Covid-19: Vì sao Việt Nam cảnh giác với vac-xin Trung Quốc?
Đăng ngày:
Trên chủ đề Covid-19, tuần báo Pháp L’Express số đề ngày 17/06/2021 đặc biệt nhìn sang Việt Nam để ghi nhận: Dù gặp chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng ngừa cho người dân, nhưng Việt Nam vẫn tránh không dùng vac-xin Trung Quốc. Bài viết mang tựa đề: “Không Sinovac, mà cũng không Sinopharm: Tại sao Việt Nam cảnh giác với vac-xin Trung Quốc”.
Theo thông tín viên của L’Express tại Phnom Penh, dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có những diễn biến đáng ngại. Cho dù đã quản lý được dịch bệnh một cách rất hiệu quả trong hơn một năm, sự xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam của các biến thể Anh và Ấn Độ, dễ lây lan hơn, đã làm cho số ca nhiễm tăng mạnh kể từ đầu tháng Năm. Bùng lên trở lại ở miền Bắc, dịch bệnh đã lan rộng khắp nước, buộc chính quyền phải tiến hành việc phong tỏa cục bộ ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam.
Vấn đề, theo L’Express, là Việt Nam lại thiếu vac-xin để chích ngừa cho người dân. Trong thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam đã tăng tốc độ mua vac-xin, nhưng khoảng 120 triệu liều thuốc chủng đặt mua trực tiếp từ các nhà sản xuất (AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna và Sputnik V) hoặc thông qua kế hoạch quốc tế Covax, vẫn chậm đến nơi.
Hệ quả là hiện chỉ có gần 1,5% dân số được tiêm mũi đầu tiên, và trong khối ASEAN, Việt Nam là nước đi chậm nhất trong chiến dịch tiêm chủng. Theo L’Express, tính đến ngày 13/06, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam chỉ là vỏn vẹn 1,48%, trong lúc con số này lên đến 6,5% tại Thái Lan, 9,8% tại Lào và thậm chí 17,6% tại Cam Bốt.
Đối với chuyên gia Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore: “Mục tiêu tiêm chủng cho 75 trong số 98 triệu dân trong vòng một năm của chính phủ Việt Nam dường như không thể đạt được”.
Thành viên ASEAN duy nhất dửng dưng với vac-xin Trung Quốc
Một trong những nguyên nhân giải thích sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Việt Nam là việc nước này từ chối sử dụng vac-xin Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, thuộc Đại Học Victoria ở Wellington, New Zealand, lưu ý rằng trong lúc hầu hết các quốc gia khác trong khu vực đều đang sử dụng vac-xin Trung Quốc từ Sinopharm đến Sinovac, thì Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN hoàn toàn dửng dưng với chính sách với ngoại giao vac-xin của Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu này, quyết định của Hà Nội cấp phép vào đầu tháng 6 cho vac-xin Sinopharm của Trung Quốc chỉ là bề ngoài và “chưa có cuộc thảo luận nào được tiến hành để mua vac-xin Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Bill Hayton, thuộc think tank Chatham House ở Anh Quốc thì do việc người dân Việt Nam rất nghi kỵ Trung Quốc, cho nên tính chính đáng của chính quyền Việt Nam sẽ bị sứt mẻ nếu đặt mua một lượng lớn vac-xin Trung Quốc.
Nhận vac-xin Trung Quốc thì làm sao phản đối về Biển Đông?
Vấn đề cũng mang tính địa chính trị. Căng thẳng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang chiếm đoạt các quần đảo tranh chấp với Việt Nam, cũng thúc đẩy Hà Nội bằng mọi giá tránh tìm nguồn cung ứng từ láng giềng phương bắc mà sản phẩm đã được WHO phê duyệt.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định: “Nếu chế độ chấp nhận vac-xin của Trung Quốc, thì làm sao họ có thể phản đối các hành động của Bắc Kinh trong vùng biển của khu vực?”.
L’Express đã ghi nhận một số suy nghĩ của người dân tại Việt Nam. Theo một nha sĩ ở Hà Nội, “ai cũng nghĩ rằng virus do người Trung Quốc tạo ra, vì vậy không ai muốn tiêm chủng bằng sản phẩm của họ”. Một hướng dẫn viên du lịch cũng khẳng định: “Cá nhân tôi không chấp nhận Sinovac hay Sinopharm. Tôi thích một loại vac-xin phương Tây như Pfizer-BioNTech”.
Tạp chí L’Express đã có một ghi nhận rất lý thú. Khi tẩy chay vac-xin Trung Quốc, người Việt Nam đã tích cực ủng hộ nỗ lực tìm vac-xin thay thế của chính quyền Việt Nam. Đầu tháng Sáu vừa qua, chính quyền Việt Nam đã kêu gọi người dân ủng hộ “Quỹ” vac-xin Covid-19 để giúp “mua, nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất trong nước” các sản phẩm này. Đã có 230.000 cá nhân hoặc doanh nghiệp hưởng ứng, quyên góp được hơn 260 triệu euro trong vài ngày, tương đương với một phần tư kinh phí dự kiến để tiêm chủng cho toàn dân.
Nước Đông Nam Á duy nhất trong cuộc đua chế tạo vac-xin
Tạp chí Pháp cho biết là hiện có bốn loại vắc xin nội địa đang được Việt Nam phát triển, biến Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN duy nhất tham gia cuộc đua chế tạo thuốc chủng ngừa Covid-19.
Sản phẩm hứa hẹn nhất trong số này là Nanocovax, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba vào đầu tháng 6 và có thể được Việt Nam cấp phép vào tháng 8. Công ty phụ trách phát triển Nanogen cho biết họ có thể sản xuất 10 triệu liều thuốc mỗi tháng. Theo ông Lê Hồng Hiệp sản phẩm “made in Vietnam” đó có thể “đẩy nhanh đáng kể chiến dịch tiêm chủng”.
Courrier International: Cánh tả tại Châu Âu trôi dạt về đâu?
Trang bìa các tuần báo ra giữa tháng 6 2021 này rất khác biệt nhau. Chủ đề chính trị cùng được Courrier International và L’Obs chú ý, với L’Obs quan tâm đến đà vươn lên của xu thế cực hữu trong lúc Courrier International lại nhấn mạnh trên sự suy yếu của cánh tả và tự hỏi “Cánh tả đang trôi dạt về đâu”.
Theo ghi nhận của Courrier International, ở khắp châu Âu, các đảng thuộc xu hướng trung tả trung tả đang sụp đổ, từ Hy Lạp đến Ý, từ Đức sang Pháp.
Tại Pháp, nhân cuộc bầu cử cấp vùng diễn ra vào ngày 20 và 27/06, các đảng cánh tả hầu như không đoàn kết được với nhau để tranh cử, một tình trạng chia rẽ không dự báo tốt lành gì cho cuộc bầu cử tổng thống trong một năm tới đây.
Đối với tờ báo Le Soir tại Bỉ, cục diện đã trở nên rất đơn giản: Cánh tả Pháp sẽ không thể có được một ứng cử viên thống nhất cho cuộc bầu cử tổng thống, và thậm chí nếu có được, thì khả năng đắc cử hoàn toàn không có.
Sự yếu kém của cánh tả, theo Courrier International, được thấy ở rất nhiều nơi, chứ không riêng gì ở Pháp. Tại các nước như Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, các đảng trung tả đang suy yếu, thậm chí sụp đổ. Trong Liên Hiệp Châu Âu 27 nước, hiện chỉ có sáu quốc gia là do các đảng hoặc liên minh cánh tả lãnh đạo. Và ở một số nơi với cái giá rất đắt. Tại Đan Mạch chẳng hạn, uy tín của chính phủ dân chủ xã hội đang phụ thuộc vào cách tiếp cận nghiêm khắc, đặc thù của cánh hữu đối với các vấn đề nhập cư.
Đối với nhà báo Tây Ban Nha Victor Lenore trên tạp chí Letras Libres, nguyên nhân khiến cánh tả suy yếu là việc họ đã trở thành quan lieu, chỉ biết đến bộ máy và đảng, quên đi thực tế là họ phải gắn mình với các tầng lớp bình dân.
Một ví dụ điển hình là phong trào “15-M”, phong trào Indignados, tức là “những kẻ phẫn nộ”, từng được 78% người dân số ủng hộ vào năm 2013, thế nhưng giờ đây đã xẹp xuống như một quả bong bóng xì hơi.
Tại Anh cũng vậy. Công Đảng lừng lẫy một thời giờ đây đang mất dần uy tín. Nhà báo Anh Ian Birell, trong một bài viết đăng trên trang mạng Unherd của Anh đã giải thích: “Ngày nay có rất ít cử tri có khả năng nói rõ được là Công Đảng đại diện cho điều gì, ngoài một vài khẩu hiệu mơ hồ về bình đẳng và công bằng xã hội.”
Theo Courrier International, tình trạng suy sụp uy tín đang buộc các đảng cánh tả tìm cách chinh phục lại các cử tri và hiện có hai xu thế, hoặc là chuyển hẳn sang cánh tả, hoặc là dùng lá bài xanh của các phong trào bảo vệ sinh thái.
Tại Pháp chẳng hạn, để doàn kết được những người theo cánh tả, có vẻ như những dự án hay động lực chung cao xa không còn hiệu nghiệm, mà là một cuộc đấu tranh có đối tượng cụ thể: Chống lại cực hữu. Bằng chứng: các cuộc tuần hành vào thứ Bảy ngày 12 tháng 6 đòi quyền tự do đã quy tụ hàng chục nghìn người trên toàn quốc (37.000 người theo Bộ Nội Vụ, 150.000 người theo ban tổ chức).
L'Obs: Cuộc tấn công mang tính chất phản động
Xu hướng cực hữu quả là đang trở thành mối đe dọa cho các xã hội dân chủ. Ít ra đây là nhân định của tuần báo thiên tả Pháp L’Obs. trong một hồ sơ được nêu bật trong hàng tựa trang bìa “Cuộc tấn công phản động”.
Theo L’Obs, ngày nay, “Tư tưởng cực hữu ngày càng được bộc lộ nhiều hơn trên truyền hình, trên mạng hay báo chí, đến mức giành được ưu thế trong các cuộc tranh luận công khai. Đây là kết cuộc của một chiến lược được thực hiện trong một thời gian dài: đầu tiên là chinh phục tư tưởng, tâm trí để sau đó giành chiến thắng nơi thùng phiếu”.
Tờ báo cánh tả rất chua chát: “Làm thế nào mà chúng ta đã để đi đến mức này? Phe cực hữu giờ đây đã chiếm lĩnh không gian. Ý tưởng cực hữu phát triển mạnh trong lòng đất nước. Các chủ đề như “cuộc xâm lược của người nhập cư”, “những tác hại của chủ nghĩa toàn cầu”, “sự cần thiết tái lập biên giới quốc gia”, đều đánh dấu những cuộc tranh luận công khai”.
Bên cạnh các nhà chính khách rao giảng các lập luận cực hữu truyền thống, một tầng lớp trẻ đã nổi lên, chiếm cứ các kênh tin tức 24 giờ, các hiệu sách, các mạng xã hội. Theo L’Obs: “Họ không phải là những kẻ cuồng tín đi theo đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN), nhưng bằng cách chinh phục tâm trí của mọi người, họ đang mở đường cho Marine Le Pen.”
L’Express: Không nên để Wikipedia bị thao túng
Tuần báo L'Express cũng lo lắng, nhưng lại về Wikipedia, bộ bách khoa toàn thư trên mạng, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị thao túng. Dưới tựa lớn trang bìa “Đúng thế, tôi đã đọc thấy như vậy trên Wikipedia”, tờ báo kêu gọi bảo vệ tính trung thực của nguồn thông tin miễn phí hiện có đến 55 triệu đề mục, viết bằng 309 thứ tiếng trên thế giới.
Trong một hồ sơ dài 6 trang, L’Express nhắc lại rằng riêng tại Pháp, 2,3 triệu bài viết đã đóng vai trò một cẩm nang văn hóa chung cho khoảng 32,6 triệu khách đã truy cập vào trang của Wikipedia riêng trong tháng 4 năm 2021.
Tờ báo Pháp tuy nhiên cũng cảnh báo: Không phải vì được đăng trên Wikipedia mà thông tin nhất thiết phải xác thực. Lý do là vì Wikipedia hoạt động theo mô hình cộng tác - có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi nội dung trong thời gian thực - và các sai sót có thể được thêm vào đề mục.
Tuy nhiên khả năng bị phá hoại có xu hướng bớt dần đi, một mặt, vì các trang mà “kẻ phá hoại” tấn công nhiều nhất đều bị một đội quân “tuần tra” theo dõi chặt chẽ. Đó là những tình nguyện viên Wikipedia sẵn sàng dành hàng giờ để theo dõi những "kẻ phá hoại" trong rừng Internet. Mặt khác, những người sử dụng tinh tế giờ đây không chỉ dựa vào văn bản mà còn tham khảo các nguồn trích dẫn bắt buộc cho mỗi đoạn văn. Những nguồn này dẫn đến những bài tham khảo bên ngoài, thường là một nghiên cứu khoa học hoặc một bài báo nghiêm túc.
Chính uy tín ngày càng tăng của Wikipedia đã khiến cho một số người muốn lợi dụng để tổ hồng bản thân hoặc bôi đen đối thủ. Một số cá nhân hay thực thể, từ giới kinh tế, chính trị hoặc trí thức, đã không ngần ngại thuê người đội lốt người sử dụng bình thường, để viết bài mang tính quảng cáo quá mức cho bên đi thuê.
L'Express cho biết là vào tháng 5 năm 2020 chẳng hạn, một người quản lý trang Wikipedia lấy bí danh là “Jules” đã giải thể được một mạng lưới các tài khoản chuyên viết bài tán tụng khách thuê mình. Trong số những người đi thuê, có những tên tuổi như tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, dây chuyền sieur thì Carrefour, thâm chí cả tập đoàn điện lực Pháp EDF!
Le Point: Covid-19 làm người Pháp "lười" đi?
Cũng trong lãnh vực xã hội, Le Point tuần này đặc biệt nhấn mạnh đến một ảnh hưởng bất ngờ của cuộc khủng hoảng Covid-19, nói về: “Những người Pháp hiện không còn muốn làm việc” - tựa lớn trang bìa trên nền ảnh một người nằm võng dưới bóng cây mát mẻ, ở phía sau là một cánh đồng xanh ngập nắng.
Đối với Le Point, những người được gọi là “những người bỏ ngũ mới” (nouveaux décrocheurs), đã xem ngày 09/06/2021 vừa qua, tức là ngày chính thức dỡ bỏ phong tỏa để mọi người trở lại sở làm, như là một ràng buộc mới, thậm chí là một hình phạt. Họ không còn hăng hái làm việc sau hàng tháng trời không đến nhiệm sở.
Tuần báo đã trích dẫn một nghiên cứu theo đó, gần một nửa số nhân viên được hỏi cho biết sẽ không còn hăng say để “hồi sinh” trong lao động như trước đây. Tờ báo đã nêu ví dụ của một nữ nhân viên cửa hàng, đã ở không từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 6 vừa rồi.
Bà đã đi làm trở lại với một tâm trạng nặng nề, không còn nhiệt tình nữa, tương tự như 48% nhân viên được hỏi theo nghiên cứu mới nhất gần đây của hãng quản lý nhân sự Workday.
Bà mẹ ba con này thừa nhận đã thích những “tiện nghi” của một cuộc sống ngọt ngào hơn: “Tôi làm việc theo hơp đồng bán thời gian, tôi được bù 100% tiền lương và vẫn được ở nhà. Không còn vất vả với công việc di chuyển, không còn bị áp lực với doanh số, tôi đang bắt đầu nhìn vào một con đường khác. Tôi chưa biết nên chọn con đường nào, nhưng tôi chắc rằng giờ đây tôi không muốn cuộc sống này nữa. Thật quá mệt mỏi.”
Theo nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann được Le Point phỏng vấn: “Tâm trạng chán nản đó liên quan đến tất cả các tầng lớp xã hội”. Theo một cố vấn bộ trưởng, “các chủ doanh nghiệp đã báo cáo về một sự trở lại làm việc phức tạp, mọi người có vẻ miễn cưỡng đến làm việc, khăng khăng yêu cầu chỉ đến sở hai ngày hoặc tự quyết định kéo dài ngày nghỉ cuối tuần của họ...”
Một ví dụ khác được tuần báo Pháp nêu bật: Nhân công trong các ngành thủ công đang bị thiếu, chẳng hạn như ngành bán thịt tại Pháp đang bị thiếu gần 5.000 người.
Covid-19: Vì sao Việt Nam cảnh giác với vac-xin Trung Quốc? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten