu rộng mở.
Một rạn nứt trong « ưu tiên » của Nga ?
Hơn thế nữa vẫn theo chuyên gia Denisov, dự án GEP nhằm làm đối trọng với Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh và qua đó là câu hỏi về mặt địa chính trị : Đó là Bắc Kinh hay Matxcơva sẽ quy định những luật chơi chung trong khối Á- Âu rộng mở đó ? Theo nhận định của tác giả bài viết trên báo The Diplomat, đã có một sự rạn nứt trong trục Nga – Trung.
Đành rằng trong tài liệu cập nhật về Chiến lược An ninh Quốc gia, Nga vẫn xem Trung Quốc là một « ưu tiên » nhưng bản NSS 2021 đã xóa cụm từ « hợp tác Nga –Trung là một yếu tố then chốt nhằm duy trì ổn định trên thế giới và trong khu vực ». Igor Denisov thận trọng cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tác động từ thay đổi nói trên.
Điểm nổi bật thứ ba trong tài liệu về an ninh của Nga liên quan đến « những điểm nóng » tại châu Á. Ngoài tình hình bán đảo Triều Tiên, lần này Matxcơva chú ý đến tình hình Afghanistan, trong bối cảnh Mỹ đang rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Không nêu đích danh Bắc Kinh và New Delhi, nhưng tài liệu NSS 2021 quan ngại về xung đột ở biên giới Ấn – Trung, hai đỉnh khác của tam giác Nga – Ấn – Trung. Sau cùng các nhà chiến lược của Nga không đả động đến tình hình ở Biển Đông hay đến nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang tại eo biển Đài Loan.
Tác giả bài viết lưu ý, chính tổng thống Putin từng định nghĩa chính sách của Nga về châu Á như sau : Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan, « mỗi bên liên quan có cách thẩm định tình hình riêng ». Qua đó Matxcơva đẩy mạnh quan hệ đối tác với Bắc Kinh nhưng cố gắng đứng ngoài xung đột Mỹ – Trung lâu chừng nào tốt chừng nấy. Cho nên dù châu Á có thể thay thế phương Tây trở thành những mối « ưu tiên » của Nga, nhưng sẽ là một ảo tưởng nếu hy vọng rằng nước Nga của ông Putin sẽ chọn đứng về một phe nào.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210716-chau-a-chien-luoc-an-ninh-nga
Geen opmerkingen:
Een reactie posten